Bốn năm nói dối. Tóm tắt biên niên tin fake về MH17

Đã 4 năm rưỡi trôi qua kể từ tai nạn thương tâm xảy ra với chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur ngày 17/7/2014. Tất cả 298 hành khách và tổ bay đã chết, trong đó có 3 người Việt (có quốc tịch Hà Lan). Trong khi nhóm điều tra quốc tế kiên trì điều tra và nhất quán trong các thông báo, thì phía Nga liên tục đưa ra các tin giả, có vẻ không cần được ngụy tạo kỹ lắm mà chỉ cần tung hỏa mù đánh lạc hướng dư luận. Nhiều báo đài ở VN cũng đăng lại các tin giả này. Bài lược dịch này từ nguồn tiếng Nga giúp người đọc xem lại lịch sử hơn chục tin giả (fake) mà chính quyền Nga và các phương tiện truyền thông cả Nga đã tung ra trong suốt thời gian trên. Trong bài giữ nguyên các link của bài gốc.

Phần 1. Máy bay Ukraine

1. Những nhân chứng mắt cú vọ

Ngay sau thảm họa, đã xuất hiện những thông báo rằng có nhân chứng nhìn thấy máy bay bay bên cạnh chiếc MH17. Giả thuyết này còn sống đến 1 năm sau, khi báo Moskovskiy Komsomolets đưa tin về kết luận của chính quyền nhà nước tự phong Donetsk (DPR). Trong đó nói về lời khai của nhiều nhân chứng đã nhìn thấy máy bay thứ hai kia.

Giả thuyết này rất không đáng tin, vì máy bay bay ở độ cao 10km và không thể thấy bằng mắt thường.

2. Câu chuyện buồn thảm của phi công Voloshin

Tháng 12/2014, báo “Komsomolskaya Pravda” đăng bài phỏng vấn một người tự xưng là thợ máy hàng không. Tay này, vào ngày máy bay Malaysia bị rơi, dường như đã nhìn thấy phi công không quân Ukraine là Vladimir Voloshin trở về từ một lần bay chiến đấu, với ống phóng tên lửa rỗng và thốt lên u ám “không phải cái máy bay đó”. Tháng 6/2015, Úy ban điều tra Nga tuyên bố rằng lời khai của nhân chứng đã được các điều tra viên kiểm tra và được coi là đáng tin cậy. Tháng 3/2018 Voloshin, khi đó đã xuất ngũ và làm quyền giám đốc sân bay Nikolaev, đã tự vẫn, và điều này làm dấy lên một làn sóng quan tâm mới đối với phương án giải thích này.

Giả thuyết này đã không tính đến chuyện Voloshin lái SU-25, với tầm bay cao nhất chỉ là 7km. Trong khi đó, MH17 bay ở độ cao 10km. Phải nói thêm là tổng công trình sư của SU-25 – Vladimir Babak – nói rằng về lý thuyết nó có thể bay cao đến thế, nhưng điều đó rất nguy hiểm cho phi công, và các phi công Ukraine không có kinh nghiệm tác chiến ở độ cao đó. Ngoài ra, Babak cũng nhận xét rằng các tên lửa trang bị cho SU-25 không đủ mạnh để bắn hạ máy bay hành khách cỡ lớn, và vận tốc thì cũng kém xa vận tốc Boeing.

3. Nhân viên điều vận Carlos biến thành robot có tên Ludmila Lopatyshkina

Ngay sau khi Boeing bị rơi, tất cả các kênh truyền thông liên bang của Nga đều đưa tin về một post trên twitter của một tay điều vận hàng không người Tây Ban Nha tên là Carlos, được cho là làm việc ở Ukraine. Carlos khẳng định rằng chính anh ta dẫn đường cho chiếu Boeing bị nạn kia và, trước khi nó biến mất khỏi radar, anh ta nhìn thấy bên cạnh có 1 chiếc máy bay khác.

Tay điều vận thậm chí còn trả lời phỏng vấn ban biên tập tiếng TBN của kênh RT, nhưng sau đó không ai có thể tìm được anh này. Tài khoản twitter của anh ta bị khóa, nhưng đến cuối 2014 lại hoạt động trở lại, chỉ có điều chủ của nó lại là Ludmila Lopatyshkina nào đó, nhưng cũng k0 ai tìm ra được cô này là ai. Các tweet của Lopatyshkina rất lạ: “dũng cảm – nhìn”, “tô màu bầu trời”, “nó bị vào năm 37”. Có lẽ là robot. Sau đó, tài khoản lại bị khóa tiếp.

Câu chuyện về tay điều vận người TBN bất ngờ được Putin khơi lại trong phỏng vấn với Oliver Stone. Trong phim của Stone k0 có đoạn ấy, nhưng đạo diễn công bố nó trong sách “phỏng vấn Vladimir Putin”. Tổng thống Nga nói “theo những gì tôi biết, ngay sau tai nạn khủng khiếp đó một điều vận viên của Ukraine, hình như anh ta là chuyên gia người TBN, tuyên bố rằng đã nhìn thấy máy bay chiến đấu trong hành lang bay của máy bay chở khách. Không thể có máy bay chiến đấu nào khác ngoài máy bay của Ukraine”.

Và chỉ đến tháng 3/2018, các phóng viên Radio Free Europe cùng các đồng nghiệp Rumani ở RISE Project mới tìm ra Carlos. Tên thật của gã là Hose Carlos Barrios Sanchez, đúng là người TBN nhưng k0 phải là điều vận bay. Gã bị truy nã vì nghi lừa đảo. Tay điều vận giả cầy này khai là đưa tin lên twitter vì được kênh RT thuê. Tổng cộng gã nhận 48 nghìn USD.

4. Mikhail Leontiev nhìn thấy máy bay to bằng đường băng

Tháng 11/2014 Mikhail Leontiev trong chương trình truyền hình “Thế nhưng” (Odnako) của kênh ORT đã trưng ra bức ảnh chấn động – bằng chứng cho việc tiêm kích Ukraine đã bắn tên lửa vào chiếc Boeing. Trong bức ảnh đen trắng, được cho là chụp từ vệ tinh, nhìn rất rõ đường bay của tên lửa.

Четыре года лжи. Краткая история российских фейков о MH17

Nhìn kỹ thì hóa ra bức ảnh giả một cách thô thiển. Hình ảnh máy bay được chèn lên ảnh chụp từ vệ tinh, nhưng vị trí các đám mây thì không giống như vào hôm xảy ra thảm họa. Nhiều khả năng là ảnh được lấy từ Google Earth, chụp từ năm 2012. Boeing cũng là model khác, 767 thay vì 777. Tác giả bức ảnh thậm chí không quan tâm đến giữ tỷ lệ, cho nên sự khác biệt về độ dài giữa hai máy bay gấp đôi so với thực tế. Ngoài ra, kích thước Boeing to bằng đường băng của một sân bay lọt vào ảnh.

Tuy thế, điều này không cản trở Leontiev nhắc lại giả thuyết này sau đó, vào tháng 8/2015, khi Liên hợp quốc họp bàn về khả năng thành lập tòa án quốc tế để điều tra vụ máy bay bị rơi.

5. Trận địa ở làng Zaroshenskoye

Tập đoàn Almaz-Altey chế tạo ra tên lửa Buk đã đưa ra giả thuyết, theo đó tên lửa được phóng không phải từ khu vực làng Pervomayskiy như các chuyên gia và nhóm điều tra quốc tế kết luận, mà từ trận địa ở làng Zaroshenskoye, tức là từ vùng được kiểm soát bởi chính quyền Ukraine. Tháng 12/2017, nhóm quay phim của chương trình “Tin tức” đài truyền hình Nga còn đến làng Zaroshenskoye đã được quân ly khai chiếm, và tìm ra dấu vết đóng quân của Ukraine.

Tuy nhiên, ngay sau đó các chuyên gia của Bellingcat xác định rằng khu vực đó do quân ly khai kiểm soát vào ngày xảy ra tai nạn máy bay. Theo các ảnh chụp vệ tinh, trận địa hướng về phia nam, phía mà Kiev kiểm soát.

6. Giả thuyết của kẻ đầu thú Baturin

Tháng 12/2017, để củng cố câu chuyện làng Zaroshenskoye, kênh truyền hình “Ngôi sao” (Zvezda) phát phỏng vấn một người tự xưng là thiếu tá quân đội Ukraine Yuri Baturin, đã chạy sang phía Nga. Anh ta được cho là từng chỉ huy lữ đoàn tên lửa đóng gần Kharkov, và được đồng đội cho biết là họ vừa tham gia di chuyển tên lửa Buk về làng Zaroshenskoye.

Vào thời điểm đó, khẳng định cho rằng làng Zaroshenskoye nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine đã bị phủ nhận, nhưng điều đó chẳng mảy may làm kênh Zvezda và thiếu tá đào ngũ bận tâm. Nhân thân của kẻ đào ngũ vẫn là một bí ẩn: trên mạng có thế tìm thấy nhiều bài viết rằng anh ta làm thủ tục xin nhập quốc tịch Nga, nhưng trước đó thì không hề có dấu vết gì trên mạng. Không có lẽ một tay thiếu tá phòng không mà lại cần bảo mật đến thế. Nhiều khả năng là không hề tồn tại một sỹ quan như vậy, còn người trả lời phỏng vấn kênh Zvezda và nói tiếng Nga rất chuẩn không hề có ngữ điệu đặc trưng của những người nói tiếng Nga ở Ukraine thực tế không phải là kẻ mà anh ta tự xưng.

7. Photoshop của Bộ Quốc phòng

Tháng 3/2018 Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng phía Nga có đầy đủ bằng chứng về sự liên đới của Ukraine đối với tai nạn. Cơ quan này dẫn các bức ảnh vệ tinh, vốn đã được trưng ra bốn ngày sau khi xảy ra thảm họa, chứng minh sự dịch chuyển của tên lửa Buk của Ukraine trong khu vực làng Zaroshenskoye.

Четыре года лжи. Краткая история российских фейков о MH17

Chuyên gia người Anh Jeoffrey Lewis chứng minh rằng các bức ảnh đã được chỉnh sửa bằng kỹ thuật số.

Ngoài ra, Bộ QP Nga còn dẫn một video quay cảnh di chuyển của tên lửa Buk và khẳng định là nó được quay ở Krasnoarmeysk thuộc quyền kiểm soát của Ukraine. Các chuyên gia Bellingcat đã chứng minh rằng thực tế cảnh quay là ở Lugansk, còn dòng chữ trên bảng quảng cáo có nhắc đến địa chỉ ở Krasnoarmeysk là ngụy tạo.

8. Tuyên bố của bộ trưởng Malaysia

Tháng 6/2018 nhiều kênh truyền thông đại chúng của Nga vui mừng đưa tin về thông báo “giật gân” của bộ trưởng giao thông Malaysia Anthony Loke: dường như Malaysia cho rằng các lời buộc tội Nga là vô căn cứ.

Thực tế là ông Bộ trưởng chỉ nói rằng, không thể tuyên bố một cách chắc chắn rằng Nga có tội, khi chưa có công bố bản báo cáo cuối cùng của nhóm điều tra. Nhưng các tuyên truyền viên Nga đã hăng hái thông tin về “gỡ bỏ lời buộc tội Nga” và “tuyên bố vô tội”

9. Lại briefing của Bộ Quốc phòng

Ngày 17/9/2018, Bộ QP Nga bất ngờ tổ chức briefing tuyên bố rằng có bằng chứng cho thấy tên lửa Buk là của Ukraine. Ngay sau đó, các chuyên gia thuộc Conflict Intelligence Team và Bellingcat đã chỉ ra một loạt điểm mâu thuẫn và thậm chí là lừa dối trắng trợn trong các tuyên bố đó.

Phần 2. Những giả thuyết kỳ cục

Một số giả thuyết, không được tuyên bố chính thức nhưng được các phương tiện truyền thông thân Kremlin phát tán rộng rãi.

10. Máy bay chở toàn xác chết

Ngay sau thảm họa, “bộ trưởng quốc phòng” khi đó của DPR Igor Girkin, aka Strelkov, tuyên bố rằng các xác chết được tìm thấy trong xác máy bay là của những người đã chết từ lâu. Còn MH17 chính là MH370 đã mất tích trước đó một thời gian!

Giả thuyết này không tồn tại được lâu, vì ngay sau đó toàn bộ danh tính nạn nhân đã được xác định.

11. Âm mưu ám sát Putin

Một nguồn tin giấu tên nào đó của hãng tin Interfax trong Cục hàng không Nga nói rằng quân Ukraine bắn hạ máy bay vì tưởng là máy bay chở Putin. Trong hôm đó, Putin trở về Nga từ Mỹ Latin, và đường bay của hai máy bay cắt nhau ở Varsava, màu sơn của hai chiếc là giống nhau và đó là nguyên nhân gây nhầm lẫn.

Giả thuyết này k0 tính đến chuyện là chẳng ai bay từ Varsava đến Moskva mà lại vòng qua Donbass.

(hết bài dịch)

Dưới đây là ảnh chụp các tin tức mà một vài kênh truyền thông Nga đăng vào hôm xảy ra thảm họa 17/7/2014, khi họ vẫn nhầm tưởng rằng máy bay bị bắn hạ là AN-26 của Ukraine. Sau đó thì ra sức đính chính. Ảnh lấy từ bài “Chiếc Boeing bị rơi – biên niên ký các lời nói dối” (tiếng Nga)

1

Ảnh chụp màn hình chương trình Tin tức buổi chiều của kênh LifeNews ngày 17/7/2014: Nghĩa quân bắn rơi máy bay chiến đấu Ukraine trên thành phố Torez

2

Tin tức của ITAR-TASS ngày 17/7/2014: Nghĩa quân nhà nước tự xưng DPR bắn rơi máy bay AN-26 của không quân Ukraine

5

Các bài viết của Strelkov – “bộ trưởng quốc phòng” DPR trên trang Vkontakte. Đầu tiên khoe là bắn rơi AN-26 của Ukraine, sau đó phủ định rằng k0 liên quan đến tai nạn của MH17. Và sau nữa là câu chuyện về máy bay chở đầy xác người đã chết từ lâu!

Leave a Reply