(Giải thích các câu từ St 1:26 đến 1:31, tức là các tuyên bố của Thiên Chúa về việc sáng tạo ra con người ở cấp độ Bria)
3
St 1:26
Vayomer Elohim na’aseh adam betsalmenu kidemutenu veyirdu bidegat hayam uve’of hashamayim uvabehemah uvechol-ha’arets uvechol-haremes haromes al-ha’arets.
God said, ‘Let us make man with our image and likeness. Let him dominate the fish of the sea, the birds of the sky, the livestock animals, and all the earth – and every land animal that walks the earth.’
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.
Hãy lắng nghe Lời Thứ Tám nổi tiếng của Thiên Chúa bằng tiếng Do Thái: “Vayomer Elohim (và Thiên Chúa phán): na’aseh adam (chúng ta hãy làm một con người) betsalmenu kidemuteinu (trong hình ảnh của chúng ta, giống chúng ta)”
Không có sáng tạo nào được giới thiệu một cách long trọng như vậy, không có cái nào trong số chúng lại có một “tuyên bố về ý định” của Thiên Chúa đi trước. Như thể toàn bộ Sáng thế được Ngài mời tham gia và xem điều gì sẽ xảy ra. Đôi tai nhạy bén của các nhà hiền triết nắm bắt được: Đấng Toàn năng tham vấn với Sáng thế, bởi vì con người được định sẵn để lãnh đạo những gì đã được tạo ra.
Con người là sản phẩm của Trời và Đất cùng nhau, và hai dòng Sáng thế này gặp gỡ và tương tác trong con người. Công việc của mỗi Ngày Sáng thế, tất cả Mười Lời của Thiên Chúa, mười luồng Sáng thế được khớp nối trong một con người thành một tổng thể duy nhất. Elohim chia sẻ với toàn bộ Sáng thế ý định của mình làm ra con người trong hình ảnh của “Chúng ta” – Thiên Chúa và Sáng thế (là toàn bộ Thế giới đã được sáng tạo nên – ND).
Từ tselem, được dịch thành “hình ảnh”, là gắn với từ tsel (bóng, hình chiếu, dấu vết, phản chiếu) và với từ tsemel (biểu tượng) và với từ simla (trang phục, quần áo), thể hiện bên ngoài của một người. “hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” – chúng ta sẽ làm nó như hình ảnh phản chiếu, dấu hiệu, hiện thân, biểu hiện, đại diện của chúng ta. Trong Tự nhiên, bóng thường là một hình hiển thị hai chiều của một đồ vật ba chiều; theo cách tương tự, con người là hình hiển thị của Sáng thế ở các không gian khác.
Nhưng chính Thế giới, hình hài của nó, là y phục của Thiên Chúa, là dấu ấn của Ngài. Và Thế giới, được tạo ra bởi Đấng Tạo Hóa, thể hiện Ngài qua một hình ảnh. Con người thì có gì khác với Thế giới và toàn bộ Sáng thế? Thiên Chúa trong Thế giới tự hiển hiện như là Sự khởi đầu, như là Nguồn gốc của các lực và bản chất của nó. Nhưng không phải với tư cách là Chủ nhân, không phải bởi chính Ngài. Chúa Trời hướng đến hình ảnh vĩ mô của Ngài, y phục mà Ngài đã khoác lên, và mời tselem gadol (hình ảnh lớn) này cùng với Ngài tạo nên một hình ảnh vi mô, mà tất cả các dòng chảy Sáng thế và chính Ngài có thể tập trung vào.
Thế giới có cơ thể và Thế giới có linh hồn. Linh hồn thế giới được in sâu trong thân thể vĩ mô của Thế giới. Tương tự như vậy, cơ thể con người là một tselem, là hình ảnh cho linh hồn con người. Cơ thể của chúng ta, bắt đầu từ khuôn mặt, là sự phản ánh ở tầng vật chất của linh hồn chúng ta. Mặt khác, cơ thể con người phản ánh cấu trúc tâm linh của vũ trụ. Trong đó là danh dự và nhân phẩm của cơ thể con người, ý nghĩa của nó, yêu cầu phải giữ nó trong sự sạch sẽ và khỏe mạnh. Không tiêu diệt và không hủy hoại thân thể là nhiệm vụ quan trọng nhất của đời sống đạo đức của một người.
Có một niềm tin phổ biến rằng, hình ảnh của Thiên Chúa trong con người là tâm trí của anh ta. Thật vậy, con người không thể không ngạc nhiên rằng tâm trí của mình tương ứng với Thế giới: tri thức của chúng ta và ngôn ngữ, giống như một chiếc răng trong rãnh, vừa khít với những gì tồn tại trong Thế giới. Tâm trí của một người tương tự như Tâm trí của Tạo hóa. Nhưng còn rất xa để có thể nói về nó như về hình ảnh của chính Chúa Trời. Hơn nữa, trong chuyện này, con người hoàn toàn không phải là một hiện tượng duy nhất. Ở các tầng khác của Sự sống, có những thực thể tâm linh siêu phàm (ví dụ như các thiên thần phụng sự) được ban tặng lý trí.
Hình ảnh của Thiên Chúa trong con người là một cái gì đó không tồn tại ở mọi cấp độ của Sáng thế trước khi xuất hiện con người. Đó là tự do của con người. Không hề có tự do trong sáu Ngày Sáng thế! Và con người giống với bản chất Thần thánh có khả năng tự do cai quản các thế giới; giống như Đấng mà Tên của Ngài nhấn mạnh việc tự do trở thành, tự do thực hiện. HaShem cai quản theo Ý chí tự do của Ngài, bằng “ân điển” của Ngài. Khi đề nghị “làm ra con người”, Chúa Trời hướng về chính Ngài, đến “trái tim Ngài”, đến Khởi đầu của Ý chí tự do trong chính Ngài, và đặt nó vào con người.
Tất nhiên, tự do của con người không đồng nhất với tự do của Đức Chúa là Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao con người không phải là giống với Ngài, mà như giống với Ngài, một sự giống có giới hạn nào đó, mà mức độ lớn hơn hay nhỏ hơn của nó đặc trưng cho mức độ cao cả và phẩm giá tinh thần của linh hồn con người. Tự do về tinh thần trong một con người chỉ có thể có với điều kiện dmut – tương tự. Con người trở thành giống với Thiên Chúa. Nhưng con người không thể giống được với Bản chất của Ngài, và do đó chỉ giống với những phẩm chất của Ngài – midat, những biểu hiện. Được tạo ra “như giống với” Chúa Trời, con người có nghĩa vụ sống cuộc đời mình sao cho ngày càng trở nên giống Chúa Trời, giống các hành động của Ngài, mà chúng ta được kể ở những chỗ khác nhau trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể – chúng ta được trao một cơ hội như vậy – tìm hiểu những hành động của Ngài, và để chúng dẫn dắt trong cuộc sống của chúng ta, trong việc trở nên giống như Ngài.
Bởi lẽ được tạo ra để giống ai đó, người được tạo ra để giống sẽ không thể mâu thuẫn với đối tượng mà anh ta phải giống. Và do đó, tính chất chính của sự tương đồng này và dấu hiệu chắc chắn của nó là: không thể có sự mâu thuẫn với Ý chí của Ngài trong tâm hồn con người. Có một sự phụ thuộc giữa con người mang trong mình hình ảnh của Chúa Trời, và con người như một thực thể trưởng thành về tâm linh, như giống hình ảnh của Ngài. Thành phần ki trong từ ki-demutenu vừa được hiểu là “như thế nào”, vừa là “khi nào”. Khi một người tự mình thực hiện công việc trở nên giống Thiên Chúa, khi anh ta tự do lựa chọn Điều Thiện, thì trong anh ta có tselem Elohim – hình ảnh của Chúa Trời. Đó là ý nghĩa chung của cụm từ be-tsalmenu ki-demutenu. Cần phải hiểu rằng, đề xuất tạo ra con người của Chúa Trời không chỉ liên quan đến khoảnh khắc bí ẩn của Lời Thứ tám, mà còn liên quan đến chúng ta, những người đang sống trong Ngày Làm nên – làm nên con người. Con người được tạo ra bởi cả Thiên Chúa và con người, cùng nhau, và được tạo ra trong tự do.
“Hãy làm ra con người” (na’aseh adam) là một lời kêu gọi không chỉ với chính Ngài, không chỉ với Thế giới, mà còn với tất cả những ai như giống Thiên Chúa, có khả năng tự do lựa chọn Điều Thiện – với tất cả những tâm hồn hướng thiện, với các tsaddik. Trở thành ki-demutenu, trở thành giống Thiên Chúa có nghĩa là ngày càng trở thành một đối tác của Ngài.
Nhưng liệu có phải bất kỳ ai có tự do ý chí đều sẽ trở thành đối tác của Ngài? Midrash (đoạn giải thích chỗ này trong Torah) nói rằng khi Đấng Toàn Năng chuẩn bị tạo ra con người, Ngài đã nhìn thấy cả những người lựa chọn Thiên Chúa và cả những người lựa chọn chống lại Ý chí của Ngài. Nhóm sau là những người làm gián đoạn công việc của Ngày Làm nên. Và, khi thấy điều này, Midrash tiếp tục kể, Đấng Toàn Năng đã che giấu con đường của những người lựa chọn chống lại Chúa Trời khỏi Mặt của Ngài, và quay lưng lại với họ. Như vậy, Ngài đã thiết lập hai Con đường khác nhau của đời người, cho con người hai lựa chọn. Một Con đường, Con đường Thiện, đã được lên kế hoạch ngay từ đầu. Trên Con đường khác, Con đường của Thiện và Ác, có chỗ cho những người đi ngược lại Thiên Chúa, và đã định sẵn khả năng xảy ra một cái chết siêu hình của linh hồn con người. Ngoài ra, trên Con đường thứ hai này, có “biện pháp Ân điển” của Ngài, mà Ngài đã thêm vào bên cạnh “biện pháp Luật”, mà Elohim đã dùng để tạo ra Thế giới.
Con người có ý chí tự do sau khi được tạo ra đã có hai Con đường sống. Điều này là rất quan trọng để hiểu chuyện gì đã xảy ra với con người trong Vườn của Eden. Bản thân Vườn trong Eden được tạo ra vào Ngày Thứ Ba, sau khi Trái đất theo cách riêng của nó thực hiện mệnh lệnh của Thiên Chúa, thay đổi mô hình sinh trưởng và kết trái. Điều gì sẽ xảy ra với con người sau sự bất tuân của Adam đối với Chúa Trời nếu như không có Vườn của Eden và sự phân chia ra các Con đường? Liệu có phải là sự sụp đổ của con người và sự hủy diệt của anh ta? Hay sự trở lại của Thế giới về trạng thái tohu va-vohu? Việc chia tách thành các Con đường là một trong những phương tiện để hiện thực hóa Ý định của Thiên Chúa đối với con người có ý chí tự do.
Đây là một Midrash (lời chú thích) khác về cùng chủ đề. Trong đó, Thiện (Hesed) và Chân lý (Emet) tranh luận về sự cần thiết phải tạo ra con người. Hesed nói rằng con người có khả năng yêu thương và làm điều thiện, do đó nên được tạo ra. Emet nói rằng con người là một cục đất, dối trá và ngu ngốc, trong anh ta không có hòa bình và sự thật, do đó không thể tạo ra. Cả hai, như chúng ta biết, đều đúng. Đấng Toàn Năng, sau khi nghe họ nói, đã cầm lấy Emet – con dấu của Ngài, như các nhà thông thái nói – và ném Emet xuống Trái đất, phán rằng: “Chân lý sẽ mọc lên từ Đất.” Hình ảnh và sự giống Thiên Chúa trong con người là để nuôi dưỡng – bao gồm cả việc nuôi dưỡng Chân lý. Chính vì để làm việc này mà con người đã được trao quyền đối với mọi sinh vật trên Trái đất.
“để con người làm bá chủ (yirdu)” cá biển, chim trời, gia súc, cả Trái đất và mọi thứ sinh sôi trên đó – đoạn này được nói trong cùng câu 26.
Con người được trao cho sức mạnh rdia, lãnh đạo. Từ rad – cai quản, trị vì – được sử dụng theo hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên, dưới dạng một động từ bắc cầu, có nghĩa là lãnh đạo với một bàn tay cứng rắn, nắm chặt những gì thuộc quyền lực của nó. Một dạng khác – yirdu – nghĩa là quản lý cái gì đó, dựa trên nhiệm vụ của nó. Con người cần quản lý thế giới động vật không phải như một kẻ cai trị, mà như một đạo diễn và người huấn luyện.
Khởi đầu, con người và thế giới động vật hòa hợp hơn nhiều so với bây giờ. Trong thời gian đầu, con người và động vật không khác biệt nhau, không bị tách rời: nếu con người chỉ huy tất cả các sinh vật, thì chúng cũng ảnh hưởng tích cực đến con người. Nói chung, mỗi sinh vật là một sức mạnh động vật nào đó, một phẩm chất động vật nào đó. Tất cả các sức mạnh động vật này kết hợp với nhau trong con người. Việc sử dụng ngụ ngôn về phẩm chất của động vật để mô tả tính cách của một người không phải là vô căn cứ. Con người, với tư cách là sự kết hợp của các phẩm chất của sức mạnh động vật, con người, với tư cách kết hợp thống nhất và toàn vẹn với thế giới động vật, có thể quản lý nó phù hợp với các nhiệm vụ của thế giới này.
Thế giới động vật được tạo ra bởi Thiên Chúa (ở cấp độ bria, trong Ý định của Thiên Chúa), được hình thành bởi Ngài (ở cấp độ yetsira, bản vẽ, ma trận, tạo ra) và được thực hiện (ở cấp độ asiya, được làm ra, được triển khai và đưa vào hành động trong thế giới của chúng ta). Về thế giới động vật, Kinh Thánh nói rằng “điều này tốt lành” và “thì có như vậy”, tức là như bây giờ – đã hoàn toàn xong. Không như với con người.
Con người là một tạo vật về nguyên tắc là chưa hoàn thành, chưa đạt đến sự phù hợp cuối cùng với Ý định của Thiên Chúa về con người. Na’aseh adam, hãy làm ra con người – chỉ là một ý định, là một lời mời để thực hiện, chứ không phải là một sự hoàn thành. Ở cấp độ asiya, con người chưa được làm xong, chỉ đang được hoàn thành – vào Ngày Làm nên, tức là ngày nay. Vì vậy, ở phần cuối của câu chuyện về sự sáng tạo ra con người không có “thì có như vậy” và “điều đó là tốt lành.”
St 1:27
Vayivra Elohim et-ha’adam betsalmo betselem Elohim bara oto zachar unekevah bara otam.
God [thus] created man with His image. In the image of God, He created him, male and female He created them.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.
“Thiên Chúa tạo ra (vayivra) con người theo hình ảnh của kẻ ấy (be-tsalmo), trong hình ảnh (be-tselem) của Thiên Chúa, Thiên Chúa tạo ra (bara) con người, nam và nữ do Ngài tạo ra (bara otam)”
Trong câu này có ba lần: bara!
Sự tồn tại của con người không được kéo theo bởi những Ngày Sáng thế trước đó. Con người được tạo ra từ “hư không”, ở cấp độ Bria, nơi linh hồn cao nhất của anh ta, neshama, sống. Nhưng việc tạo ra con người “theo hình ảnh của kẻ ấy” nghĩa là gì (bản tiếng Việt dịch là “mình”, nhưng nguyên bản là “người ấy”, “nó” – his – ND)? Kẻ ấy là ai? Nhà bình luận vĩ đại về Torah, giáo sỹ Shlomo Yitzchaki (Rashi), trả lời: “kẻ ấy” là con người. Theo Rashi, Đấng Sáng tạo ra Trời và Đất chứa đựng trong mình “hình ảnh của con người”, được Ngài sử dụng để hình thành nên một con người tự nhiên-tâm linh, và công việc tinh thần của anh ta. “Hình ảnh con người” cao nhất này nằm trong ý định của Chúa Trời, ở cấp độ Bria, cũng chính là hình ảnh của Chúa Trời trong con người.
Tình yêu thương của Chúa Trời dành cho con người không được thể hiện qua việc con người được Ngài định sẵn cho hạnh phúc trên thiên đàng (trái lại, con người được tạo ra để hy sinh mình và làm việc chăm chỉ), mà là con người được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Nhưng còn có một tình yêu thương lớn hơn mà Chúa Trời dành cho con người, thể hiện qua việc con người được ban cho để biết rằng mình được tạo ra giống với hình ảnh Chúa Trời. Đây là cảm hứng của câu kinh mà chúng ta đang xem xét.
Hình ảnh của Thiên Chúa trong con người, neshama của con người được tạo ra (xin nhắc lại một lần nữa, ở cấp độ Bria) hai trong một, được tạo ra bằng một người nam và một người nữ, zachar unekevah. Không phải là “đực và cái”, như một nhà nghiên cứu Do thái giỏi giang (hebraist) hiện đại đã dịch chỗ này, mà là người nam và người nữ, khởi điểm nam và khởi điểm nữ cùng với nhau, tức là một thực thể tinh thần toàn vẹn, trong đó có cả khởi điểm nam của Đấng Tối cao và khởi điểm nữ của Thế giới.
Chủ đề người nam và người nữ được tiếp tục trong câu 28 tiếp theo. Đây là lần đầu tiên Chúa Trời phán với con người. Không phải là “Thiên Chúa phán” như trước đây, mà là “phán với họ” – người nam và người nữ:
St 1:28
Vayevarech otam Elohim vayomer lahem Elohim peru urevu umil’u et-ha’arets vechiveshuha uredu bidegat hayam uve’of hashamayim uvechol-chayah haromeset al-ha’arets.
God blessed them. God said to them, ‘Be fertile and become many. Fill the land and conquer it. Dominate the fish of the sea, the birds of the sky, and every beast that walks the land.
Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”
Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.
“Chúa Trời ban phước (vayevarech) cho họ, và Chúa Trời phán với họ: hãy sinh nở (“peru”), sinh sôi (“revu”), lấp đầy mặt đất (“mil’u et-ha’arets”), và thống trị nó (“chiveshuha”)”.
Nếu với thế giới động vật, phước lành được ban với sức mạnh của một luật bất biến, phải thực hiện ngay lập tức và bắt buộc ở trong chúng, thì sự ban phước cho con người có ý chí tự do chỉ là một mệnh lệnh.
Lần đầu tiên, Đấng Toàn năng nói với con người, ra lệnh:
1. Ra trái. Về ý nghĩa thần bí của lệnh này, chúng ta đã thảo luận ở trên. Nhưng peru cũng là “sinh sản”. Với một người nam và một người nữ, mà lời Ngài nói đến, sinh sản có nghĩa là kết hôn. Chỗ này xác lập và ban phước cho quan hệ hôn nhân.
2. Nhân lên – không chỉ tăng số lượng; revu gợi ý rằng cha mẹ in sâu vào con cái và con cái mang hình ảnh của cha mẹ – để văn hóa cha mẹ được truyền lại cho con cái, tarbut là một từ cùng gốc với revu. Đây là sự xác lập và ban phước cho con người với tư cách là một sinh vật có tinh thần gia đình. Theo nghĩa tâm linh, một gia đình chỉ là một gia đình khi nó có hình ảnh tâm linh riêng, bao gồm một người nam và một nữ, hợp nhất những người đã kết hôn và con cái của họ ở cấp độ tâm linh cao nhất, ở cấp độ neshama. revu, như trong văn bản Torah, được kết hợp với peru và bảo đảm nó.
3. Lấp đầy Trái đất. Trong con người có sẵn nhu cầu và khả năng lan rộng khắp Trái đất, chiếm lĩnh toàn bộ không gian trái đất (chứ không chỉ đất liền), và là điều không thể nếu làm đơn lẻ. Để thực hiện mệnh lệnh này, lấp đầy Trái đất, con người phải làm cùng nhau, khi tạo thành cộng đồng. Về bản chất, ở đây là sự xác lập và ban phước cho đời sống xã hội của con người, dựa trên nền tảng hôn nhân và sự thiêng liêng của gia đình.
4. Thống trị Trái đất. Trái đất – không phải adama, mà là arets – khái niệm chung về Đất – được ban cho nằm dưới sức mạnh của con người. Biểu hiện rõ ràng về sức mạnh của con người đối với Trái đất là gì? Tài sản của con người trên đất. Một người phải biết mình là chủ nhân của một nơi nào đó trên Trái đất, coi đó là của riêng mình. Nhưng, hãy lưu ý, quyền sở hữu Trái đất được xác lập và ban phước sau cùng, sau khi hôn nhân, gia đình và cuộc sống cộng đồng được xác lập và ban phước. Nếu không thực hiện đầy đủ các điều kiện này, quyền sở hữu Trái đất sẽ mất đi nền tảng tinh thần.
Sau khi con người được ban phước lành, quyền thống trị cũng được trao cho con người:
“Làm bá chủ (redu) cá biển, chim trời và mọi sinh vật sống trên đất”
Trong đề nghị của Chúa Trời tạo ra con người (St 1:26) có nhắc đến behemah. Trong câu này thì không có nó. Điều đó dễ hiểu: về bản chất, behemah đã tuân phục con người ngay từ đầu và không cần phải sử dụng quyền lực.
Từ redu có hai nghĩa: “hãy cai trị” và “hãy tự hạ xuống”. Sự cai trị của con người đối với thế giới động vật đòi hỏi con người phải hoàn thành sứ mệnh của mình – trở thành đối tác của Nó. Nếu không, thế giới động vật sẽ thoát khỏi sự phục tùng với con người, và con người tự mình “hạ xuống”, trở nên một sinh vật tinh thần bị bần cùng và một sinh vật xác thịt bị hư hỏng.
Câu 29 tiếp theo đưa chúng ta trở lại những gì đã xảy ra vào Ngày Thứ Ba của Sáng Thế.
Đây là Lời cuối cùng, Lời thứ Mười của Thiên Chúa:
St 1:29-30
Vayomer Elohim hineh natati lachem et-chol-esev zorea zera asher al-peney kol-ha’arets ve’et-kol-ha’ets asher-bo feri-ets zorea zara lachem yihyeh le-ochlah.
Ulechol-chayat ha’arets ulechol-of hashamayim ulechol romes al-ha’arets asher-bo nefesh chayah et-kol-yerek esev le’ochlah vayehi-chen.
God said, ‘Behold, I have given you every seedbearing plant on the face of the earth, and every tree that has seedbearing fruit. It shall be to you for food.
For every beast of the field, every bird of the sky, and everything that walks the land, that has in it a living soul, all plant vegetation shall be food.’ It remained that way.
Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.
Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.” Liền có như vậy.
Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy, ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.
Còn các loài thú ngoài đồng, các loài chim trên trời, và các động vật khác trên mặt đất, phàm giống nào có sự sống thì ta ban cho mọi thứ cỏ xanh đặng dùng làm đồ ăn; thì có như vậy.
Thời đó, con người gần gũi với thế giới động vật đến mức bị cấm giết và ăn thịt động vật. Cây cỏ được trao cho con người và động vật để làm thức ăn. Chỉ có với con người thì có thức ăn thích hợp – cây và trái của cây. Cơ thể con người phát triển bằng cách ăn từ cây.
Cây ăn quả – không quan trọng là cây-kiêm-quả hay cây sinh quả – chỉ dành riêng cho con người. Cây trong mối liên hệ với con người. Họ tương quan với nhau. Rất có thể cả luật lemino (theo giống) của cây, của trái và hạt đã ám chỉ đến việc tạo ra con người. Người và cây là tương đồng. Thật vậy, theo một nghĩa quan trọng nào đó, bản thân con người là một cái cây.
Giống như một cái cây được nuôi dưỡng từ bên trên và bên dưới, con người được nuôi dưỡng từ cả Đất và Trời. Con người và cây cối có cùng mối quan tâm: tăng trưởng và đậu quả. Trong sự phát triển của cây ở cấp độ tự nhiên có mô hình về sự phát triển tinh thần của con người, một nguyên mẫu của công việc của linh hồn anh ta. Bất kỳ sự thay đổi nào trong mô hình này, trong quá trình sinh trưởng và kết trái của cây, đều quan trọng cho cơ thể và tâm hồn của con người.
Vào Ngày Sáng thế Thứ Ba, Đất phải trực tiếp sinh ra từ bản thân mình cây-kiêm-quả tùy theo giống của nó (ets pri lemino); sự phát triển và trưởng thành của cây-kiêm-quả là cùng một công việc. Nhưng Đất lại sinh ra cây sinh quả (ets ose pri); ở đây có công việc sinh trưởng của cây mà trái đất sinh ra, và công việc của chính cây sinh ra quả, trong đó có hạt tùy theo giống của nó. “Hạt trong nó tùy theo giống” này chín và trao sự sống cho cây mới; trong khi cây mẹ tiếp tục phát triển.
Trái đất đã đưa ra những thay đổi đáng kể trong mô hình sinh trưởng và ra quả ban đầu. Nó nhận được lệnh rằng sự phát triển là trái cây, chứ không phải dẫn đến trái cây, không phải được làm nên, mà là hiện hữu – sẽ là một loại trái cây trong tất cả các giai đoạn phát triển, và là kết quả của nó. Mô hình của Trái đất không chỉ là một mô hình sinh hoa kết quả mà là mô hình tự sinh sản của cây, một mô hình mà trong đó trái cây phục vụ “hạt tùy theo giống của nó.” Ngoài ra, Chúa Trời đã ra lệnh rằng trái cây tùy theo giống của nó ở trên Đất. Trong mô hình mà Đất thực hiện mệnh lệnh của Chúa Trời, không có điều khoản quan trọng này.
Đấng Tạo hóa đã chấp thuận sự đổi mới của Đất. Đất đưa ra từ bản thân không chỉ cây cối, mà còn đưa ra linh hồn động vật của con người, nefesh của anh ta. Mô hình về sự phát triển và hình thành quả của một cái cây, như một nguyên mẫu, đã ảnh hưởng đến sơ đồ về sự phát triển và ra quả của con người. Kết quả của cuộc sống của một người, thành quả của việc phát triển tâm linh của người đó, theo mệnh lệnh của Thiên Chúa với Đất, lẽ ra phải ở “đây”, trong sự tồn tại “này” của con người – trên Trái đất hoặc trong nguồn gốc của sự tồn tại trên Đất. Theo mô hình mà Đất đã thay đổi, con người “kết trái” không phải “trên Trái đất”, không phải “ở đây”, không phải ở Thế giới này, mà là “ở đó”, ở một sự tồn tại khác. Còn ở đây là sự trưởng thành, lao động và công việc tinh thần của anh ta cho việc ra quả.
Thành quả của tất cả cuộc sống con người phụ thuộc vào sự đầy đủ và trung thành của công việc tự do do anh ta thực hiện để hoàn thành Ý định và Ý chí của Đấng Tối Cao. Nhưng người trần thế lại không được nhìn thấy thành quả lao động của đời mình, kết quả cuối cùng của nó. Quả này, kết quả này và tổng kết này là ẩn khỏi chúng ta trong một tồn tại khác. Nếu Đất không thay đổi mô hình sinh trưởng và kết trái, thì mùa màng của con người sẽ được thu hoạch “tại đây”, trong sự tồn tại này – như mùa màng được thu hoạch trên các cánh đồng vào tháng mùa thu Tishrei. Còn theo mô hình được thực hiện bởi Đất (và được Thiên Chúa chấp thuận), thì trong sự tồn tại của con người có một thứ gì đó được gieo để sinh trưởng (siach) – như vào tháng mùa xuân Nisan. Trong “sự thay đổi của các mùa” này là kịch tính đặc biệt của cuộc đời của một người trần, công việc cần thiết của cuộc đời phải được hoàn thành trong ít năm tồn tại trên trần thế của anh ta. Thông thường con người thường kịp tái tạo bản thân trên Trái đất bằng hạt tùy theo giống của nó. Nhưng liệu anh ta có kịp, trong khoảng thời gian hữu hạn dành cho anh ta trên Trái đất, kết được trái của một cuộc sống khác?
Câu chuyện về sáu Ngày Sáng Thế kết thúc một cách tượng trưng bằng dấu hiệu cho thấy rằng thế giới động vật chỉ được ăn cỏ xanh, chứ không phải cây sinh trái, thứ chỉ được cho làm thức ăn cho con người (câu 30).
St 1:31
Vayar Elohim et-kol-asher asah vehineh-tov me’od vayehi-erev vayehi-voker yom hashishi.
God saw all that he had made, and behold, it was very good. It was evening and it was morning, the sixth day.
Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ sáu.
Từ meod, có nghĩa là mức độ cao nhất, được cấu tạo bởi các chữ cái giống như từ adam. Mọi thứ đều tov meod, mọi thứ đều tốt một cách tối đa, mọi thứ hoàn thành trọn vẹn – khi có con người, adam. Nhưng tại sao Sáng thế lại tốt đẹp toàn diện, bởi lẽ vẫn có một người tự do có khả năng không tuân theo Ý chí của Chúa Trời, và thậm chí có khả năng phá hủy và làm điều ác?
Tạo hóa, như một “nơi” cho sự sống và hoạt động sinh sống, không phải là một đấu trường đấu tranh – thiện và ác, tinh thần và xác thịt, ánh sáng và bóng tối. Trong bản giao hưởng của các giọng nói đi qua con người, có cả bè dành cho giọng nói của “khởi đầu ác” của anh ta. Mọi thứ được ban cho con người, mọi sức mạnh của con người và mọi sự khởi đầu trong con người – là để thực hiện Ý chí của Đấng Tạo Hóa. Con người không cần phải hy sinh cái này để khuyếch đại cái kia, mà để tìm ra tỷ lệ chính xác của chúng. Nhiệm vụ của con người không phải là chiến thắng – ví dụ chiến thắng cuối cùng của tinh thần đối với xác thịt – mà là sự phối hợp hài hòa của tất cả các dòng chảy tinh thần và xác thịt, tập trung trong con người.
Đó là điều không có và vẫn chưa xảy ra. Những gì đã được làm nên là hoàn toàn tốt, những thứ đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Trái lại, con người được sáng tạo ra và hình thành, nhưng chưa được làm nên, chưa được hoàn thiện xong. Nó chỉ đang ở trên bàn làm việc của Chúa, và sau một vài câu, Ngài sẽ nói về anh ta: lo tov – không tốt.
Đức Chúa là Thiên Chúa đặt con người vào Vườn của Eden để hoàn thành ở đó, hoàn thành nhiệm vụ của Ngày Làm nên.
(Hết chương 1.3)