Nếu bạn hay viết, có lẽ bạn là một kẻ-biết-tuốt (know-it-all).
Không phải theo kiểu một đứa trẻ 6 tuổi quen bắt nạt nói những câu như: “Bố tao biết về máy tính nhiều hơn bố mày,” hay một đứa 16 tuổi hay bắt nạt nói: “Tao sẽ là người vào Harvard chứ không phải bọn học trường công vớ vẩn như mày”.
Những người viết trở thành kẻ-biết-tuốt là vì công việc chúng ta làm. Thử nghĩ mà xem: với mỗi câu chuyện, bài báo hoặc bài blog mà bạn viết, bạn dành nhiều phút — đôi khi thậm chí hàng giờ — để đọc. Bạn cũng có thể phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực này — cho đến khi bạn hiểu đủ rõ về chủ đề để có một cuộc trò chuyện trí tuệ về chủ đề đó.
Sau đó, bạn suy nghĩ về chủ đề của mình. Không chỉ suy nghĩ mặt trước (front-of-mind – thể hiện một điểm tập trung duy nhất, có chủ ý) mà còn cả suy nghĩ mặt sau (back-of-mind), trong lúc lái xe, nấu bữa hoặc đi dạo.
Và rồi, bạn dành một khoảng thời gian đáng kể để viết.
Tất cả những nỗ lực và công việc này biến bạn thành một kẻ-biết-tuốt về chủ đề mà bạn đang viết. Nhưng nó cũng tạo ra vấn đề. Đột nhiên, bạn trở nên cực kỳ khác biệt so với những người mà bạn đang viết cho. Điều này khiến bạn khó dự đoán hơn những điểm trong văn bản sẽ gây bối rối hoặc thắc mắc cho người đọc. Tức là, bạn ở quá gần với công việc của mình.
Đó là lời nguyền kiến thức tấn công bạn.
Được biết đến như một loại thiên kiến nhận thức (cognitive bias), lời nguyền kiến thức xảy ra khi một người giao tiếp với những người khác, và cho rằng họ có kiến thức cơ bản để hiểu. Có lẽ, lời nguyền này đã từng ảnh hưởng đến bạn (với tư cách là nạn nhân) nhiều lần.
Ví dụ, thợ sửa xe mô tả vấn đề của máy phát điện theo cách mà chỉ những người có kinh nghiệm về ô tô mới có thể hiểu…. Bác sĩ tim mạch nói về tình trạng của bạn nhưng lại giải thích bằng những từ viết tắt mà bạn chưa từng nghe…. Người tư vấn tài chính mô tả lợi tức đầu tư của bạn theo cách không khiến bạn cảm thấy biết ơn hay sợ hãi mà, thay vào đó, khiến đầu óc bạn quay cuồng…
Thuật ngữ “lời nguyền kiến thức” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1989 bởi vài nhà kinh tế học, những người đã sử dụng nó để… Ồ, tôi đang cố đùa với ai đây? Tôi thậm chí không thể hiểu bài Wikipedia mô tả nghiên cứu của họ. Dễ hiểu hơn với tôi là một thí nghiệm năm 1990 của sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford tên là Elizabeth Newton. Cô đặt vấn đề với âm nhạc.
Newton yêu cầu một nhóm đối tượng gõ những bài hát nổi tiếng bằng ngón tay và một nhóm khác lắng nghe để xác định giai điệu. Tin rằng đây hẳn là một trò chơi đơn giản để người nghe giành chiến thắng, những người gõ nhịp dự đoán người nghe sẽ có tỷ lệ thành công là 50%. Nhưng trong một mẫu gồm 120 giai điệu, người nghe chỉ hiểu đúng khoảng 3%. Tại sao? Đó là lời nguyền kiến thức. Những người gõ có sẵn bài hát trong đầu và vì lý do đó, họ cho rằng người nghe sẽ dễ dàng nhận ra. Nhưng tất nhiên là không phải vậy.
Nếu bạn muốn thoát khỏi lời nguyền kiến thức trong các bài viết của mình, bạn có thể thực hiện năm bước sau:
1- Dành cho mình nhiều thời gian trước khi chỉnh sửa. Tôi thấy rất nhiều người khăng khăng chỉnh sửa trong khi viết hoặc ngay sau đó. Đây luôn là một sai lầm. Đối với các dự án dài hạn như sách hoặc luận án, tôi luôn khuyên nên có thời gian tạm dừng, khiến hầu hết mọi người ngạc nhiên. Tôi đề nghị để ra ít nhất sáu tuần trước khi chỉnh sửa. Điều này sẽ tạo cho bạn một khoảng cách nào đó với công việc, và cho bạn cơ hội để có một góc nhìn hữu ích. Nếu bạn không có đủ thời gian để tạm nghỉ như vậy, thì ít nhất, hãy dành 24 giờ trước khi chỉnh sửa. Và hơn hết, ngừng chỉnh sửa trong khi viết.
2- Giảm biệt ngữ (jargon). Tôi đã từng ký hợp đồng với một công ty sử dụng rất nhiều từ viết tắt, họ đã phải có từ điển từ viết tắt của riêng mình. (Ngoài ra, họ có một số từ viết tắt hoàn toàn giống nhau nhưng liên quan đến hai hệ thống/quá trình khác nhau. Thật điên rồ!) Hãy luôn cân nhắc đến cử tọa của bạn. Nếu biệt ngữ của bạn làm cho văn bản dễ hiểu hơn đối với độc giả, thì điều đó ổn. Nhưng nếu nó khiến họ bối rối — điều này chắc chắn sẽ xảy ra nếu độc giả của bạn bao gồm người ngoài, chẳng hạn công chúng — thì cần phải chỉnh sửa nội dung đó. Trước hết là các từ viết tắt, nhưng cũng nên xem lại cả các khái niệm hoặc quá trình khó hiểu.
3- Kể câu chuyện. Trong một bài đăng trên Harvard Business Review, Chip và Dan Heath mô tả cách FedEx thấm nhuần cho nhân viên cam kết rằng tất cả các gói hàng phải “tuyệt đối chắc chắn” đến nơi sau một đêm. Để làm điều này, họ kể cho nhân viên nghe câu chuyện về một tài xế giao hàng ở New York bị hỏng xe và chiếc xe thay thế bị trễ giờ. Người lái xe bắt đầu bằng cách đi bộ giao vài gói hàng. Tuy nhiên, lo rằng mình vẫn không thể hoàn thành lộ trình đúng giờ, cô đã thuyết phục tài xế của đối thủ cạnh tranh đưa cô đến những điểm cuối cùng. Bạn có cho rằng, một câu chuyện như thế có sức nặng hơn nhiều so với việc một phó chủ tịch tuyên bố cam kết trở thành “người giao hàng có trách nhiệm”?
4- Sử dụng phép ẩn dụ (metaphor). Có lẽ bạn đã cần hiểu các phép ẩn dụ khi học văn ở trường, nhưng bạn thực sự cần hiểu chúng nếu muốn trở thành một người viết chuyên nghiệp. Đó là vì phép ẩn dụ vượt xa việc giải thích. Chúng có thể thay đổi suy nghĩ của ta ở mức độ vô thức. Hãy xem diễn văn nhậm chức năm 2009 của Tổng thống Barack Obama. Đây là một đoạn ổng nói: “Đối với những người bám lấy quyền lực thông qua tham nhũng, lừa dối và bịt miệng những người bất đồng chính kiến, hãy biết rằng các người đang ở mặt trái của lịch sử; nhưng hãy biết rằng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu các người sẵn sàng buông nắm đấm.” Hình ảnh trực quan về một người đưa tay ra, trong khi một người khác buông nắm đấm khiến câu nói đó trở nên đáng nhớ hơn rất nhiều.
5- Nhận phản hồi từ người khác. Tất cả những người viết chuyên nghiệp đều không xấu hổ khi sử dụng biên tập viên. Biên tập viên làm nhiều việc hơn là bắt lỗi đánh máy và lỗi chính tả. Họ cũng góp ý xem bài viết có rõ ràng, dễ hiểu và đủ thuyết phục hay không. Nếu bạn không thể thuê người biên tập, hãy nhớ chia sẻ bài viết của mình với bạn bè và đồng nghiệp, nhờ họ đánh giá mức độ dễ hiểu của văn bản. Và nếu họ không hiểu, thì hãy viết lại.
Là con người, chúng ta thường nghĩ về kiến thức như một thứ gì đó chỉ có mặt tích cực. Giống như thanh niên mới uống rượu, chúng ta nghĩ rằng uống nhiều hơn sẽ chỉ khiến ta cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng, tất nhiên, không phải thế.
Nghịch lý thay, kiến thức có thể quay lại cắn ta, và trở thành một lời nguyền.
Lược dịch từ How the curse of knowledge is harming your writing (bài gốc có link đến nhiều tài nguyên)