“Sau lưng tôi là đất nước”. Tikhanovskaya nói về cuộc gặp với Merkel, Macron và về việc tại sao không tự coi là “tổng thống Sveta”

Lời người dịch: Belarus là hiện tượng chưa có tiền lệ, trước bầu cử, ba ứng viên đối lập bị bắt, và ba người vợ đã liên minh xung quanh Sveta Tikhanovskaya để ứng cử. Sau bầu cử, chính quyền tổng thống đương nhiệm Lukashenko tuyên bố thắng lợi với 80% phiếu, nhưng phía đối lập thì cho là ngược lại, Tikhanovskaya được 80%. Liên tục xảy ra các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân, bản thân Tikhanovskaya phải lánh sang nước hàng xóm Litva, và trở thành thủ lĩnh bất đắc dĩ. Cuộc đấu tranh của người dân Belarus cũng rất đặc biệt, không hề có đập phá, mọi người diễu hành ôn hòa với hoa và cờ, khiến thế giới ngạc nhiên thán phục. Bài phỏng vấn này của TUT.BY (12/10/2020) cung cấp thông tin về thủ lĩnh bất đắc dĩ Tikhanovskaya và cuộc đấu tranh đòi một cuộc bầu cử mới của người dân Belarus.

Svetlana (Sveta) Tikhanovskaya vừa kết thúc “chuyến công du châu Âu” của mình, cô đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Slovakia Zuzana Chaputova, các bộ trưởng ngoại giao của Bulgaria, Áo, Hy Lạp và các nước EU khác, phát biểu tại Hạ viện Đức và trực tuyến trước Quốc hội Pháp. Sau khi trở lại Vilnius, cựu ứng cử viên tổng thống đã nói với TUT.BY về sự lo lắng của mình trước các cuộc gặp với Macron và Merkel, về lý do tại sao cô không thể tự gọi mình là “Tổng thống Sveta”, và có thể trở lại Belarus với những điều kiện nào

Фото: Reuters
Ảnh trong bài gốc, TUT.BY

Svetlana, chị thấy thế nào? Chị có mệt mỏi vì phải gặp gỡ và đi lại nhiều như vậy?

Quả thật hôm nay tôi rất mệt, bởi vì giữ nhịp điệu như vậy 4 ngày liền không phải là dễ dàng. Tôi không hiểu các chính trị gia sống thế nào, có lẽ, tất nhiên, trong cuộc sống bình thường họ dễ dàng hơn – không phải nói quá nhiều, còn tôi thì bốn ngày không nghỉ. Tôi muốn tổ chức càng nhiều cuộc gặp càng tốt, truyền đạt thật nhiều những thông tin về tình hình Belarus, như ta thấy. Với chúng ta, Belarus rất gần gũi, sống động, nhưng rất nhiều người ở châu Âu, mặc dù quan tâm, chỉ biết tương đối hời hợt. Và tôi muốn trải lòng mình để họ hiểu được nỗi đau của chúng ta và mạnh dạn hơn trong các quyết định, các tuyên bố của họ và chú ý hơn đến vấn đề của chúng ta. Vì vậy, tôi đã nói rất nhiều, nhưng hôm nay là thứ sáu và phía trước là hai ngày nghỉ (buổi phỏng vấn được ghi hình vào tối thứ sáu, ngày 9/10 – ghi chú của TUT.BY), tôi sẽ nghỉ một chút.

Chị nói, làm chính khách thì dễ hơn, nhưng đến nay chị vẫn không cho mình là chính khách?

Không, chắc là không. Người ta trở thành chính trị gia khi họ coi nó là công việc, khi họ không ôm lấy mọi thứ, không lo lắng về từng quyết định, không day dứt vì những vấn đề này, khi đó họ trở thành chính trị gia. Nhưng, có lẽ tôi cũng hơi nhầm. Tất nhiên, tôi đã có được một số kiến ​​thức về chính trị, trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, tôi đã phải học hỏi rất nhiều, và thậm chí tôi đã bắt đầu hiểu ra gì đó: khi nào nên nói, khi nào nên im lặng. Nhưng dù sao tôi vẫn không coi mình là một chính trị gia.

Vậy chị cũng không coi mình là thủ lĩnh quốc gia, thủ lĩnh Belarus, như người ta gọi? Chị xác định mình là ai?

Có lẽ, thứ to tát nhất mà tôi có thể nói về bản thân: là biểu tượng của tự do. Bởi vì tôi đã được chọn, nó đã xảy ra như thế. Thật ra, mọi người đã không bầu tôi làm tổng thống mới, họ bầu tôi như một người chuyển tiếp để tổ chức các cuộc bầu cử mới. Do đó, tôi đồng ý là biểu tượng.

Tôi có thể kể cho bạn một chuyện ở Đức. Có một phiên họp Quốc hội, và ở đó tôi đã nói chuyện với nhiều đảng phái khác nhau, và một đảng viên hỏi tôi: “Sao cô đến đây? Ai cho cô quyền tự xưng là lãnh đạo quốc gia? ” Mọi người bắt đầu sôi sục với anh ta, và bảo tôi đừng để ý đến những câu hỏi như vậy. Nhưng tôi quyết định trả lời, bởi vì đây chính là dân chủ: khi mọi người có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào, họ hoàn toàn không làm tôi phiền.

Bạn biết đấy, thật ra việc tôi tự gọi mình là gì cũng không quan trọng. Ban đầu, tôi phải chịu áp lực từ những người gần tôi: nào, hãy xưng là tổng thống, chúng tôi ủng hộ chị. Nhưng về mặt đạo lý, tôi không cảm thấy có quyền đi ra và nói: “Tôi là tổng thống”, bởi vì không có bằng chứng trực tiếp. Và tôi đã phải nghĩ xem một câu nói như vậy sẽ được người dân và các nước xung quanh nhìn nhận thế nào, bởi vì bạn có thể hét lên bất cứ điều gì từ ban công, nhưng đằng sau những lời này, bạn có thể làm gì? Để rồi sau đó họ nói: ok, chị tuyên bố mình là tổng thống, và chúng tôi đang bị đàn áp đây, quân đội của chị đâu? Nghĩa là, khi tuyên bố như vậy thì bạn phải chịu trách nhiệm.

Biểu tượng thì đúng. Tôi đã trả lời thành viên đảng Đức này rằng mọi người ở Belarus gọi tôi theo nhiều cách: lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo của một Belarus tự do và dân chủ, còn tôi thì tự coi mình giống như tất cả những người Belarus hiện đang đấu tranh cho tự do của mình. Khác biệt duy nhất là, sự việc đã xảy đến như vậy, và tôi ở vào vị trí được mọi người trao quyền phát biểu đại diện cho người Belarus. Nhưng từng người, tất cả những ai làm gì đó vì chiến thắng chung của chúng ta đều quan trọng. Tôi quan trọng vì tôi được quyền tham dự các cuộc họp ở cấp cao như vậy – đây là một giọt nước trong biển cả tranh đấu vì Belarus. Ai đó vẽ một lá cờ trắng/ đỏ/ trắng nhỏ trên tường – đây là một giọt khác, ai đó đã mang hoa đến nơi Taraikovsky bị giết hại – cũng là một giọt. Biển của chúng ta được hình thành từ những giọt nước này. Bởi vì tôi, với tư cách là một giọt nước thì không có ý nghĩa gì, nhưng cùng với những người Belarus, tôi, giọt nước ấy, có thể phát biểu trong các đại hội đồng và tại các cuộc gặp với các tổng thống. Tất cả điều này rất quan trọng, nhưng nó không có ý nghĩa gì trừ khi có một biển người đứng sau bạn, có cùng quan điểm với bạn.

Do đó, chúng ta hãy dừng ở biểu tượng, cái này tôi còn có thể đồng ý. Tôi hiểu những người nói: “Tổng thống Sveta”, nhưng tôi không thể tự gọi mình như vậy.

Chị có cảm thấy điều gì đó to lớn đang xảy ra với chị?

Với Belarus, thì có. Với cá nhân tôi? Chắc là không. Có lẽ tôi chưa nhận thức đầy đủ về cấp độ mà hiện tôi đang ở và có thể gặp gỡ mọi người. Bạn không đi đến đó và không nghĩ: “Đây là nhà lãnh đạo thế giới, tôi nên sợ trước khi gặp họ.” Bởi vì bạn đi và biết rằng đất nước ở phía sau, bạn đến đó với một thông điệp rõ ràng rằng bạn nói thay cho tất cả dân Belarus, tôi không nên e ngại hay sợ hãi về điều này. Tôi đến các cuộc gặp và nhờ giúp đỡ trong việc hòa giải, nhưng tôi không nói, “Xin hãy giúp chúng tôi”. Trong tương lai, chúng ta sẽ xây dựng một Belarus là đối tác tương xứng của tất cả các quốc gia, chúng ta không phải là ăn xin. Đúng, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ trong tương lai để vực dậy nền kinh tế, nhưng chúng ta có thứ để cung cấp: những con người chăm chỉ, lĩnh vực CNTT phát triển, người dân có tiềm năng lớn và họ không có cơ hội để thể hiện. Tất cả đều thấy, bao nhiêu sáng kiến ​​đã xuất hiện – chúng thật tuyệt vời. Chúng ta sẽ có thể đứng trên đôi chân của mình và giao thiệp với thiên hạ một cách bình đẳng, không liên tục nợ nần ai. Đây là cách tôi nhìn Belarus của mình

Chả lẽ chị không lo lắng chút nào trước cuộc gặp với Macron và Merkel? Gặp ai thì lo lắng hơn?

Tôi đã lo lắng, tất nhiên. Cái nào hơn à? Có thể là trước cuộc gặp với Macron, vì bầu không khí rất áp lực, mọi thứ đều rất chính thức, trang trọng. Khi bạn gặp Bộ trưởng Ngoại giao, họ cũng là những người có địa vị cao – bạn gặp trong điều kiện thân mật hơn và điều này được nhìn nhận hơi khác một chút. Khi tôi gặp Tổng thống Slovakia, có cả một nghi lễ, và vì thế mà tôi hồi hộp. Nói chung, mọi thứ phụ thuộc vào tình hình. Trước cuộc gặp với Merkel cũng có lo lắng, nhưng là sợ sẽ quên nói gì đó, tôi muốn truyền đạt quan điểm của mình cho bà ấy và nói cho bà ấy biết chuyện gì đang xảy ra ở Belarus.

Фото: twitter.com/RegSprecher
Gặp Angela Merkel. Ảnh bài gốc, TUT.BY

Tất cả các cuộc gặp này là do nhóm của bạn khởi phát hay bên kia? Chúng được tổ chức như thế nào?

Cuộc gặp với Tổng thống Slovakia là do cô ấy chủ động, cô ấy mời. Với Merkel thì chúng tôi thỏa thuận từ trước: chúng tôi đã viết thư, hỏi liệu có thể gặp mặt không. Macron thì đến Litva công chuyện, và các bộ phận báo chí của ông ta và tôi đã thư từ và sắp xếp cuộc gặp.

Chị nói rằng muốn gặp Putin. Ở Belarus, nhiều người tin rằng Putin chỉ quan tâm “xâu xé” đất nước ta, và ông ta có thể diễn giải một cuộc gặp như vậy theo cách khác. Điều này có làm chị suy nghĩ?

Tôi muốn nói chuyện với Putin. Chúng ta luôn nói rằng chúng ta không chống lại Nga, và tôi nghĩ, người Nga hiểu điều này. Nhưng đàm phán của tôi, đàm phán giữa người Belarus với Putin, không phải là kiểu: ông hãy loại bỏ Lukashenko, chúng tôi sẽ giao đất nước cho ông. Không đời nào. Đây là các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo Nga không can thiệp vào công việc của Belarus, tạo cơ hội cho chúng ta tự quyết tương lai của mình. Belarus sẽ không đi đâu khỏi Nga, chúng ta sẽ không xây tường. Vị tổng thống thông minh tiếp theo sẽ xuất hiện và quyết định nên làm gì với Nga, lĩnh vực nào cần tăng cường hợp tác và chỗ nào có thể tự xử lý. Cho đến nay, tôi chỉ có một thông điệp cho Putin: hãy để chúng tôi tự quyết.

“Lukashenko phải nằm trong danh sách trừng phạt”

EU không đưa Lukashenko vào danh sách trừng phạt, giải thích rằng sau đó rất khó để tiến hành đối thoại. Sau đó, chị đã nhiều lần tuyên bố rằng ông ta phải nằm trong danh sách trừng phạt. Bằng cách đó, có phải chị thừa nhận rằng đối thoại là không thể?

Dĩ nhiên là không. Danh sách các biện pháp trừng phạt không khiến ai sợ hãi, nó mang tính biểu tượng, nhưng Lukashenko nên có trong đó. Liên tục bốn ngày, tôi đã cố gắng truyền đạt điều này cho các chính trị gia châu Âu. Rốt cục, tất cả họ đều công nhận vị trí Tổng thống của Lukashenko là bất hợp pháp, tuyên bố điều này, nhưng lại không đưa ông ta vào danh sách. Để lại hành lang nào cho cuộc đối thoại cơ chứ? Có nhiều quan chức ở Belarus mà họ có thể tiến hành đối thoại, và việc đưa ông ta vào danh sách trừng phạt, cấm nhập cảnh vào EU và khóa tài khoản không có nghĩa là không còn có thể đối thoại với ông ta. Có ai cấm đối thoại đâu, đây chỉ là danh sách trừng phạt, cái nọ không loại trừ cái kia, đây chỉ là một bước mang tính biểu tượng.

Nhưng chúng ta không thể tác động đến quyết định này, đây là ý kiến ​​cá nhân của tôi: người chịu trách nhiệm về bạo lực và gian lận bầu cử nên nằm trong danh sách trừng phạt. Tôi hy vọng danh sách sẽ được mở rộng, nhưng chúng ta không thể tạo áp lực.

Theo chị, làm sao để thoát khỏi khủng hoảng chính trị một khi chính quyền không vội đối thoại và rõ ràng là không muốn? Cái gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Tạm thời họ chưa muốn. Chiến lược của chúng ta, và tôi đã nói: gây áp lực – đối thoại – bầu cử mới. Bởi vì, có những bước khác nào? Điều quan trọng nhất với chúng ta là phương pháp hòa bình để thay đổi chính phủ. Bây giờ tôi chỉ có thể thấy nó thông qua gây áp lực. Có thể ai đó nhìn thấy một lối thoát khác. Chúng tôi có một đội mạnh ở đây, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, vẽ sơ đồ, quyết định phải làm gì và như thế nào, công việc hàng ngày của chúng tôi đang diễn ra sôi nổi, chúng tôi nhận được nhiều đề xuất khác nhau để thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng tôi hiểu rằng bất kỳ quyết định nào cũng có thể khiến tình hình ở Belarus trở nên tồi tệ hơn, mọi người có thể bị đàn áp nghiêm trọng hơn. Nếu chúng ta đấu tranh với chế độ một cách bình đẳng, thì tất nhiên, mọi thứ sẽ khác. Nhưng khi bạn nhận ra rằng mỗi bước bạn đi có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong số phận con người, thì bạn phải cẩn thận kiểm tra từng bước.

Do đó, hiện tại là – gây áp lực, đình công, biểu tình, hoạt động du kích – vốn đóng một vai trò rất lớn, các chat theo nhóm dân cư – hiện đang được tổ chức. Nhìn chung, sự phi tập trung của toàn bộ quá trình này đã khiến chế độ không biết phải giải quyết thế nào. Không có người đứng đầu tổ chức tất cả những việc này, không thể bắt một người để mọi thứ tan rã.

Những gì đang diễn ra ở Belarus thật tuyệt vời, ở châu Âu mọi người đều ngưỡng mộ những phụ nữ Belarus, những cụ bà, những sáng kiến phản kháng trong ngõ xóm. Tất nhiên, ta muốn họ không chỉ ngưỡng mộ mà còn nhận trách nhiệm ra quyết định, mạnh bạo hơn. Khi chúng ta được ủng hộ, thời điểm này không nên bỏ qua, cần gây chú ý hướng về ta. Bây giờ ta thấy châu Âu đang bắt đầu chuyển chú ý sang Kyrgyzstan, điều này làm họ phân tâm. Chúng ta muốn Belarus luôn xuất hiện trong các bản tin, ở trung tâm của các sự kiện, để họ giúp chúng ta thoát khỏi khủng hoảng.

Tất cả những gì tôi làm bây giờ, tôi làm cho Belarus, tôi không đi nghỉ. Tại các cuộc gặp ở Châu Âu, chúng tôi nói rất nhiều về việc giúp đỡ sinh viên, giúp các phương tiện truyền thông và các trung tâm nhân quyền. Tương tự, chúng tôi nói về sự giúp đỡ trong tương lai: khi mọi thứ thay đổi, chúng ta sẽ cần sự giúp đỡ để ổn định tình hình kinh tế, và ở đây chúng ta phải hiểu rằng điều này không thể thực hiện được trong một sớm một chiều, bộ máy hành chính châu Âu kéo dài mọi thứ trong nhiều tháng, vì vậy chúng ta cần phải nói về sự giúp đỡ ngay bây giờ, để vào thời điểm có cuộc bầu cử mới, sự trợ giúp cho Belarus sẽ sẵn sàng. Và đó là nhiều cuộc đàm phán, thương lượng, đây là một quá trình dài mà chúng ta khởi động từ bây giờ.

Chúng tôi không chỉ đơn giản ngồi đây ở châu Âu và không làm gì cả: hàng ngày nhóm thảo luận, vẽ biểu đồ, bàn về những gì có thể làm để giúp Belarus, cách bảo vệ người dân, cách giúp đỡ ai đó. Mọi người cũng viết thư cho chúng tôi, đưa ra các phương án khác nhau để vượt qua khủng hoảng, chúng tôi đang tích cực thảo luận về chúng.

Tôi cũng muốn nói một điều rất quan trọng. Giờ đây là lúc công dân của chúng ta tham gia tích cực vào đời sống chính trị xã hội của đất nước, hình thức tự quản là một hình thức đã được thử nghiệm không phải hàng chục năm mà là hàng thế kỷ. Giờ đây, từ các chat trong nhóm cộng đồng dân cư, người dân đang bắt đầu tụ họp thành các KOTOC (Hội đồng tự quản công địa phương – ND) – một tổ chức tập thể của bộ máy tự quản công địa phương, nghĩa là, đây là một hiệp hội tự nguyện của người dân thành phố, với mục đích cải thiện khu vực sinh sống của họ, hỗ trợ các sáng kiến ​​và giải quyết các vấn đề chung cần giao tiếp với chính quyền địa phương.

Sáng kiến ​​này xuất phát từ chính những người dân, và tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc – vì đây là cách tôi cảm nhận được sự ủng hộ của các bạn và rằng chúng ta, bất chấp hoàn cảnh và khoảng cách, đang cùng nhau hướng tới cùng một mục tiêu. Tôi cũng biết ơn tất cả những người đã trợ giúp pháp lý cho công dân trong vấn đề này, mọi sáng kiến ​​hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho những người thuộc tất cả các bên liên quan là đúng đắn và tốt.

Chị nói rằng mọi người đề xuất các phương án vượt qua khủng hoảng. Ví dụ?

Ví dụ, thành lập chính phủ lưu vong. Nhưng chúng tôi phản đối điều này, mô hình này sẽ không còn hiệu quả nữa, chúng ta cần một cái gì đó độc đáo, mới và sáng tạo. Tình huống của chúng ta là phi tiêu chuẩn – và lời giải cũng nên thế. Bây giờ quân bài quan trọng nhất là tự tổ chức: sinh viên tự tổ chức, vận động viên tự tổ chức, các phương tiện truyền thông. Đây là sức mạnh, đây là những điểm tạo áp lực cho hệ thống.

Theo chị, tại sao các cuộc đình công ở các nhà máy đã kết thúc?

Mọi người bị áp lực nghiêm trọng, chúng tôi hiểu điều đó. Vì vậy, hiện nay điểm chính yếu ở các xí nghiệp, nhà máy là các tổ chức công đoàn độc lập. Chúng ta chưa bao giờ chú ý đến họ, bởi vì họ không hoạt động ở Belarus. Nhưng trong các nền dân chủ, công đoàn đóng một vai trò quan trọng. Và thực tế là bây giờ họ đang tổ chức độc lập, ngày càng có nhiều người tham gia – đây cũng là điều sẽ giúp ích trong tương lai.

“Tôi sẽ chỉ trở lại Belarus nếu được đảm bảo an toàn ở cấp nhà nước”

Chị có biết mình đã bị khởi tố hình sự?

Tôi biết về điều này từ các nhà báo khi trả lời phỏng vấn của họ vào thời điểm đó. Sau đó, nhóm tham mưu báo cho chúng tôi. Mọi người đến kiểm tra hộp thư nhà tôi ở Minsk để xem có tài liệu nào gửi đến hay không. Cho đến nay tôi chỉ thấy tin trên các phương tiện truyền thông, không thấy điều khoản nào của Bộ luật Hình được chỉ ra.

Tức là bây giờ về nguyên tắc chị không thể trở lại Belarus. Với điều kiện nào thì chị sẵn sàng về nước?

Đảm bảo an toàn ở cấp độ nhà nước. Trong nhóm, chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này trước đó, nghĩ về cách tốt nhất để quay trở lại, xem xét các lựa chọn khác nhau: rằng họ sẽ không cho chúng tôi nhập cảnh, sẽ cho vào và ngay lập tức bắt giữ trong lãnh thổ trung lập. Do đó, chúng tôi quyết định rằng vẫn chưa đến lúc, chúng tôi cần bắt đầu ít nhất một cuộc đối thoại nào đó với chính quyền, sau đó có thể quay về. Tất cả đều hiểu rằng ngay khi tôi về, sẽ ngay lập tức ngồi tù, nhất là bây giờ. Và việc tôi bị bắt sẽ không tạo ra hiệu ứng gì to tát. Có thể sau này sẽ có, tôi không biết nữa. Giờ thì không, tạm thời tôi sẽ không về Belarus, tạm thời phải làm sao để mọi người nói về chúng ta, về Belarus trên trường quốc tế. Tin tức thay đổi nhanh chóng, và chúng ta phải liên tục có mặt trong chương trình nghị sự, một khi người ta quan tâm đến nước ta, sẽ phải ủng hộ mối quan tâm này.

“Latushko có tham vọng chính trị của mình, nhưng chúng tôi có mục tiêu chung – cuộc bầu cử mới”

Gần đây chị đã bắt đầu bổ nhiệm đại diện của mình trong các lĩnh vực khác nhau: chính trị, quốc tế. Chị tuyển chọn đội theo nguyên tắc nào, ai là người khuyên chị nên nhận ai và không nhận ai?

Chúng tôi hỏi ý kiến Hội đồng Điều phối, ở đó có những người thuộc đối lập cả cũ lẫn mới. Chúng tôi hỏi có thể lấy ai, ai có kinh nghiệm. Ví dụ, Garry Pogonyailo ngay lập tức được mọi người công nhận, Alekhnovich (Ales Alekhnovich) cũng thế, cũng được Hội đồng Điều phối tư vấn, Alana (Alana Gebremariam) cũng được mời từ Hội đồng Điều phối, cô ấy rất chủ động và sáng tạo. Grib và Lebedko (Mechislav Grib và Anatoly Lebedko) đã từng làm việc trong Ủy ban Hiến pháp Công, và do đó được chỉ định là đại diện về vấn đề này.

Tôi đã nghe có ý kiến rằng chúng tôi chỉ tuyển những người đối lập cũ. Nhưng bây giờ không ai trong số những người trẻ tuổi làm việc với Hiến pháp, nó không thú vị với họ, nó thú vị với những người đã làm điều này nhiều năm. Tại sao phải bắt đầu từ đầu nếu đã có một số nền tảng?

Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch cử đại diện cho lực lượng an ninh và chăm sóc sức khỏe. Nhưng đó không phải là một chính phủ lưu vong – hầu như tất cả đều ở Belarus, họ chỉ là những nhóm làm việc. Mọi người được Hội đồng Điều phối đề xuất, hoặc các thành viên trong nhóm của tôi, nhưng tất cả đều được sự đồng ý của chính họ, họ phải hiểu mình đang phải chấp nhận rủi ro gì.

Và ai là thành viên trong đội của chị, bên chị hàng ngày?

Anna Krasulina, Masha Moroz và Alexander Dobrovolsky. Khi Sergey (chồng Tikhanovskaya – ND) bị bắt, tôi không biết phải làm gì tiếp theo, tôi không hiểu gì về chính trị, nên cần một người có thể biết mọi việc diễn ra như thế nào. Tôi vô tình được giới thiệu với Dobrovolsky, nên anh ấy đã ở bên tôi từ đầu cho đến giờ. Franak Vecherko đang ở cùng chúng tôi, anh ấy tham gia khoảng một tháng trước.

Bạn biết đấy, việc gia nhập đội là quyết định độc lập của mỗi người. Khi tôi đến đây [ở Vilnius], tôi không biết ai cả. Thật tốt khi Alexander Dobrovolsky và Anya Krasulina đã đến, chúng tôi đang nghĩ phải làm gì tiếp theo, Franak gọi điện, nói rằng anh ấy muốn giúp đỡ và muốn tham gia. Với các sáng kiến ​​BySol và ByHelp, chúng tôi đã nói chuyện, nhận ra cần nhau, và các copywriter đã tham gia cùng chúng tôi. Đây là cách một đội đang dần được hình thành, nhưng tất cả đều là sáng kiến ​​của những người nhìn thấy tiềm năng bản thân, tham gia, chúng tôi không đặc biệt mời ai cả.

Với Pavel Latushko thì chị có quan hệ gì? Có vẻ như anh ta có kế hoạch riêng.

Anh ấy, cũng như Olya Kovalkova, nằm trong Đoàn Chủ tịch của Hội đồng Điều phối. Chúng tôi gọi cho nhau khoảng một lần một tuần, và khi anh ấy đến Vilnius họp, chúng tôi gặp nhau. Chúng tôi không có hiểu lầm, tôi biết anh ấy có tham vọng chính trị, chúng tôi tuyệt đối thành thật với nhau. Nhưng bây giờ, anh ấy có cùng mục tiêu như tất cả chúng ta – cuộc bầu cử mới, và nếu Pavel Pavlovich có cơ hội quảng bá ý tưởng này ở một nơi khác – vì Chúa, tất cả điều này chỉ đưa chúng ta đến gần hơn cuộc bầu cử mới. Valery và Veronika Tsepkalo cũng thế, họ tổ chức nhiều cuộc gặp ở các nước khác, họ nói về tình hình của chúng ta. Suy cho cùng, không nhất thiết phải kề vai sát cánh, cái chính là chúng ta cùng nhau đi đến cuộc bầu cử mới. Không ai chiến đấu với ai, tất cả chúng ta đều hướng tới cùng một mục tiêu. Những người trong đội của Masha Kolesnikova (Anton Rodnenkov và Ivan Kravtsov – TUT.BY ghi chú) cũng thường xuyên liên lạc với chúng tôi.

Nhân tiện, chị nghĩ gì khi được tin Masha đã xé hộ chiếu của mình để ở lại Belarus?

Tôi rất buồn vì cô ấy đang ở trong tù, thật không may, điều này đã trở nên bình thường ở nước ta và không gây chú ý lắm. Nhưng hành động của cô ấy đơn giản là đã phá vỡ hệ thống, nó khiến người ta phấn khích. Điều này có thể chờ đợi từ Masha, cô ấy là người đặc biệt, cô ấy luôn nói rằng đối với cô ấy, vấn đề rời Belarus đã được giải quyết. Veronica [Tsepkalo] và tôi thì do dự một chút, nhưng chúng tôi có con nhỏ, chúng quyết định rất nhiều. Masha thì luôn có một lập trường rõ ràng: không bao giờ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cô ấy sẽ rời Belarus, vì vậy điều này có thể chờ đợi từ cô ấy.

Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm với mỗi người đang ngồi tù ở Belarus, và không còn cơ hội nào để từ bỏ, hãy cứ tiến về phía trước, cho dù đáng sợ và nguy hiểm đến đâu. Cũng giống như mọi người Belarus đi ra ngoài đường với xác suất sẽ không trở về nhà đêm hôm sau mà ngồi tù 15 ngày, chúng ta không thể dừng lại.

“Sergey tự hào về tôi và tin rằng người Belarus sẽ làm được”

Khi nhìn những bức ảnh của chị, gặp Merkel hay đứng ở cổng Brandenburg, tôi nhớ về chị khi chúng ta nói chuyện lúc chồng chị mới bị bắt. Kể từ cuối tháng 5, chị đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ, không chỉ là bên ngoài. Chị có nhớ mình khi xưa không?

Có, tôi nhớ, tôi vẫn vậy, thực ra là một kẻ hèn nhát kinh khủng. Nhưng rất nhiều điều có thể học được. Tôi không biết trả lời phỏng vấn, nói chuyện lâu cũng không dễ, nhưng kiến ​​thức và hiểu biết về những gì cần nói, cách truyền đạt ý chính, cách nói nhanh nhưng rõ ý, bởi vì xung quanh là các chính trị gia và họ không có nhiều thời gian, mọi thứ đều đến. Trong thâm tâm, tôi vẫn thế, tôi học cách nói, nói một cách cứng rắn hơn, người ta nói tôi đã thay đổi hình ảnh của mình, tôi đã khoác lên một bộ đồ. Nhưng điều này không có gì đặc biệt, làm mẹ thì không cần bộ đồ.

Chị thèm nhất điều gì ở cuộc sống trước?

Tôi đã ở nhà 10 năm trong không khí êm đềm, ngày nào cũng vậy. Và tôi thích việc bây giờ tôi có một cuộc sống năng động như thế này, mặc dù mệt hơn. Nói chung, bản chất tôi hơi lười biếng và sẽ không làm được nhiều cho bản thân, nhưng đằng sau tôi còn có đất nước, con người, tôi làm điều này không phải vì bản thân, nên tôi còn phải cố gắng hơn nữa.

Tôi thèm gì ư? Tôi muốn ngồi xuống và xem một bộ phim hay, nhưng không có thời gian. Cuối tuần tôi làm việc với con cái vì không thể dành nhiều thời gian cho chúng trong tuần.

Bọn trẻ có hiểu mẹ chúng đã trở thành ai không?

Con gái tôi còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, nhưng cứ tối đến tôi lại muốn khóc khi con hỏi: “Mẹ ơi, bố có về sớm không? Bố đang ở đâu? ” Con trai cả, tôi nghĩ, biết rằng bố đang ở trong tù. Tôi bịa chuyện về chuyến đi công tác, nhưng nó xem YouTube, vì vậy hiểu điều gì đang xảy ra. Nhưng nó không hỏi gì tôi, tôi nghĩ nó biết đây là một chuyện khó khăn với tôi. Và gần đây, khi con gái hỏi bố đang ở đâu, con trai nghiêm túc trả lời: “Bố sẽ về sớm, đừng lo”, nó thay tôi trấn an em.

Sergey có biết về những thành công của chị, về các cuộc gặp thượng đỉnh không? Anh ấy phản ứng như thế nào?

Vâng, luật sư của anh ấy gặp anh ấy độ hai lần một tuần, kể mọi chuyện. Anh ấy luôn nhắn là tự hào về tôi, và nói rất nhiều về người dân Belarus: anh ấy tin rằng mọi thứ không phải là vô ích, rằng chúng ta sẽ làm được. Tất nhiên, tất cả mọi người trong đó đều háo hức chờ được giải phóng, cũng như chúng ta ngoài này.

Leave a Reply