Khái niệm: stock và flow trong truyền thông

Giới thiệu: tôi đọc quyển Show Your Work! của Austin Kleon (tiêu đề bản dịch tiếng Việt là Nghệ thuật PR bản thân) thấy giới thiệu khái niệm trữ lượng và lưu lượng (stock and flow) trong truyền thông do Robin Sloan đưa ra. Thấy hay nên đã tìm bài gốc (18/1/2010) và dịch.

Tôi là sinh viên chuyên ngành kinh tế, và tôi rất biết ơn về một số khái niệm quan trọng đã học được: những thứ như chi phí cơ hội, chi phí chìm và chi phí biên. Tôi nghĩ về chúng suốt ngày. Tôi nghĩ về chi phí chìm của việc chờ chiếc thang máy chậm. Nghĩ về chi phí biên của việc làm cho mình một cái sandwich nữa.

Nhiều nhất là tôi nghĩ về khái niệm stock (trữ lượng)flow (lưu lượng).

Bạn biết chúng chứ? Đơn giản lắm. Có hai loại đại lượng trên thế giới. Stock là giá trị tĩnh: tiền trong ngân hàng hoặc cây trong rừng. Flow là tỷ lệ thay đổi: 15$/ giờ hoặc 3000 que tăm / ngày. Dễ. Quá dễ.

Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng stock và flow là một phép ẩn dụ hữu ích cho truyền thông trong thế kỷ 21. Ý tôi là:

  • Flow là feed. Đó là các bài đăng (post) và các tweet. Là luồng cập nhật hàng ngày, nhắc nhở mọi người rằng bạn tồn tại.
  • Stock là thứ lâu bền. Đó là nội dung mà bạn làm ra, và sau hai tháng (hoặc hai năm) vẫn thú vị như hiện nay. Đó là những gì mọi người khám phá qua search. Là thứ lan tỏa chậm nhưng chắc, dần dần xây dựng nên các fan.

Flow ngày càng tăng, có nhiều lý do cho việc đó. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta đang đẩy stock vào chỗ nguy hiểm. Ý tôi là cả về sức khỏe của khán giả, lẫn sức khỏe của tâm hồn. Flow là một máy chạy bộ, và bạn không thể dành toàn bộ thời gian của mình để chạy trên đó. Đúng hơn là bạn có thể, nhưng rồi một ngày bạn bước xuống, nhìn xung quanh và: “ôi trời. Tôi chẳng có gì cả”.

Tôi không nói rằng bạn nên bỏ qua flow! Đây không phải là thời để chui vào hang và làm việc cô lập, rồi xuất hiện sau nhiều năm với sản phẩm của bạn. Mọi người sẽ: “Cái gì đây? Bạn là ai?” Và ngay cả khi họ không làm thế, nếu bạn không có flow để hút fan mới của mình vào, thì bạn đang phải chịu một chi phí cơ hội rất lớn. Bạn sẽ phải tìm lại các fan vào lần tới khi bạn chui ra khỏi hang.

Đây là một ví dụ. Bạn tôi, Alexis Madrigal, đã cân bằng giữa stock và flow. Ở một đầu, anh ấy là một Twitter và là một người viết báo tần suất cao. Madrigal có flow điên cuồng, bạn nối vào và sẽ nhận được một dòng chảy nội dung thú vị ổn định. Nhưng ở đầu bên kia — và điều này vô cùng quan trọng — anh ấy viết một cuốn sách sâu sắc về lịch sử công nghệ xanh ở Mỹ. Đây là một cuốn sách với mục đích đứng vững trước thử thách của thời gian.

Bạn có thể nhận ra rằng, tôi muốn bạn dừng lại và suy nghĩ về stock. Tôi cảm thấy như tất cả chúng ta đều làm flow rất tốt, rất nhanh. Nhưng flow là phù du, trong khi stock ở lại. Stock là vốn. Là protein.

Và phép màu thực sự là đặt cả hai lại với nhau. Để giữ cho quả bóng luôn nảy theo flow của bạn — để duy trì kênh giao tiếp cởi mở — trong khi bạn làm stock hay ho gì đó đằng sau. Đừng hy sinh cái nào. Chiến lược hybrid.

Vì vậy, tôi đã suy nghĩ về stock và flow ngay lúc này đây, khi đứng nấu trong bếp, và tôi nghĩ, chờ đã, có nhiều những nghệ sĩ siêu thành công và những ngôi sao truyền thông ngày nay không hề quan tâm đến flow. Giống như, Wes Anderson? Chuẩn. Anh ấy toàn stock. Và anh ấy dường như ổn.

Nhưng, tôi nghĩ, bí quyết là có ai đó khác thực hiện flow cho anh ấy. Ý tôi là, PR và quảng cáo là gì nếu không phải là flow, được mua và trả tiền? Thử quay về quá khứ và đưa Wes Anderson trở thành chủ sở của một kênh YouTube chuyên về bố cục đối xứng — và tôi không nghĩ rằng bạn sẽ nhận được kết quả tương tự, nếu chỉ cập nhật một video mỗi ba năm.

Như vậy, nếu bạn ở trong tình thế có thể nhờ người khác xử lý flow của bạn, trong khi bạn làm việc với stock của mình: tuyệt. Nhưng điều này hầu như chẳng đúng với ai, và tôi nghĩ sẽ ngày càng ít, vì vậy, bạn cần phải có kế hoạch riêng cho việc này. Dù sao, tôi biết đây không phải là phát kiến gì sâu sắc. Tôi chỉ muốn chia sẻ thuật ngữ này, vì nó cứ vang lên trong đầu tôi kể từ khóa học kinh tế vi mô đầu tiên. Ngày nay, bất cứ khi nào tôi đặt tay lên bàn phím, tôi đều tự hỏi mình: Đây có phải là stock? Hay flow? Tôi đang kết hợp chúng thế nào? Tôi đang có đủ cả hai không?

(Hết bài dịch)

Đọc về khái niệm này xong thì tự thấy bản thân cũng đang làm theo. Các bài viết trên blog này là stock, có những bài được mọi người tìm đến qua search sau nhiều tháng hay nhiều năm. Các post trên Facebook thì là flow, trôi đi theo thời gian.

Leave a Reply