Tháng 4/2021, Ban giám khảo Cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ 2019 – 2020 đã trao giải B cho bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân ở Điện Biên (xem thêm chi tiết, ví dụ ở đây).
Bài thơ đã chia dư luận quan tâm thành hai phái khen chê, trong đó phái khen thì đánh giá là bài thơ có tính nhân văn, tính giáo dục cao. Có người nhận xét: “Bài thơ đề cao sự trung thực, nhân hậu của đạo lý ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội, cái đạo lý luôn được đề cao trong nhân dân ta.”
Cá nhân tôi thì cho rằng bài thơ này nói đạo lý nhưng thật ra vô cùng thực dụng.
Trong nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, có một yếu tố (dimension) mô tả dân tộc đó hành động theo nguyên tắc nào, đạo lý (moralism) hay thực dụng (pragmatism). Người theo chủ nghĩa đạo lý sẽ hành động theo những nguyên tắc đạo lý mà họ tin, bất chấp việc đó không có lợi trong ngắn hạn. Ngược lại, người theo chủ nghĩa thực dụng sẽ căn cứ vào hoàn cảnh mà quyết định, sao cho có lợi nhất cho mình, cho dù điều đó trái với những nguyên tắc mà họ từng tuyên bố là tuân theo.
Người Việt Nam được xếp vào nhóm thực dụng. Tính thực dụng đồng nghĩa với linh hoạt, với khả năng sinh tồn rất cao, vì trong tình huống sinh tồn thì quan trọng là sống sót, phá bỏ mọi luật lệ. Nhưng để phát triển thì lại cần sự tuân thủ luật chơi. Bài thơ kể trên là một kiểu vỏ đạo lý ruột thực dụng, vì hứa hẹn cho người ta một lợi ích trong tương lai gần nếu họ làm theo đạo lý. Nếu không nhận được lợi ích đó, người ta sẽ dễ dàng ngừng làm việc thiện. Tức là nói chuyện đạo lý, nhưng thật ra rất thực dụng.
Cá nhân tôi thích cách tiếp cận kiểu Oscar Wilde, “không có việc thiện nào không bị trừng trị thích đáng”. Làm việc thiện thì đừng mong được ghi nhận hay trả công. Ít ra cho đến ngày phán xét cuối cùng.
Nguyên văn bài thơ:
Mẹ tôi chửi kẻ trộm
Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
– Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
– Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.
“không có việc thiện nào không bị trừng trị thích đáng” cho em xin nguyên văn câu này trong tiếng Anh được không ạ?
https://en.wikipedia.org/wiki/No_good_deed_goes_unpunished