Ruben David Gonzalez Gallego. “Trắng trên Đen”
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: Phương Hoài, 8-2004
Sách được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2004 với tựa “Những dải trắng trên nền đen”.
Bà bảo mẫu
Họ rất ít. Những bà bảo mẫu thật sự, đúng nghĩa bảo mẫu, những người ân cần và dịu dàng. Tôi không nhớ tên họ, chính xác hơn là không nhớ hết tên tất cả các bà bảo mẫu tốt bụng. Chúng tôi tự chia họ ra thành các bà bảo mẫu “độc ác” và “tốt bụng”. Trong cái thế giới trẻ thơ đó, ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất rõ ràng và đơn giản. Một thời gian dài tôi không thể bỏ được thói quen tệ hại từ thời cô nhi viện là chia tất cả mọi người thành quân ta và quân nó, thông minh và ngu ngốc, tốt bụng và độc ác. Biết làm sao. Tôi đã lớn lên ở đó. Nơi đó, ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mỏng manh, nơi sự đê tiện, đểu cáng là chuyện bình thường. Bình thường cũng như sự chân thành và lòng nhân hậu. Tất cả đan xen nhau. Có lẽ do cứ luôn phải lựa chọn giữa cái xấu và cái tốt mà trong tôi đã xuất hiện sự rạch ròi đó.
Những bà bảo mẫu tốt là những người theo đạo. Tất cả. Vậy là tôi đã viết và lại phân loại mọi người. Tôi chẳng thể làm gì được với chuyện này.
Đức tin bị cấm. Người ta nói với chúng tôi rằng không có Chúa. Vô thần là chuẩn mực. Giờ đây ít ai còn tin vào điều đó, nhưng thời đó là như vậy. Tôi không biết trong số giáo viên có ai theo đạo không. Có lẽ là có. Giáo viên bị cấm nói với chúng tôi về đề tài này. Giáo viên có thể bị đuổi việc vì làm dấu thánh hay vì một quả trứng phục sinh, các bà bảo mẫu thì không. Lương bảo mẫu rất ít, công việc lại nhiều. Hiếm ai muốn đi cọ sàn và thay quần cho trẻ con. Người ta làm ngơ cho những bà bảo mẫu theo đạo. Và họ cứ việc tin. Họ tin, bất chấp tất cả. Họ cầu nguyện rất lâu trong các phiên trực đêm, thắp những ngọn nến mang theo. Ban đêm họ rửa tội cho chúng tôi. Trong ngày lễ Phục sinh, họ mang cho chúng tôi những quả trứng tô màu và bánh xèo. Thức ăn bị cấm mang vào cô nhi viện, nhưng ban lãnh đạo nghiêm khắc có thể làm gì với những phụ nữ ít học?
Các bà bảo mẫu tốt ít lắm. Tôi nhớ tất cả bọn họ. Giờ tôi sẽ cố gắng kể về một người trong số họ. Đây là một câu chuyện thực do bà bảo mẫu kể cho tôi. Tôi cố gắng kể lại một cách chính xác nhất có thể những gì trí nhớ non nớt còn giữ được.
***
“Bà đã làm ở đây rất lâu rồi. Khi đến, bà nhìn thấy lũ trẻ lít nhít, đứa không chân, đứa không tay. Tất cả đều nhem nhuốc. Bà rửa ráy cho chúng, còn chúng thì bò ra sàn và lại lấm lem. Có đứa phải đút cho ăn, có đứa mỗi tiếng phải rửa ráy một lần. Bà rất mệt. Trong đêm trực đầu tiên, bà không hề nằm một phút nào. Họ mang đến thêm một đứa mới nữa, nó gọi mẹ cả đêm. Bà đến ngồi bên giường cạnh nó, cầm tay nó và ngồi như vậy cho đến sáng. Và bà cứ khóc suốt. Sáng ra, bà đến chỗ Đức cha xin chúc phúc để thôi việc. Bà nói, con không thể nhìn cảnh đó, con thương tất cả bọn trẻ, tâm hồn như rạn vỡ. Nhưng Đức cha không chúc phúc. Cha nói, đó sẽ là cây thập tự mà con phải vác suốt đời. Bà đã cầu xin cha, đã van nài. Rồi làm việc một thời gian, bà quen dần. Nhưng vẫn thấy nặng nề. Bà viết lên giấy tên tất cả những đứa trẻ bà chăm sóc. Bà có một quyển vở và bà đã ghi tên tất cả các con vào đó. Rồi trong ngày lễ Phục sinh, bà thắp cho mỗi đứa một ngọn nến, và đọc kinh cầu nguyện cho từng đứa. Bởi vì Đức Chúa trời đã dạy phải cầu nguyện cho tất cả những đứa trẻ vô tội. Mà tên con thật lạ lùng. Ruben, chắc con người Armenia. Người Armenia theo đạo Thiên Chúa, điều này bà biết chắc chắn. Con bảo con không phải người Armenia sao? Bà cũng nghĩ ngay là nếu bố mẹ không đến đón nó, chứng tỏ họ là người khác đạo nào đó. Một người đã được rửa tội không bao giờ bỏ rơi con mình. Chúng là bọn chó má, xin Chúa tha tội cho con, một mụ già ngu ngốc, không muốn mà vẫn phạm tội. Còn con sẽ được ghi trong sổ của bà không có họ. Họ của con thật kì lạ, bà không thể viết được. Tất cả đều được ghi có họ, còn con thì không. Khi cầu nguyện chỉ được đọc tên, nhưng dù sao cũng không hay lắm khi không có họ”.
Nói gì đây sau câu chuyện này? Tôi đã trưởng thành, đã đọc rất nhiều sách và nghĩ mình rất thông thái. Cảm ơn những thầy cô đã dạy tôi biết đọc. Cảm ơn đất nước Xô viết đã nuôi tôi lớn khôn. Cảm ơn những người Mỹ thông minh đã tạo ra máy tính, đem lại khả năng đánh máy câu chuyện này chỉ bằng ngón tay trỏ của bàn tay trái.
Cảm ơn tất cả những bà bảo mẫu tốt bụng vì đã dạy tôi lòng nhân ái, vì sự ấm áp trong tâm hồn mà tôi đã mang theo, vượt qua tất cả mọi thử thách. Cảm ơn vì tất cả những gì không thể nói thành lời, không thể tính toán trên máy tính và không thể đo đếm được. Cảm ơn vì tình yêu và vì lòng từ bi Thiên Chúa, cảm ơn vì tôi là một người Cơ đốc giáo, vì những đứa con tôi. Cảm ơn tất cả.
Những cậu bé
Trong phòng chúng tôi có mười người. Chính xác hơn là chín. Không tính Vovochca. Nó chẳng biết làm gì, chỉ ăn và ỉa. Chúng tôi thường tỉnh giấc vì tiếng kêu của nó. Nó, như mọi khi, lại muốn ăn. Nó có thể ăn rất nhiều, cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Khẩu phần của nó cũng như tất cả, nhưng nó luôn đói, và nó kêu khóc. Thằng bé sơ sinh mười hai tuổi.
Ngoài ra còn có tôi và Vasilek. Vasilek trông khoảng 20 tuổi. Anh bị liệt hai chân. Khoẻ như một con bò mộng. Hay đúng hơn như tất cả những người thiểu năng trí tuệ. Có lần anh đã túm chân bà bảo mẫu trêu anh, khiến bà ta không sao thoát ra được, và mãi lâu sau trên chân bà ấy vẫn còn vết tím bầm. Các bảo mẫu trêu chọc anh, con bò mộng hiền lành, vỗ vào lưng khi lại gần hay nói gì đó tục tĩu, còn anh sau đó cả đêm ồn ào cụ cựa, làm cớ cho những trò chọc ghẹo mới. Nói chung, họ đối với anh cũng tốt, luôn cho anh suất đúp.
Tôi là một thằng bé chín tuổi. Hãy hình dung một người liệt. Nằm còng queo trên sàn và lắc lư bên này qua bên kia. Nó làm cái gì đó, nhưng bạn vẫn chưa hiểu là gì. Nó bò đi. Tôi bò rất nhanh, tôi có thể bò được ba trăm mét trong nửa tiếng nếu không mệt. Nhưng cứ được mươi, mười lăm mét là tôi phải nghỉ. Nhưng tôi có thể bò! Trong phòng chỉ có tôi và Vasilek có thể bò – điều này khiến chúng tôi khác với những người còn lại.
Bọn họ có bảy người. Tôi không nhớ hết tên. Mà cũng không cần phải biết tên họ. Chỉ có Sasha Poddubnyi là có thể ngồi được, và mỗi sáng các bà bảo mẫu lại đặt anh xuống sàn trước cái bàn thấp. Những người khác nằm suốt ngày trên giường. Người ta gọi họ là những “cậu bé”. Tất cả mọi người trong cô nhi viện đều nể họ, thậm chí cả “Đại bàng” của cô nhi viện cũng phải tìm đến họ xin lời khuyên. Chỉ phòng chúng tôi có vô tuyến, và chúng tôi có thể xem tuỳ thích.
Tôi lọt vào phòng này một cách tình cờ. Tôi được đưa đến đúng lúc có một “cậu bé” mới chết. Đó là chiếc giường số 3 bất hạnh. Trước tôi, đã có ba người ngủ trên đó, và tất cả đều đã chết. Không ai muốn nằm ở đó cả, còn tôi lại là ma mới. Sau đó, người ta muốn chuyển tôi sang phòng khác, nhưng Sasha Poddubnyi yêu cầu, và người ta để tôi lại. Nhưng đó là một câu chuyện khác.
***
Một lần, Sasha muốn đi vệ sinh, mà Vasilek không có trong phòng.
Tôi có hai lựa chọn: bò đi gọi bảo mẫu hay thử tự mình giúp. Tôi dùng răng cắn dây chun quần anh kéo đi, đẩy bô tới và anh đái vào đó. Giờ đây, theo luật bất thành văn của cô nhi viện, tôi cũng có thể yêu cầu anh một điều gì đó. Lấy hết can đảm, tôi đề nghị anh cho tôi đọc một cuốn trong số sách của anh. Anh có rất nhiều sách. Anh luôn đọc sách hay dịch sách từ tiếng Đức.
– Hãy lấy cuốn “Ba chàng ngự lâm”.
– “Ba chàng ngự lâm” em đã đọc rồi, của trẻ con, cho em mượn “Solaris”.
– Cậu sẽ chẳng hiểu gì đâu.
– Em sẽ hiểu.
– Cậu thật bướng, rất tốt. Hãy lấy đi, sau đó kể xem cậu hiểu gì.
Tôi đọc hết cuốn “Solaris” trong một ngày chủ nhật. Khi Sasha hỏi tôi hiểu được gì trong cuốn sách, tôi đã trả lời: nhân vật chính chẳng cần phải bay đi, bởi cần phải giải quyết mọi chuyện với phụ nữ ngay trên trái đất. Sasha nói tôi vẫn còn bé và chưa hiểu gì hết. Nhưng kể từ đó anh bắt đầu cho tôi mượn sách. Nói chung tôi đã gặp may. Các “cậu bé” đối xử với tôi rất tốt.
***
Các xếp đến thăm chúng tôi. Xếp của chúng tôi là những sinh viên trường sư phạm.
Chúng tôi được tập trung trong hội trường lớn, các xếp hát cho chúng tôi nghe rồi chuồn. Chính xác hơn là không phải tất cả đều bỏ đi. Theo kế hoạch giúp đỡ của các xếp, sinh viên phải có một số hoạt động với chúng tôi, giúp chúng tôi làm bài và nhiều việc khác nữa.
Nhưng phần đông bọn họ nhìn chúng tôi như nhìn người hủi. Câu “như nhìn người hủi” tôi đọc được sau này, và tôi rất thích. Mà làm sao có thể diễn tả khác được những cặp mắt thô lố và sự ghê tởm được che dấu một cách vụng về?
Nhưng một số người đã đến. Thật lạ, đó lại là các nữ sinh, những vì sao rơi từ trên trời xuống. Lòng trắc ẩn, sự thương hại thiên bẩm, và có thể cả tính tò mò đã kéo họ đến với chúng tôi. Không chỉ một lần.
Một cô gái như vậy đã vào phòng chúng tôi.
– Các chàng trai có cần giúp đỡ gì không?
– Bạn uống chiphir không?
– Gì cơ?
– Chè đặc.
– Có.
– Vậy hãy lấy “tàu ngầm” dưới đệm của tôi, lấy lọ trong tủ con, đi lấy nước và thực hiện mọi công đoạn dưới gầm giường.
Người nói là Vovka Matxcơva. Biệt danh của anh là “Matxcơva”. Tôi không biết vì sao.
Cô sinh viên ấy đến chỗ chúng tôi mấy lần, các cậu bé đãi cô kẹo sô cô la và kể chuyện tiếu lâm. Thật thoải mái và vui vẻ khi tiếp xúc với cô.
Một lần cô ở chỗ chúng tôi hơi lâu và đã đến lúc phải ra về. Tất nhiên chẳng ai muốn để cô về.
– Các chàng trai, tôi còn phải làm bài tập môn vật lý và toán, mà chẳng ai dễ dàng cho tôi chép bài cả đâu.
– Bạn học năm mấy?
– Năm thứ hai.
– Bạn có mang sách theo chứ?
– Trong túi.
– Hãy lấy ra và đọc đầu bài đi.
Người nói là Genka nằm ở giường trong góc.
Cô lấy sách ra, ngồi xuống và đọc.
– Nhưng tôi không hiểu gì hết.
– Tôi cũng vậy. Tôi mới chỉ học đại học được có một năm. Hãy đọc to lên.
– Thế còn công thức?
– Công thức cũng đọc to.
Cô đọc, chúng tôi vui mừng vì cô vẫn chưa về, và không hề nghi ngờ rằng Genka sẽ giải được tất cả các bài tập của cô.
Cô đọc rất lâu và sau đó Genka bảo cô ngồi xuống bàn để chép.
– Nhưng cậu không nhìn thấy những gì tôi viết!
– Còn bạn?
– Tôi thấy.
– Vậy thì hãy viết đi.
Và anh đọc cho cô gái lời giải tất cả các bài tập, rồi im lặng.
– Tôi có thể kiểm tra đáp số được không? Tôi có đáp án đây.
– Kiểm tra đi.
– Tất cả đều đúng! Làm sao cậu làm được? Không hề nhìn vào vở. Cậu còn nhỏ thế kia!
Genka nặng mười ki lô. Ngoài chuyện không thể đi lại được, anh còn có vấn đề với tuyến giáp, không lớn được. Anh thường được đắp chăn đến cằm, và từ trong chăn thò ra khuôn mặt của một cậu bé tám tuổi. Nhưng có lẽ thế lại tốt hơn. Thỉnh thoảng anh được bế ra đường. Tôi và Vasilek có thể tự bò ra đường, còn những người khác chưa hề nhìn thấy đường phố.
– Tôi mười tám tuổi. Tôi cũng bé như bạn vậy.
– Ôi, các chàng trai (cô gọi họ là “các chàng trai”, ngoài cô ra chẳng ai gọi họ như vậy). Vậy mà tôi cứ nghĩ các bạn vẫn còn đang học phổ thông.
– Chính thức chúng tôi vẫn đang đi học. Lớp hai. Còn một số người học hai năm một lớp. Đơn giản bởi vì Giám đốc cô nhi viện của chúng tôi là một người tốt bụng. Ông không muốn đưa chúng tôi đến nhà dưỡng lão. ở đó sẽ chẳng có ai chăm sóc chúng tôi và chúng tôi sẽ chết.
– Vậy tại sao các bạn không thi vào đại học? Các bạn sẽ là những sinh viên xuất sắc.
– Trường đại học chỉ lấy những người đi được.
Cô vội vàng thu dọn đồ và ra về. Tôi bò ra hành lang. Mưa rơi, và tôi muốn bò ra cổng.
Trời lành lạnh – thu muộn hay xuân sớm. Cổng không đóng và tôi thích bò ra đến tận cổng để nhìn mưa. Những hạt mưa hiếm hoi tạt vào bên trong, rơi trúng người tôi. Thật dễ chịu và buồn.
Nhưng lần này đã có người chiếm chỗ ở cổng của tôi. Chính cô sinh viên đó đang đứng, tựa hẳn người vào dầm cửa và rít thuốc liên tục. Và khóc. Tôi không nhớ cô ăn mặc ra sao. Chỉ nhớ cô đi giày cao gót. Cô rất xinh đẹp. Tôi có cảm tưởng sẽ không bao giờ còn nhìn thấy một cô gái xinh đẹp như vậy nữa. Cô rít thuốc và khóc. Rồi hút hết điếu thuốc và bước đi dưới mưa. Không áo mưa, không ô.
Cô không bao giờ đến chỗ chúng tôi nữa.
***
Có đoàn từ Matxcơva đến. Giám đốc bị khiển trách, tất cả các “cậu bé” bị đưa tới nhà dưỡng lão. Cô giáo dưỡng của họ đến lớp chúng tôi: “Giờ cô sẽ làm việc với các em cho đến khi các em ra trường”. Tôi đã lên lớp năm, nhóm tiểu học đã kết thúc và bây giờ chúng tôi được có giáo viên chủ nhiệm “riêng” và cô giáo dưỡng “riêng”.
Một tháng sau khi người ta chở các cậu bé tới nhà dưỡng lão, cô giáo dưỡng đi thăm những người được “mình” bảo trợ. Cô quay về và kể hết với chúng tôi.
Trong số tám người chỉ có Genka còn sống. Nhà dưỡng lão gồm những ngôi nhà biệt lập kiểu lều gỗ. Người già và người tàn tật được phân ra theo mức độ tàn tật. Các cậu bé của chúng tôi nằm riêng trong một lều với những người kiệt sức. Dọc tường là những hàng dài giường tầng, nước tiểu nhểu giọt. Chẳng có ai tới chỗ họ. Cô giáo dưỡng mang đến cho họ các loại nước quả trong những lọ lớn. Cô kể về Genka: “Nó có vẻ giận dữ, bảo: cô mang nước quả về đi, đằng nào bọn người đi được cũng sẽ uống hết”.
Tôi hỏi cô điều gì sẽ đến với tôi khi tôi lớn. Người ta cũng sẽ chở tôi đến nhà dưỡng lão và tôi sẽ chết?
– Tất nhiên.
– Nhưng khi đó em mới chỉ mười lăm tuổi. Em không muốn chết sớm như vậy. Hoá ra tất cả đều vô ích ư? Vậy học để làm gì?
– Chẳng có gì vô ích cả. Các em phải học bởi vì các em được nuôi không phải trả tiền. Mà này, em đã học thuộc bài chưa?
Kể từ đó tôi thay đổi rất nhiều. Chỉ những cớ nhỏ nhặt cũng làm tôi chảy nước mắt và oà khóc. Cả những lời thuyết phục và hăm doạ đều không giúp ích gì. Tôi khóc thành tiếng.
Người ta gọi bác sỹ. Một thanh niên trẻ măng tới, ngồi bệt xuống sàn bên cạnh tôi, mỉm cười và hỏi điều gì đó. Tôi mỉm cười đáp lễ. Tôi không muốn nói chuyện với anh ta. Nhưng đành phải nói.
– Tại sao cháu hay khóc?
– Cháu không hay khóc.
– Tại sao chiều qua cháu khóc?
– Cháu bò, cộc đầu và khóc.
– Chú không tin. Cô giáo dưỡng của cháu đã kể hết với chú. Cháu khóc suốt. Điều này không bình thường. Tại sao cháu không muốn nói với chú?
– Bởi vì chú là bác sỹ tâm thần. Bọn họ lúc đầu tốt bụng là thế, rồi sau đó họ lôi tới bệnh viện. Còn trong bệnh viện người ta tiêm và cho uống những viên thuốc để khiến thành ra như Vasilek.
– Ai nói với cháu chuyện vớ vẩn đó? Không ai lôi cháu đi đâu cả. Vasilek là ai?
– Vovka Matxcơva đã kể cho cháu nghe về bệnh viện.
– Thế cái cậu Vovka của cháu đang ở đâu?
– Chết rồi. Các anh ấy chết rồi. Bọn họ thật tốt bụng và thông minh. Sasha Poddubnyi còn đưa sách của anh ấy cho cháu đọc. Giờ bọn họ chẳng còn nữa, chỉ Vasilek còn sống. Người ta chở anh tới một cô nhi viện tốt khác, bởi vì anh ấy có thể bò được và tự mình đi vệ sinh.
– Ai nói với cháu là họ chết cả rồi?
– Cô giáo dưỡng. Cô ấy còn nói với cháu rằng người ta cũng sẽ chở cháu đi khi cháu tròn mười lăm tuổi. Giờ cháu mười tuổi.
Cô giáo dưỡng cười cười, băn khoăn nhìn bác sĩ nói: “Thì đã sao nào? Có gì không phải ở đây? Tôi đã kể chuyện này cho cả lớp nghe”. Bác sĩ châm thuốc hút. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy người lớn hút thuốc ngay trong phòng. Không hiểu sao tôi thấy thích chú ấy.
– Cháu có sợ chú không?
– Có.
Chú không hề ác độc. Hút hết điếu thuốc, nhìn tôi và đi mất.
Còn Genka chết sau đó không lâu.