Khi con bạn bé, nó phụ thuộc và bạn và bạn có thể gây ảnh hưởng với nó bằng cách kiểm soát. Nhưng khi nó lớn lên, nó sẽ không cảm thấy phụ thuộc vào bạn nữa, mà trở nên gắn bó nhiều hơn với đồng bọn (peer). Khi đó, công cụ kiểm soát mất dần tác dụng, thay vào đó, bạn phải xây dựng được mối quan hệ đủ tốt với nó. Suy cho cùng, nếu đứa trẻ không chia sẻ những suy nghĩ, những vấn đề hay khó khăn của nó với bạn, thậm chí giấu bạn, thì làm sao bạn có thể giúp nó được?
Bài dưới đây là lược dịch bài của tác giả Amber Black, về việc nên làm gì để duy trì một quan hệ tốt với trẻ.
Tôi đọc sách của các loại chuyên gia, từ tâm lý đến thần kinh học, chuyên gia trị liệu và giáo dục trẻ, các loại phụ huynh và nhà tư vấn đủ kiểu. Đọc sách dành cho phụ huynh, thầy giáo, cho bố mẹ trẻ cá biệt, v.v. Tôi vẫn đang đọc.
Và đây là điều mà tôi khám phá ra. Bất kể lĩnh vực chuyên môn, mục đích viết sách hay phương pháp tiếp cận vấn đề, tất cả đều quy về một điều: Kết nối (connection)
Kết nối với bọn teen không dễ. Nếu dễ thì người ta đã k0 viết lắm sách đến thế, và bạn đã chẳng phải đọc bài này. Nhưng việc nhận ra rằng tất cả mọi thứ đều quy về chuyện kết nối giúp đơn giản hóa suy nghĩ của bạn trong các cuộc cãi vã (à quên, tương tác chứ 😉 ) hàng ngày với trẻ.
Cái hay là, một khi chốt được điều đơn giản này – kết nối, bạn có thể gần như thất bại trong mọi thứ khác mà rốt cuộc vẫn chơi được với chúng và giúp chúng sống sót qua được những thứ thách của cuộc sống.
Có thể mối quan hệ giữa bạn và đứa trẻ đã đỉnh sẵn. Bạn có kết nối tuyệt với trẻ và tin rằng chúng cũng cảm thấy kết nối sâu sắc với bạn. Nếu đúng thế, bạn có thể ngừng đọc. Ở đây chẳng có gì mấy cho bạn. Nhưng nếu bạn cũng giống đa số chúng tôi, cho rằng mọi thứ với trẻ lẽ ra nên tốt đẹp hơn, và bạn muốn thể, thì hãy tiếp tục đọc.
1) Mọi hành vi là dấu hiệu bên ngoài của đau đớn bên trong
Cũng như những hành động sai lệch của chính ta, hành vi không như mong đợi của trẻ là dấu hiệu cho thấy gì đó không ổn trong chúng. Khi lũ trẻ của ta bị trầm uất, sợ hãi, lo lắng hay bối rối, chúng cần tình yêu vô điều kiện của ta hơn bao giờ hết. Lần tới, nếu đứa trẻ nổi loạn, hãy tự hỏi xem điều gì đã xảy ra với chúng? Gì đó ở trường? Một thay đổi mà chúng chưa được chuẩn bị để sẵn sàng đối phó? Đói? Hoóc môn giới tính? Thất vọng? Thay vì coi chúng là “hư” hay “sai”, hãy tự nhắc mình là chúng bị tổn thương hoặc bối rối. Hành vi của chúng là phản chiếu của những gì đang xảy ra bên trong. Vào thời điểm đó, hãy là đồng minh của trẻ, cùng chống trả thế giới bất trắc này.
2) Bọn trẻ sẽ làm tốt nếu có thể
Ai cũng muốn người khác nghĩ mình tài giỏi. Chúng ta không cảm thấy thích thú khi hành xử thô lỗ với người khác, và thực sự k0 muốn tỏ ra ngu ngốc trước mặt người khác. Bọn trẻ cũng vậy.
Nếu lũ trẻ có đủ kỹ năng, và có đủ nguồn lực nội tại để thi triển kỹ năng đó tại một thời điểm, chúng sẽ làm. Nếu bọn trẻ làm không tốt, thì nghĩa là chúng không có đủ kỹ năng hoặc chúng đã tới giới hạn có thể tự làm, hoặc chúng còn thiếu gì đó.
Nếu đứa trẻ của bạn đang làm hỏng trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, có lẽ là vì chúng thiếu gì đó. Tin tốt là bạn có thể cung cấp cho chúng hoặc giúp chúng tìm. Nhưng chắc chắn k0 phải là chuyện chỉ cần muốn làm tốt hơn. Chúng thiếu gì đó, và giá chúng có thể tìm được thì chắc chúng đã làm rồi. Bọn trẻ luôn làm tốt nếu có thể.
3) Trẻ muốn kết nối
Trong cả danh sách này, đây là điều mà mãi tôi mới tin. Ở nhà tôi, chuyện cãi lộn là cơm bữa. Hôm qua tôi dành gần nguyên ngày để nghe một tràng xả giận từ con trai. Những lúc như thế, dường như thứ nó muốn ít nhất trên đời chính là tôi. Nhưng bởi lẽ các chuyên gia đều bảo rằng trẻ thực sự muốn kết nối, nên một lúc sau tôi đã điều chỉnh lại giả thiết của mình, và tôi đã sốc.
Đứa trẻ có thể đẩy bạn ra xa. Bạn có thể k0 biết làm thế nào để kết nối với chúng. Nếu vừa có chuyện xảy ra, có thể chúng chưa muốn xây dựng lại kết nối. Nhưng chúng muốn bạn và cần bạn.
Là một đứa teen, chúng tự đặt đủ loại câu hỏi về việc là bản thân nghĩa là gì? Chúng đang tìm hiểu xem mình là ai, độc lập với chuyện bạn là ai hay bạn muốn chúng trở thành ai (trong suy nghĩ của chúng). Chúng đang tìm kiếm sự độc lập, và điều này là quan trọng vì chúng sẽ sớm trở thành người lớn! Nhưng chúng cần bạn giúp. Và chúng rất muốn kết nối với bạn.
Những đứa trẻ muốn kết nối với chúng ta và sẽ mạnh dạn tiến lên nếu được tự do làm vậy. Điều này có vẻ khó tin, nhưng là sự thật.
4) Kỷ luật không phải là lời giải
Các giới hạn và hậu quả tự nhiên rất có ích, nhưng kỷ luật (trừng phạt nhằm hạn chế các hành vi k0 mong muốn) không phải là lời giải.
Tất cả chúng ta lớn lên trong các loại kỷ luật. Mọi hệ thống to nhỏ mà ta sống ở trong, bất kể gia đình, nhà trường hay chính phủ, đều cho rằng kỷ luật là cách hạn chế các hành vi k0 mong muốn. Nhưng có đúng vậy k0?
Liệu việc trừng phạt trẻ có giúp chúng hành xử tốt hơn, hay ra quyết định hiệu quả hơn, hay trở thành người tốt hơn? Các nghiên cứu trả lời là không. Hơn nữa, nhiều bằng chứng chỉ ra rằng có các cách tiếp cận khác đạt được các mục tiêu nêu trên.
Bài này không bàn về chủ đề giúp trẻ trưởng thành, mà về chuyện kết nối với trẻ (việc này rốt cuộc sẽ giúp trẻ trưởng thành tốt, nhưng đó là chuyện khác). Dù sao, nhiều biện pháp trừng phạt của chúng ta chỉ tổ chia rẽ chúng ta với lũ trẻ mà ta yêu quý.
Với các biện pháp kỷ luật trừng phạt, lũ trẻ cảm thấy bị hiểu nhầm, bị đối xử không công bằng, và cảm thấy chúng ta muốn kiểm soát chúng. Chúng sẽ phản ứng tương xứng, và hố ngăn cách ngày càng to.
Hầu hết các cách tiếp cận khác khuyến khích kết nối thay vì phá vỡ nó. Nếu chúng ta có thể gần gũi trẻ hơn thay vì khiến chúng đóng chặt cửa, và đạt được các mục tiêu tốt hơn so với cách trừng phạt, thì hẳn là nên xem xét áp dụng.
5) Bọn trẻ không biết tại sao chúng làm thế
Cho dù là cái gì đi nữa, chúng k0 biết tại sao mình lại làm thế.
Nhưng chính ta cũng vậy mà, đúng k0? Đôi khi ta ngồi ngẫm nghĩ, tại sao lại làm hỏng cuộc đối thoại thứ Ba vừa rồi, và k0 hiểu nổi. Ta chỉ biết là đã nổi điên. Nhưng tại sao các bộ lọc của chúng ta lại không hoạt động vào thời điểm đó? Ta không biết. Và tất nhiên là bọn trẻ cũng k0 biết.
Điểm khác biệt giữa ta và lũ trẻ là chúng k0 có những kinh nghiệm, kỹ năng hay hệ thống thần kinh đã phát triển đầy đủ để đối phó với những tình huống của cuộc sống. Do đó, ta cần cho chúng được nghỉ giải lao.
Hỏi trẻ tại sao lại làm thế chỉ khiến chúng cảm thấy bản thân thật ngu ngốc, điều mà chúng đã rất hay cảm thấy. Đừng hỏi tại sao chúng cứ làm thế. Chúng đâu có biết.
6) Phát rồ ư? Bình thường mà!
Bọn trẻ k0 có gì sai khi thấy tức giận. Hay thất vọng, hay là lo lắng. Bạn cũng chẳng có gì sai khi cảm thấy thế, thậm chí là về con bạn hay tương lai của nó.
Nhưng phản ứng của chúng ta thường là “Mày làm sao thế!?”, trong khi câu “Bố/mẹ thấy là con đang thất vọng về điều đó. Thất vọng là bình thường mà” có lẽ hào phóng và ân cần hơn.
Quan trọng hơn, phương án một khiến chúng ta đối đầu nhau, còn phương án hai cho ta mở lòng chấp nhận sự không hoàn hảo. Khi đứa trẻ càm thấy không hoàn hảo là bình thường, chúng thấy được chấp nhận. Và sự chấp nhận là cách thức tốt để kết nối.
7) Chúng ta phải học cách chịu đựng sự bực bội của mình
Người lớn phải có tâm trí thanh thản trước khi bắt đầu chuyện trò cảm xúc với lũ trẻ. Điều này ai cũng biết.
Khi ta stress, bị tổn thương hoặc quá mệt mỏi, ta thường xả ra trong thời điểm cảm xúc với trẻ. Nhưng gần đây, bài của TS Shefali Tsabary đã khiến tôi tỉnh ra: “Đặc điểm của cảm xúc là chúng không cần phải có lý, không cần được chứng minh và không cần sự phê duyệt của chúng ta. Vì chúng ta quá hướng đến lý trí hóa, ta cứ muốn giải thích cảm xúc thay vì đơn giản là để cho bọn trẻ trải nghiệm chúng. Vấn đề là sự không thoải mái của chính chúng ta, mà ta phải học cách chịu đựng.”
“Vấn đề là sự không thoải mái của chính chúng ta, mà ta phải học cách chịu đựng.” – lạy Chúa, chuẩn luôn!
Khi con tôi “giở trò”, tôi muốn nó thôi bởi vì tôi cảm thấy không thoải mái. Nó đâu có liên quan gì đến điều đó, thế nhưng điều này lại chính là nguyên nhân khiến tôi muốn kiểm soát tình huống bằng cách thảy ra luật lệ này nọ, chẳng giúp ích gì mà chỉ tổ khiến hai bên nổi khùng.
Ta phải học cách chịu đựng sự bực bội của chính mình.
Pingback: Câu hỏi “tại sao?” – nên và không nên | Phan Phuong Dat
Bài rất hay! Cảm ơn anh Đạt đã chia sẻ!