Repression và Suppression là hai cơ chế phòng vệ tâm lý với tên gọi dễ gây nhầm lẫn, nhất là khi chưa có một cách dịch nhất quán sang tiếng Việt. Repression được dịch là đè nén, ức chế, dồn nén, kìm nén; còn suppression được dịch là đàn áp, xóa bỏ, kiềm chế, v.v. Tiếng Trung đều được dịch là 抑制 (ức chế). Vậy chúng khác gì nhau?
Điểm khác biệt giữa R và S là, R thuộc về vô thức còn S là có ý thức. R là việc ngăn chặn những suy nghĩ hoặc xung động không mong muốn một cách vô thức, còn S là hoàn toàn có ý thức, tự nguyện. Ví dụ, khi ta cố tình quên hoặc không nghĩ về những suy nghĩ đau đớn thì gọi là S.
Repression
R là sự ngăn chặn một cách vô thức những cảm xúc khó chịu, xung động, ký ức và suy nghĩ, không cho chúng lọt vào vùng ý thức. Cơ chế phòng vệ này nhằm giảm thiểu cảm giác tội lỗi và lo lắng. Mặc dù có tác dụng lúc đầu, R có thể dẫn đến những lo lắng lớn hơn về sau này, đến đau khổ về tâm lý.
Khi Freud trị liệu để giúp bệnh nhân khám phá ra những cảm xúc vô thức của họ, ông bắt đầu tin rằng có một cơ chế nào đó luôn chủ động che giấu những suy nghĩ mà bệnh nhân không thể chấp nhận được. Do đó mà ông phát triển khái niệm R. Đây là cơ chế phòng vệ đầu tiên do Freud xác định, và cho là cơ chế quan trọng nhất. Trên thực tế, toàn bộ quá trình phân tâm học Freud tập trung vào việc lôi những cảm giác và sự thôi thúc vô thức này vào trong nhận thức, để có thể xử lý chúng một cách có ý thức. R chủ yếu xảy ra khi một người còn rất nhỏ.
Quên có chọn lọc là cách để ngăn chặn nhận thức về những suy nghĩ hoặc ký ức không mong muốn. Một trong những cách như vậy được gọi là quên do truy xuất (retrieval-induced forgetting). Quên do truy xuất xảy ra khi việc nhớ lại những ký ức nhất định khiến cho thông tin liên quan khác bị quên. Vì vậy, việc lặp đi lặp lại một số ký ức có thể khiến những ký ức khác trở nên khó truy cập hơn. Chẳng hạn, những ký ức đau buồn có thể bị lãng quên khi người ta truy xuất nhiều lần những ký ức tích cực khác.
Freud tin rằng những giấc mơ là một cách để nhìn vào tâm trí vô thức. Bằng cách phân tích nội dung biểu hiện của giấc mơ (hoặc các sự kiện theo nghĩa đen diễn ra trong giấc mơ), ông tin rằng chúng ta có thể tìm hiểu thêm về nội dung ẩn của giấc mơ (hoặc các ý nghĩa tượng trưng, vô thức). Cảm xúc bị R có thể xuất hiện trong nỗi sợ hãi, lo lắng và mong muốn mà chúng ta trải qua trong những giấc mơ này.
Suppression (thought suppression)
S xảy ra khi chúng ta cố gắng bỏ qua hoặc kiểm soát những suy nghĩ xâm nhập mà chúng ta thấy có tính đe dọa hoặc đau khổ. S có thể phổ biến ở những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Điều này là bởi những ám ảnh, khiến bạn trải qua những suy nghĩ dường như không thể kiểm soát và cực kỳ đau khổ, là một triệu chứng cốt lõi của chứng bệnh này.
Mặc dù phản ứng tự nhiên của nhiều người bị OCD là cố gắng đẩy những suy nghĩ xâm nhập này ra xa, nhưng điều đó có thể làm cho nỗi ám ảnh trở nên tồi tệ hơn. S có thể dẫn đến hiệu ứng “quay lại”, khi nỗ lực đẩy suy nghĩ ra xa lại khiến nó quay trở lại. Rồi điều này dẫn đến nhiều S hơn, và lại kéo theo nhiều suy nghĩ buồn phiền hơn. Một vòng luẩn quẩn.
Ám ảnh là những suy nghĩ, thôi thúc hoặc hình ảnh tinh thần lặp đi lặp lại khiến bạn cảm thấy bị xâm phạm, không mong muốn và đau khổ. Những người mắc chứng OCD thường cố gắng bỏ qua hoặc S những ám ảnh, hoặc tìm cách hóa giải.
Cưỡng chế là các hành vi hoặc hoạt động tinh thần lặp đi lặp lại mà người mắc chứng OCD cảm thấy họ phải thực hiện. Sự cưỡng chế thường đi kèm với ám ảnh, hoặc có thể xảy ra theo một quy tắc tự áp đặt. Một người bị OCD thực hiện hoạt động cưỡng chế như một cách để giảm bớt đau khổ hoặc ngăn chặn điều gì đó tiêu cực xảy ra.
Cấp độ của cơ chế phòng vệ
G. Vaillant chia các cơ chế phòng vệ thành 4 cấp độ: bệnh lý (pathological), chưa trưởng thành (immature), loạn thần (neurotic) và trưởng thành (mature). R thuộc cấp độ 3 loạn thần, và S thuộc cấp độ 4 trưởng thành (xem wikipedia tiếng Anh).
Tham khảo:
Repression as a Defense Mechanism
What Is Thought Suppression?
Pingback: Giới thiệu các cơ chế phòng vệ tâm lý | Phan Phuong Dat