Bài này liệt kê và giải thích một số phương pháp tuyên truyền đặc biệt phục vụ chiến đấu (đấu tranh tuyên truyền đặc biệt – combat special propoganda) của Nga, hay còn gọi là tuyên truyền “đen”. Trong thời đại thông tin, các phương pháp này càng được áp dụng rộng rãi, có thể nhận ra dấu vết của chúng trong những vụ việc gây tiếng vang trong xã hội cả ở Nga, Việt Nam và trên thế giới nói chung. Việc hiểu được chúng phần nào giúp ta nhìn nhận và đánh giá sự việc chín chắn hơn, củng cố tư duy độc lập của bản thân. Xin dịch và giới thiệu cùng bạn đọc.
Hàng ngày, bạn tiếp xúc với 3 loại tuyên truyền: trắng, xám và đen. Tuyên truyền trắng không bóp méo sự thật hòng đạt được các mục tiêu chính trị. Tuyên truyền xám có bóp méo, nhưng ở một mức độ nhỏ. Tuyên truyền đen chấp nhận mọi sự bóp méo sự thực, nhằm thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền. Tuyên truyền càng trơ trẽn, tác động của nó đối với cử tọa càng mạnh. Tuyên truyền đen là mạnh nhất vì nó không bị hạn chế bởi yêu cầu phải bám sát sự thật.
Tôi đã học ở Khoa báo chí Đại học quốc gia Moscow, Khoa tôi có tổ bộ môn quân sự. Trong điều kiện bí mật, chúng tôi được dạy môn “tuyên truyền đặc biệt phục vụ chiến đấu” – nghệ thuật gieo rắc bất hòa trong hàng ngũ kẻ thù bằng thông tin sai lệch và thao túng ý thức.
Một thứ đáng sợ, tôi sẽ kể. Không đùa đâu.
Tuyên truyền phục vụ chiến đấu, hay tuyên truyền đen, cho phép bóp méo sự thật tùy ý để giải các bài toán tuyên truyền. Đây là một thứ vũ khí hiệu quả, được sử dụng cho mục đích duy nhất là đánh tung bộ não của kẻ thù.
Phương pháp “cá thối”. Phương pháp “kim tự tháp ngược”. Phương pháp “lời nói dối vĩ đại”. Nguyên tắc “40/60”. Phương pháp “sự hiển nhiên tuyệt đối.”
Bạn cũng biết tất cả các thứ này. Bạn chỉ không nhận ra chúng mà thôi. Và đó là điều họ muốn.
Chúng tôi được dạy sử dụng các kỹ thuật tuyên truyền đặc biệt để chống lại binh lính của quân địch. Ngày nay, chúng được sử dụng để chống lại chính dân ta. Trong hai năm nay, khi đọc báo Nga hoặc xem truyền hình, tôi nhận thấy rằng những kẻ điều phối việc tung ra và diễn giải tin tức ở Nga đã học từ chính giáo trình đó, từ cùng một tay đại tá thầy tôi hoặc các đồng nghiệp của ông ta.
Có 4 võ tuyên truyền đen cơ bản, mà bạn cần biết để tự bảo vệ.
Phương pháp “cá thối”
Lấy ví dụ về phương pháp “cá thối”. Nó hoạt động thế này. Chọn một lời buộc tội sai sự thật. Quan trọng là nó bẩn thỉu và tai tiếng tối đa. Ví dụ như trộm cắp vặt, lạm dụng tình dục trẻ em, hay giết người – giết người vì tham thì càng tốt.
Mục đích của “cá thối” không phải để chứng minh lời buộc tội. Mà để gây ra một cuộc thảo luận rộng rãi và công khai về tính tội lỗi và không thể bào chữa của nó …
Tâm lý con người được thiết kế theo cách mà, ngay khi lời buộc tội trở thành chủ đề thảo luận công khai, sẽ xuất hiện những “người ủng hộ” và “người phản đối”, các kiểu “chuyên gia”, những “người buộc tội” hung hãn và những “người bảo vệ” hăng hái.
Nhưng bất kể quan điểm của họ là gì, tất cả những người tham gia thảo luận hết lần này đến lần khác nhắc đến tên của nạn nhân gắn với lời buộc tội bẩn thỉu và tai tiếng đó, tức là ngày càng bôi con cá thối vào quần áo của anh ta, cho đến khi rốt cuộc mùi thối này bắt đầu đi theo anh ta khắp mọi nơi . Và câu hỏi “thể rốt cuộc anh ta có giết người/ ăn cắp/ biến thái hay không” trở thành chủ đề chính khi nhắc đến tên anh ta.
Một ví dụ điển hình của phương pháp “cá thối” là cáo buộc ai đó là phát xít. Bản thân việc tranh cãi rằng người đó có phải là phát xít hay không đã làm tổn hại đến họ, đến mức có thể coi là nhiệm vụ tuyên truyền đã thành công. (Việc tung tin có chuyện loạn luân ở Tịnh thất Bồng Lai là ví dụ của ‘cá thối’ – ND)
Phương pháp “lời nói dối vĩ đại”
Phương pháp “lời nói dối vĩ đại” cũng rất hiệu quả, hơi giống với “cá thối”, nhưng thực ra hoạt động khác. Bản chất của nó là, với mức độ tự tin tối đa, cung cấp cho người nghe một lời nói dối quy mô và khủng khiếp đến mức gần như không thể tưởng tượng rằng người ta dám nói dối như vậy.
Mánh khóe ở đây là một “lời nói dối vĩ đại” được sáng tác hợp lý và được hình thành thông minh, sẽ gây ra một tổn thương cảm xúc sâu sắc cho người nghe hoặc người xem, từ đó định hình quan điểm của anh ta trong một thời gian dài, bất kể có trái với lập luận logic và lý trí thế nào.
Đặc biệt phù hợp với mục đích này là những câu chuyện bịa đặt về việc hành hạ trẻ em hoặc phụ nữ một cách tàn nhẫn.
Ví dụ, tin về việc một đứa trẻ bị hành hình dã man, do chấn thương cảm xúc sâu sắc mà nó gây ra, sẽ cố định quan điểm của người nhận được thông tin này trong một thời gian dài, bất kể sau đó người ta cố gắng thuyết phục anh ta bằng cách sử dụng các lý lẽ logic thông thường.
Phương pháp “hiển nhiên tuyệt đối”
Nhưng thầy giáo đại tá của chúng tôi đặc biệt khoái phương pháp “sự hiển nhiên tuyệt đối”, vì mặc dù nó không cho kết quả nhanh chóng, nhưng lại rất chắc chắn.
Thay vì chứng minh điều gì đó, bạn đưa nó ra cho người nghe như một điều hiển nhiên, miễn tranh cãi, và do đó được hỗ trợ vô điều kiện bởi số đông dân chúng.
Trông đơn giản bên ngoài, nhưng phương pháp này vô cùng hiệu quả, vì tâm lý của con người tự động phản ứng với ý kiến của đa số, cố gắng đi theo.
Điều quan trọng cần nhớ là đa số phải chiếm ưu thế, và sự ủng hộ của nó là tuyệt đối và vô điều kiện – nếu không thì sẽ không có “hiệu ứng đi theo”.
Một khi những điều kiện này được thỏa mãn, thì số người ủng hộ “quan điểm của đa số” bắt đầu tăng chầm chậm nhưng chắc chắn, rồi dần tăng theo cấp số nhân – chủ yếu bởi dân cư của tầng lớp xã hội thấp, những người dễ bị ảnh hưởng của “hiệu ứng đi theo” nhất. Ví dụ, một trong những cách cổ điển để hỗ trợ phương pháp “sự hiển nhiên tuyệt đối” là công bố kết quả của các loại khảo sát xã hội học này nọ, thể hiện sự thống nhất xã hội tuyệt đối về một vấn đề cụ thể nào đó. Tất nhiên, các phương pháp tuyên truyền đen không yêu cầu rằng các báo cáo khảo sát này có gì đó liên quan đến sự thật.
Phương pháp “anh hùng vô danh”
Và cuối cùng là phương pháp “người anh hùng vô danh”. Chúng ta hay gặp các ứng dụng của phương pháp này đến nỗi gần như ngừng chú ý đến chúng. Trong khi đó, “anh hùng vô danh” là một trong những phương pháp cổ xưa nhất và đồng thời đặc biệt hiệu quả nhất. Bản chất của nó nằm ở sự tôn vinh sai lầm các hành động của quân đội của mình. Bất chấp vẻ bề ngoài tầm thường, phương pháp này có nguồn gốc tâm lý sâu sắc.
Thực tế là bất kỳ cuộc chiến nào cũng tàn khốc, vô nhân đạo và vô nghĩa. Và do đó, theo mặc định, luôn gây ra sự phản kháng lớn trong tâm lý con người. Sự phản kháng này càng được tăng cường bởi nỗi lo sợ của người đó cho bản thân và người thân. Chỉ có một phần duy nhất trong tâm trí con người có thể chống lại sự phản kháng mạnh mẽ này – thành phần cảm xúc. Đó là lý do tại sao không bao giờ có quân đội xâm lược của chúng ta, chỉ có quân giải phóng của chúng ta. Không bao giờ có quân đội chiếm đóng, chỉ có quân đội cứu tinh.
Cách duy nhất để đánh bại sự phản kháng tự nhiên của con người đối với chiến tranh là tạo ra trong anh ta ảo tưởng chiến đấu vì những giá trị đạo đức cao đẹp, vì công lý, vì sự cứu rỗi cho đồng bào đang gặp khó khăn. Những thứ đó biện minh cho sự tàn ác và vô nhân đạo của những gì đang xảy ra, do đó gợi lên những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ giúp vượt qua sự phản kháng của tâm lý đối với chiến tranh. Nhân thể, việc sử dụng cái gọi là “biểu tượng phi ngôn ngữ” trong tuyên truyền cũng liên quan đến điều này.
Đó là những biểu tượng có thể gợi cảm xúc. Ví dụ, chữ vạn và ngôi sao đỏ. Việc tích cực sử dụng các biểu tượng cho mục đích tuyên truyền đen là do các biểu tượng tồn tại bất chấp lẽ thường và logic, và không chỉ có khả năng tự nó khơi dậy cảm xúc mà còn duy trì được cảm xúc trong một thời gian dài.
Phương pháp “anh hùng vô danh” rất độc đáo. Nó đã được các quốc gia sử dụng nhiều lần trong các cuộc chiến tranh khác nhau trong nhiều thế kỷ, nhưng bất chấp điều này, tác động của nó vẫn không hề suy giảm. Và ngày nay phương pháp này tiếp tục được sử dụng với mức độ hiệu quả giống như cách đây hàng chục năm.
Còn nguyên tắc “40/60” được Goebbels nghĩ ra. Bản chất là tạo ra các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó 60% thông tin được đưa ra có lợi cho kẻ thù. Nhưng, nhờ có được lòng tin bằng cách đó, 40% còn lại được sử dụng để đưa thông tin sai lệch cực kỳ hiệu quả, vì đã có sự tin tưởng. Trong Thế chiến II, có một đài phát thanh được những người chống phát xít hay nghe. Người ta cho rằng nó là của Anh. Và chỉ sau chiến tranh, mới phát hiện ra đó là đài phát thanh của Goebbels, hoạt động theo nguyên tắc “40/60” của hắn.
Tôi có thể tiếp tục. Trên thực tế, họ đã dạy chúng tôi cả năm, và danh sách các phương pháp khá dài. Nhưng cái quan trọng không phải là điều này mà là thứ khác. Các phương pháp tuyên truyền “đen” ảnh hưởng đến người nghe ở mức độ tâm lý rất sâu, do đó hậu quả của chúng không thể được loại bỏ bằng các lập luận logic thông thường. “Lời nói dối vĩ đại” đạt được hiệu quả bằng cách gây chấn thương cảm xúc. Phương pháp “hiển nhiên tuyệt đối” là thông qua hiệu ứng đi theo. “Cá thối” – bằng cách tạo ra trong tâm thức người nghe mối liên hệ trực tiếp giữa đối tượng bị tấn công và lời buộc tội bẩn thỉu và tai tiếng.
Nói đơn giản, tuyên truyền đặc biệt trong chiến tranh biến một con người thành zombie, người không chỉ ủng hộ tích cực các quan điểm đã được đưa vào ý thức của anh ta, mà còn mạnh mẽ phản đối những người giữ quan điểm khác hay đang cố gắng thuyết phục anh ta bằng các lập luận logic. Tất nhiên là như vậy. Tất cả các phương pháp tuyên truyền đặc biệt phục vụ chiến đấu này được thống nhất bởi một mục tiêu duy nhất: làm suy yếu quân địch bằng cách đưa vào hàng ngũ chúng sự bất hòa nội bộ, thù hận lẫn và mất lòng tin lẫn nhau.
Ngày nay, những phương pháp này được sử dụng để chống lại chính chúng ta. Và kết quả mà chúng tạo ra chính là những thứ mà chúng hướng tới. Chỉ có điều, hận thù lẫn nhau và xung đột nội bộ không phát sinh trong quân địch, mà trong những ngôi nhà và gia đình chúng ta.
Chỉ cần ra phố và xem đất nước đã thay đổi thế nào trong ba năm qua. Dường như, tuyên truyền đặc biệt phục vụ chiến đấu đã gây hại với người dân thậm chí còn nhiều hơn so với khi chống lại quân địch. Có lẽ vì, khác với lính địch, thường dân không thể tự vệ.
Cách tốt nhất để chống lại tuyên truyền đen không phải học cách phân biệt giữa các phương pháp hoạt động cụ thể của nó. Có rất nhiều phương pháp như vậy. Cách bảo vệ tốt nhất khỏi tác động của tuyên truyền đặc biệt là chống lại mọi thông tin gây hận thù và bất hòa lẫn nhau.
Điều rất quan trọng cần nhớ là trong những điều kiện khó khăn và nguy hiểm, bạn bè và gia đình của bạn, những người xung quanh bạn là những người sẽ giúp đỡ và hỗ trợ bạn, những người sẽ cứu bạn. Họ, những người thân yêu của bạn, sẽ cứu bạn khỏi rắc rối và giúp đỡ bạn, chứ không phải những người trên màn hình, những người mỗi ngày ném cho bạn những lý do mới để cãi vã và xung đột với những người yêu bạn và những người bạn yêu. Có những từ đơn giản là liều thuốc giải độc thực sự cho bất kỳ tác động nào của các kỹ thuật tuyên truyền đen: con người quan trọng hơn tư tưởng. Hãy viết chúng bằng chữ lớn ở đâu đó mà bạn có thể nhìn thấy thường xuyên, để không quên.
Vladimir YAKOVLEV
Pingback: Công thức của tuyên truyền chiến tranh | Phan Phuong Dat