Dạy Văn hóa Doanh nghiệp là dạy gì?

Văn hóa của một tổ chức cũng giống như tính cách tâm lý của một người. Nếu không hiểu về tâm lý học mà cứ tìm cách học theo thần tượng này khác thì không ăn thua. Nếu ko hiểu về VHDN (văn hóa doanh nghiệp, hay văn hóa của tổ chức nói chung) mà chỉ nghe kể chuyện về các công ty này khác để học theo cũng ko hiệu quả.

Cách tốt nhất để dạy VHDN là hiểu về cấu trúc và nguyên lý của nó. Sau đó, bạn có thể chiêm nghiệm và áp dụng vào một trường hợp cụ thể. Cũng như nếu hiểu về tâm lý học, bạn sẽ giúp bản thân và mọi người hiệu quả hơn.

Ta cảm thấy bất an nếu không hiểu và lý giải được các sự việc

Vì mục đích sinh tồn và phát triển, con người luôn có nhu cầu hiểu và lý giải các sự việc. Ban đầu bằng tín ngưỡng, sau đó là khoa học. Có câu “Art is about the beauty of life, science is about the order of life, religion is about the purpose of life”. Tri thức khoa học cho ta hiểu về trật tự của thế giới, để biết có thể chờ đợi gì và nên làm gì.

Khi có bảng tuần hoàn hóa học, thế giới các nguyên tố trở nên trật tự và có tính dự báo. Khi có Phân loại sinh học (biological classification), thế giới động thực vật trở nên mạch lạc.

Để hiểu VHDN một cách nhất quán và ổn định, ta cần có cơ sở lý thuyết. Đó là lý thuyết gì?

Văn hóa của tố chức giống tâm lý con người

Văn hóa học và tâm lý học có sự gần gũi, vì đều có chủ thể là con người, bao gồm tư duy, hành vi, quá trình học tập.

Edgar Schein nói, VHDN giống như tính cách tâm lý một người. Do đó nó có mấy đặc điểm:

  • Thứ nhất là nó luôn ở đó, miễn là tổ chức tồn tại đủ lâu, cũng như người phải đủ tuổi. Nó tồn tại bất chấp tổ chức có định mô tả nó hay không.
  • Thứ hai là nó cực kỳ khó thay đổi. Bạn cứ thử thay đổi tính cách của mình mà xem.
  • Thứ ba là nó chỉ bộc lộ khi có khủng hoảng. Ở hoàn cảnh bất thường, tính cách của bạn mới lộ ra.

VHDN có 3 tầng, cũng như tâm lý một người có (id, ego, super-ego) x (ý thức, tiền ý thức, vô thức).

Dạy VHDN là dạy gì?

Các khóa học VHDN có thể được chia làm 2 loại: nội bộ dạy nhau, và các chuyên gia dạy cho các tổ chức.

Dạy nội bộ là khi lãnh đạo hay đại diện lãnh đạo giảng cho những thành viên mới về văn hóa công ty, để họ hiểu và làm theo. Việc này giống như thành viên trưởng thành của một dòng họ lâu đời (lâu đời mới hình thành văn hóa riêng) dạy dỗ thế hệ tiếp sau. Các nội dung sẽ gồm lịch sử, chiến tích, các giá trị mà dòng họ theo đuổi, các phẩm chất tốt đẹp, v.v. Tất nhiên sẽ không bao gồm hoặc rất ít những chuyện thâm cung bí sử, những tính xấu của các tiền nhân. Các thành viên mới của tổ chức sẽ hiểu lãnh đạo muốn văn hóa tốt đẹp thế nào, nhưng nếu ở đủ lâu, họ cũng sẽ thấy nhiều hành động đi ngược lại các “giá trị cốt lõi” đó.

Ở loại thứ hai, khi các chuyên gia dạy cho các tổ chức thì họ đưa ra các hình mẫu, các chuẩn mực, các ví dụ thành công và khuyên học theo. Giống như ai đó kể cho bạn về các tấm gương, liệt kê các phẩm chất tốt đẹp, và khuyên bạn noi theo. Đó có thể là những nhân vật cụ thể như Bill Gates, Elon Musk, hay những khuôn mẫu chung kiểu “con người mới XHCN”. Các hình mẫu này liên tục thay thế nhau.

Trong các bài giảng về VHDN, người học sẽ được nghe về IBM, Microsoft, Google, hay Việt Nam hơn thì FPT, Vingroup, v.v. Nghe về các truyền thuyết, tuyên ngôn, các giá trị cốt lõi của họ, được nêu ra như những lý giải cho thành công của họ. Bạn cũng sẽ nhận được những lời khuyên, kiểu như nếu muốn xây dựng văn hóa sáng tạo thì học theo chính sách 20% thời gian tự do của Google, hay “dân chủ” như FPT.

Những câu chuyện như vậy cùng lắm giúp tạo cảm hứng, hầu như không thể học theo. Vì nếu việc noi gương đơn giản như vậy, thì nhiều người đã trở thành combo của Steve Jobs, Jack Ma và Elon Musk, hoặc tổ hợp khác tùy chọn. Vấn đề ở chỗ, người ta có thể dễ dàng cho lời khuyên, nhưng không thể cho điều kiện và năng lực để thực hiện nó.

Cách dạy VHDN mới: hiểu về nguyên lý

Vì VHDN giống như tâm lý một người, nên cách tiếp cận tốt nhất là theo phương pháp của tâm lý học. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Edgar Schein xuất thân từ ngành tâm lý học.

Tâm lý học có 4 mục đích: mô tả, giải thích, dự báo và thay đổi hành vi con người. Đầu tiên là mô tả được theo một cấu trúc ổn định, rồi tìm ra các lý thuyết để giải thích được các hành vi đó. Một lý thuyết giải thích sẽ trở nên thuyết phục khi nó cho phép ta dự báo được hành vi của mọi người, cũng như người ta tin vào bảng tuần hoàn hóa học khi nó dự báo được sự xuất hiện của một số nguyên tố. Cuối cùng, các công cụ tâm lý học giúp ta thay đổi hành vi như mình muốn.

Dạy VHDN cũng nên như vậy. Khi có một mô hình, một lý thuyết đủ thuyết phục, ta có thể mô tả, giải thích và dự báo các sự việc xảy ra trong một tổ chức. Tuy các tổ chức có văn hóa khác nhau, nhưng đều bị chi phối bởi các nguyên lý chung đó. Cũng như mỗi người mỗi tính cách nhưng đều tuân theo các nguyên lý tâm lý học. Và cuối cùng, ta có thể thay đổi được VHDN để đáp ứng yêu cầu mới.

Môn UFC (Understanding FPT Culture) là môn học để hiểu nguyên lý

UFC không có mục đích gieo cấy các giá trị văn hóa FPT cho người FPT, và cũng không đưa ra hình mẫu hay lời khuyên cho người ngoài FPT. Môn UFC có mục đích giúp người học có một con mắt hoàn toàn mới về VHDN, hiểu được môn khoa học này. Khi đó, họ có thể mô tả, giải thích, dự báo và thay đổi các thành phần VHDN mà họ liên quan. Cũng như khi bạn hiểu về tâm lý học, bạn sẽ có cái nhìn mới về hành vi của mọi người. FPT được sử dụng như một “ca” nghiên cứu, một đối tượng với hơn 30 năm theo dõi và ghi chép.

UFC dựa trên hai nền tảng:

  • Lý thuyết về văn hóa của tổ chức của Edgar Schein
  • Thực tiễn hình thành và phát triển của FPT – công ty tiêu biểu về VHDN ở Việt Nam

Học nguyên lý không phải là nghe kể chuyện. Người học sẽ cần suy ngẫm, đối chiếu những trải nghiệm của bản thân với lý thuyết. Người học cũng được khuyến khích tìm hiểu rộng ra ngoài khuôn khổ môn học.

Trong quá trình xây dựng môn học này, nhóm soạn thảo đã trực tiếp trải nghiệm việc mô tả, giải thích và thậm chí cả dự báo các sự việc ở FPT. Chúng tôi thích thú khi thấy sự tương đồng giữa ngầm định VHDN với vô thức của tâm lý con người, các giai đoạn phát triển tổ chức với tâm lý học phát triển từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, ảnh hưởng của nhiệm vụ thích ứng bên ngoài đến VHDN với nhu cầu sinh tồn của một người, v.v. Chúng tôi rất mong các bạn cũng có những khám phá thú vị như vậy khi học môn này.

Dàn bài môn UFC

PHẦN 1: Mô hình Văn hóa của Tổ chức (Org Culture) của Edgar Schein
Bài 1: Giới thiệu tác giả, định nghĩa và cấu trúc của Văn hóa Tổ chức
Bài 2: Văn hóa vĩ mô
Bài 3: Các giai đoạn hình thành văn hóa và Vai trò của lãnh đạo
Bài 4: Những thách thức của việc kế thừa và thay đổi văn hóa
Phần II: Hanoi Buffalo – Văn hóa FPT
Bài 5: Lãnh đạo FPT và ảnh hưởng của văn hóa nền
Bài 6: Các giai đoạn phát triển Văn hóa FPT
Bài 7: Văn hóa FPT hình thành từ thích nghi và gắn kết
Bài 8: Các cơ chế truyền bá văn hóa tại FPT
Phần III: Văn hóa và Tiến hóa tại FPT
Bài 9: Tính chất động của Văn hóa FPT
Bài 10: Văn hóa các đơn vị thành viên
Bài 11: Chuyển giao thế hệ – Chuyển giao văn hóa tại FPT
Phần IV: Vĩ thanh
Bài 12: Tương lai của FPT
Bài 13: Văn hóa Doanh nghiệp tại Việt Nam

Lưu ý thêm:

  • Có một nhánh TLH có tên là TLH công nghiệp – tổ chức (Industry Organizational Psychology) nghiên cứu về năng suất, sức khỏe, sự hài lòng của người lao động trong tổ chức. Nhánh TLH này không liên quan đến các ví dụ nêu trên.
  • Các nghiên cứu dạng khảo sát về văn hóa (ví dụ lý thuyết của Hofstede) rất giống với các mô hình nhân cách (personality type) trong tâm lý học.

5 thoughts on “Dạy Văn hóa Doanh nghiệp là dạy gì?

  1. Pingback: Thay đổi văn hóa doanh nghiệp: lỗi thường gặp | Phan Phuong Dat

  2. Pingback: Thay đổi văn hóa doanh nghiệp: lỗi thường gặp | Phan Phuong Dat

Leave a Reply