Giới thiệu các cơ chế phòng vệ tâm lý

Giống như tất cả các cơ thể sống, con người đã tiến hóa nhiều cơ chế bảo vệ để chống lại các mối đe dọa đối với sự tồn tại và toàn vẹn thể chất của chúng ta. Ví dụ: hệ thống miễn dịch, cơ chế đông máu, cơ chế quyết định “chơi hay chạy” được nhúng trong hệ thần kinh. Do đó, trực giác mách bảo rằng, con người đã tiến hóa các cơ chế phòng thủ tương tự để bảo vệ và thúc đẩy tính toàn vẹn của tâm trí chúng ta, ví dụ như ý thức về bản thân, căn tính và lòng tự trọng.

Lý thuyết của Freud

Đầu thế kỷ 20, Sigmund Freud là người đầu tiên mô tả một hệ thống phòng thủ tâm lý như một phần của kiến ​​trúc tâm trí (psychic architecture) của con người. Để hiểu khái niệm của Freud về các cơ chế phòng vệ, ta cùng lược qua lý thuyết của Freud.

Theo Freud, nhân cách con người xuất hiện từ sự tác động lẫn nhau của ba cấu trúc tâm trí: id, ego, và superego. Id là nguồn năng lượng sống (libido). Trẻ sơ sinh chỉ có Id, chỉ muốn nhận được khoái cảm qua các giác quan, và khước từ những kích thích đau đớn, khó chịu. Vấn đề là, Id không có khả năng tự bảo tồn hay suy xét. Vì vậy, một người chỉ có Id sẽ không thể sống sót, và không có khả năng hợp tác với người khác. Id của tôi nhìn thấy iPhone của bạn, thèm muốn và lấy nó. Bạn không hài lòng và chúng ta xung đột – đó là vấn đề, vì bản chất chúng ta là động vật bầy đàn, dựa vào các nhóm được tổ chức chặt chẽ để tồn tại.

Lớn lên một chút, ego bắt đầu phát triển. Ego, giống như ý thức về bản thân, tìm cách quản lý các xung động từ Id đồng thời tránh tự hủy hoại. Khi Id của tôi thèm muốn iPhone của bạn, ego của tôi âm mưu lấy nó khi bạn không nhìn. Đây là một bước tiến, vì tránh được xung đột công khai. Nhưng vấn đề vẫn còn, vì chúng ta vẫn không thể tin tưởng nhau. Sự thiếu tin tưởng khiến cho việc hợp tác nhóm trở nên khó khăn.

Lớn hơn nữa, superego phát triển, tạo thành la bàn đạo đức của ta, là sự phân biệt đúng / sai mà ta thừa hưởng từ nhóm, thông qua cha mẹ. Giờ thì bạn có thể yên tâm lo việc của mình khi biết rằng tôi sẽ không lấy iPhone của bạn, vì superego của tôi nhắc tôi rằng ăn trộm là sai trái. Do đó, superego giúp tiết chế Id (xung lực) và ego (tính ích kỷ) của chúng ta, để phục vụ cho việc thúc đẩy xã hội hợp tác — một nền văn minh — mà cuộc sống từng cá nhân phụ thuộc vào.

Có thể thấy, hệ thống này luôn căng thẳng, vì ego cố gắng dàn xếp ba chủ thể đối địch nhau: Id thì tìm kiếm sự thỏa mãn nhục dục tức thì, superego thì ra lệnh phải đúng đắn về đạo đức, và các điều kiện thực tế, vốn hay đặt những trở ngại hoặc cám dỗ trước mặt ta, mà ta không thể bỏ qua hoặc hô biến.

Đôi khi, những xung lực mạnh mẽ của Id kích động và đe dọa vượt qua ego, gây xáo trộn cảm giác về bản thân, và phá vỡ sự toàn vẹn của ta. Sự kích động này tạo ra lo lắng (anxiety). Để chống lại cảm giác lo lắng này, ego triển khai các cơ chế bảo vệ vô thức. Tất cả các cơ chế bảo về này đều kéo theo một số biện pháp bóp méo thực tế, nhằm giảm lo lắng.

Freud đã chỉ ra một số cơ chế bảo vệ như vậy bao gồm phủ nhận (denial) (từ chối thừa nhận một sự thật có tính đe dọa: “nó chưa chết, nó chỉ đang ngủ”), phản ứng ngược (reaction formation) (hành động ngược lại với cảm xúc thực của mình: Tôi không yên tâm về nam tính của mình, nên tôi hành xử theo cách nam nhi quá mức), chuyển dịch cảm xúc (displacement) (hướng xung lực về phía mục tiêu an toàn: Tôi tức giận ông chủ nên tôi đá con mèo của mình) và thăng hoa (sublimation) (điều chuyển các xung động có tính phá hủy đến những mục tiêu được xã hội chấp thuận: Tôi có xung động hung hăng mạnh mẽ, vì vậy tôi trở thành cầu thủ bóng đá).

Trong cuốn sách có tính định nghĩa đầu tiên về cơ chế phòng vệ, Bản ngã và Cơ chế phòng thủ (1936), Anna Freud đã liệt kê 10 cơ chế phòng vệ xuất hiện trong các tác phẩm của cha cô, Sigmund Freud: kìm nén (repression), thoái lui (regression), phản ứng ngược (reaction formation), cô lập (isolation), hoàn tác (undoing), phóng chiếu (projection), hướng nội (introjection), quay lưng với con người của chính mình (turning against one’s own person), đảo ngược thành đối diện (reversal into the opposite), thăng hoa (sublimation) hoặc thay thế (replacement).

Sigmund Freud cho rằng các cơ chế phòng vệ hoạt động bằng cách làm biến dạng các xung lực Id thành các dạng có thể chấp nhận được, hoặc bằng cách ngăn chặn vô thức hoặc có ý thức các xung lực này. Anna Freud thì coi các cơ chế phòng vệ là các cơ chế tự động về trí tuệ và vận động, với nhiều mức độ phức tạp khác nhau, nảy sinh trong quá trình học hỏi không chủ ý và tự nguyện.

Anna Freud đưa ra khái niệm về sự lo lắng có tính báo hiệu (signal anxiety). Đó “không trực tiếp là một căng thẳng bản năng xung đột, mà là một tín hiệu xảy ra trong ego khi chờ đợi một căng thẳng bản năng xảy đến”. Do đó, chức năng báo hiệu của lo lắng được coi là rất quan trọng, và được thích nghi về mặt sinh học để cảnh báo sinh vật về sự nguy hiểm hoặc mối đe dọa đối với trạng thái cân bằng của nó. Sự lo lắng được cảm nhận như là việc sự căng thẳng của cơ thể hoặc tinh thần tăng lên, và khi đó, tín hiệu mà sinh vật nhận được cho phép nó thực hiện hành động phòng vệ chống lại mối nguy hiểm mà nó cảm tri được.

Các lý thuyết hậu Freud

Để minh chứng cho sức hấp dẫn mang tính trực giác và ích lợi tiềm năng của ý tưởng về các cơ chế phòng vệ tâm lý, nhiều nhà lý thuyết và nhà nghiên cứu hậu Freud, mỗi người phát triển một hệ thống giải thích riêng của mình, đôi khi đối nghịch nhau, một cách độc lập, nhưng đã hội tụ xung quanh các phiên bản của cùng một khái niệm.

Ví dụ, đã học với Freud một thời gian trước khi thâm thù cay đắng, Alfred Adler đã sớm chuyển hướng để thành lập trường phái của riêng mình trong tâm lý học. Lý thuyết của Adler phản bác Freud về nhiều mặt, nhưng ông cũng đã xây dựng một phiên bản của cơ chế phòng vệ, mà ông gọi là “chiến lược bảo vệ” (safeguarding strategies).

Theo Adler, động lực cơ bản nhất của ta là vượt qua sự thấp kém ban đầu. Ở những người khỏe mạnh, hành trình này được đóng khung trong định hướng cộng đồng bẩm sinh, mà Adler gọi là mối quan tâm xã hội — nhu cầu được là thành viên và hợp tác với những người khác. Tuy nhiên, một số hoàn cảnh thời thơ ấu có thể khiến trẻ chọn lối sống không lành mạnh, theo đó trẻ cố gắng vượt qua cảm giác thấp kém mà không quan tâm đến lợi ích của xã hội. Theo Adler, những người chọn lối sống sai lầm biết rằng họ là kẻ thao túng và vô dụng về mặt xã hội, và sợ bị phát hiện. Vì vậy, họ triển khai các chiến lược bảo vệ, chẳng hạn như xâm kích (aggression) (“ông đã phá tôi; thất bại của tôi là lỗi của ông”), xa cách (distancing) (“Tôi sẽ có nó vào ngày mai”), bào chữa (excuses) (“chỉ vì xui xẻo, nếu không tôi đã thành công”), và khấu hao (depreciation) (“anh chẳng là gì nếu không có tôi”), để bảo vệ khỏi mất tự tôn.

Vào cuối những năm 1930, một đệ tử khác của Freud, người sau này đã tránh xa ông, Karen Horney, đã xây dựng một phiên bản tao nhã của riêng bà về thao tác phòng thủ (defensive maneuver). Theo Horney, việc đối phó với những người khác đặt ra một vấn đề cố hữu để chúng ta phải giải quyết. Ví dụ, những cha mẹ bỏ bê, lạm dụng hoặc đơn thuần là thờ ơ, tạo ra vấn đề từ sớm cho con cái họ bằng cách kích động sự tức giận và lo lắng. Để chống lại nỗi đau khi đối xử với người khác, trẻ em có thể chọn một trong ba chiến lược phổ biến: chúng có thể học cách thống trị người khác, làm hài lòng người khác hoặc tránh né họ.

Khái niệm nổi tiếng “bất hòa về nhận thức” (cognitive dissonance), được nhà tâm lý học xã hội Leon Festinger đề xuất vào những năm 1950 cũng là mô tả về một hành động phòng thủ tâm lý lén lút. Theo Festinger, chúng ta luôn cố gắng tìm kiếm sự hài hòa giữa hành động và thái độ của mình. Sự thiếu thống nhất giữa hai thứ đó dẫn đến cảm giác căng thẳng – bất hòa – mà sau đó chúng ta có động lực để giải tỏa bằng cách thay đổi thái độ để phù hợp với hành động hoặc ngược lại. Vì vậy, một người hút thuốc khi đọc về ung thư phổi sẽ cảm thấy bắt buộc phải bỏ thuốc lá hoặc bác bỏ khoa học, do đó bảo vệ bản thân khỏi xung đột bên trong.

Vào cuối những năm 1950, nhà tâm lý học nhân văn người Mỹ có ảnh hưởng Carl Rogers, trong lý thuyết của riêng mình, cũng đưa vào khái niệm phòng vệ. Theo Rogers, việc một người không tuân theo tiếng nói bên trong đích thực (inner voice) sẽ dẫn đến sự sai lệch giữa con người thực và con người lý tưởng — giữa trải nghiệm thực sự của bạn về con người mình và hình ảnh một con người mà bạn nghĩ mình phải là, dưới ảnh hưởng của xã hội. Khoảng sai lệch này gây ra lo lắng, và để đối phó với nó, ta sử dụng hai biện pháp bảo vệ: phủ nhận và bóp méo tri giác. “Quá trình bảo vệ… bao gồm cảm tri có chọn lọc hoặc bóp méo trải nghiệm và / hoặc phủ nhận nhận thức về toàn bộ hoặc một phần trải nghiệm.”

Trong những năm 1960 đến những năm 1970, trường phái hiện sinh trong tâm lý học, dẫn đầu bởi Rollo May, cũng đề cập đến khái niệm này. Trong khi bác bỏ những ý tưởng của Freud vì quá tất định và máy móc, các nhà hiện sinh nói về những cách mà mọi người sử dụng để tránh gặp, đối mặt và gánh vác nỗi lo lắng bắt nguồn từ việc nhận ra cái chết. May đã viết về sự tồn tại các lực lượng ma thuật trong tất cả chúng ta — những động lực mạnh mẽ mà nếu không được kiểm soát có thể chiếm đoạt và làm trật bánh cuộc đời của ta, như lòng tham, ham muốn tình dục và khao khát quyền lực.

Theo chủ nghĩa hiện sinh, chúng ta phải hiên ngang đối mặt với nhận thức về những lực lượng này, nếu muốn được tự do và sống một cách trọn vẹn và chân thực. Thế nhưng, nhiều người chống lại gánh nặng của tự do bằng cách tránh tiếp xúc với nhận thức đầy đủ về cái chết. Họ làm vậy bằng nhiều cách khác nhau như phân ly (dissociation), tuân thủ (conformity) hoặc theo quy ước (conventionality) – máy móc đi theo các lộ trình đã quy định của đàn, hoặc tham gia quá mức vào những việc tầm thường. Cuộc đời ta như những chương trình truyền hình thực tế của một tấn kịch liên miên, ồn ào, giả tạo và tầm thường, với mục đích trớ trêu là để đánh lạc hướng ta khỏi thực tế.

Vào cuối những năm 1990, Albert Bandura, thuộc trường phái xã hội-nhận thức, đã đề xuất phiên bản riêng của mình về khái niệm cơ chế phòng vệ. Bandura lập luận rằng chúng ta sử dụng một loạt các biến dạng về tri giác và nhận thức để minh oan cho hành xử vô đạo đức của mình và biện minh cho hành vi ích kỷ và phá hoại. Những “cơ chế tự tha thứ” này bao gồm chuyển dịch trách nhiệm (displacement of responsibility) (“Tôi chỉ làm theo lệnh”), hạ thấp giá trị người khác (devaluing the other) (“kẻ thù của chúng ta là bọn man rợ”) và so sánh có lợi (advantageous comparison) (“Tôi đã ăn cắp tiền, nhưng không giết ai”).

Gần đây hơn, khái niệm phòng vệ tâm lý đã được đưa vào mối quan tâm học thuật rộng rãi hơn trong khái niệm “chiến lược đối phó” (coping strategies), đặc biệt liên quan đến cách mọi người đối phó với căng thẳng, chấn thương, các mối đe dọa đối với lòng tự trọng và địa vị xã hội, và các thách thức thích ứng với cuộc sống.

Điều này có ý nghĩa về mặt khái niệm, vì cả chiến lược đối phó lẫn cơ chế phòng vệ về bản chất đều là những thay đổi hành vi liên quan đến quá trình tự điều chỉnh, sắp đặt và thích ứng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đương đại đang cố gắng phân biệt chúng, coi cái trước là có ý thức, có chủ đích, chủ yếu là thích nghi và nhắm vào những thách thức bên ngoài, còn cái sau là vô thức, không chủ ý, có khả năng sai lầm và chủ yếu nhằm mục đích quản lý sự khó chịu bên trong, mặc dù ranh giới xác định vẫn còn hơi mờ.

Khái niệm cũ về các cơ chế phòng vệ giờ đây cũng đang được khoanh vùng lại một cách hữu ích trong các thuật ngữ của nghiên cứu khoa học thần kinh đương đại như là một dạng “điều chỉnh cảm xúc” (emotional regulation). Nghiên cứu đã gợi ý rằng — phù hợp với các khái niệm hiện tại về các cơ chế đối phó và phòng vệ — các nỗ lực điều chỉnh cảm xúc hoạt động trên con đường kép của các cơ chế rõ ràng (nỗ lực có ý thức để quản lý trải nghiệm cảm xúc) và ẩn (được tự động hóa, thích nghi vô thức với đe dọa cảm xúc hoặc căng thẳng), có thể được chỉ ra là liên quan đến các vùng não riêng biệt.

Phân loại

Không có cách phân loại nào về các cơ chế phòng vệ tâm lý được chấp nhận rộng rãi, mặc dù nhiều tác giả đã đề xuất nhiều cách khác nhau. Những phê bình chính về các cách phân loại là: hoặc là không đầy đủ (người phê bình không tìm thấy trong cách phân loại đó một quá trình tinh thần quan trọng đối với anh ta, mà anh ta cho là cơ chế phòng vệ), hoặc thừa (người phê bình tìm thấy trong cách phân loại nhiều quá trình tinh thần mà anh ta không cho là cơ chế phòng vệ, hay thậm chí không coi là quá trình tinh thần độc lập). Rất có thể, điều này được giải thích bằng thực tế là, việc giảm thiểu các trải nghiệm tiêu cực nhìn chung là nhu cầu tự nhiên của bất kỳ sinh vật sống nào (trong đó có con người), và nếu có một số giả định, thì bất kỳ quá trình tinh thần nào cũng có thể được coi là nhằm đạt được mục tiêu này. Nhu cầu xác định các cơ chế phòng vệ riêng biệt nào đó gắn liền với nhu cầu thực tế của các nhà tâm lý học trong việc xác định và mô tả những cơ chế phổ quát nhất trong các quá trình phòng vệ vô thức.

Hầu hết các nhà tâm lý học hiện đại đều đồng thuận một tập hợp các cơ chế phòng vệ cụ thể, mà tên gọi của chúng đã trở nên phổ biến. Thông thường người ta phân các cơ chế phòng vệ thành các cấp độ (từ hai đến bốn), nhưng vẫn chưa có sự thống nhất về các nguyên tắc phân chia cơ chế nào vào cấp độ nào. Bài viết này giới thiệu hai cách phân loại, của George Vaillant và của Nancy McWilliams.

Cách phân loại của Vaillant

Có lẽ công trình có ảnh hưởng nhất cho đến nay về tầm quan trọng của phòng vệ tâm lý đối với hạnh phúc của con người là của bác sĩ tâm thần học ở Harvard, George Vaillant, người đã tiếp thu các ý tưởng của Freud, sắp xếp chúng thành các loại riêng biệt, và áp dụng chúng vào nghiên cứu dài hạn về sự thích nghi của con người với cuộc sống. Trong hệ thống của Vaillant, phòng vệ là “cơ chế cân bằng nội môi vô thức làm giảm tác động xáo trộn của căng thẳng đột ngột.”

Chúng có thể thích nghi hoặc thậm chí sáng tạo, hoặc có tính bệnh lý, và trong khi thường vô hình đối với chủ thể, thì chúng lại có vẻ kỳ quặc và đôi khi gây khó chịu đối với người quan sát.

Các cơ chế phòng vệ trong hệ thống của Vaillant rất động và được tổ chức dọc theo một contiuum từ chưa trưởng thành đến trưởng thành. Vì vậy, ví dụ, cơ chế phòng vệ non nớt của thanh thiếu niên là phóng ngoại (acting out) (ví dụ, trộm đồ trong siêu thị một cách bốc đồng) có thể dần dần tiến hóa thành phản ứng ngược (reaction formation) (trở thành một cảnh sát nghiêm khắc) và cuối cùng trở thành lòng vị tha trưởng thành (mature altruism) (trở thành giáo viên tình nguyện trong nhà tù địa phương).

Vaillant tổ chức các cơ chế phòng thủ thành một hệ thống phân cấp bốn tầng. Ở cấp độ dưới cùng là các biện pháp phòng vệ không lành mạnh, loạn tâm nhất (psychotic defenses): phóng chiếu hoang tưởng (delusional projection), phủ nhận loạn tâm (psychotic denial)bóp méo loạn tâm (psychotic distortion). Những thứ này liên quan đến nỗ lực đối phó với thực tế bằng cách chạy trốn khỏi nó về mặt tâm lý.

Ở cấp độ thứ hai là sự phòng vệ chưa trưởng thành (immature): phóng ngoại (acting out); gây hấn thụ động (passive aggression) (chẳng hạn như tự cắt vào người); phân ly (dissociation) (phổ biến sau khi bị lạm dụng thời thơ ấu), và phóng chiếu (projection) (ý tưởng hoang tưởng).

Cấp độ thứ ba là phòng vệ nhiễu tâm (neurotic). Chức năng phòng vệ ở cấp độ này ngăn những ý nghĩ và cảm xúc có tiềm năng đe dọa, không cho chúng đi vào nhận thức. Ví dụ như chuyển dịch cảm xúc (displacement), cô lập hiệu ứng và đối lập (isolation of effect and its opposite), cảm giác không suy nghĩ (feeling without thinking), và sự kìm nén (repression). Những cơ chế phòng vệ này thường biểu hiện dưới dạng ám ảnh, cưỡng chế, rối loạn bản thể (somatization) và mất trí nhớ. Ngược lại với những phòng vệ cấp thấp hơn, những cơ chế phòng vệ này có xu hướng khiến chủ thể của chúng bị khó chịu hơn những người quan sát.

Ở cấp độ cao nhất là những cơ chế phòng vệ trưởng thành (mature), mà càng lớn tuổi người ta càng dùng nhiều. Những biện pháp phòng vệ này chủ yếu nhằm mục đích tăng cường sự hài lòng và thỏa mãn, bằng cách tăng cường sự chú ý có ý thức của chủ thể đối với cảm xúc, ý nghĩ và các hệ quả của chúng. Các cơ chế phòng vệ chính ở cấp độ này là:

  • Thăng hoa (sublimation): chuyển đổi năng lượng thần kinh thành các dự án mang tính xây dựng.
  • Kìm hãm (suppression): nhốt những cảm xúc tiêu cực để ngăn chúng phá hoại việc theo đuổi mục tiêu và giá trị của bạn (chờ đến hết tiệc mới bày tỏ sự tức giận với vợ / chồng).
  • Biết tiên lượng (anticipation): bỏ công sức vào việc chuẩn bị và lập kế hoạch như một cách để giảm lo lắng và căng thẳng.
  • Vị tha (altruism): tạo ra sự hài lòng, tương lai và ý nghĩa từ việc sử dụng các nguồn lực và tài năng của mình để giúp đỡ người khác.
  • Hài hước (humor): khả năng nhìn thấy các khía cạnh buồn cười, hài hước hoặc châm biếm của một tình huống căng thẳng hoặc có khả năng gây khó chịu.

Trong 70 năm qua, công trình của Vaillant đã chỉ ra rằng, “sự trưởng thành” trong phòng vệ là một khía cạnh đặc biệt của khả năng phục hồi tinh thần (mental resilience), và có tính dự đoán về sức khỏe và kết cục hạnh phúc của người trưởng thành.

Nói cách khác, những người sử dụng các cơ chế phòng vệ trưởng thành như hài hước, tiên lượng vị tha nhiều khả năng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn những người dựa vào các cơ chế phòng vệ chưa trưởng thành như phủ nhận, phóng chiếu phân ly.

Tham khảo danh sách các cơ chế phòng vệ theo Vaillant ở đây (tiếng Anh).

Cách phân loại của McWilliams

Trong cuốn Psychoanalytic Diagnosis, Nancy McWilliams đề xuất hai cấp độ của cơ chế phòng vệ, phân biệt theo mức độ “nguyên thủy” (primitive) của chúng, tức là việc sử dụng của chúng sẽ gây khó khăn cho cá nhân trong việc nhận thức đầy đủ về thực tế đến mức độ nào.

Các quá trình phòng vệ chủ đạo (primary defensive processes)

  • Rút chạy (extreme withdrawal): rời xa thực tế đến một trạng thái tinh thần khác.
  • Phủ nhận (denial): phủ nhận hoàn toàn khi nhận thức được thông tin khó chịu.
  • Kiểm soát toàn năng (omnipotent control): nhận thức bản thân là nguyên nhân của mọi thứ xảy ra trên đời.
  • Lý tưởng hóa nguyên thủy (extreme idealization and devaluation): nhận thức người khác là lý tưởng và toàn năng.
  • Phóng chiếu (projection): nhận thức sai lầm rằng các quá trình bên trong là xảy ra ở bên ngoài. Phóng chiếu nội tâm (introjection): đưa quan điểm, động cơ, thái độ, v.v. của người khác vào thế giới bên trong của mình một cách vô thức. Nhận dạng phóng chiếu (projective identification): nỗ lực vô thức nhằm áp đặt một vai trò nào đó cho một người nào đó dựa trên phóng chiếu, thể hiện bằng sự tưởng tượng về người này.
  • Chia rẽ cái tôi (splitting of the ego): quan niệm về một người chỉ tốt hoặc chỉ xấu, và nhận thức rằng những phẩm chất vốn có của người đó mà không phù hợp với đánh giá trên là một cái gì đó hoàn toàn tách biệt.
  • Bản thể hóa (somatization): xu hướng đau khổ cơ thể để đối phó với căng thẳng tâm lý và tìm kiếm sự chăm sóc y tế liên quan.
  • Phóng ngoại (acting out): giảm căng thẳng cảm xúc bằng cách thực hiện các tình huống dẫn đến trải nghiệm cảm xúc tiêu cực.
  • Tình dục hóa hay Bản năng hóa (sexualization, instinctualization): biến đổi một điều gì đó tiêu cực thành tích cực bằng cách gán một thành phần tình dục cho nó.
  • Phân ly (extreme dissociation): nhận thức những gì đang xảy ra với mình như thể nó đang xảy ra không phải với mình, mà là với người khác.

Các quá trình phòng vệ thứ cấp (secondary defensive processes)

  • Kìm nén (repression): loại bỏ một thứ gì đó khỏi ý thức một cách chủ động, có động cơ.
  • Thoái lui (regression): quay trở lại các kiểu hành vi thời thơ ấu.
  • Cô lập ảnh hưởng (isolation of affect): loại bỏ khỏi ý thức thành phần cảm xúc của những gì đang xảy ra.
  • Trí tuệ hóa (intellectualization): mong muốn vô thức để kiểm soát cảm xúc và xung động dựa trên sự giải thích hợp lý về tình huống.
  • Hợp lý hóa (rationalization): giải thích cho bản thân hành vi của mình theo cách mà nó có vẻ hợp lý và được kiểm soát tốt.
  • Đạo đức hóa (moralization): tìm cách thuyết phục bản thân về sự cần thiết về mặt đạo đức của những gì đang xảy ra.
  • Tư duy tách biệt (compartmentalization): tổng hợp các thái độ loại trừ lẫn nhau do không nhận ra được mâu thuẫn giữa chúng.
  • Hoàn tác (undoing): nỗ lực vô thức để “hoàn tác” ảnh hưởng của một sự kiện tiêu cực bằng cách tạo ra một sự kiện tích cực.
  • Chống lại bản thân (turning against the Self): chuyển hướng ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến một đối tượng bên ngoài về bản thân mình.
  • Dịch chuyển (displacement): định hướng lại một cách vô thức một xung lực hoặc cảm giác từ một đối tượng ban đầu sang một đối tượng khác.
  • Phản ứng ngược (reaction formation): bảo vệ khỏi những xung lực bị cấm bằng cách thể hiện những xung lực ngược lại trong hành vi và suy nghĩ.
  • Đảo ngược (reversal): tái tạo một kịch bản cuộc sống với sự thay đổi vị trí của đối tượng và chủ thể trong đó.
  • Nhận dạng (identification): xác định bản thân là một người khác hoặc một nhóm người khác.
  • Thăng hoa (sublimation): chuyển hướng xung động vào các hoạt động được xã hội chấp nhận.
  • Hài hước (humor): xem ở trên.

Kết luận

Việc có nhiều lý thuyết và hàng loạt bằng chứng từ vô số nguồn đã chứng minh tính hữu ích của khái niệm phòng vệ trong tư duy của chúng ta về tâm lý con người. Như vậy, yếu tố giúp bạn hạnh phúc không phải là việc bạn có gặp khó khăn hay không, mà là cách bạn quản lý nó như thế nào. Cụ thể hơn, bằng chứng liên quan đến tính hữu ích của “phòng vệ trưởng thành” là lời khuyên lành mạnh cho cuộc sống. Bạn nên quản lý cảm xúc bằng cách thích ứng với những thách thức trong cuộc sống, phát triển các thói quen của tâm trí (và hành vi) cho phép bạn khai thác năng lượng của mình để theo đuổi mục đích, kiểm soát cảm xúc thay vì để chúng kiểm soát mình, chuẩn bị tốt cho những thử thách phía trước, tử tế và hữu ích với người khác, và vui cười.

Tổng hợp từ các nguồn: The wisdom of defense mechanisms, Defense mechanism (wikipedia), Защитный механизм.

Xem thêm: Phân biệt Repression và Suppression.

Ghi chú: nhiều thuật ngữ chưa có từ tiếng Việt chuẩn.

Một số Cơ chế Phòng vệ được sử dụng trong cuộc chiến của Nga tại Ukraina, tháng 2-4/2022

Leave a Reply