Review sách: The Road to Character (Đường đến nhân cách)

Tác giả: David Brooks, ra mắt 2015. Bản dịch của Trà Nam, NXB Trẻ, 2022.

Trong bài viết, tôi sẽ dịch character là “phẩm cách”, để tránh hiểu sai chữ “nhân cách” thành personality vốn có ý nghĩa khác với character.

Đặt vấn đề

Tác giả đặt vấn đề dựa theo khái niệm Adam 1 và Adam 2 của giáo sỹ Do Thái Joseph Soloveitchik trong cuốn sách Sự cô đơn của con người có đức tin (Lonely Man of Faith). Theo Soloveitchik, trong mỗi con người đều có hai khởi nguồn. Adam 1 là con người của thành công, của địa vị, còn Adam 2 là con người của nội tâm, của đạo đức. Adam 1 chinh phục và thay đổi thế giới, khẳng định bản thân, hướng đến quyền lực và kiểm soát. Adam 2 thì cảm nhận thế giới, thấy mình là một phần trong đó, cảm nhận và kết nối với thượng đế.

Có thể nói, với mỗi người, Adam 1 được mô tả trong CV, còn Adam 2 được nhắc đến trong điếu văn khi lìa đời (ở phương Tây, điếu văn nhắc đến phẩm hạnh của người đã khuất chứ không liệt kê chức vụ như ở ta). Có những giai đoạn lịch sử mà xã hội đề cao Adam 2 và hạ thấp Adam 1, xem thường thậm chí lên án các nhu cầu tiền tài danh vọng. Nhưng hiện nay, xã hội đang đề cao sự thành công của cá nhân, đề cao Adam 1 quá mức và không coi trọng Adam 2. Cuộc đua của các Adam 1 còn trầm trọng hơn trong thời đại công nghệ thông tin vì 3 lẽ: (1) thông tin quá nhiều và quá nhanh, (2) do các thuật toán hiển thị, người ta có thể thiết kế môi trường tinh thần cho riêng mình, với bản thân là trung tâm, và mất đi kết nối với người khác, và (3) ai cũng thích được lên sóng, được nổi tiếng.

Trong một thế giới như vậy, bản thân từ phẩm cách (character) cũng được hiểu khác đi. Đó không phải là các tính cách như vị tha, rộng lượng, hy sinh bản thân, v.v. nữa. Thay vào đó, người ta chú ý đến các tính cách như xông pha, kiên cường, chấp nhận rủi ro, v.v. để thành công.

Đi đến phẩm cách như thế nào?

Theo tác giả, không phải Adam 1 là xấu xa, cả hai đều quan trọng. Và vì Adam 1 đang quá thắng thế, nên mỗi người cần cân bằng lại bằng một thái độ khiêm nhường, thực thi các hành động mà tác giả liệt kê và đặt tên là Bộ luật khiêm nhường (Humility Code) gồm 15 điều. Bộ luật được mô tả ở chương cuối, trước đó là rất nhiều câu chuyện minh họa về các nhân vật đề cao Adam 2 và đồng thời rất thành công, từ thánh Augustine đến tổng thống Mỹ Eisenhower. Về cơ bản, độc giả có thể đọc phần mở đầu rồi nhảy ngay đến chương cuối, không nhất thiết đọc các câu chuyện này (từ chương 2 đến chương 9)

Vì thấy 15 điều luật được sắp xếp không mạch lạc lắm, không rõ cấu trúc, nên tôi vẽ chúng thành sơ đồ sau, gom chúng vào 4 nhóm. Đây hoàn toàn là góc nhìn cá nhân, và có thể hữu ích cho người đọc. Người đọc có thể tự áp dụng cũng như dùng để định hướng và dạy con.

Leave a Reply