Thôi đi, đừng đòi cứu thế giới nữa!

Lời người dịch. Bài viết năm 2014 “Hãy thôi đừng đòi cứu thế giới nữa. Các Ý tưởng lớn đang phá hủy các chương trình phát triển quốc tế” (Stop Trying to Save the World) của Michael Hobbs đưa ra một quan điểm bất ngờ và sâu sắc về việc triển khai các chương trình phát triển (xóa đói giảm nghèo) ở các nước thuộc thế giới thứ ba.

Ảnh trong bài gốc

Lúc đó, nó là một ý tưởng hay: Một chiếc đu quay nối với máy bơm nước. Ở nông thôn châu Phi cận Sahara, nơi có nhiều trẻ em nhưng lại hiếm nước sạch, PlayPump đã khai thác cái này để cung cấp cái kia. Mỗi khi lũ trẻ chơi đu quay trên bánh xe lớn sặc sỡ, nước sẽ tràn vào một cái bể chứa trên cao cách đó vài thước, cung cấp nước sạch cho làng dùng cả ngày.

PlayPump International, tổ chức phi chính phủ (NGO) đã có ý tưởng và phát triển công nghệ, dường như đã tính kỹ. Để kiếm tiền bảo trì, các bồn nước trên cao được rao bán quảng cáo, trở thành biển quảng cáo cho các công ty muốn tiếp cận thị trường nông thôn. Nếu không bán được quảng cáo, thì sẽ dùng để giới thiệu các chiến dịch phòng chống HIV / AIDS. Toàn bộ chỉ tốn 7.000 đô la để lắp đặt tại mỗi làng, và có thể cung cấp nước cho 2.500 người.

Tài trợ đến tới tấp. Năm 2006, chính phủ Hoa Kỳ và hai tổ chức lớn đã cam kết 16,4 triệu đô la trong một buổi lễ mở do Bill Clinton và Laura Bush đứng đầu. Công nghệ này đã được Ngân hàng Thế giới chào hàng và xuất hiện trong Đạo luật Nước cho Người nghèo năm 2007 của Mỹ. Cá nhân Jay-Z cam kết 400.000 USD. PlayPump đặt mục tiêu lắp đặt 4.000 máy bơm ở châu Phi vào năm 2010. “Điều đó nghĩa là nước uống sạch cho khoảng mười triệu người”, một phóng viên của “Frontline” thông báo.

Đến 2007, chưa đầy hai năm sau khi các khoản tài trợ được cấp, rõ ràng là những nguyện vọng này không có khả năng được đáp ứng. Một báo cáo của UNICEF cho thấy máy bơm bị bỏ rơi, hỏng hóc, không được bảo dưỡng. Trong số hơn 1.500 máy bơm đã được lắp đặt với số tiền tài trợ ban đầu ở Zambia, một phần tư đã cần sửa. Tờ The Guardian cho biết các máy bơm “phụ thuộc vào lao động trẻ em.”

Năm 2010, “Frontline” trở lại các trường học, nơi họ đã quay cảnh trẻ em cười trên đu quay, té nước vào nhau. Họ phát hiện máy bơm bị rỉ sét, quảng cáo không bán được, phụ nữ lom khom quay bánh xe theo cặp. Nhiều làng thậm chí còn không được hỏi ý kiến, liệu họ có muốn PlayPump hay không, người ta cứ thế lắp, đôi khi thay cho những chiếc bơm tay trước đó. Trong một làng, người lớn trả tiền cho trẻ em để vận hành máy bơm.

Không cần tỏ ra ngạc nhiên về điều này. PlayPump là loại câu chuyện mà giờ đây ta đã quen: đầu tiên là ý tưởng mới và thú vị về xóa đói giảm nghèo (development), rồi hiệu quả lớn ở một điểm, rồi dòng tiền tài trợ đổ vào, mở rộng nhanh chóng, và thất bại.

Tôi lấy câu chuyện PlayPump để kể, nhưng tôi cũng có thể lấy bất kỳ chuyện nào trong số hàng chục cuốn sách về “xóa đói giảm nghèo thất bại” xuất bản trong mười năm qua. Những ngôi làng châu Phi đã trở nên nghèo đói bởi những hy vọng và sổ ghi séc của những người phương Tây làm việc thiện. Hàng tá dự án xóa đói giảm nghèo “theo lẽ thường” (common sense) — viện trợ lương thực, bảo hiểm cây trồng, tài chính vi mô — không giúp được người nghèo hoặc thậm chí khiến họ nghèo hơn.

Các chương trình phát triển quốc tế đang bị nghi ngờ từ mọi phía. Các chính phủ và người giàu (“các nhà tài trợ lớn” trong ngôn ngữ NGO) đang áp dụng các thuật ngữ như “chủ nghĩa tư bản từ thiện”, “doanh nghiệp xã hội” và “trái phiếu tác động”, cho rằng các khoản đóng góp là đầu tư, không phải quà tặng. Australia và Canada đã loại bỏ hoàn toàn các cơ quan phát triển quốc tế của họ, đưa chúng vào các bộ lớn bao gồm các vấn đề ngoại giao và thương mại.

Tôi mâu thuẫn ở điểm này. Tôi đã làm việc tại các tổ chức phát triển quốc tế NGO gần như toàn bộ sự nghiệp của mình (chủ yếu tại hai tổ chức nhân quyền quy mô trung bình). Tôi cũng thất vọng với sự kém hiệu quả và thói kiêu căng trong lĩnh vực của mình đang bị công chúng chửi tơi bời. Cũng như các tác giả, các nhà tài trợ và chính phủ đả kích các chương trình phát triển quốc tế, đôi khi tôi bị vỡ mộng về những gì công việc yêu cầu tôi phải làm, và những gì nó đòi tôi yêu cầu người khác.

Trong năm qua, tôi đã đọc mọi cuốn sách, bài luận và roman à clef (tiểu thuyết ám chỉ) có thể tìm thấy về lĩnh vực này. Tôi được thuyết phục rằng các vấn đề của phát triển quốc tế là có thật, chúng rất nền tảng, và có lẽ tôi là một phần trong đó. Nhưng tôi cũng thấy rằng quá dễ dàng để đổ lỗi cho những PlayPump. Các nhà tài trợ, chính phủ, công chúng, giới truyền thông, bản thân những người nhận viện trợ — tất cả đều góp phần gây ra sự rối loạn. Có thể, vấn đề không phải là các chương trình phát triển quốc tế đã hoạt động không hiệu quả. Mà là, nó không thể hiệu quả.

________________________

Cuối những năm 90, Michael Kremer, khi đó là giáo sư kinh tế tại MIT, đã ở Kenya làm việc trong một dự án NGO phân phối sách giáo khoa cho các trường học ở các huyện nông thôn nghèo. Vào thời gian đó, tỷ lệ trẻ em trên sách giáo khoa ở Kenya là 17/1. Sự can thiệp dường như hiển nhiên: Các làng nghèo cần sách giáo khoa, các nhà tài trợ giàu có tiền để mua chúng. Tất cả những gì phải làm là liên kết họ lại.

Nhưng trong giai đoạn đầu của dự án, Kremer đã thuyết phục các nhà nghiên cứu làm theo cách khác. Ông muốn biết, liệu việc đưa sách giáo khoa cho trẻ em có thực sự khiến chúng học giỏi hơn hay không. Vì vậy, thay vì phát sách và so sánh đơn giản trước và sau, ông đã thiết kế dự án giống như một thử nghiệm dược. Ông chia các trường học thành hai nhóm, cho một số được “điều trị” (tức là sách giáo khoa) và số khác không có gì. Sau đó, ông kiểm tra tất cả mọi người, không chỉ những đứa trẻ nhận được sách mà cả những đứa trẻ không, để xem liệu sự can thiệp có ảnh hưởng gì không.

Không ảnh hưởng gì. Thử nghiệm kéo dài bốn năm, nhưng đã kết luận: Một số trẻ em đã cải thiện về mặt học tập trong thời gian đó và một số trở nên tồi tệ hơn, nhưng nhóm điều trị không khá hơn nhóm đối chứng.

Sau đó, Kremer thử một cái khác. Có thể bọn trẻ khổ sở ở trường không vì những gì ở trong lớp, mà vì những gì ở bên ngoài. Vì vậy, một lần nữa, Kremer chia các trường thành nhóm và dành ba năm để kiểm tra và đo lường chúng. Lần này, phương pháp điều trị là thuốc thật – thuốc tẩy giun. Nhiễm giun sán ảnh hưởng đến 600 triệu trẻ em trên khắp thế giới, làm tiêu hao dinh dưỡng và gây ra thiếu máu, đau bụng và còi cọc.

Một lần nữa, kết quả được đưa ra: thuốc tẩy giun đã làm cho bọn trẻ khá lên rõ rệt. Tỷ lệ nghỉ học giảm 25%, trẻ em cao hơn, thậm chí bạn bè và gia đình chúng cũng khỏe mạnh hơn. Bằng cách bẻ gãy chuỗi lây nhiễm, phương pháp điều trị đã làm giảm tình trạng nhiễm giun trong toàn bộ các làng. Đáng chú ý hơn, khi họ kiểm tra những đứa trẻ này gần một thập kỷ sau, chúng được học nhiều hơn và kiếm được lương cao hơn. Những người tham gia là nữ ít phải làm giúp việc gia đình hơn.

Và, nếu so với thử nghiệm đầu tiên của Kremer, thì tẩy giun là một món hời. Sách giáo khoa có giá từ 2- 3 USD, thuốc tẩy giun chỉ có 49 xu. Khi Kremer tính toán phần chênh lệch của tổng lương cả đời của những đứa trẻ so với chi phí điều trị, tỷ lệ là 60:1.

Đây xứng đáng là một TED Talk hoàn hảo: tư duy thông thường bị đặt câu hỏi, khoa học nghiêm ngặt chiến thắng giáo điều.

Hàng chục cuốn sách và bài báo (và cả TED Talks) đã theo dõi sự gia tăng của những người theo chủ nghĩa ngẫu nhiên, như người ta gọi họ. Nổi bật nhất và thú vị nhất trong số này là Kinh tế học nghèo (Poor Economics) một kinh điển về các can thiệp xóa đỏi giảm nghèo “hiển nhiên” đã được thử nghiệm và thấy rằng có ích.

Ví dụ, nếu ai đó bị suy dinh dưỡng mãn tính, bạn nên cho họ một ít thức ăn, phải không? Duflo và Banerjee mô tả hàng chục dự án cho thấy rằng, khi bạn trợ giá hoặc tặng thực phẩm cho người nghèo, thì thực tế là họ không ăn nhiều hơn. Thay vào đó, họ chỉ đổi những món ăn nhàm chán sang những món thú vị hơn, và vẫn là “suy dinh dưỡng” như cũ, ít nhất trong số liệu thống kê.

Tại Udaipur, Ấn Độ, khảo sát cho thấy người nghèo có đủ tiền để tăng chi tiêu cho thực phẩm thêm 30%, nhưng thay vào đó họ lại chọn tiêu tiền vào rượu, thuốc lá và lễ hội. Duflo và Banerjee đã phỏng vấn một nhân công ngành nông nghiệp Indonesia thất nghiệp, đã sống dưới mức nghèo khổ nhiều năm, nhưng lại có TV trong nhà.

Bạn không cần bằng tiến sĩ để hiểu động lực tiềm ẩn ở đây: thức ăn rẻ tiền rất chán (boring). Ở nhiều nước đang phát triển, Duflo và Banerjee nhận thấy rằng ngay cả những người nghèo nhất cũng có thể mua hơn 2.000 calo các thực phẩm thiết yếu mỗi ngày. Nhưng, nếu lựa chọn giữa bát cơm thứ tư trong ngày và điếu thuốc đầu tiên, nhiều người chọn thuốc lá.

Ngay cả ở những quốc gia nơi các dự án phát triển hoạt động, nơi người nghèo đã thoát đói để đủ dinh dưỡng, họ cũng không có nhiều khả năng để kiếm việc làm hoặc kiếm được nhiều tiền hơn. Tất cả những ẩn dụ hấp dẫn của các trang web NGO và sách vở, kiểu như “bẫy nghèo đói”, “thang phát triển” – đều trở nên khập khiễng dưới kính lúp của những gì đang thực sự được kiểm nghiệm.

Với kết quả thu thập chặt chẽ của mình, Kremer thành lập một NGO, Deworm the World. Ông đã đưa nó ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2007 và cam kết tẩy giun cho mười triệu trẻ em. Ông được các tổ chức Clinton Global Initiative; GlaxoSmithKline, và Johnson & Johnson cam kết hỗ trợ 600 triệu đô la mỗi năm, đủ cho tất cả học sinh tiểu học bị nhiễm bệnh ở châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố ủng hộ. Kenya đề nghị ông giúp tạo ra một chương trình quốc gia tẩy giun cho 3,6 triệu trẻ em. Hai bang ở Ấn Độ đã khởi xướng các chương trình tương tự, nhằm mục đích chữa trị cho hàng triệu người khác. Hiện tổ chức này tuyên bố đã giúp đỡ 40 triệu trẻ em ở 27 quốc gia.

Nhưng, hượm đã. Chỉ vì thứ gì đó hiệu quả với 30.000 học sinh ở Kenya không có nghĩa là nó sẽ hiệu quả với hàng triệu người trên khắp Châu Phi hoặc Ấn Độ. Trang web của Deworm the World nói rất nhiều về phương pháp tiếp cận “dựa trên bằng chứng”. (Bây giờ, nó đã được tái tổ chức thành một NGO có tên là Hành động Bằng chứng – Evidence Action). Tuy nhiên, bằng chứng chính cho thấy việc tẩy giun cải thiện kết quả giáo dục là từ duy nhất một trường hợp Kenya của Kremer và một phân tích hậu kỳ về các sáng kiến ​​tẩy giun ở Nam Mỹ năm 1910. Năm 2012, tổ chức cho biết họ đã điều trị cho 17 triệu trẻ em ở Ấn Độ, nhưng không báo cáo liệu tỷ lệ đi học, kết quả học tập hay tốt nghiệp của chúng có cải thiện hay không.

Tôi đã nghĩ rằng chắc mình bỏ qua gì đó hiển nhiên, rằng tôi đang xem nhầm phần trang web của họ. Vì vậy, tôi đã gọi điện cho Evidence Action và hỏi: Có phải là các bạn không còn duy trì việc kiểm nghiệm xem tẩy giun ảnh hưởng thế nào đến giáo dục nữa?

Alix Zwane, giám đốc điều hành của Evidence Action cho biết: “Chúng tôi không đo lường tác động đối với việc đi học và thành tích ở trường”. Ở quy mô mà họ đang làm ở Ấn Độ, toàn bang cùng một lúc, việc chia thành hai nhóm đối chứng và điều trị là không khả thi.

Kremer nói với tôi rằng thử nghiệm đã đủ để đảm bảo cho việc nhân rộng. “Có nhiều bằng chứng cho việc này hiệu quả hơn phần lớn những thứ khác mà các chính phủ đang chi tiền”. Mỗi khi bạn muốn làm một con đường mới, bạn không thể ngừng hỏi, liệu con đường này có thực sự giúp mọi người đi từ nơi này đến nơi khác hay không?

“Ngay lúc này,” ông nói, “có một nhóm trẻ em mà nếu bạn không thực hiện chính sách ngay bây giờ, sẽ trải qua nhiều năm học mà không được điều trị.”

Đó là một câu hỏi thú vị — khi nào thì bạn có đủ bằng chứng để ngừng thử nghiệm cho mỗi lần áp dụng mới của một ý tưởng phát triển? —Và tôi hiểu rằng không thể chạy thử nghiệm trong bốn năm mỗi khi bạn triển khai, giống như vắc-xin sởi cho quốc gia mới. Nhưng, giống như nhiều dự án viện trợ khác đang chịu áp lực mở rộng quy mô quá nhanh và quá xa, việc tẩy giun cho trẻ em để cải thiện kết quả học tập không phải là điều mà những người ủng hộ dự án này kể ra.

Năm 2000, Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) đã xuất bản một tổng quan tài liệu về 30 thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên về các dự án tẩy giun ở 17 quốc gia. Trong khi một số em tăng nhẹ về cân nặng và chiều cao, thì không em nào cho thấy có ảnh hưởng gì đến việc đi học hoặc kết quả nhận thức. Sau khi bị Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác chỉ trích, BMJ đã tiến hành đo một lần nữa vào năm 2009 với các tiêu chí chặt chẽ hơn. Nhưng kết quả không thay đổi. Một đánh giá khác, vào năm 2012, cũng phát hiện ra điều tương tự: “chúng tôi không biết liệu các chương trình này có ảnh hưởng đến cân nặng, chiều cao, việc đi học hay thành tích của trường hay không”.

Kremer và Evidence Action tranh cãi về cách thức thực hiện các đánh giá này và gửi cho tôi một nghiên cứu từ Uganda tìm thấy mối liên hệ giữa tẩy giun và cải thiện điểm thi. Nhưng, bằng chứng mà họ trích dẫn trên trang web của chính họ lại làm suy yếu báo cáo này. Nghiên cứu năm 2004 của Kremer báo cáo kết quả của các thử nghiệm tẩy giun ban đầu — trong phần tóm tắt! – là “chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho thấy việc tẩy giun giúp cải thiện điểm học tập,” chỉ cải thiện việc đến trường. Một tài liệu khác được trích dẫn trên trang web của Deworm the World cho biết, “Khi những đứa trẻ bị nhiễm bệnh được tẩy giun, không phải lúc nào cũng thấy được kết quả về mặt giáo dục và nhận thức”.

Rồi chuyện so sánh với sách giáo khoa. Kenya, hóa ra, là một nơi cực dở để đi phát sách giáo khoa cho trẻ rồi mong đợi kết quả học tập tốt hơn. Khi Kremer báo cáo rằng sách giáo khoa không có tác dụng ở mức tổng thể, ông cũng lưu ý rằng chúng đã thực sự cải thiện điểm cho những đứa trẻ đã đứng đầu lớp. Có vẻ như, vấn đề chính là sách giáo khoa bằng tiếng Anh, ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba cho hầu hết trẻ em. Trong số học sinh lớp ba được phát sách giáo khoa, chỉ có 15% thậm chí có thể đọc chúng.

Vào những năm 80 và đầu 90, một loạt các phân tích tổng hợp đã phát hiện ra rằng sách giáo khoa thực sự có hiệu quả trong việc cải thiện thành tích học tập ở những nơi mà ngôn ngữ không phải là vấn đề quá phức tạp. Trong bài báo của chính mình báo cáo kết quả Kenya, Kremer cũng lưu ý rằng ở Nicaragua và Philippines, việc cho trẻ em sử dụng sách giáo khoa đã cải thiện điểm số.

Nhưng mục đích của tất cả những điều này không phải là để nói xấu Kremer – người đã đóng góp nhiều hơn tôi – hay phá hoại tổ chức từ thiện tẩy giun của ổng, hay vận động rằng nên quay lại việc tặng sách giáo khoa. Điều tôi muốn đả phá là mô thức Ý tưởng lớn (Big Idea) — rằng một ta xác định được ý tưởng đúng, thì ta có thể đơn giản trải khắp nó ra trên thế giới thứ ba như một tấm chăn picnic.

Có những làng mà tẩy giun sẽ là dự án giáo dục ý nghĩa nhất. Có những nơi khác thì lại là sách giáo khoa miễn phí. Ở những nơi khác nữa, đó sẽ là trường học mới, nhiều giáo viên hơn, học phí thấp hơn, phương tiện đi lại tốt hơn, gia sư, đồng phục. Có thể có một ngôi làng mà ở đó PlayPump sẽ đánh bại tất cả những cách trên. Vấn đề là, ta không biết cái gì sẽ hiệu quả, ở đâu hoặc tại sao. Cách duy nhất để tìm hiểu là kiểm tra các mô hình này — không phải trước thành công ban đầu mà sau đó, và liên tục.

Tôi hiểu lý do vì sao ta thấy hấp dẫn khi nghĩ rằng, một khi tìm thấy một công thức thành công cho phát triển, thì có thể mở rộng quy mô nó giống như xe Ford model T. Chính phủ đăng cai muốn các chương trình hiệu quả hơn khi chúng mở rộng. Các nhà tài trợ cá nhân, bạn và tôi, ta muốn cảm thấy như ta đang hỗ trợ một công ty khởi nghiệp nhỏ sẽ là cứu tinh thế giới. Không một tổ chức quốc tế nào muốn nói trong báo cáo hàng năm của họ rằng: “Đây là NGO tuyệt vời đã làm tăng số lượng học sinh đi học ở một huyện Kenya. Chúng ta hãy cho họ một khoản tiền khiêm tốn để làm điều tương tự ở một huyện khác ở một quốc gia khác. “

Cái kinh nghiệm lặp đi lặp lại trong 20 năm “thành công, tăng quy mô, thất bại” của công tác xóa đói giảm nghèo cho thấy một điều gì đó cực kỳ nhàm chán: các dự án phát triển mạnh lên hoặc biến mất theo tình hình cụ thể ở nơi mà chúng được triển khai. Không phải là thử nghiệm một thứ gì đó ở một nơi, sau đó mở rộng quy mô lên 50. Mà là thử nghiệm nó ở một nơi, sau đó ở nơi khác, rồi đến nơi khác nữa. Sẽ chẳng có ai được mời giải thích điều đó trong một TED Talk.

__________

NGO cuối cùng tôi làm việc có 150 nhân viên và ngân sách hơn 25 triệu đô la. Nhân viên được chia thành “nhân viên chương trình” (những người nghiên cứu, điều phối và thực hiện sứ mệnh) và “nhân viên overhead” (bộ phận gây quỹ, nhân sự và kế toán để giúp họ). Giống như hầu hết các NGO, chúng tôi khoe với các nhà tài trợ rằng chúng tôi có chi phí overhead thấp, rằng đô la, euro, v.v. của họ là dành cho việc thật (the cause) chứ không phải để trả tiền thuê nhà hay sưởi ấm của chúng tôi. Và điều này, ít nhất là trên excel, là đúng. Phần lớn tiền của được chuyển thành lương cho các nhà nghiên cứu và quản lý dự án. Còn bộ phận gây quỹ, H.R. và kế toán có thể có được nhét vào những chiếc xe tải nhỏ.

Vấn đề là, những việc chung đó không biến mất chỉ vì bạn không chi tiền cho chúng. Ai đó phải theo dõi các tài khoản, tìm nhà tài trợ mới, tính thuế, tổ chức tiệc nghỉ. Tập trung các việc này lại, tổ chức thành các bộ phận chuyên trách, thuê chuyên gia và làm tốt chúng, thì lại bị cho là quan liêu. Vì vậy, thay vào đó, chúng tôi chia sẻ chúng cho toàn bộ nhân viên: chỉ định các nhà nghiên cứu và quản lý dự án — chủ yếu là chuyên ngành nhân chủng học, thêm một số luật gia bỏ học — thực hiện H.R., kế toán, gây quỹ và đánh giá dự án.

Tất nhiên kết quả là hỗn loạn. Bạn muốn thuê ai đó? Bạn sẽ phải viết quảng cáo tuyển dụng của riêng mình, tìm chỗ đăng nó và trong một số trường hợp, tự chỉnh sửa hợp đồng lao động chuẩn. Bạn muốn phát hành một thông cáo báo chí về kết quả nghiên cứu? Hãy tự viết nó và gửi cho các nhà báo. Hy vọng bạn biết vài người.

Nhược điểm của phương pháp này thể hiện rõ nhất trong huy động vốn. Nếu có một điều mà các nhà tài trợ ghét, thì đó là việc trả tiền cho chúng tôi tìm thêm tài trợ. Vì vậy, mọi nhân viên của chương trình có trách nhiệm huy động (và cả kế toán, giám sát và báo cáo) quỹ cho các dự án của riêng họ. Các nhân viên bỏ nhiều ngày để tìm kiếm cùng một loại nhà tài trợ (“quỹ nào tài trợ về khan hiếm nước?”), việc mà một đồng nghiệp trong phòng vừa làm tuần trước. Không có nhân viên tập trung để điều phối liên hệ, chúng tôi đã liên hệ với cùng một nhà tài trợ hàng chục lần với các yêu cầu nhỏ thay vì kết hợp chúng thành một “yêu cầu” mạch lạc. (Huyền thoại kể, một nhân viên đã hỏi Google liệu họ có thể Google Dịch trang web của chúng tôi như một khoản đóng góp phi tiền mặt hay không)

Không ai có chuyên môn trong việc viết đề xuất tài trợ, đánh giá tác động hay quản lý các nhà tài trợ khó tính kiểu như Ủy ban Châu Âu — cho đi học thì không được, vì đào tạo sẽ được tính là chi phí overhead. Chúng tôi đã bỏ lỡ các cơ hội có nguồn tài trợ mới, phá vỡ các hợp đồng đã có, và cãi cọ với các nhà tài trợ. Mỗi cuộc họp lại có 1-2 nhân viên thông báo thôi việc. “Tôi không vào đây để cả ngày đi gây quỹ” là câu phổ biến nhất trong các bữa tiệc chia tay.

Trải nghiệm của tôi không phải là duy nhất. Stern trích dẫn ví dụ về Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, tổ chức này đã gửi những tình nguyện viên bối rối, nhân viên thiếu hiểu biết và, thật khó tin, cả bánh ngọt Đan Mạch dễ hỏng đến khu vực bị tàn phá sau cơn bão Katrina, bởi vì tổ chức này đã không đầu tư vào việc đào tạo nhân viên tại Hoa Kỳ kỹ năng ứng phó khủng hoảng thực tế. Một người bạn của tôi làm việc tại một NGO 150 nhân viên mà bộ phận H.R. chỉ có một người, lại còn kiêm lễ tân.

Có thể hiểu được việc các nhà tài trợ dị ứng với chi phí overhead cao. Vài năm gần đây, hết tổ chức từ thiện này đến tổ chức từ thiện khác bị phá sản vì đã vung tiền quyên góp cho tiệc tùng, quảng cáo hoành tráng và gian lận. Một số tổ chức từ thiện về ung thư vú đã trả cho các công ty telemarketing 90 xu từ mỗi đô la quyên góp được. Greg Mortenson đã phải trả lại 1 triệu đô la cho tổ chức từ thiện của mình khi Jon Krakauer tố cáo rằng ông ta đã chi tiền quyên góp cho chuyến đi khắp nơi quảng bá sách, và bỏ túi số tiền thu được.

Dan Pallotta, người đã dành những năm 90 và 2000 để điều hành tổ chức từ thiện về bệnh ung thư vú và AIDS trị giá 300 triệu đô la, đã viết hai cuốn sách lập luận rằng nỗi ám ảnh về chi phí overhead này khiến các tổ chức từ thiện không đạt được quy mô cần thiết để giải quyết các vấn đề lớn. Pallotta sử dụng ví dụ về hai nhà bếp súp: Một nhà bếp chi 60 xu cho mỗi đô la quyên góp cho các “chương trình” (chính là súp), trong khi nhà bếp kia chi 90 xu.

Theo cách hiểu thông thường của các nhà tài trợ và các cơ quan đánh giá từ thiện, khoản đóng góp của bạn tốt nhất là quyên cho tổ chức chỉ dùng 10% tiền cho overhead. Nhưng nếu chỉ quan tâm mỗi con số này, bạn sẽ bỏ qua các chỉ số quan trọng hơn nhiều về tác động của tổ chức từ thiện. Món súp có bổ và ấm không? Nó có đến đúng người không? Nhà bếp có mở cửa đúng giờ mỗi ngày và có đội ngũ nhân viên tử tế, chuyên nghiệp không? Và, hượm đã, liệu những bữa cơm ấm áp miễn phí có giúp người dân thoát nghèo? Cung cấp dịch vụ tử tế, phát tài liệu đúng mục tiêu, kiểm nghiệm những giả định — những thứ này đều tốn tiền, cho dù các nhà tài trợ có thích hay không.

Vì vậy, các tổ chức từ thiện giấu chi phí overhead, như chúng tôi đã làm, trong các nhân viên chương trình bị quá tải, tình nguyện viên chưa được đào tạo và các chuyên gia tư vấn bên ngoài. Cũng giống như việc tẩy giun cho hàng triệu trẻ em là khác về bản chất chứ không phải về mức độ so với việc tẩy giun cho một ngôi làng, điều hành một tổ chức từ thiện lớn, chuyên nghiệp hoàn toàn khác với việc điều hành một tổ chức mới, nhỏ. Các dự án quy mô nhỏ (chẳng hạn như lắp đặt một PlayPump) có thể giữ chi phí thấp thông qua các lãnh đạo lôi cuốn, nhân viên nhiệt huyết và mối quan hệ sẵn có với cộng đồng mà họ đang tìm cách hỗ trợ. Còn các dự án quy mô lớn yêu cầu những thứ như quản lý ngân sách, cơ chế báo cáo, bóng đèn để thay và, bố khỉ, cả những bữa tiệc đáng ghét.

Trong quyển Uncharitable, Pallotta có một ví dụ điển hình về chuyện này. Chuyến đi xuyên quốc gia gây quỹ AIDS đầu tiên của anh có 39 người đi xe đạp và chi phí overhead gần như bằng không. Nhóm này đủ nhỏ để ngủ trong phòng tập thể dục, nhờ cậy nhà thờ và những người tốt bụng để cung cấp thức ăn và tắm nước nóng. Nếu nguồn cung thiếu hụt, họ có thể gõ cửa để nhờ giúp đỡ hoặc, trong lúc khó khăn, dựng lều ở sân sau. Anh đã quyên góp được 80.000 đô la.

Nhưng đến năm 2000, các chuyến đi đã thu hút trung bình 3.000 người tham gia. Một nhóm to như vậy đòi hỏi sự gia tăng cấp mũ về tổ chức và hỗ trợ — thuê toàn bộ khu cắm trại, ăn uống chuyên nghiệp, nhân viên y tế và pháp lý. Chi phí overhead tăng lên 42% của mỗi khoản đóng góp. Nhưng mỗi chuyến thu về 7 triệu đô la.

Cũng như các dự án viện trợ, thành công của một tổ chức từ thiện phụ thuộc vào các chỉ số đặc thù, chứ không phải một chỉ số duy nhất và đúng với tất cả. Các tổ chức từ thiện làm đủ mọi việc — tiến hành nghiên cứu, đào tạo các NGO địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng, tặng dê. Để các nhà tài trợ thực sự đánh giá được hoạt động của họ, họ cần đưa ra một báo cáo tùy chỉnh cho từng tổ chức từ thiện.

Đối với một nhà bếp súp, nó sẽ là điều tôi vừa đề cập: Họ có mở cửa đúng giờ không? Món súp của họ thế nào? Ví dụ, đối với một NGO giám sát các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ về tham nhũng, nó sẽ là những thứ như: Họ đang đánh giá bao nhiêu phần trăm dự án? Các đánh giá của họ có mang lại thông tin chính xác không? Thông tin này có được truyền đạt đến các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tham nhũng không?

Khi đánh giá các tổ chức từ thiện như thế, dựa trên tác động của công việc và liệu họ có đang giải quyết vấn đề mà họ đặt ra để giải quyết hay không, sẽ có các thông tin định tính, câu văn và các quan sát không thể so sánh giữa các tổ chức từ thiện. Với hàng triệu NGO phát triển quốc tế đang ngửa tay xin tiền, việc đo lường tất cả theo cùng một tiêu chuẩn thì nhanh và dễ dàng hơn.

Đây là lý do tại sao các nhà tài trợ thích một con số overhead. Đó là một con số cho phép bạn so sánh bếp nấu súp với tổ chức chống tham nhũng. Nó có vẻ chặt chẽ và khách quan, mà lại chẳng phải tốn công gì. Rốt cuộc, các tổ chức từ thiện cung cấp số liệu overhead của riêng họ, giống như tự viết báo cáo năm. Các NGO phát triển quốc tế không phải lúc nào cũng có nghĩa vụ cấp các tài khoản được kiểm toán. Một số còn báo cáo là không có chi phí overhead, giống như tuyên bố là “Thậm chí tôi còn không hít khí trời”.

Tôi sẽ không đề xuất một giải pháp nhỏ dễ thương ở đây để làm cho việc này dễ dàng hơn cho các nhà tài trợ, hay đề xuất một tỷ lệ overhead “phù hợp”. Đối với hầu hết các tổ chức từ thiện, 10% chi phí có lẽ là không đủ và 90% thì quá quắt. Nhưng quan trọng là ta không nên chỉ chọn duy nhất một con số và cho là hiệu quả. Ta luôn tranh luận rằng, nếu các quốc gia giàu muốn giải quyết vấn đề của những quốc gia nghèo, họ sẽ phải dành thời gian tìm hiểu về chúng. Đã đến lúc áp dụng logic tương tự cho các tổ chức được cử đi thực hiện công việc.

__________

Dertu không phải là nơi mà nhiều người muốn đến. Nằm ở đông bắc Kenya, gần biên giới Somali, bên cạnh một trại tị nạn lớn, vào năm 2004, đây chỉ là một điểm dừng chân, một nơi để những người chăn gia súc cho đàn uống nước và cập nhật tin tức địa phương. Điểm thu hút chính của nó là nước ngọt từ một lỗ khoan được UNICEF khoan trong đất sét. Trong số vài nghìn người sinh sống ở đó, hơn 80% sống dựa vào viện trợ lương thực. 90% không biết chữ.

Đó là bức ảnh “ngày trước” của Dertu mà Jeffrey Sachs đã tìm thấy khi ông khởi xướng Dự án Ngôi làng Thiên niên kỷ của mình ở đó vào năm 2006. Sachs, một giáo sư tại Đại học Columbia, đã trở thành một nhân vật nổi tiếng về phát triển với cuốn sách Chấm dứt nghèo đói, một diễn văn đả kích sự tự mãn của thế giới giàu khi đã để những vấn đề dễ giải quyết —như sốt rét, mù chữ, thiếu nước sạch — làm cho cả một lục địa khốn khổ.

Tour ra mắt sách của Sachs có đỉnh điểm là việc thành lập Dự án Làng Thiên niên kỷ, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm khởi động chương trình phát triển với một dòng tiền khổng lồ, hỗ trợ hiện vật và cơ sở hạ tầng cho một trong những khu định cư nghèo nhất thế giới. Tiền đề của Sachs là hàng triệu người, hàng chục quốc gia, đã rơi vào “bẫy nghèo đói”: Sống trong nhà ở kém chất lượng dẫn đến vấn đề học tập ở trường. Dẫn đến việc không tốt nghiệp. Dẫn đến phải làm việc kỹ năng thấp. Dẫn đến việc sống trong những ngôi nhà kém chất lượng. Cứ thế.

Sachs lập luận, giải pháp duy nhất là thúc một phát để mọi người lên đến mức độ mà họ có thể bắt đầu phát triển bản thân.

Hóa ra đây là một ý tưởng vô cùng thuyết phục và hai năm sau khi cuốn sách ra mắt, Sachs đã huy động được 120 triệu đô la (bao gồm 50 triệu tiền cá nhân của George Soros), và xác định 14 ngôi làng trên khắp châu Phi cận Sahara để kiểm tra lý thuyết của mình. .

Như được Nina Munk tả lại, mọi thứ ở Dertu thoạt tiên trông có vẻ hứa hẹn. Sachs thuyết phục GE và Ericsson tài trợ thiết bị y tế và điện thoại di động. Ông thuê các nhà quản lý địa phương, những người biết văn hóa và ngôn ngữ để đảm bảo dự án đáp ứng nhu cầu của Dertu. Các đội của ông đã xây dựng nhà ở, trường học, đường xá, trạm xá. Họ thiết lập một chợ gia súc để thu hút nông dân từ khắp nơi trong vùng.

Nhưng không lâu sau, động lực bị chùn lại. Không có điện để vận hành, thiếu chuyên gia bảo trì, các thiết bị y tế tiên tiến đã tích bụi – ở Kenya, nghĩa là bụi thật. Các nhà quản lý của dự án, rất hiểu biết về văn hóa và tục lệ địa phương, cuối cùng đã bị chúng khuất phục, kiếm lợi riêng bằng cách thiên vị bộ lạc và đổi chác ngầm. Hố khoan bị vỡ, và nước phải chở bằng xe tải.

Cốt lõi của vấn đề, như Munk tả, là Dertu đã trở thành thị trấn của một công ty, với Dự án Làng Thiên niên kỷ cung cấp nguồn việc làm, phúc lợi và dịch vụ công đáng tin cậy duy nhất. Hàng nghìn cư dân mới đến từ trại tị nạn gần đó và các vùng khác của Kenya, tìm việc làm hoặc tài trợ. Nơi Dertu từng là điểm dừng chân của những người du mục, dòng tiền tài trợ đổ vào, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhà ở miễn phí, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã cho mọi người lý do để ở lại. Nguồn vốn của Sachs không thể theo kịp. Và cuối cùng, nó đã cạn.

Trong một cuộc phỏng vấn, Munk mô tả Dertu trông như thế nào trong lần cuối cùng cô ấy nhìn thấy nó, năm 2011:

“Bây giờ họ thực sự đang sống trong cùng cực mà tôi không thấy trong chuyến thăm đầu tiên của mình. Lều của họ chen chúc nhau, vá víu bằng những chiếc túi nilon gớm ghiếc mà người ta thấy ở khắp châu Phi. … Có những dòng nước chảy xuống giữa những túp lều lèn chật cứng này. Các nhà vệ sinh bị tràn hoặc bị tắc. Và không ai có thể thỏa thuận với nhau về việc duy trì chúng. Có những con mương chất đầy rác. Thế đấy – nó khiến trái tim tôi tan nát.”

Nghịch lý là đây: Khi bạn cải thiện gì đó, bạn thay đổi nó theo những cách bạn không thể ngờ tới. Bạn có thể tìm thấy các ví dụ về điều này trong mọi chương trình phát triển. Một dự án ở Kenya cung cấp đồng phục, sách giáo khoa và tài liệu lớp học miễn phí cho trẻ em đã tăng tỷ lệ ghi danh học lên 50%, tăng tải lên giáo viên và giảm chất lượng giáo dục cho tất cả mọi người. Các cộng đồng ở Ấn Độ đã cắt nguồn cung cấp nước của chính mình để được phân loại là “khu ổ chuột” và đủ điều kiện nhận tài trợ nâng cấp khu ổ chuột. Tôi đã từng làm việc ở những nơi mà ngay sau khi một công ty thành lập phòng khám sức khỏe hoặc chương trình giáo dục, chính quyền địa phương chuồn mất — tại sao họ phải chi tiền cho các trường tiểu học khi một công ty giàu có sẵn sàng nhận trách nhiệm?

Không thể bảo họ là tham lam. Rốt cuộc, việc đó chỉ thể hiện tinh thần khởi nghiệp mà ta không ngừng nói với những người nghèo rằng họ cần thể hiện.

Ví dụ yêu thích của tôi về những hậu quả không mong muốn, thật kỳ lạ, lại đến từ Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu ở một hội nghị tội phạm học, Nancy G. Guerra, giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu tại Đại học Delaware, đã mô tả một dự án của cô, tổ chức các cuộc hội thảo với thanh thiếu niên Latinh nội thành, cố gắng ngăn họ tham gia các băng nhóm. Chương trình đã cho kết quả ở chỗ không có trẻ em gái nào thực hiện hành vi bạo lực trong vòng sáu tháng sau. Nhưng đến cuối thời gian đó, tất cả họ đều mang thai, không trừ một ai.

“Hành vi tham gia băng nhóm đang đáp ứng nhu cầu của họ,” cô nói trong bài phát biểu của mình. “Nó khiến họ cảm thấy mạnh mẽ, cảm thấy mình quan trọng, cho họ cảm giác về bản sắc. … Khi không có nữa, [họ] đi tìm một loại ý nghĩa khác trong cuộc sống. ”

Thuật ngữ học thuật ưa thích cho điều này là “các hệ thống thích ứng phức tạp.” Tất cả chúng ta đều hiểu rằng mỗi hệ sinh thái, mỗi tầng rừng hoặc rạn san hô, là kết quả của hàng triệu tương tác giữa các bộ phận cấu thành của nó, là sự cân bằng của tất cả sự thích nghi tổng hợp của thực vật và động vật với khí hậu và lẫn nhau. Việc thêm một loài không phải bản địa hoặc loại bỏ một loài luôn tồn tại ở đó, sẽ làm thay đổi các mối quan hệ này theo những cách quá đan xen và phức tạp để dự đoán.

Theo Ben Ramalingam, chương trình phát triển quốc tế cũng là một loài xâm lấn như vậy. Tại sao Dertu không có phòng tiêm chủng, tại sao học sinh Kenya không biết đọc, đó là sự kết hợp của văn hóa, chính trị, lịch sử, luật pháp, cơ sở hạ tầng, các cá nhân — tất cả các bộ phận cấu thành của xã hội, sự hòa hợp và sự bất hòa của họ, như một cơ thể sống. Đưa thứ gì đó ngoại lai vào hệ thống đó — hàng triệu tiền mặt của các nhà tài trợ, hàng chục nhân viên và thiết bị, xe Land Rovers của Liên Hợp Quốc — khiến nó thích ứng theo những cách bạn không thể đoán trước.

Một người bạn của tôi làm việc tại một NGO chuyên kiểm tra các nhà máy ở Ấn Độ và Trung Quốc, kiểm tra họ về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, buôn người, mọi thứ mà những người nổi tiếng luôn cảnh báo ta. Tôi hỏi anh ta rằng sau mười năm kiểm tra, điều kiện có khá hơn không. “Có và không,” anh nói. “Bất cứ khi nào bạn đặt ra một tiêu chuẩn, một số công ty sẽ thay đổi để đáp ứng nó, số khác trở nên tinh vi để tránh nó.”

__________

Như vậy, phát triển quốc tế bế tắc, phải không? Tôi đã dành hàng nghìn từ để mô tả cho bạn thấy động cơ của nhà tài trợ, người nhận và các NGO mâu thuẫn với nhau. Tại sao không loại bỏ nó hoàn toàn cho rồi?

Bởi vì, tôi không nghĩ đó là kết luận mà những ví dụ này gợi ý. Tôi nghĩ rằng chúng gợi ý một điều gì đó ít kịch tính hơn nhiều: Không phải việc xóa đói giảm nghèo dở, mà là kỳ vọng của chúng ta về nó.

Đầu tiên, hãy nhìn ra con voi này: Sự phát triển đã xảy ra. 50 năm qua đã chứng kiến ​​sự bùng nổ thịnh vượng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico — đây không phải là những quốc gia duy nhất mà bạn muốn sinh ra bây giờ hơn là 50 năm trước. Ngay cả những quốc gia nghèo nhất trên thế giới — Burundi, Somalia, Zimbabwe — đang làm tốt hơn những thứ như tiêm chủng và xóa mù chữ so với những gì họ đã làm trước đó trong cả cuộc đời của chúng ta.

Đôi khi bạn nghe về sự bùng nổ phúc lợi như một lý lẽ chống lại việc hỗ trợ phát triển, như: “Thấy chưa? Trung Quốc đã tự mình trở nên tốt hơn.” Nhưng sự đi lên của các quốc gia nghèo trước đây vào nhóm “dệt áo và làm điện thoại” không phải là gì đó bác bỏ tác động của viện trợ phát triển, mà là sự kiểm tra thực tế về quy mô của nó. Vào 2013, viện trợ phát triển từ tất cả các nước giàu cộng lại là 134,8 tỷ đô la, tương đương khoảng 112 đô la mỗi năm cho mỗi người trong số 1,2 tỷ người trên thế giới sống với mức dưới 1,25 đô la mỗi ngày. Chả lẽ chúng ta thực sự trông đợi rằng một trăm đô la nữa sẽ kéo ai đó, chứ chưa nói đến cả tỷ người, thoát khỏi nghèo đói?

Sự phát triển, bất kể nó diễn ra như thế nào, là một quá trình chậm. Mãi cho đến khoảng 30 năm sau khi Mao qua đời, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc mới đạt đến mức trung bình thấp. Tốc độ tăng trưởng này được cho là nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào kể từ khi chúng ta bắt đầu thu thập số liệu thống kê kinh tế. Ngay cả trong kịch bản thành công nhất có thể tưởng tượng được, các quốc gia như Cộng hòa Trung Phi (GDP bình quân đầu người: 700 đô la, đã điều chỉnh theo sức mua), Burundi (600 đô la) và Cộng hòa Dân chủ Congo (400 đô la) sẽ mất nhiều thập kỷ để đạt được như Trung Quốc hiện nay.

Các dự án phát triển quốc tế có năng lực hạn chế trong việc tăng tốc quá trình này. Bạn đọc có nhớ tôi đã nói dự án tẩy giun có tỷ lệ 60:1 giữa giá thuốc và khoản tăng thu nhập khi đi làm của những đứa trẻ nhận được thuốc tẩy giun? Mức tăng là $30. Không phải $30 mỗi năm. Những đứa trẻ đã kiếm được thêm 30 đô la cho cả đời nhờ việc điều trị tẩy giun. Bạn sẽ thấy điều này trong nhiều tài liệu về phát triển: Ngay cả những dự án thành công rực rỡ nhất cũng chỉ làm giảm tỷ lệ tử vong của các bà mẹ sau sinh được vài phần trăm chỗ này, tăng thêm một hoặc hai năm tuổi thọ chỗ khác.

Đây không phải là một lời chỉ trích về bản thân các dự án. Đây là cách mà các chính sách xã hội hoạt động: đi các bước nhỏ, thử-sai và điều chỉnh, chứ không phải là gì đó thay đổi cuộc chơi. Hãy dành những bước nhảy vọt cho sức mạnh tính toán. Nếu liệu pháp tẩy giun 49 xu thực sự tạo ra mức tăng 30 đô la tiền lương cho một số người nghèo nhất trên Trái đất, thì chúng ta thật khốn nạn nếu không chi tiền.

Và đây là nơi tôi đặt chân đến sau một năm ngốn hàng chục cuốn sách, bài báo và phát biểu về phát triển quốc tế: Những lập luận chống lại nó thì vô số, và chủ yếu là hậu cần và kỹ thuật. Lập luận ủng hộ là số ít, về mặt đạo đức và rất thuyết phục, ít ra là với tôi: chúng ta có quá nhiều, họ có quá ít.

Nếu chúng ta thực sự muốn sửa chữa các chương trình phát triển, thì cần ngừng chạy theo những ý tưởng như cách chạy theo các phong trào ăn kiêng. Các chương trình thành công nên được phép mở rộng từng bước chứ không phải gấp chục lần (chương trình chi trả tiền mặt trực tiếp, đã cho thấy kết quả ấn tượng ở Kenya và Uganda, là một ứng cử viên tuyệt vời cho loại mở rộng được cân nhắc kỹ mà tôi đang nói đến). Các NGO cần được tự do đầu tư vào các loại hệ thống và quy trình mà ta luôn khuyên các nước đang phát triển nên làm. Và các nước giàu cần dành ít thời gian hơn để tranh luận về cách phân chia cái phần bé tẹo trong GDP mà chúng ta dành cho các chương trình phát triển, và dành nhiều thời gian hơn để tìm ra cách tận dụng sức mạnh kinh tế và chính trị to lớn của mình để điều đó tự xảy ra.

Như Owen Barder, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (người mà tôi đã đánh cắp nhiều ý tưởng trong bài luận này), đã nói:

“Nếu chúng ta tin rằng thương mại là quan trọng, chúng ta có thể làm nhiều hơn để mở thị trường của mình cho thương mại từ các nước đang phát triển. Nếu chúng ta tin rằng quyền tài sản là quan trọng, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để thực thi nguyên tắc rằng các quốc gia, không phải các nhà lãnh đạo bất hợp pháp, sở hữu tài nguyên thiên nhiên của họ. … Nếu chúng ta tin rằng sự minh bạch là quan trọng, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu các công ty của chính mình công bố chi tiết các khoản chi mà họ thực hiện cho các nước đang phát triển.”

PlayPump International, tổ chức từ thiện mà tôi nhắc đến ở đầu bài viết, không còn tồn tại nữa. Tuy nhiên, máy bơm vẫn đang được lắp đặt bởi Roundabout Water Solutions, một NGO tiếp thị chúng như một “giải pháp thích hợp” chỉ nên được lắp đặt tại các trường tiểu học ở các vùng nông thôn nghèo. Bốn năm trước, chính những đánh giá chỉ trích gay gắt việc mở rộng nhanh chóng của dự án cũng thừa nhận rằng, ở một số ngôi làng, trong hoàn cảnh thích hợp, các máy bơm rất hữu ích.

Vào năm 2010, “Frontline” đã phỏng vấn giám đốc của PlayPump về những thất bại của nó, và ông nói, “Nó có thể hơi tham vọng quá, nhưng mà, bạn phải mơ lớn đúng không? Mọi người luôn nói rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời. “

Đúng thế. Nhưng có lẽ, khi ý tưởng tuyệt vời tiếp theo xuất hiện, tất cả chúng ta nên mơ nhỏ hơn một chút.

Leave a Reply