Bản dịch tiếng Việt (trên TED chưa có transcript tiếng Việt) bài nói của nhà sử học nổi tiếng Yuval Noah Harari trên TED
Xin chào các bạn. Khá buồn cười là tôi đã viết rằng con người sẽ bị số hóa, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ xảy ra nhanh đến thế và xảy ra với tôi. Bây giờ tôi ở đây, trong hình hài một avatar số (digital avatar). Các bạn cũng đang ở đây, nên ta bắt đầu nhé. Và hãy bắt đầu bằng một câu hỏi: có bao nhiêu phát xít trong khán phòng?
(tiếng cười)
Chà, hơi khó nói, vì chúng ta đã quên chủ nghĩa phát xít là gì. Mọi người bây giờ sử dụng thuật ngữ “phát xít” như một từ mắng thông dụng. Hoặc họ nhầm lẫn chủ nghĩa phát xít với chủ nghĩa dân tộc. Vì vậy, hãy dành vài phút để làm rõ chủ nghĩa phát xít thực sự là gì và nó khác với chủ nghĩa dân tộc như thế nào.
Các hình thức ôn hòa của chủ nghĩa dân tộc là một trong những sáng tạo hướng thiện nhất của con người. Các quốc gia là cộng đồng của hàng triệu người lạ không thực sự biết nhau. Ví dụ, tôi không biết tám triệu người có chung quốc tịch Israel. Nhưng nhờ chủ nghĩa dân tộc, tất cả chúng tôi có thể quan tâm đến nhau và hợp tác hiệu quả. Điều này là rất tốt. Một số người, như John Lennon, tưởng tượng rằng nếu không có chủ nghĩa dân tộc, thế giới sẽ là một thiên đường hòa bình. Nhưng nhiều khả năng, nếu không có chủ nghĩa dân tộc, chúng ta sẽ sống trong sự hỗn loạn bộ lạc. Nếu hôm nay bạn nhìn vào các quốc gia thịnh vượng và hòa bình nhất trên thế giới như Thụy Điển, Thụy Sĩ và Nhật Bản, bạn sẽ thấy rằng họ có ý thức rất mạnh về chủ nghĩa dân tộc. Ngược lại, các quốc gia thiếu ý thức về chủ nghĩa dân tộc, như Congo, Somalia hay Afghanistan, thì có xu hướng bạo lực và nghèo nàn.
Vậy chủ nghĩa phát xít là gì, và nó khác với chủ nghĩa dân tộc như thế nào? Chủ nghĩa dân tộc bảo tôi rằng quốc gia của tôi là duy nhất (unique) và tôi có nghĩa vụ đặc biệt đối với quốc gia của mình. Ngược lại, chủ nghĩa phát xít nói với tôi rằng quốc gia của tôi là tối cao và tôi có nghĩa vụ tuyệt đối (exclusive) với nó. Tôi không cần quan tâm đến bất cứ ai hay bất cứ điều gì khác ngoài quốc gia của tôi. Thông thường, mọi người có nhiều bản sắc (identity) và gắn bó với các nhóm khác nhau. Chẳng hạn, tôi có thể là một người yêu nước, gắn bó với đất nước của mình, đồng thời, gắn bó với gia đình, hàng xóm, nghề nghiệp của tôi, cả nhân loại, với sự thật và cái đẹp. Tất nhiên, khi tôi có nhiều bản sắc và gắn bó khác nhau, đôi khi nó tạo ra xung đột và phức tạp. Nhưng, rốt cuộc, có ai nói với bạn rằng cuộc sống dễ dàng? Cuộc sống là phức tạp. Hãy chấp nhận.
Chủ nghĩa phát xít là những gì xảy ra khi mọi người bỏ qua sự phức tạp và làm cuộc sống trở nên quá đơn giản cho họ. Chủ nghĩa phát xít phủ nhận tất cả các bản sắc ngoại trừ bản sắc dân tộc và khẳng định rằng tôi chỉ có nghĩa vụ đối với quốc gia của mình. Nếu quốc gia của tôi yêu cầu tôi hy sinh gia đình, thì tôi sẽ hy sinh gia đình. Nếu quốc gia yêu cầu tôi giết hàng triệu người, thì tôi sẽ giết hàng triệu người. Và nếu quốc gia của tôi yêu cầu tôi phản bội sự thật và cái đẹp, thì tôi nên phản bội sự thật và cái đẹp. Ví dụ, một kẻ phát xít đánh giá nghệ thuật như thế nào? Làm thế nào để một kẻ phát xít quyết định xem một bộ phim là một bộ phim hay hay một bộ phim tồi? Chà, nó rất, rất, rất đơn giản. Thực sự chỉ có một thước đo: nếu bộ phim phục vụ lợi ích của quốc gia, thì đó là một bộ phim hay; nếu bộ phim không phục vụ lợi ích của quốc gia, thì đó là một bộ phim tồi. Thế đấy. Tương tự như vậy, làm thế nào để một kẻ phát xít quyết định dạy gì cho trẻ em ở trường? Một lần nữa, nó rất đơn giản. Chỉ có một thước đo: dạy bọn trẻ bất cứ điều gì phục vụ lợi ích của quốc gia. Sự thật chẳng có ý nghĩa gì.
Thời nay, tai họa của Thế chiến hai và của Holocaust nhắc nhở chúng ta về những hậu quả khủng khiếp của lối suy nghĩ này. Nhưng thường khi nói về những căn bệnh của chủ nghĩa phát xít, chúng ta làm không hiệu quả, bởi vì ta có xu hướng mô tả chủ nghĩa phát xít là một con quái vật gớm ghiếc, mà không giải thích nó quyến rũ thế nào. Hơi giống phim Hollywood mô tả những kẻ xấu – Voldemort, Sauron hay Darth Vader – xấu xí, thô bạo và độc ác. Họ độc ác ngay cả với những người theo họ. Khi tôi xem những bộ phim này, tôi không hiểu – tại sao mọi người bị cám dỗ đi theo một kẻ đáng sợ như Voldemort? Vấn đề với cái ác là trong cuộc sống thực, cái ác không nhất thiết trông xấu xí. Nó có thể trông rất đẹp. Đây là điều mà Kitô giáo biết rất rõ, đó là lý do tại sao trong nghệ thuật Kitô giáo, ngược với Hollywood, Satan thường được miêu tả là một người đàn ông tuyệt đẹp. Đây là lý do tại sao rất khó để chống lại những cám dỗ của Satan và tại sao cũng khó để chống lại những cám dỗ của chủ nghĩa phát xít.
Chủ nghĩa phát xít làm cho mọi người thấy mình thuộc về thứ đẹp nhất và quan trọng nhất trên thế giới – quốc gia. Và rồi mọi người nghĩ, “chà, tôi được dạy rằng chủ nghĩa phát xít thật xấu xí. Nhưng khi tôi nhìn vào gương, tôi thấy một thứ gì đó rất đẹp, vì vậy tôi không thể là một kẻ phát xít, phải không?” Sai rồi. Đó là vấn đề với chủ nghĩa phát xít. Khi bạn nhìn vào gương phát xít, bạn thấy mình đẹp hơn rất nhiều so với thực tế. Vào những năm 1930, khi người Đức nhìn vào tấm gương phát xít, họ thấy Đức là thứ đẹp nhất trên thế giới. Nếu ngày nay, người Nga nhìn vào gương phát xít, họ sẽ thấy Nga là điều đẹp nhất trên thế giới. Và nếu người Israel nhìn vào gương phát xít, họ sẽ thấy Israel là điều đẹp nhất trên thế giới. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta đang phải đối mặt với sự khởi động lại của những năm 1930.
Chủ nghĩa phát xít và chế độ độc tài có thể quay trở lại, nhưng chúng sẽ trở lại dưới hình thức mới, một hình thức phù hợp hơn nhiều với thực tế công nghệ mới của thế kỷ 21. Vào thời cổ đại, đất đai là tài sản quan trọng nhất trên thế giới. Chính trị, do đó, là cuộc đấu tranh để kiểm soát đất đai. Và chế độ độc tài có nghĩa là tất cả đất đai thuộc sở hữu của một người cai trị duy nhất hoặc bởi một nhóm đầu sỏ nhỏ. Và trong thời đại hiện đại, máy móc trở nên quan trọng hơn đất đai. Chính trị trở thành cuộc đấu tranh để kiểm soát các máy móc. Và chế độ độc tài có nghĩa là quá nhiều máy móc đã trở thành tập trung trong tay chính phủ hoặc của một tầng lớp nhỏ. Bây giờ dữ liệu đang thay thế cả đất và máy móc là tài sản quan trọng nhất. Chính trị trở thành cuộc đấu tranh để kiểm soát các luồng dữ liệu. Và chế độ độc tài bây giờ có nghĩa là quá nhiều dữ liệu đang được tập trung trong tay của chính phủ hoặc của một tầng lớp nhỏ.
Mối nguy hiểm lớn nhất hiện nay mà nền dân chủ tự do phải đối mặt là: cuộc cách mạng về công nghệ thông tin sẽ làm cho các chế độ độc tài hiệu quả hơn các nền dân chủ.
Trong thế kỷ 20, thể chế dân chủ và chủ nghĩa tư bản đã đánh bại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản vì thể chế dân chủ hiệu quả hơn trong việc xử lý dữ liệu và đưa ra quyết định. Với công nghệ của thế kỷ 20, đơn giản là không hiệu quả khi cố gắng tập trung quá nhiều dữ liệu và quá nhiều quyền lực ở một nơi.
Nhưng không có quy luật tự nhiên nào bảo rằng xử lý dữ liệu tập trung luôn kém hiệu quả hơn so với phân tán. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và học máy, hoàn toàn có thể xử lý một lượng thông tin khổng lồ rất hiệu quả ở một nơi, đưa ra tất cả các quyết định ở một nơi, và khi đó xử lý dữ liệu tập trung sẽ hiệu quả hơn phân tán. Và lúc đó, khuyết tật chính của các chế độ độc đoán trong thế kỷ 20 – nỗ lực tập trung tất cả thông tin vào một nơi – sẽ trở thành lợi thế lớn nhất của họ.
Một mối nguy hiểm công nghệ khác đe dọa đến tương lai của nền dân chủ là sự hợp nhất của công nghệ thông tin với công nghệ sinh học, điều này có thể dẫn đến việc tạo ra các thuật toán hiểu ta hơn chính ta. Và một khi có những thuật toán như vậy, một hệ thống bên ngoài, như chính phủ, không chỉ có thể dự đoán được quyết định của tôi, mà còn có thể điều khiển cảm xúc của tôi. Một kẻ độc tài có thể không cung cấp cho tôi dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, nhưng hắn sẽ có thể khiến tôi yêu hắn và ghét bên đối lập. Khi đó nền dân chủ sẽ khó sống sót bởi vì, rốt cuộc, dân chủ không dựa trên lý tính của con người; mà dựa trên cảm xúc. Trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý, bạn không hề được hỏi, “Bạn nghĩ gì?” mà đang thực sự được hỏi, “Bạn cảm thấy thế nào?” Và nếu ai đó có thể điều khiển cảm xúc của bạn một cách hiệu quả, dân chủ sẽ trở thành một màn múa rối cảm xúc.
Vậy chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn sự trở lại của chủ nghĩa phát xít và sự trỗi dậy của chế độ độc tài mới? Câu hỏi số một mà chúng ta phải đối mặt là: Ai kiểm soát dữ liệu? Nếu bạn là một kỹ sư, thì hãy tìm cách ngăn chặn việc quá nhiều dữ liệu tập trung trong quá ít tay. Và tìm cách để đảm bảo rằng xử lý dữ liệu phân tán ít nhất là hiệu quả như xử lý tập trung. Đây sẽ là sự bảo vệ tốt nhất cho nền dân chủ. Đối với phần còn lại của chúng ta không phải là kỹ sư, câu hỏi số một với ta là làm thế nào để không cho phép bản thân bị thao túng bởi những người kiểm soát dữ liệu.
Những kẻ thù của nền dân chủ tự do có một phương pháp. Họ hack cảm xúc của ta. Không phải email, không phải tài khoản ngân hàng – họ hack cảm giác sợ hãi, thù ghét và kiêu căng của ta, sau đó sử dụng những cảm xúc này để phân cực và phá hủy nền dân chủ từ bên trong. Đây thực sự là một phương pháp mà Thung lũng Silicon tiên phong để bán sản phẩm cho ta. Nhưng bây giờ, những kẻ thù của nền dân chủ đang sử dụng chính phương pháp này để bán cho chúng ta nỗi sợ, lòng thù ghét và kiêu căng. Họ không thể tạo ra những cảm giác này từ hư vô. Vì vậy, họ tìm điểm yếu sẵn có của ta. Và sau đó sử dụng chúng chống lại ta. Và do đó, trách nhiệm của tất cả chúng ta là phải biết điểm yếu của mình và đảm bảo rằng chúng không trở thành vũ khí trong tay kẻ thù của nền dân chủ.
Nhận biết điểm yếu của chính chúng ta cũng sẽ giúp chúng ta tránh được cái bẫy của tấm gương phát xít. Như đã giải thích, chủ nghĩa phát xít khai thác lòng kiêu căng của ta. Nó làm cho ta thấy bản thân mình đẹp hơn rất nhiều so với thực tế. Đây là sự quyến rũ. Nhưng nếu bạn thực sự biết mình, bạn sẽ không rơi vào kiểu nịnh hót này. Nếu ai đó đặt một tấm gương trước mắt bạn che giấu tất cả xấu xí của bạn và làm cho bạn thấy bản thân mình đẹp hơn và quan trọng hơn nhiều so với con người thực của bạn, hãy phá vỡ tấm gương đó.
Cám ơn
(Vỗ tay)
Chris Anderson: Yuval, cảm ơn anh. Trời đất ơi. Rất vui được gặp lại anh. Như vậy, nếu tôi hiểu đúng, thì anh đang cảnh báo về hai mối nguy hiểm lớn ở đây. Một là sự hồi sinh có thể của một hình thức phát xít quyến rũ, và gần với đó là các chế độ độc tài có thể không chính xác là phát xít, nhưng kiểm soát tất cả dữ liệu. Tôi tự hỏi liệu có mối quan tâm thứ ba mà một số người ở đây đã bày tỏ, đó là khi không phải chính phủ, mà là các tập đoàn lớn kiểm soát tất cả dữ liệu của ta. Bạn gọi đó là gì, và liệu chúng ta có nên lo lắng về điều đó?
Yuval Noah Harari: Rốt cuộc, không có sự khác biệt lớn giữa các tập đoàn và chính phủ, bởi vì, như tôi đã nói, câu hỏi là: Ai kiểm soát dữ liệu? Đó là chính phủ thực sự. Nếu bạn gọi nó là một công ty hoặc một chính phủ – nếu đó là một công ty và nó thực sự kiểm soát dữ liệu, thì đây là chính phủ thực sự của ta. Vì vậy, sự khác biệt là bề ngoài hơn là thực tế.
CA: Nhưng dù sao, ít nhất là với các tập đoàn, bạn có thể nghĩ đến cơ chế thị trường khiến chúng có thể bị hạ bệ. Ý tôi là, một khi người tiêu dùng quyết định rằng công ty không còn hoạt động vì lợi ích của họ, thì nó sẽ mở ra cánh cửa đến một thị trường khác. Điều đó có vẻ dễ hình dung hơn là việc các công dân nổi dậy và hạ bệ một chính phủ đang kiểm soát mọi thứ.
YNH: Chà, đúng là chưa đến mức đó, nhưng xin nhắc lại, nếu một công ty thực sự hiểu bạn hơn chính bạn – ít nhất là nó có thể điều khiển những cảm xúc và ham muốn sâu sắc nhất của bạn, và bạn thậm chí sẽ không nhận ra – bạn sẽ nghĩ rằng đây là bản ngã đích thực của bạn. Vì vậy, về lý thuyết, vâng, về lý thuyết, bạn có thể chống lại một tập đoàn, giống như, về lý thuyết, bạn có thể vươn lên chống lại một chế độ độc tài. Nhưng trong thực tế, nó vô cùng khó khăn.
CA: Vì vậy, trong “Homo Deus”, anh cho rằng đây sẽ là thế kỷ khi con người trở thành các vị thần, bất kể do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hay công nghệ di truyền học. Liệu cái triển vọng thay đổi hay sụp đổ của hệ thống chính trị có ảnh hưởng đến quan điểm đó của anh?
YNH: Tôi nghĩ điều đó còn tăng khả năng để nó xảy ra, và xảy ra nhanh hơn, bởi vì trong thời kỳ khủng hoảng, mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro mà bình thường họ không chấp nhận. Và mọi người sẵn sàng thử tất cả các loại công nghệ có rủi ro cao, lợi nhuận cao. Vì vậy, các loại khủng hoảng này có thể phục vụ cùng chức năng như hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã thúc đẩy đáng kể sự phát triển của các công nghệ mới và nguy hiểm. Và điều tương tự có thể xảy ra trong thế kỷ 21. Ý tôi là, bạn cần phải có một chút điên rồ để chạy thật nhanh, ví dụ, với công nghệ di truyền học. Nhưng bây giờ càng ngày càng nhiều kẻ điên lãnh đạo các quốc gia khác nhau trên thế giới, vì vậy cơ hội ngày càng cao, không thấp hơn.
CA: Vậy, kết hợp tất cả lại, Yuval, anh đã có cái nhìn thật độc đáo. Xoay đồng hồ về phía trước 30 năm, anh đoán gì – liệu nhân loại có thoát thân được, nhìn lại và nói, “Phù, suýt chết. May mà ta đã thoát!” hay không?
YNH: Cho đến nay, chúng ta đã vượt qua được tất cả các cuộc khủng hoảng trước đó. Và đặc biệt nếu bạn nhìn vào nền dân chủ tự do và bạn nghĩ mọi thứ bây giờ thật tồi tệ, hãy nhớ rằng mọi thứ tồi tệ hơn vào năm 1938 hoặc năm 1968. Vì vậy, đây thực sự không là gì, đây chỉ là một cuộc khủng hoảng nhỏ. Nhưng bạn không bao giờ có thể biết, bởi vì, là một nhà sử học, tôi biết rằng bạn không bao giờ nên đánh giá thấp sự ngu ngốc của con người.
(Tiếng cười, tiếng vỗ tay)
Đó là một trong những lực lượng mạnh nhất định hình lịch sử.
CA: Yuval, thật vui được trò chuyện với anh. Cảm ơn anh vì chuyến đi ảo này. Chúc buổi tối tuyệt vời ở Tel Aviv, Yuval Harari!
YNH: Xin cám ơn rất nhiều
(vỗ tay)