Các luận điểm của Martin Luther King bảo vệ hình thức đấu tranh xã hội bất bạo động

Trong quá trình trao đổi quan điểm trên mạng xã hội về các cuộc đấu tranh ôn hòa phản đối chính quyền, có nhiều người đưa ra các lý lẽ phản đối những người đấu tranh, từ những lời phàn nàn kiểu “gây mất trật tự”, hay lý lẽ bênh vực chính quyền như “thượng tôn pháp luật”, cho đến những lời khuyên kiểu như “đồng ý là bất công nhưng phải giải quyết từ từ”. Rất cần những lý lẽ, luận điểm đáp trả, và chắc không ai có thể làm việc đó tốt hơn là Martin Luther King.

Các luận điểm đó được trình bày không thể xuất sắc hơn trong “Bức thư từ ngục Birmingham”, tác phẩm kinh điển mà Dr. King viết khi bị giam do đấu tranh ôn hòa. Bức thư này là lời đáp trả cho “Lời kêu gọi đoàn kết” của tám cố đạo da trắng, cho rằng King và những nhà hoạt động xã hội người da đen cần “kiên nhẫn đàm phán và đòi quyền qua tòa án thay vì biểu tình phản đối”.

Bài này tóm tắt luận điểm của King phản bác một số quan điểm phê phán việc đấu tranh, sử dụng bản dịch tiếng Việt của talawas. Toàn văn bài viết có thể tìm đọc trên mạng.  Có những cuộc đấu tranh của những thiểu số yếu thế ở VN có tính bạo động, rất tiếc không theo được tinh thần ôn hòa mà Gandhi, King đề xướng, nhưng trong chừng mực họ cũng đáng nhận được những quan điểm bênh vực của King.

Dưới đây là các lý lẽ phổ biến của những người phản đối việc đấu tranh (mà tôi hay gặp), và các luận điểm đáp trả của King, trích từ bức thư trên. Phần chữ bôi đậm là của tôi.

Pin on Words

Bất công ở đâu chẳng có. Nhưng chỉ là đơn lẻ, đa số mọi người đều đang hài lòng”

Bất công ở bất kỳ đâu là một mối đe doạ tới công lý ở mọi nơi. Chúng ta bị mắc trong một mạng lưới không trốn tránh được của tính hỗ tương, bị cột trong một mảnh đơn nhất của định mệnh. Bất kỳ điều gì ảnh hưởng trực tiếp tới một người sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới tất cả.

“Không được gây bất ổn, làm ảnh hưởng đến những người khác, ảnh hưởng đến tôi.” – lên án hậu quả mà bỏ qua nguyên nhân tại sao xảy ra chuyện đó.

Tôi chắc rằng mỗi quý vị muốn đi xa hơn các tay phân tích xã hội nông cạn chỉ nhìn ở hậu quả và không nắm được các nguyên nhân tiềm ẩn.

Trong bất kỳ vận động bất bạo động nào có bốn bước căn bản: (1) Thu thập chứng cớ để xác định bất công có tồn tại không. (2) Đàm phán. (3) Tự thanh lọc và (4) Hành động trực tiếp. Chúng tôi đã đi qua hết những bước này ở Birmingham. Có thể không cần nói lấy được về cái sự thực rằng bất công chủng tộc đang vây bủa cộng đồng này.

…Trong những cuộc đàm phán này, các thương gia đã có một số lời hứa – như là lời hứa gỡ bỏ các tấm bảng lăng nhục chủng tộc khỏi các cửa tiệm.

Ngày tháng trôi qua, chúng tôi nhận ra mình là nạn nhân của sự bội hứa. Các tấm biển vẫn còn treo. Như nhiều kinh nghiệm của quá khứ, chúng tôi buộc phải đối mặt với những niềm hy vọng tan vỡ, và bóng tối của thất vọng sâu xa trùm lên chúng tôi.

Chúng tôi không phải không lường trước được những khó khăn liên quan. Vì vậy chúng tôi quyết định trải qua một tiến trình tự thanh lọc. Chúng tôi bắt đầu có những buổi thực tập về bất bạo động và hỏi đi hỏi lại chính mình các câu hỏi, “Bạn có chấp nhận những cú đánh mà không phản đòn?” “Bạn có chịu được thử thách tù ngục?” 

Quý vị cũng có lẽ sẽ hỏi, “Sao hành động trực tiếp? Sao biểu tình ngồi, tuần hành, vân vân? Đàm phán không phải là phương cách tốt hơn sao?” Quý vị hoàn toàn đúng trong kêu gọi đàm phán. Thực vậy, đây là mục đích của hành động trực tiếp. Hành động trực tiếp bất bạo động tìm cách tạo ra một tình trạng khủng hoảng và thiết lập một sự căng thẳng, khiến một cộng đồng luôn từ chối đàm phán bị buộc phải đối mặt với vấn đề

Nó nhắm tới điều đó để kịch tính hoá vấn đề, do đó không thể bị lờ đi được nữa. Tôi chỉ viện tới sự tạo ra căng thẳng như một phần công việc của người phản kháng bất bạo động. Điều này có lẽ gây sốc. Nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi không e ngại từ căng thẳng. Tôi đã làm việc một cách dứt khoát và giảng thuyết chống lại căng thẳng bạo lực, nhưng có một loại căng thẳng phi bạo lực có tính xây dựng cần thiết cho tăng triển.

“Đồng ý là cần, nhưng giờ chưa phải lúc”

Tôi phải nói với quý vị rằng chúng tôi sẽ không tạo được một thắng lợi đơn lẻ nào trong nhân quyền mà không dùng tới áp lực bất bạo động và pháp lý cương quyết. Lịch sử là một chuyện dài bi thảm của thực tế là các nhóm đặc quyền hiếm khi nào từ bỏ đặc lợi của họ một cách tự nguyện. Các cá nhân có thể nhìn ra ánh sáng đạo đức và tự nguyện từ bỏ thái độ bất công của mình, nhưng như Reinhold Niebuhr đã nhắc nhở chúng ta, các nhóm thì vô đạo đức hơn các cá nhân.

Qua kinh nghiệm đau thương, chúng tôi biết được rằng kẻ áp bức không bao giờ tự nguyện ban tặng tự do; kẻ bị trị phải đòi hỏi nó. Một cách thẳng thừng, tôi chưa hề tham gia một phong trào hành động trực tiếp nào mà “đúng lúc” hết, theo đúng thời biểu của những người mà chưa bao giờ chịu đau khổ một cách thích đáng. Đã nhiều năm tôi nghe từ “Chờ đó!” Nó réo the thé bên tai của mỗi người Da Đen. Từ “Chờ” này hầu như luôn có nghĩa là “Không bao giờ”. Nó là một liều thuốc giảm đau đẻ, làm dịu căng thẳng xúc cảm một lúc, rồi chỉ để sinh ra một đứa trẻ dị dạng của bực tức. Chúng ta phải nhìn cùng một cách nhìn với một nhà luật học xuất sắc của ngày hôm qua rằng “công lý bị trì hoãn quá lâu là công lý bị từ chối.”

Tôi đoán là sẽ dễ cho những ai chưa hề cảm thấy những mũi lao nhức nhối của phân biệt chủng tộc để nói, “Chờ đó!”

Ly nước chịu đựng đã tới lúc tràn, và con người không còn muốn bị sa xuống vực thẳm bất công, nơi họ kinh nghiệm được cái đen tối của tuyệt vọng mỏi mòn. Tôi hy vọng quý vị có thể hiểu được sự mất kiên nhẫn không thể tránh được và chính đáng của chúng tôi.

Phải thượng tôn pháp luật”

Quý vị biểu lộ một mối lo ngại to lớn về ý chí bẻ gãy luật lệ của chúng tôi. Chắc chắn đây là một lo ngại chính đáng. Một người có thể hỏi, “Sao ông có thể chủ trương buất tuân các luật này và tuân thủ những luật kia?” Câu trả lời được tìm thấy ở thực tế là có hai loại luật: có những luật công bằng và có những luật bất công. Tôi đồng ý với Thánh Augustine rằng “một luật bất công thì chẳng là luật.”

Hai cái đó khác nhau ra sao? Làm sao một người xác định được khi một luật công bằng hoặc bất công? Một đạo luật công bằng là một quy tắc nhân tạo phù hợp với đạo lý và luật của Thượng Đế. Một luật bất công là một quy tắc không hài hoà với đạo lý. Theo ngôn từ của Thánh Thomas Aquinas, một luật bất công là một luật nhân tạo không có gốc rễ trong luật tự nhiên và vĩnh cửu. Bất kỳ luật nào nâng cao nhân cách thì công bằng. Bất kỳ luật nào hạ thấp nhân cách thì bất công

Người bẻ gãy một luật lệ bất công phải làm điều đó một cách công khai, yêu thương (không phải một cách thù hận như những bà mẹ da trắng đã làm ở New Orleans khi người ta thấy họ gào thét “đồ mọi, đồ mọi, đồ mọi” trên ti vi), và với một ý chí chấp nhận hình phạt. Tôi xin nêu ra rằng nếu một cá nhân bất tuân một luật mà lương tâm mách bảo là bất công, và chấp nhận hình phạt bằng cách ở tù để khơi dậy lương tâm của cộng đồng về sự bất công của nó, trong thực tế biểu thị sự kính trọng cao nhất dành cho luật pháp.

Chúng ta có thể không bao giờ quên rằng mọi chuyện Hitler đã làm ở Đức là “hợp pháp” và mọi chuyện các chiến sĩ tự do người Hung đã làm ở Hungary là “bất hợp pháp”. Sẽ “bất hợp pháp” nếu giúp đỡ và an ủi một người Do Thái ở nước Đức của Hitler. Nhưng tôi chắc chắn rằng nếu tôi sống ở Đức lúc đó tôi sẽ trợ giúp và an ủi những người anh em Do Thái của mình, cho dù là bất hợp pháp. 

Trước hết, tôi phải thú nhận rằng, vài năm lại đây tôi thất vọng kinh khủng với những những người da trắng trung dung. Tôi hầu như đạt đến một kết luận đáng tiếc là vật cản lớn nhất của người Da Đen trên đường rảo bước tới tự do không phải là người của Hội đồng Công dân Da Trắng hoặc người của Ku Klux Klan, mà là những người da trắng trung dung vốn tận tâm hơn cho “trật tự” hơn là công lý; vốn ưa thích nền hoà bình tiêu cực (vắng bóng căng thẳng) hơn là nền hoà bình tích cực (có sự hiện diện của công lý); vốn luôn nói, “Tôi đồng ý với mục tiêu của bạn, nhưng tôi không thể đồng ý với các phương pháp hành động trực tiếp”; vốn cảm thấy một cách gia trưởng rằng ông/bà ta có thể lập một thời gian biểu cho tự do của người khác; vốn sống bằng huyền thoại thời gian và luôn khuyên người Da Đen nên chờ cho tới “lúc thuận tiện.” Hiểu biết nông cạn của những người có thiện ý thì gây khó chịu hơn so với sự thiếu hiểu biết tuyệt đối của người có ác ý. Sự chấp nhận giả dối gây hoang mang hơn nhiều so với từ chối thẳng thừng.

Đang yên lành, tự dưng tạo ra căng thẳng

Thực ra, chúng tôi, những người tiến hành hành động trực tiếp bất bạo động, không phải là người tạo ra căng thẳng. Chúng tôi chỉ rinh lên bề mặt sự căng thẳng ngấm ngầm đã tồn tại. Chúng tôi mang nó ra công khai nơi nó có thể được thấy và xử lý. Như một vết phỏng mà sẽ không bao giờ chữa được chừng nào mà nó còn bị bó kín mà cần phải được mở ra với tất cả vẻ xấu xí lở loét của nó tới phương thuốc tự nhiên của ánh sáng và không khí, bất công phải được phơi bày, với tất cả căng thẳng mà sự phơi bày nó tạo ra, tới ánh sáng của lương tâm nhân loại và bầu không khí của quan điểm quốc gia trước khi nó có thể được chữa trị.

Thời gian sẽ giải quyết mọi thứ, ko được manh động”

Tôi cũng đã hy vọng rằng người da trắng trung dung sẽ từ bỏ cái huyền thoại về thời gian. Sáng nay tôi nhận được một bức thư từ một người anh em da trắng ở Texas nói rằng: “Mọi người Thiên Chúa giáo biết là người da màu cuối cùng sẽ nhận được các quyền bình đẳng, nhưng có lẽ các bạn đang ở trong một sự quá vội vã về tôn giáo. Thiên Chúa giáo hầu như cần tới hai ngàn năm để hoàn tất những gì nó có. Phúc Âm cần thời gian để đến với con người.” Tất cả mọi điều được nói ở đây trỗi ra từ một quan niệm sai lầm có tính thảm hoạ về thời gian. Nó là một nhận thức thiếu lý trí đến lạ lùng rằng có một cái gì đó trong dòng thời gian tất yếu sẽ chữa lành mọi bệnh hoạn. Thực ra thời gian thì trung tính. Nó có thể được sử dụng một cách phá hoại hay xây dựng. Tôi có cảm giác là người có ác ý sử dụng thời gian hiệu quả hơn nhiều so với người có thiện ý. Chúng ta sẽ phải ăn năn ở thế hệ này không chỉ vì những ngôn từ và hành động cay độc của người xấu, mà còn cho sự im lặng khủng khiếp của người tốt.

Chúng ta phải nhận ra rằng tiến bộ nhân loại không bao giờ lăn theo bánh xe tất yếu. Nó đến từ những cố gắng không ngừng nghỉ và công việc kiên trì của những người muốn là đồng nghiệp với Thượng đế, và không có sự khổ công này, bản thân thời gian trở thành một đồng minh của các lực trì trệ xã hội. Chúng ta phải sử dụng thời gian một cách sáng tạo, và luôn mãi nhận thức được rằng thời gian thì luôn chín muồi để làm điều đúng. Nay là lúc để biến thành hiện thực hứa hẹn của dân chủ, và biến khúc bi ai quốc gia thành bài tụng ca của tình huynh đệ. Nay là lúc để nâng chính sách quốc gia của chúng ta từ nền cát chảy của bất công chủng tộc sang nền đá cứng của phẩm cách con người.

Hành động như vậy là cực đoan, đáng trừng phạt”

Trước tiên tôi khá là thất vọng vì các đạo hữu khác nhìn những cố gắng bất bạo động của mình cũng không khác gì các cố gắng của những kẻ cực đoan… Nhưng khi tiếp tục nghĩ về vấn đề, tôi dần dần thâu được một chút thoả mãn từ việc bị coi là một kẻ cực đoan. Jesus không là một kẻ cực đoan trong tình yêu thương sao – “Hãy yêu kẻ thù của bạn, cầu xin ơn huệ cho kẻ nguyền rủa bạn, cầu nguyện cho kẻ hại bạn.” Amos không là một kẻ cực đoan vì công lý sao – “Hãy để công lý tuôn ra như nước và sự chính trực như nguồn suối khổng lồ.” Paul không là một kẻ cực đoan vì lời dạy của Jesus Christ sao – “Tôi mang trong cơ thể mình những vết tích của Chúa.” Martin Luther không phải là một kẻ cực đoan sao – “Đây tôi đứng thẳng; tôi không thể làm khác. Thượng đế hãy giúp tôi.” John Bunyan không là một kẻ cực đoan sao – “Tôi thà chết trong tù chớ không giết chết lương tâm mình.” Abraham Lincoln không là một kẻ cực đoan sao – “Quốc gia này không thể sống nửa tự do nửa nô lệ.” Thomas Jefferson không là một kẻ cực đoan sao – “Chúng ta tin chắc ở sự thật hiển nhiên rằng mọi người được tạo ra bình đẳng.”

Vì vậy câu hỏi đặt ra không phải là chúng ta có là những kẻ cực đoan không, mà là chúng ta sẽ là loại cực đoan nào. Chúng ta sẽ là những kẻ cực đoan vì thù hận hay chúng ta sẽ là những kẻ cực đoan vì tình yêu thương? Chúng ta sẽ là những kẻ cực đoan để bảo toàn bất công hay chúng ta sẽ là những kẻ cực đoan vì công lý? Trong khung cảnh kịch tính đó trên đồi Sọ, ba người đàn ông bị đóng đinh lên thập giá. Chúng ta không được quên rằng cả ba bị đóng đinh vì cùng một tội – tội cực đoan. Hai người là những kẻ cực đoan vì vô đạo đức, vì vậy đã tụt xuống thấp ở đời. Người kia, Jesus Christ, là một kẻ cực đoan vì tình yêu thương, sự thật, và tính thiện, bởi vậy đã vươn cao lên ở đời. Vì vậy, sau cùng, có lẽ miền Nam, quốc gia, và thế giới đang rất cần những kẻ cực đoan sáng thế.

Có nhiều người đứng ngoài cuộc và nói đạo lý suông

Giữa sự bất công trắng trợn giáng xuống người Da Đen, tôi trông thấy nhiều nhà giáo hội da trắng đứng ra ngoài lề và chỉ nói suông những chuyện lạc đề ra vẻ sùng đạo và những chuyện tầm phào ra vẻ cao đạo. Giữa cuộc tranh đấu to tát để rũ bỏ bất công kinh tế và chủng tộc khỏi quốc gia chúng ta, tôi đã nghe nhiều mục sư nói, “Đó là những vấn đề xã hội mà với nó phúc âm không có mối quan tâm thực sự,” và tôi nhìn thấy nhiều nhà thờ cam kết mình với một thứ tôn giáo hoàn toàn khác lạ mà tạo ra sự phân biệt lạ lùng giữa thân thể và linh hồn, giữa linh thiêng và trần tục.

Các ý kiến ủng hộ và ca ngợi cảnh sát

Tôi phải kết thúc rồi. Nhưng trước khi kết thúc tôi buộc phải đề cập tới một điểm khác trong tuyên bố của quý vị mà gây phiền toái sâu sắc cho tôi. Quý vị ca ngợi nồng nhiệt lực lượng cảnh sát Birmingham đã giữ vững “trật tự” và “ngăn ngừa bạo động.” Tôi không tin là quý vị sẽ ca ngợi nồng nhiệt lực lượng cảnh sát như vậy nếu như quý vị nhìn thấy những con chó dữ tợn của họ đã cắn sáu người Da Đen bất bạo động và không vũ trang. Tôi không tin quý vị sẽ nhanh chóng ca ngợi các cảnh sát viên như vậy nếu như quý vị chứng kiến họ xô đẩy và chửi rủa những bà già và thiếu nữ Da Đen; nếu như quý vị nhìn thấy họ tát và đá những ông già và thiếu niên Da Đen; nếu như quý vị chứng kiến họ, như họ đã làm trong hai trường hợp, từ chối cho chúng tôi ăn bởi vì chúng tôi muốn hát thánh ca cùng nhau. Tôi lấy làm tiếc là tôi không thể cùng với quý vị tán dương sở cảnh sát.

Đúng là họ rất kỷ luật trong hành xử với cuộc biểu tình ở nơi công cộng. Trong ý nghĩa này họ “phi bạo lực” một cách công khai. Nhưng cho mục đích gì? Để bảo toàn hệ thống xấu xa của phân cách chủng tộc. Vài năm trở lại đây tôi luôn thuyết giảng rằng bất bạo động đòi hỏi những phương tiện chúng ta sử dụng phải tinh khiết như các mục tiêu chúng ta tìm kiếm. Vì vậy tôi đã cố làm rõ rằng sẽ sai trái nếu sử dụng các phương tiện vô đạo đức để thâu đạt những mục tiêu đạo đức. Nhưng giờ đây tôi phải xác nhận rằng cũng sai, hoặc còn hơn nữa, nếu sử dụng các phương tiện đạo đức để bảo toàn những mục tiêu vô đạo đức. Có lẽ ông Connor và các cảnh sát viên của mình phi bạo lực ở nơi công cộng, giống như ông cảnh sát trưởng Pritchett ở Albany, Georgia, nhưng họ đã sử dụng các phương tiện đạo đức của bất bạo động để bảo quản mục tiêu vô đạo đức của bất công chủng tộc trắng trợn. T.S. Elliot đã nói rằng không có sự phản bội nào lớn hơn là làm một hành động đúng cho một lý do sai.

Tôi ước gì quý vị đã ca ngợi những người ngồi lì và biểu tình Da Đen ở Birmingham vì lòng dũng cảm siêu phàm của họ, ý chí chịu đựng khổ đau của họ, và kỷ luật đáng kinh ngạc của họ giữa những khiêu khích vô nhân đạo nhất. 

Leave a Reply