Nói chuyện với học sinh về chính trị như thế nào?

Lời người dịch. Thời điểm này, ở Nga đang dấy lên phong trào phản đối việc chính quyền bắt giữ và xử tù bất công những người bất đồng chính kiến, xuất phát từ việc nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny bị đầu độc (nghi là bởi chính quyền) và bị bắt khi quay trở về Nga. Mặc dù phe đối lập không kêu gọi đối tượng học sinh, nhưng rất nhiều học sinh bày tỏ quan điểm đồng tình với phe đối lập và muốn tham gia các hoạt động phản đối. Chính quyền buộc tội phe đối lập kích động trẻ nhỏ, và triển khai một loạt biện pháp răn đe ở các trường học. Cũng cần nói thêm, mặc dù chính quyền buộc tội phe đối lập lôi kéo trẻ em tham gia chính trị, nhưng có hàng loạt bằng chứng cho thấy chính đảng cầm quyền của Putin (đảng Nước Nga Thống nhất) tích cực đến các trường học để tuyên truyền, lôi kéo cho mình.

Bài viết này (tiếng Nga) của giáo viên lịch sử Tamara Eidelman đăng 24/2/2021 bày tỏ quan điểm về việc các thầy cô giáo nên làm gì trong tình huống phức tạp và tranh cãi này. Xét thấy các quan điểm này rất hay và có thể áp dụng trong việc giảng dạy các môn xã hội nói chung (lịch sử, giáo dục công dân, xã hội học, v.v.), nên tôi dịch nguyên văn để bạn đọc tham khảo.

Trẻ em và chính trị là một trong những vấn đề thời sự hiện nay. Nhiều người trẻ đã tham gia vào các sự kiện phản đối trong những tuần gần đây (các sự kiện do các nhà hoạt động chính trị đối lập Nga kêu gọi, đòi chính quyền Nga trả tự do cho những người họ coi là các tù nhân chính trị – ND). Không có quá nhiều trẻ vị thành niên trong số đó như các kênh truyền hình nhà nước đưa tin, nhưng tất nhiên là có. Và để đáp trả – không phải đáp trả về bản chất sự phản đối, mà là về hình ảnh được bịa đặt ra về một “lũ học sinh” vô trách nhiệm bị lôi kéo đến các cuộc biểu tình – một luồng bình luận được đổ ra ào ào, lu loa về chuyện phe đối lập đang lôi kéo “trẻ em” vào chính trị. Ngay lập tức, các tài liệu định hướng được gửi xuống các trường học, chỉ dẫn những cách “cảnh báo”, “thông não” và “giải thích” cho học sinh rằng chúng không nên can thiệp vào chính trị.

Vậy, liệu nói chung có thể nói chuyện về chính trị với học sinh ở trường? Theo tôi, dường như câu hỏi được đặt ra không chính xác.

Với trẻ em, theo ý kiến ​​của tôi, bạn có thể nói về bất cứ điều gì – về chính trị và tình dục, về kinh tế và cơ học lượng tử.

Vấn đề không phải là nói về cái gì, mà là nói như thế nào.

Tamara Eidelman. Nhà sử học, giáo viên lịch sử và kiến thức xã hội, nhà giáo công huân Liên bang Nga

Mọi rắc rối khởi đầu từ đây, và không chỉ về chính trị. Có thể nói chuyện với trẻ em bằng cách nào? Một câu trả lời rất phổ biến là nói chuyện như ngang hàng, bằng vai phải lứa. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng trong 40 năm dạy học, tôi đã có một số nghi ngờ về điều này. Ngang hàng nghĩa là gì? Học sinh của tôi có thể gọi tôi là “bạn” và gọi tên? Không. Vậy là đã có sự bất bình đẳng. Liệu học sinh của tôi, sau những cuộc trò chuyện thân mật với tôi, sẽ vẫn cứ bỏ không làm bài tập hay ngang nhiên quay cóp trong lớp? Thường xuyên. Đối với đại đa số thanh thiếu niên, những cuộc trò chuyện thẳng thắn với giáo viên và việc chăm chỉ học tập môn học thường không phải là một tổng thể không thể tách rời. Trò chuyện về cuộc sống hoàn toàn chân thành, rồi sau đó ngay lập tức lại bỏ học hoặc quay cóp. Đó là chuyện bình thường. Bạn không nên bực tức vì điều này, mặc dù rất khó để không bực tức.

Tất cả những lý lẽ trên để làm gì? Chỉ là tôi muốn nói rằng, thực tế là cuộc trò chuyện giữa giáo viên và học sinh là cuộc trò chuyện giữa người lớn và trẻ em hoặc thanh thiếu niên, và những người tham gia cuộc trò chuyện này ở vị trí không bình đẳng ngay từ đầu. Người lớn tuổi có thể cho người nhỏ tuổi hơn điểm kém, phê bình bài làm của cậu ta, hỏi tại sao lại trốn học. Người trẻ hơn buộc phải tuân theo. Điều này có nghĩa là không thể nói chuyện bình đẳng. Nhưng, tất nhiên là phải nói chuyện với sự tôn trọng.

Vậy làm thế nào để nói chuyện về chính trị một cách “tôn trọng”? Giống như về bất kỳ chủ đề nào khác mà thôi. Đầu tiên, đừng áp đặt ý kiến ​​của riêng bạn, cho dù bạn có thấy nó đúng thế nào. Nhân tiện, vô cùng khó để làm được điều này. Khi ai đó hỏi tôi nghĩ gì về Stalin, vì một lý do nào đó, tôi không thể trả lời một cách bình tĩnh, điềm đạm, trung lập. Hóa ra là tôi áp đặt quan điểm của mình cho học sinh? Ở một mức độ nào đó là đúng vậy, và điều này tất nhiên là không tốt. Bất cứ giáo viên nào – dù tốt, xấu, nổi tiếng hay đáng ghét thì vẫn là người lớn, và dù trẻ có tỏ vẻ hiểu biết ra sao, dù chúng cãi lý với bố mẹ thế nào, thì nhìn chung, ý kiến ​​của người lớn vẫn là quan trọng và thú vị đối với chúng. Và vì thế, thật dễ dàng để bắt đầu thao túng chúng – dù là với mục đích tốt.

Để tự thanh minh, tôi có thể nói một điều: Tôi luôn cho phép học sinh tranh luận với tôi, ngay cả về những vấn đề nhức nhối và thời sự nhất.

Thật tuyệt khi có một lớp học toàn những người cùng chí hướng, nhưng sẽ tốt hơn nhiều khi bọn trẻ không ngại đặt câu hỏi cho bạn và phản đối bạn.

Một trong những thất bại sư phạm lớn nhất của tôi là trường hợp một học sinh lớp trên đã thể hiện rõ ràng và thậm chí nhấn mạnh quan điểm của chủ nghĩa Stalin trước mặt các giáo viên khác, nhưng lại viết cho tôi những bài luận ca ngợi dân chủ, rất hay, nhiều tư duy và luận điểm vững chắc. Tôi đã phải nghiến răng và cho điểm tối đa, vì không thể hỏi: “Tại sao em lại đồng ý với tôi?” Và một trong những điều tự hào lớn nhất của tôi là bài luận, cũng được tôi cho điểm tối đa vì cách lập luận logic và hợp lý, nhưng thêm lời nhận xét: “Thật kinh tởm”.

Với tư cách là một giáo viên dạy lịch sử và xã hội, tôi thấy dễ dàng hơn những người khác, nhưng ở một mức độ nào đó thì khó hơn.

Dễ dàng hơn, vì các chủ đề chính trị xã hội nảy sinh tự nhiên trong lớp học – và được thảo luận một cách tự nhiên giống như bất kỳ chủ đề nào khác, tức là, với sự cân nhắc lập luận của các bên, so sánh và đánh giá hợp lý. Một trong những tiết học yêu thích của học sinh của tôi là tiết tổng kết cuối một chủ đề về một giai đoạn gây tranh cãi. Chúng tôi viết những quan điểm pro và con lên bảng, sau đó đánh giá chính trị gia theo thang điểm 10, và sau đó niềm vui chính bắt đầu – cả lớp ngồi thành một đường chéo lớn cắt ngang qua toàn bộ phòng, tùy vào điểm số mình đã đưa ra, và học sinh phải lập luận cho đánh giá của chúng. Và thú vị nhất là bất cứ lúc nào ai cũng có thể đổi ý, và đổi chỗ ngồi. Cuối cùng, các em thường hỏi tôi đánh giá thế nào về nhân vật của ngày hôm nay – và tất nhiên tôi nói, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là quan điểm chính thống, mà chỉ là một trong số rất nhiều quan điểm. Và kết quả chính không phải là lời nói của tôi, mà là học sinh đổi hướng theo chiều nào ngày hôm đó – theo hướng “giảm” hay “tăng” điểm. Mọi người ngồi sang phía nào nhiều hơn, thì phía đó có sức thuyết phục hơn…

Một tiết học như vậy diễn ra vô cùng hào hứng khi thảo luận về Ivan Bạo chúa hay Peter Đại đế, tuy nhiên, phải thú nhận rằng, tôi chưa bao giờ dám thảo luận về Stalin theo cách này. Nhưng tôi

hy vọng rằng đến thời điểm này, các học sinh của tôi đã phát triển được nhận thức đủ để hiểu rằng không có quan điểm của ai – kể cả ​​của tôi – là tuyệt đối.

Thế còn tại sao lại khó hơn? Bởi lẽ, ví dụ, chương trình môn xã hội học bao gồm các chủ đề như “Hiến pháp Liên bang Nga” hay “Quyền và tự do của một công dân” – và tôi nghĩ rằng không chỉ những sinh viên tiên tiến của tôi, mà cả những học sinh trung học ở vùng hẻo lánh xa xôi ngày nay, trong những tiết học như vậy sẽ giống như trong bài hát của Yuliy Kim ở một thời đại khác “Chúng hỏi tôi những câu sắc bén và nóng bỏng, còn tôi thì cứ đè lên chúng mà ngồi.” (xem chú thích ở dưới – ND)

Tôi lo lắng khi những câu hỏi “sắc bén và nóng bỏng” nảy sinh trong lớp học, nhưng không phải vì sợ phải trả lời. Vâng, tôi không còn sợ bất cứ điều gì nữa – ngay khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, người ta đã viết đơn tố cáo tôi gửi đến K.U. Chernenko (lãnh đạo mảng tư tưởng ĐCS Liên xô, tổng bí thư năm 1984-85 – ND), trong thời kỳ perestroika, họ buộc tội tôi coi thường chiến công của nhân dân Liên Xô trong chiến tranh (spoiler: không, tôi không coi thường, hoàn toàn ngược lại, chỉ là không cần thiết phải là những kẻ ngốc) – và không sao, tôi đã sống sót. Chỉ là trong tình huống này

giáo viên có một số rất nhỏ các lựa chọn hành động có thể làm – và không cái nào bảo đảm 100% thành công.

Phương án rú rít, quát tháo và giải thích rằng Navalny là kẻ thù của mọi người có thể loại bỏ ngay lập tức (Navalny là chính trị gia đối lập thủ lĩnh, việc ông bị bắt giam đã làm dấy lên làn sóng phản đối kể trên – ND). Và, thành thật mà nói, tôi rất lấy làm tiếc cho những người làm điều này. Một giáo viên la hét có thể tạo ra sự sợ hãi, nhưng anh ta vẫn nực cười. Và nếu hét lên những điều vô lý hiển nhiên, thì sẽ nực cười gấp đôi. Anh ta chỉ đơn giản là biến thành một bóng ma mục nát đến từ những thời gian bị lãng quên từ lâu, sống trong một không gian hoàn toàn xa lạ, không giao cắt với thế giới của học sinh. Trong không gian này, người lớn tiến hành những cuộc “trò chuyện phòng ngừa” với trẻ em, báo cáo về những hành động của trẻ em “đến cơ quan chức năng” và đe dọa đuổi học chúng, ghi sổ, và gửi thư cho cha mẹ chúng. Đây là một thế giới mà giáo viên và học sinh là kẻ thù, bất kể sự khác biệt về chính trị của họ. Đây là một thế giới đáng sợ và u ám. Tôi muốn tin rằng bất chấp nhiều tin tức đáng buồn, bất chấp những chuyện kinh khủng được quay và đưa lên YouTube, phương án này sẽ không được thực hiện ở hầu hết các trường học ở Nga.

Nhưng còn lại phương án nào? Với ngọn lửa hồ hởi tự hào trong mắt, chân thành giải thích cho học sinh rằng mọi thứ thực sự tốt như thế nào ngày hôm nay, mặc dù có một số thiếu sót? Chân thành luôn tốt hơn nói dối, nhưng tỏ ra là một kẻ ngốc trong mắt học sinh – cả khi là một kẻ ngốc vô hại và tốt bụng – thì oooh, thật đáng buồn. Thế còn cách không có có lửa nhiệt tình nào cả, và nói một cái gì đó đại loại: “Kệ nó, kệ chính trị, hãy chép bài tập về nhà” – lựa chọn vô cảm này dường như khá phổ biến.

Giáo viên dường như đang nói: các em và tôi không quan tâm đến tất cả những vấn đề này, chúng ta hãy làm cho xong việc và về nhà.

Mọi người tắt đèn, thu dọn đồ đạc, đi ra những con phố bẩn thỉu và ai về nhà nấy.

Và cuối cùng, lựa chọn nhân đạo nhất và theo tôi, tự nhiên nhất, là thảo luận thành thật mọi thứ. Và rất nhanh chóng, một trong những câu hỏi kinh điển kiểu Nga sẽ nảy sinh – phải làm gì? Kêu gọi học sinh đi biểu tình với bạn? Về lý thuyết nghe có vẻ rất hay, nhưng theo tôi thì không được làm thế. Không phải vì bạn sẽ bị sếp cạo – có nhiều lý do quan trọng hơn. Như đã nói ở trên, người thầy sẽ luôn là “bề trên”, là nhà sư phạm – dẫn dắt các em. Liệu có thể dẫn trẻ em theo mình đến các sự kiện chính trị? Chỉ khi chúng là con của bạn – thì đó là việc của riêng bạn. Khi các học sinh trung học hỏi ý kiến ​​tôi liệu ​​có nên “xuống đường ngày mai” không, tôi luôn nói rằng đối với tôi, tốt hơn hết là các em nên hoàn thành việc học trước, sau đó, khi bước ra thế giới người lớn, sẽ tự mình quyết định. Sau đó, tất nhiên, tôi vẫn gặp nhiều người trong số chúng “ngoài quảng trường”. Biết sao được, đây là lựa chọn của chúng, hy vọng chúng đã thảo luận với cha mẹ… Nếu nói: “Các em không được đi đâu cả” – nghe cũng hơi kỳ. Một lời kêu gọi phủ định phải được theo sau bởi một lời kêu gọi tích cực:

Đừng đi biểu tình, nhưng thay vào đó … là gì? Làm bài tập về nhà? Chuẩn bị cho cuộc sống tương lai?

Nghe có vẻ uể oải và không thuyết phục lắm.

Có lẽ nên để tất cả lên tiếng: cả những người bức xúc lẫn những người không thấy gì đáng sợ trong những chuyện đang xảy ra xung quanh (lớp học nào cũng có), và cả những người bất cần? Đơn giản là không bịt miệng, mà lắng nghe những gì chúng nói? Thảo luận xem chúng có hiểu hết hậu quả không? Bảo chúng hỏi bố mẹ xem họ nghĩ gì? John Keating, giáo viên trong bộ phim tuyệt vời Dead Poets Society, đã đề nghị học trò của mình thảo luận chân thành về vấn đề của mình với cha mẹ – và kết quả là cậu bé đã tự sát …

Nói chung, thành thật mà nói, trong môi trường ngày nay, tôi không thấy có một phương án hành động nào có lợi tuyệt đối cho giáo viên và học sinh. Trên mỗi con đường đều có những trở ngại và nguy hiểm nghiêm trọng chờ đón. Và trong tình huống như vậy, có lẽ quan trọng nhận là lựa chọn sự trung thực. Đơn giản là trung thực – không áp đặt quan điểm của mình cho bất kỳ ai, nhưng cũng không che giấu nó. Không kêu gọi ai đi đâu, không thao túng ai cả, nhưng nếu bọn trẻ hỏi bạn, hãy trả lời thẳng thắn rằng bản thân bạn sẽ đi hoặc không: nếu không thì tại sao, nếu có thì tại sao. Và cố gắng cho học sinh thấy rằng dù thế nào bạn cũng sẽ đứng về phía chúng – khi chúng bị la mắng, bạn sẽ không làm điều này, khi chúng bị xúc phạm, bạn sẽ cố gắng bảo vệ, và trong trường hợp đó, bạn có điện thoại đường dây nóng bảo vệ quyền con người.

Hết bài viết của Tamara Eidelman.

Chú thích

Bài ca tuyệt vọng của giáo viên môn xã hội (*)
(Yuliy Kim, 1967)

Mọi người đều ngủ và ăn theo lẽ thường,
Làm việc và nghỉ ngơi xen kẽ.
Còn tôi, kẻ đáng thương, hiểu biết về xã hội,
Còn nó thì kiểm soát tôi.

Và nó yêu cầu tất cả đều phải biết,
Học đi học lại dọc lẫn ngang.
Hơn nữa, không được khôn ngoan và cặn kẽ,
Mà chỉ bằng một cách – thuộc lòng.

Và tụi học trò đã tra tấn tôi,
Không tiếc sức của người trẻ tuổi –
Hỏi tôi những câu sắc bén và nóng bỏng,
Còn tôi thì cứ đè lên chúng mà ngồi.

Tôi bảo chúng: như thế và như vậy,
Và nếu không phải vậy, thì rõ là nói dối.
Nhưng chúng hét lên: “Sự kiện (fact) đâu, sự kiện ở đâu?
Hãy đưa luận chứng ra và đặt xuống! “

Và mặc dù không hiếu chiến chút nào,
Tôi sẽ đợi, tôi sẽ quan sát chúng,
Và sau đó lấy lý lẽ độc nhất của mình,
Rút nó ra và đập vào mặt chúng!

Tôi sẽ chọn một đêm thu lặng yên,
Tôi đã tính kỹ rồi, từ lâu lắm,
Tôi sẽ nằm dưới tủ, để cử động nhẹ thôi
Sẽ rơi xuống đầu tôi những tập “Tư bản”…

(*) môn Xã hội (Обществове́дение) được dạy ở Liên xô từ 1960 đến 1991. Môn học nhằm mục đích phát triển thế giới quan của học sinh các trường phổ thông, bao quát tất cả các hiện tượng xã hội và đưa ra cách hiểu và giải thích chúng một cách thống nhất qua lăng kính của triết học Mác – Lênin. Khóa học bao gồm ba phần: “Cơ bản Triết học Mác-Lênin”, “Cơ bản kinh tế chính trị Mác” và “Cơ bản chủ nghĩa cộng sản khoa học”.

1 thought on “Nói chuyện với học sinh về chính trị như thế nào?

Leave a Reply