Công thức của tuyên truyền chiến tranh

Cẩm nang vô hiệu hóa tuyên truyền hung hăng của nhà nước.

Quá trình nghiên cứu kinh nghiệm tuyên truyền quân sự trong các cuộc chiến tranh trong 30 năm qua thuyết phục tôi rằng sự bùng nổ của thông tin tuyên truyền liên quan đến chiến dịch đặc biệt của quân đội Nga ở Ukraina (chiến dịch dành cho quần chúng thì đã bắt đầu từ rất lâu trước ngày 24/2), các cơ chế quảng bá của nó, tập hợp những phương pháp tạo và xử lý tin tức, cũng như phạm vi phủ sóng là chưa có tiền lệ. Chưa từng có gì giống như vậy. Các phương tiện truyền thông điện tử và mạng xã hội đã đạt được sức mạnh đáng kinh ngạc và trở thành một công cụ tuyên truyền nhà nước khủng trên khắp hành tinh. Tất nhiên, chúng ta chủ yếu quan tâm đến đất nước mình.

Làm thế nào để bảo vệ ý thức khỏi bức tranh thế giới bị bóp méo? Làm thế nào để duy trì khả năng đánh giá hợp lý các sự kiện?

Mỗi chiến dịch tuyên truyền đều được chúng ta nhìn nhận là một cái gì đó mới mẻ, chúng ta đi sâu vào lập luận của nó, mà không nghi ngờ rằng những nguyên tắc cơ bản của những chiến dịch đó đã không thay đổi trong suốt 200 năm qua. Các công trình khoa học đưa ra bằng chứng thuyết phục về điều này. Tôi thấy vô cùng hữu ích khi trong đầu tôi có một danh sách ngắn các quy tắc mà các câu chuyện tuyên truyền (propoganda narrative) dựa vào. Xin giới thiệu với các độc giả.

Các luận điểm biện minh đều bắt nguồn từ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, vốn thích nói về quyền lịch sử về lãnh thổ và thân tộc (nguyên tắc “đất và làng”). Các luận điểm đó là:

Những luận điểm biện minh cơ bản

  1. Nếu lãnh thổ của bọn mày vốn là của chúng tao trong 500 năm, và nó chỉ trở thành của bọn mày trong 50 năm qua, thì bọn mày là kẻ xâm chiếm.
  2. Nếu lãnh thổ là của bọn mày trong 500 năm và của chúng tao trong 50 năm qua, thì nó phải thuộc về chúng tao – vì ranh giới không được thay đổi.
  3. Nếu khu vực này thuộc về chúng tao 500 năm trước, và sau đó không bao giờ của chúng tao nữa, thì nó phải thuộc về chúng tao với tư cách là cái nôi của dân tộc.
  4. Nếu phần lớn dân sống ở đó là chúng tao, thì khu vực đó phải thuộc về chúng tao – người dân phải được hưởng quyền tự quyết.
  5. Nếu có một thiểu số người chúng tao sống ở bất kỳ khu vực nào, thì khu vực đó phải thuộc về chúng tao – bởi vì thiểu số của chúng tao cần được bảo vệ khỏi áp bức.
  6. Tất cả các quy tắc trên chỉ áp dụng cho chúng tao, không bao giờ áp dụng cho bọn mày.
  7. Ước mơ của chúng tao về sự vĩ đại là một tất yếu lịch sử. Ước mơ của chúng mày về sự vĩ đại là chủ nghĩa phát xít.

Tất nhiên, bạn đã nhận ra những lý lẽ này, trong sáu tháng qua bạn đã nghe hàng trăm lần từ các quan chức và đọc chúng trên mạng xã hội.

Bạn có nghĩ rằng những điều đó là về chiến dịch đặc biệt ở Ukraine? Không hề.

Chúng đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm tuyên truyền trong các cuộc xung đột ở Balkan vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cũng như lịch sử lâu dài của cuộc tranh chấp giữa Pháp và Đức về Alsace và Lorraine. Dưới hình dạng này, các công thức của chủ nghĩa dân tộc đã được đưa vào cuốn sách Modern Hatreds: The Symbolic Politics of Ethnic War năm 2001 của Stuart Kaufman. Chúng được dựa trên bề dày kinh nghiệm của Hội đồng Người tị nạn Na Uy (Norwegian Council for Refugees), xuất hiện lặp đi lặp lại trong các tài liệu của Hội đồng.

Nghiên cứu kinh nghiệm tuyên truyền và phản tuyên truyền của phe Entente và Liên minh Bộ ba trong Thế chiến thứ nhất, ngài Arthur Ponsonby (1871-1946) đã viết cuốn sách Dối trá trong thời chiến (Falsehood in wartime). Ông là người đầu tiên trình bày rõ ràng và đầy đủ và minh họa bằng các ví dụ cụ thể về các nguyên tắc tuyên truyền chiến tranh vốn đã phổ biến hơn nhiều. Lấy cảm hứng từ công việc của ổng, Anna Morelli, một nhà sử học người Bỉ gốc Ý, đã hệ thống hóa chúng và trình bày chúng theo cách hiện đại.

Trong luận văn Những nguyên tắc tuyên truyền chiến tranh (Principes élémentaires de propagande de guerre), Morelli đã xem xét kinh nghiệm của tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột thuộc địa trong thế kỷ 20 và hiện nay.

Hãy kiểm chứng với các nguyên tắc của Morelli. Bạn sẽ hiểu tất cả mọi thứ.

Các nguyên tắc của tuyên truyền (theo Anna Morelli)

  1. Chúng ta không muốn chiến tranh.
    Điều này có nghĩa là kẻ thù căm ghét chúng ta và muốn tấn công trước.
  2. Tất cả mọi chuyện là trách nhiệm của bên kia.
    Ngay cả khi chúng ta là người đầu tiên tấn công, thì đó là vì những bước đi nhất định của kẻ thù đã dẫn đến điều này.
  3. Lãnh đạo của đất nước kia là một ác quỷ thực sự.
    Cá nhân hóa hình ảnh của kẻ thù trong mắt người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất.
  4. Chúng ta chiến đấu vì những mục tiêu cao cả chứ không phải lợi ích của bản thân.
    Tức là chúng ta không hành động vì tư lợi.
  5. Kẻ thù cố tình thực hiện hành vi tàn bạo, chúng ta – chỉ do tình cờ.
    Những câu chuyện về trẻ em bị làm cho tàn tật, trại tập trung, việc phá hủy các tác phẩm nghệ thuật, việc khuyến khích bạo lực chống lại những người không có khả năng tự vệ trong quân đội của kẻ thù chứng tỏ sự man rợ của chúng là hệ quả của khuynh hướng bẩm sinh.
  6. Kẻ thù đang sử dụng vũ khí bị cấm.
  7. Tổn thất của ta không đáng kể, tổn thất của địch rất lớn.
    Thiệt hại thực sự của các bên sẽ được xác lập bởi công việc hết sức mất công của các nhà sử học, nhà báo và xã hội dân sự sau khi xung đột kết thúc.
  8. Các đại diện văn hóa, nghệ thuật và trí thức ủng hộ việc chúng ta làm.
  9. Sứ mệnh của chúng ta là thiêng liêng.
  10. Bất kỳ ai đặt câu hỏi về những thông tin trên phương tiện truyền thông của chúng ta đều là kẻ phản bội.
    Tuyên truyền không được gây ra bất kỳ nghi ngờ nào. Để đạt được điều này, biện pháp nào cũng tốt, kể cả chặn các mạng xã hội, cấm các kênh truyền hình.

Dịch từ bài tiếng Nga: Прокрустова ложь

Tham khảo thêm: Võ tuyên truyền đen: biết để đề phòng

Leave a Reply