Giải nghĩa Kinh Thánh. Chương 1.3 – Sáng tạo Con người (2)

(St 2:4 đến 2:7. Tác giả không đi tiếp từ St 1:26 mà nhảy sang giải thích mấy câu đầu của Chương 2 sách Sáng thế, vì mấy câu này bị hiểu sai. Hết phần này, tác giả sẽ quay lại St 1:26. Đặc biệt, câu St 2:4 được giải thích là sự bắt đầu của Ngày Làm nên, nối tiếp Ngày Sáng thế và vẫn kéo dài cho đến ngày nay, chứ không phải là câu tổng kết Sáng thế. ND)

St 2:4

Eleh toledot hashamayim veha’arets behibare’am beyom asot Adonay Elohim erets veshamayim.

These are the chronicles of heaven and earth when they were created, on the day God completed earth and heaven.

Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo. Ngày ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm ra đất và trời. (bản dịch tiếng Việt này tách câu này thành 4a và 4b, và đưa 4b vào mục “Vườn địa đàng. Thử thách”)

Ấy là gốc tích trời và đất khi đã dựng nên, trong lúc Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất. (bản dịch tiếng Việt này tự ý đổi chỗ ‘đất và trời’ thành ‘trời và đất’ – ND)

“Những (eleh) gốc tích này (toledot) của trời và đất (ha shamayim ve ha’arets) trong sự sáng tạo, của chúng (be-hibare’am) vào Ngày dựng nên (beyom asot) Adonay (Ha-Shem) Elohim của đất và trời (erets ve-shamayim)”

Có vẻ như trong tất cả các bản dịch của Torah sang tiếng Việt, các từ eleh toledot được dịch: “gốc tích này”. Trong cách dịch như vậy, thì hóa ra câu này tổng kết Sáng thế. Nhưng ở đây không có từ hine – “ấy, đó, này” (tương ứng với từ these trong bản tiếng Anh, hay “ấy là”, “đó là” trong bản tiếng Việt – ND). Từ eleh luôn có nghĩa là hướng về phía trước; “những cái” không phải là những cái đã có, mà là những cái sẽ có. Các từ eleh toleldot có nghĩa là sự khởi đầu của gì đó mới, một gì đó mới được sinh ra. Hãy thử tìm hiểu xem văn bản nói gì với chúng ta ở đây.

Hãy bắt đầu với động từ be-hibare’am – trong (tại) sự sáng tạo chúng. Đây là động từ nguyên thể bị động, biểu thị sự thụ động của thứ tạo ra hành động. Về mặt ngữ pháp, thể bị động được biểu thị bằng chữ h nhỏ đứng ở đây. Một người không chăm chú nhìn vào văn bản sẽ không nhận thấy sự thu nhỏ này trong chữ cái “hei”. Nếu không có nó, be-hibare’am biến thành be-braam – “khi chúng được tạo ra.” Sự khác biệt là đáng kể. Ở trường hợp thứ hai, trời đất tạo ra thứ mới của mình; còn ở trường hợp đầu tiên, những thứ mới này được tạo ra cùng với trời và đất.

“Thứ được sinh ra của trời và đất” (chứ không phải “gốc tích trời và đất” – ND) ở câu 2:4 không phải là do trời và đất sáng tạo ra. Không có vị thần nào được gọi là “trời” và “đất” để mà sáng tạo ra. Trời và Đất tham gia vào sự sinh ra này một cách thụ động – bởi những quy luật đã được Đấng Tạo Hóa đặt vào “trong lúc dựng nên đất và trời”.

Có những người thấy Thế giới chỉ có toledot, những tạo tác của nó, mà Thế giới tự sinh ra, be-braam. Nhìn vào Thế giới, những người này không nhìn thấy Đấng Tạo hóa của nó trong đó, không nhận thấy chữ h nhỏ trong từ be-hibare’am. Các nhà hiền triết (khokhamim) phần nào sắp xếp lại từ này và nói: Ngài đã sáng tạo với sự trợ giúp của “hei” (Việc phát âm chữ cái “hei” không tốn nhiều công sức; đó là hơi thở. Cũng như vậy, không cần lao động và nỗ lực, Thiên Chúa tạo ra Thế giới). Abraham (Abraam), con người được mở mắt đầu tiên, người đầu tiên nhìn thấy Chủ và Đấng Tạo Hóa trên thế giới, đã nhận được chữ cái “hei” trong tên của mình, biến Abraam thành Abraham.

Theo một nghĩa sâu xa nào đó, chữ cái “hei” là biểu tượng của thế giới chúng ta. “Hei” trong ngôn ngữ – ngay cả theo cách viết – là một chữ cái rất nữ tính. Nó biểu thị giới tính nữ. Thế giới mà Ngài tạo ra, mọi thứ Ngài tạo ra đều là nữ tính. Bởi vì Thế giới (cả trên trời và dưới đất) tạo ra một cách thụ động và tạo ra những gì đã được đưa vào nó lúc sáng thế. Thế giới mà chúng ta tri giác và nhận thức là Thế giới mà trong đó có gì đó được sinh ra. Điều này được chỉ ra bằng từ toledot – sinh ra.

Ý nghĩa của câu 2:4 là: có những thứ mới sắp được sinh ra, mà đã được tiên liệu trước trong sự sáng tạo Trời và Đất (đây là ý nghĩa của nửa đầu câu 2:4, nửa sau sẽ được đề cập ở dưới – ND). Trái đất, Thiên nhiên, và toàn bộ thế giới động vật đã được tạo ra vào những Ngày Sáng thế. Đã đến lúc cho sự ra đời của một thứ của Trời và Đất – con người, Adam, loài người. Người ta nói về chúng: eleh toledot – những thứ được sinh ra này.

Lưu ý rằng cả Trời và Đất, cả “trên” và “dưới” đều cùng tham gia vào việc tạo ra con người. Con người là sản phẩm chung của chúng, cho dù là thụ động. Lời Thứ Tám của Đức Chúa Trời đã gây ra rất nhiều bàn luận, trong đó Ngài đề xuất: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1:26) – không nên bị nhầm lẫn bởi số nhiều. Trong Lời Thứ Tám, “Thiên Chúa phán” là nói với Trời và Đất, đến bản chất nữ tính của Thế giới, đề xuất tạo ra con người theo hình ảnh của Chúng ta – nghĩa là cả nguồn gốc nam của Đấng Tối cao và nguồn gốc nữ của Thế giới. – để tạo ra con người. Con người được sinh ra và mang trong mình cả Đấng Tối Cao, cả Trời, và Đất.

Điều cực kỳ quan trọng là, ở đây, lần đầu tiên trong Torah, cùng với tên Elohim có tên của Đấng Tối Cao gồm bốn chữ cái không thể phát âm được (tetragrammaton – יהוה‎ – chuyển tự thành YHWH, được đọc là Yahweh hay Yehovah. Người Do Thái không đọc từ này mà thay bằng Adonai – my Lord, hoặc HaShem – the NameND). Nó được dịch sang tiếng Việt bằng từ ĐỨC CHÚA (trong bản dịch tiếng Việt 1, xuất hiện cụm từ “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa”. Bản dịch 2 thì sử dụng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời” – ND). Người Do Thái nói “Ha-Shem” (hoặc HaShem) – “Cái Tên Đó”. Không giống như mọi thứ được tạo ra trước đó, được tạo bởi Elohim, con người được tạo ra bởi HaShem Elohim – ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa.

Từ Yehovah/Yahweh (4 chữ cái ko thể phát âm) lần đầu xuất hiện ở St 2:4. Đọc từ phải sang trái: Yehovah (được thay bằng Adonay hoặc HaShem) Elohim.

Từ quan điểm ngôn ngữ, Cái Tên Đó nghĩa là gì? Theo truyền thống châu Âu, Nó được dịch là “Hiện hữu”, nhấn mạnh đến Sự sống vĩnh cửu và liên tục của Đấng Toàn năng. Nguồn gốc của sự hiểu biết này là ở trong bản thể học Hy Lạp và trong thế giới quan tôn giáo sau này, nhưng không phải trong Torah.

Từ việc sử dụng Cái Tên Đó trong Torah, rõ ràng rằng đó là Tên Riêng của Đấng Tối cao. Giống như bất kỳ tên riêng nào trong tiếng Do Thái, cái tên HaShem không thể được sử dụng với mạo từ xác định, còn cái tên Elohim thì thể.

Về bản chất, Gốc của Cái Tên Đó không có nghĩa là “Đang sống” (như thường được hiểu), mà là “Trở thành”. Từ này được đặt trong một mô hình ngôn ngữ đặc biệt, chỉ một hành động chuyển tiếp cấp tập. Đây là động từ đứng ở thì tương lai, nhưng ở một thì tương lai biểu thị sự chuyển tiếp đến tương lai. Theo cách tiếp cận đầu tiên, ý nghĩa của Tên là Thực hiện và Cho ra Sự sống mới. HaShem – Hình thành Sự sống – Người đến không phải để tiếp tục, mà để đổi mới Thế giới, ngay cả khi trước đó không hề có cơ sở nào cho điều này.

Chúng ta đã nói rằng Elohim là Đấng Sáng tạo và Quan Tòa của Thế giới, Nguồn duy nhất của tất cả các lực lượng của Thế giới. Ngài cho Thế giới “biện pháp” (khía cạnh, tính chất) của Luật – midat hadin (Các chữ cái trong tiếng Do Thái được dùng làm số. Một trong những cách để giải thích một từ là đọc nó bằng số, dưới dạng tổng các chữ số. Đây được gọi là gematria của từ này. Các con số là một trong những đặc điểm cơ bản của hoạt động trên Thế giới. So sánh gematria của các từ có thể giúp giải thích. Từ “Elohim” có cùng gematria với từ “Teva” nghĩa là “Thiên nhiên”, và đó là một gợi ý quan trọng để hiểu ý nghĩa của từ Elohim). HaShem thì cho Thế giới midat harahamim, là từ không thể dịch chính xác và thường được truyền đạt là “biện pháp nhân từ.” Nhưng, vấn đề ở đây không phải là về lòng nhân từ hay sự thương xót của Đấng Tối Cao.

Trước khi con người được tạo ra, quá trình Sáng thế chỉ do Elohim lãnh đạo. Giờ đây, có một nhân tố mới được đưa vào Sáng thế – tự do của con người, có quyền quyết định sẽ sáng tạo hay phá hủy những gì đã được tạo ra. Công việc của Đấng Toàn năng đối với tự do của con người luôn được thực hiện bởi midat harahamim (có gốc từ từ rehem, nghĩa là đẻ ra). Đó là việc sinh đẻ, để thực hiện Ý định của một sự ra đời mới trong Sáng thế. Con người có thể đi ngược lại nhiệm vụ mà Thiên Chúa giao cho này, phá hỏng việc hoàn thành nó. Sau các hành động của con người, Sáng thế có thể mất đi ý nghĩa. Nhưng HaShem sẽ đáp trả bằng cách tạo ra một sự đổi mới với cái hiện có, và cái này điều hướng và sửa chữa những thứ đã xảy ra bởi tự do của con người.

Elohim dẫn dắt và quản lý như lề luật; còn HaShem thì dẫn dắt Sáng thế đi tiếp trên Con đường do Ngài chỉ định, uốn nắn nó, đổi mới nó khi cần. HaShem có thể hủy bỏ các hành động và việc làm đã được thực hiện một cách tùy tiện, không theo Ý muốn của Ngài, trái với Ý muốn của Ngài. Và theo nghĩa này, Ngài là “ân điển” của những gì sinh đẻ.

“Đấng tồn tại” đã sáng tạo, và trong huy hoàng rực rỡ Sự tồn tại vĩnh cửu của Ngài đã rời đi, đi vào bản chất bản thể luận sâu sắc nhất của Ngài. “Đấng trở thành” (và từ này ít năng lượng hơn nhiều so với từ HaShem) làm mới và sửa chữa Thế giới, sáng tạo ra Thế giới mới, và Ngài quan tâm (“Ikhpad”) đến mọi thứ xảy ra trên Thế giới này.

HaShem Elohim, Đức Chúa là Thiên Chúa, là Đấng thực hiện giám sát đặc biệt đối với những gì xảy ra trên hiện trường công việc của Ngài trong Sáng thế. HaShem Elohim thực hiện sự Giám sát Thần thánh (hash-hakha) đối với công việc Sáng thế.

HaShem như là tên của Đấng toàn năng chỉ được công nhận trong đạo Do Thái. Cái tên HaShem được tiết lộ đầy đủ trong Lịch sử chỉ khi dân tộc Israel được tạo ra. Toàn bộ lịch sử của Israel là dựa trên Tên này, và là sự tiết lộ về cái Tên này. Trong tên Elohim, trong Bản chất và Lề luật của Thế giới, không có đủ chỗ dựa cho Israel. Và sự tồn tại của người Do Thái không tuân theo các luật của Lịch sử, hơn nữa, nó còn mâu thuẫn với các luật đó. Sự hình thành và tiếp nối tồn tại của dân tộc Israel chỉ bắt rễ từ cái tên HaShem. Vì vậy, HaShem luôn gắn liền với lịch sử của Israel. Và lần đầu tiên nó thể hiện đầy đủ trong Xuất E-díp-tô.

Elohim hành động trong Ngày Sáng tạo. HaShem Elohim hành động vào Ngày Làm nên, yom asot, được chỉ ra bằng câu trong Torah mà ta đang phân tích. Chúng ta sẽ còn nói về Ngày Làm nên, là thời đại mà chúng ta đang sống. Bây giờ chúng ta hãy lưu ý xem Ngày Làm nên khác với những Ngày Sáng tạo còn lại như thế nào.

Kinh Thánh nói: beyom asot Adonay Elohim erets veshamayim (đoạn sau của câu 2:4 – ND) – vào Ngày Làm nên Đất và Trời của Đức Chúa là Thiên Chúa. Trong chương đầu tiên của sách Sáng thế, cũng như trong phần đầu tiên của câu 2:4 này là nói về sự sáng tạo Trời và Đất. Còn ở đây, vào Ngày Làm nên, thì ngược lại: Đất và Trời. Nhà thông thái Shamai là người nhấn mạnh yếu tố này.

Trong những Ngày Sáng thế, Trời và Đất có mạo từ xác định ha: Trời của chúng ta và Đất của chúng ta. Vào Ngày Làm nên, Đất và Trời không có mạo từ xác định. Lời nói không phải về Đất này và Trời này, mà về cái mà nhà tiên tri đã nói: “Ta làm ra Đất mới và Trời mới” – một Đất khác và một Trời khác. Với sự xuất hiện của con người, bắt đầu quá trình tái sáng tạo trời và đất.

Hãy nhớ về những gì chúng ta đã nói: sự sáng tạo đi từ Trời xuống Đất (arets), sự tái sáng tạo hoặc sự trở thành đi từ Đất (erets) lên Trời. Và đây không phải là ngược lại, mà là hai nửa của một vòng cung: vòng đầu tiên, đi xuống từ Trời đến Đất, vòng thứ hai, đi lên từ Đất đến Trời mới. Từ nay, Trời mới sẽ bắt đầu phụ thuộc vào Đất.

Trong Những Ngày Sáng Thế, Ngai của Đấng Tối Cao đã được xây dựng. Vào Ngày Làm nên, như Hillel đã dạy, bắt đầu việc xây dựng Ngôi nhà của Ngài. Ngai của Đấng Tối Cao được trải nghiệm về mặt tôn giáo trong cảm giác tôn kính, trong cảm giác vực thẳm hiện sinh nằm giữa con người và Đấng Tạo Hóa của mình. Bằng cảm giác này, con người không thể hướng về Đấng Tạo Hóa, nói với Ngài bằng lời cầu nguyện, cầu xin hay gọi là Ngài. Còn Nhà của Đấng Tối Cao, được dựng lên vào Ngày Làm nên, ngụ ý một thái độ tôn giáo hoàn toàn khác đối với Ngài. Điều bao trùm ở đây không phải là cảm nhận về mặt tôn giáo về Đấng nào đó cực kỳ (siêu việt) và không thể tiếp cận, mà là – ahava, tình yêu, tình yêu dành cho Thiên Chúa.

St 2:5

Vechol siach hasadeh terem yihyeh va’arets vechol-esev hasadeh terem yitsmach ki lo himetir Adonay Elohim al-ha’arets ve’adam ayin la’avod et-ha’adamah.

All the wild shrubs did not yet exist on the earth, and all the wild plants had not yet sprouted. This was because God had not brought rain on the earth, and there was no man to work the ground.

chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai.

Vả, lúc đó, chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng, và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất nữa.

Chúng ta đang nói về loại mưa nào ở đây? Không phải về mưa-heshem tự nhiên, đến từ vùng nước thấp, mà về mưa-matar – gốc từ từ “mata”, nghĩa là xuống, giảm dần – đến từ vùng nước trên, từ nơi thực hiện sự Giám sát của Đức Chúa là Thiên Chúa. Các nhà hiền triết nói rằng, những chiếc chìa khóa của mưa, cũng như chìa khóa của sinh nở, không được giao cho người trung gian hay sứ giả, mà nằm trong tay của Đấng Toàn năng. Mưa-matar không đơn giản là nước từ bầu trời, mưa này gắn liền với hành động của một người và phụ thuộc vào những gì xảy ra với anh ta theo nghĩa tâm linh. Có một điều mang tính biểu tượng là vùng đất của Israel không nhận nước từ sông, như xứ Ê-díp-tô, mà nhận nước mưa.

Có thái độ của con người đối với Đất và có thái độ của Đấng Tối cao đối với con người làm việc trên Trái đất. Nếu không có con người (adam) làm việc (la’avod) với đất (ha’adamah) – thì sẽ không có mưa matar từ Ngài đến Trái đất (ha’arets). Avoda không phải là lao động (amal), mà là công việc mà trong đó con người từ bỏ bản thân để phục vụ gì đó – có thể cho Trái đất, hoặc cho Đấng đã giao cho anh ta công việc. Avoda là làm việc như để phụng vụ. Không có công việc phụng vụ của con người trên trái đất – thì không có matar từ Đấng Toàn năng – và do đó “chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên” (terem yihyeh).

Thảm thực vật đã được Trái đất sinh ra vào Ngày Sáng thế Thứ Ba, nhưng bây giờ Ngày Làm nên đang đến, và sự phát triển của bản thân chúng không còn cần thiết nữa, chừng nào vẫn “chưa có” con người làm việc trên đất.

Từ siach – sự phát triển về mặt xác thịt – được sử dụng cả trong nghĩa khác. Theo nghĩa tâm linh, siach là một kiểu hướng về Thiên Chúa của con người. Đôi khi từ này được dịch là “thiền”, nhưng không phải theo nghĩa phương Đông là tập trung vào ý thức, mà là sự tập trung và tách rời giống như Y-sác (Isaac) đã đi làm đồng (sadeh) để hướng về Thiên Chúa.

Trái đất (adama), để rốt cuộc tỉnh dậy trong Thế giới, phải hiện thân trong những cánh đồng – trở thành đất. Cánh đồng đối với Y-sác là nơi anh gieo hạt, cầu nguyện, nói chuyện với Đức Chúa Trời. Cuộc sống trên cánh đồng Trái đất đối với anh ta là một hành động tôn giáo và một trải nghiệm tâm linh. Siach là một hành động mang lại kết quả, mặc dù vô hình.

Nghĩa của từ sade (cánh đồng) là gì đó ở giữa nghĩa của hai từ: shad, vú, vú mẹ và tsaid, mẻ lưới, gì đó săn bắt được.

Shad – là cho con bú tự nhiên; tsaid, như chữ cái tsadeh luôn cho thấy, theo một nghĩa nào đó, là sự cho ăn phi tự nhiên, bằng cách săn bắt; sade là gì đó ở giữa: phần nuôi sống của đất, và do đó được gọi là “cánh đồng”, bởi vì nó chỉ nuôi sống con người với điều kiện là người đó làm việc với nó (nhân tiện, chuỗi ngôn ngữ: “sh” – “ts”- “s” trong tiếng Do Thái dẫn từ hai cực đến giữa).

Cùng với nhau, các từ avoda (công việc phụng vụ), siach (hướng đến Chúa Trời trong tinh thần) và sade (cánh đồng, nuôi dưỡng nếu làm việc trên nó) bao hàm ý nghĩa sâu sắc của Ngày Làm nên.

Đức Chúa là Thiên Chúa đang chuẩn bị tạo ra một sinh vật mà Ngài có thể giao tiếp và có khả năng giao tiếp với Ngài bằng thứ được gọi là tfila trong tiếng Do Thái, và được dịch là “cầu nguyện”. Cầu nguyện không phải là một đề nghị, mà là một trạng thái nhất định của tâm trí, khi một người dâng lên Đức Chúa Trời ý thức của mình, và cùng với đó là sự phụng vụ Ngài. Chúa Trời cần một “ai đó khác” có thể hướng đến Ngài.

Không thể có – theo nghĩa tâm linh “chưa có” – sự phát triển của cánh đồng (siach sadeh), và không có gì phát triển trên Trái đất (arets) vào Ngày Làm nên, khi chưa có con người, chưa có công việc tinh thần của anh ta và công việc của anh ta trên đất (ha’adamah), được ban phước từ vùng nước cao.

Câu tiếp theo, 2:6, tiếp nối câu trước, nhưng được chia thành hai phần:

St 2:6

Ve’ed ya’aleh min-ha’arets vehishkah et-kol-peney ha’adamah.

A mist rose up from the earth, and it watered the entire surface of the ground.

Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất.

Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất.

“Và hơi nước bốc lên (ya’aleh – thì tương lai) từ Trái đất (ha’arets)” – đây là phần đầu tiên; và phần thứ hai: “và tưới (hishkah – thời quá khứ) cả mặt trái đất (ha’adamah)”.

Cấu trúc của phần đầu tiên của câu chỉ ra rằng từ ed không nên chỉ được hiểu theo nghĩa hơi nước vật chất, qua đó quá trình tưới tiêu xảy ra. Đây là ed mà sẽ bốc lên khi con người được tạo ra. Theo nghĩa tâm linh, ed lại là lời cầu nguyện, hay đúng hơn, là một khía cạnh đặc biệt của nó: sự “tan nát trái tim” trong lời cầu nguyện của một người từ chối chính mình trong khi hướng đến Thiên Chúa. Ed này sẽ dâng lên từ Trái đất đến Ngài. Đây chính là định hướng của tất cả các công việc của Ngày Làm nên – đi theo nửa sau của cung, khi Trời uống từ Đất.

Phần kia của câu 2:6 chỉ ra một quá trình tự nhiên, tưới nước cho đất (adama), nơi hoạt động tự nhiên của con người (adam).

Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng từ adam, người đàn ông, có nguồn gốc từ từ adama, đất. Điều này không đúng, cả về mặt ngôn ngữ và ý nghĩa. Adama mới là xuất phát từ adam, chứ không phải ngược lại. Adama chính là vùng đất dành cho adam làm việc trên đó. Việc khác là con người, adam, được lấy từ đất, adama, và nó hiện diện trong anh ta với tư cách là afar, khởi đầu xác thịt của anh ta, bao bọc linh hồn. Adama là lĩnh vực cuộc sống và là công việc của adam. Trước khi tạo ra con người (St 1: 25), Chúa Trời đã tạo ra thú dữ, behemah và các loài bò sát trên mặt đất (adama), tức là, trên đất mà con người sẽ sống và làm việc, và làm chủ mọi sinh vật.

Từ adam rõ ràng có liên quan đến từ adom, có nghĩa là “màu đỏ”. Màu đỏ là một màu, tức là một loại ánh sáng: ánh sáng khúc xạ và màu của lửa. Các nhà thần bí nói về “ngọn lửa đen tối” – Bóng tối nguyên thủy. Trong ánh sáng đỏ (mà người ta có thể rửa phim), ánh sáng và bóng tối dường như ở cùng nhau. Đây là cái được gọi là “Ánh sáng tỏa sáng trong Bóng tối” – một trong những định nghĩa xuyên thấu nhất về bản chất của con người.

Từ adam có liên quan đến từ ha’dom – chính là cái bệ mà Shamai đã nói đến. Trong thế giới này, con người thay mặt Chúa Trời, được chỉ định để làm công việc của Ngài cho Ngài và một phần thay cho Ngài.

Cuối cùng, adam gần giống với từ dome, có nghĩa là “giống”. Nhiệm vụ của con người là giống Chúa Trời. Con người là kẻ tạo nên sự giống Ngài ở trên Thế giới này.

2

St 2:7

Vayitser Adonay Elohim et-ha’adam afar min-ha’adamah vayipach pe’apav nishmat chayim vayehi ha’adam lenefesh chayah.

God formed man out of dust of the ground, and breathed into his nostrils a breath of life. Man [thus] became a living creature.

ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.

Từ yitser có nghĩa là “hình thành”, là hành động ở cấp yiesira, tức là dựng khung, tạo ra một bản thiết kế hoặc ma trận. Từ này liên quan đến từ yiasar, tức là chỉ dẫn (chỉ dẫn ai đó – ND) về mặt đạo đức, và với từ yiashar, thẳng (con đường thẳng). Hành động yitser là sự hình thành mà, theo các đường nét của nó, hướng tới một mục tiêu cụ thể.

Nhưng, hãy xem kỹ từ này. Một trường hợp độc đáo: từ đó trong câu này được viết bằng hai chữ cái yod: yiyetser!

Có hai chữ yod (‘)

Ở tất cả các chỗ khác – cả nơi nói về việc tạo ra động vật, và thậm chí cả trong câu 2:8 tiếp theo, chỗ một lần nữa đề cập đến việc tạo ra con người – ở mọi nơi, từ này được viết bằng một chữ yod (‘). Không giống như động vật, con người được hình thành bởi hai khởi đầu, ngay từ ban đầu con người đã nhị nguyên. Trong con người có sự khởi đầu hình thành, yietser, giống như các động vật, đi từ Đất bên dưới đi lên, và có sự khởi đầu hình thành, đi từ trên cao, từ Trời, xuống. Đó chính là thứ được ghi trong nét chữ của của từ yiyetser.

Vậy hai khởi đầu này là gì? Một sự khởi đầu hình thành là afar min ha adamah – từ bụi của trái đất. Afar là lớp vỏ mỏng của Trái đất, phần dễ bay, bụi của nó. Hình thành đầu tiên của con người là từ Đất, từ adama.

Khởi đầu thứ hai của sự hình thành con người được viết như sau: vayipach pe’apav nishmat chayim, và thổi hơi thở của sự sống vào mặt anh ta. Khởi đầu hình thành thứ hai của con người đến từ trên cao là hơi thở của sự sống, mà HaShem Elohim đã thổi vào mặt anh ta. Hơi thở của Thiên Chúa trong con người chính là hơi thở của Sự sống.

Trong con người có hai khởi đầu, hai linh hồn. Một là linh hồn động vật, nefesh, được tạo bởi Đất. Linh hồn kia là hơi thở của Thiên Chúa, neshama, do Thiên Chúa đưa ra. Neshama – “Từ cõi trời cao, Thiên Chúa gửi gì xuống làm sở hữu” (Gióp 31:2) – phần Thiên Chúa gửi xuống trong một con người. Neshama đến từ Thiên Chúa và trở thành linh hồn tối cao trong con người, kết nối con người với Thiên Chúa. Cuộc sống chân chính của một người là cuộc sống của neshama. Điều thiện làm tăng Cuộc sống này, điều ác làm giảm nó. Không thể không nhận ra linh hồn cao nhất của con người; nó có thể được thấy trong mắt người, trong khuôn mặt của anh ta, được nhìn ra bởi những gì trong con người đó, khác với hình dạng động vật. Tỏa sáng tâm linh trong anh ta, nguồn cảm hứng của Thiên Chúa, làm cho con người trở thành người.

Có hai từ để nói về “mặt”. Ngôn ngữ phân biệt một loại mặt hướng ra Thế giới – panim, và một loại mặt hấp thụ Thế giới vào bản thân – apaim. Ở đây là nói về mặt này (apav). Neshama được thổi vào trong con người hướng vào bên trong mình và hấp thụ Thế giới.

     ” và con người (vayehi ha’adam) trở nên một sinh vật (lenefesh chayah)”

Một con vật cũng có nefesh chaya – một linh hồn sống, nhưng một người, không giống con vật, trở nên sống về mặt tinh thần chỉ sau khi có một neshama được thổi vào trong cái khuôn mặt quay vào bên trong của anh ta. Linh hồn sống của con người là từ hơi thở của Đức Chúa Trời. Không có neshama, một người không còn là người, nhưng không biến thành động vật. Con vật tuân theo luật riêng của nó. Một người không có neshama là một sinh vật bất hợp pháp và không có đường đi; đó không còn là một con người – đã chết về mặt linh hồn và là hiện thân của cái ác. Như vậy, sức sống của con người không phải từ Đất, thứ nặn thành anh ta, mà từ hơi thở của Thiên Chúa.

Nefesh được đặc trưng bởi ý thức về sự tách rời cái “tôi” khỏi cái “không phải tôi”, khỏi mọi thứ không phải là “tôi”. Không có ý thức tách rời như vậy ở neshama với cái Tôi trung tâm. Neshama tham gia vào Thiên Chúa, nhận thức được sự không thể tách rời của mình khỏi thế giới tâm linh, và bản thân sống trong thế giới Sáng tạo, Ý định của Thiên Chúa, ở cấp độ Bria. Neshama mang trong mình Ý định của Thiên Chúa dành cho con người.

Khó có thể nói rằng hai khởi đầu hình thành, hai yietsira, dễ dàng hòa hợp trong một con người. Trong một người, nefesh có cảm nhận bản thân, có cảm nhận – ý thức của mình về cuộc sống, và neshama cũng có cảm nhận – ý thức về cái Tôi. Mỗi khởi đầu này đều mong muốn lợi ích cho bản thân, và đặt trọng tâm vào chính nó. Nhiều khi, sự chống đối nhau của chúng giằng xé con người và luôn tạo ra trong anh ta sự căng thẳng của đời sống tinh thần, cuộc đấu tranh nội tâm với chính mình, trong đó tinh thần anh ta bùng cháy, khi phụng sự Thiên Chúa. Đó chính loại căng thẳng của công việc, trong đó trái cây lớn lên và chín – đó là lý do mà con người được tạo ra.

Tất cả sự khôn ngoan của cuộc sống con người nằm ở việc giải quyết vấn đề của mối quan hệ giữa nefeshneshama của anh ta. Cả hai yietsera, hai khởi đầu hình thành, đều cần thiết để một người trưởng thành về mặt tinh thần. Cuộc đấu tranh của chúng cũng cần thiết. Những nỗ lực khổ hạnh nhằm tuyệt diệt nefesh sẽ đi ra khỏi cuộc đấu tranh này và không phải là công lao của con người. Không nên trấn áp khởi đầu xác thịt-linh hồn của thú vật trong bản thân, mà nên nuôi dưỡng khởi đầu Thần thánh của mình ở mức độ cao nhất, để nó hoạt động và ngày càng bộc lộ bản thân để vượt qua sự chống đối của khởi đầu thú vật.

(còn tiếp)

Leave a Reply