Phân biệt: thực tế (thực tại), hiện thực, sự thật, chân lý

Các khái niệm này được dùng như từ đồng nghĩa nhưng vẫn có sự khác biệt nào đó cần làm rõ.

Thực tại (thực tế) chính là hiện thực, các từ này tương đương hoàn toàn. Tiếng Anh là reality, tiếng Nga là realnost.

Phân biệt sự thậtchân lý thì phức tạp hơn. Tiếng Anh đều là truth, nếu dịch truth sang tiếng Trung ta có 真相 (chân tướng). Sự thật dịch sang tiếng Nga thường là pravda, và chân lý là istina. Tuy nhiên, theo wikipedia tiếng Nga, từ pravda có nghĩa hơi khác, dùng để chỉ chân lý tuyệt đối mang yếu tố tôn giáo. Trong tiếng Nga, hai khái niệm pravda istina được phân biệt theo một câu trong Cựu ước:

истина возникнет из земли, и правда приникнет с небес;

Псалом 84:12

Câu này trong Cựu ước tiếng Anh và tiếng Việt lần lượt là:

Faithfulness springs forth from the earth, and righteousness looks down from heaven.

Sự chân thật nứt mộng từ dưới đất; Sự công bình từ trên trời ngó xuống.

Psalm 85:11, Thi thiên 85:11

Như vậy, pravda dịch sang tiếng Việt là sự công bình.

Chốt lại, ta có hai khái niệm sự thật chân lý, hay reality truth, hay realnost istina. Vậy chúng khác gì nhau?

Sự khác nhau này chính là sự khác nhau giữa chữ thực (实) và chữ chân (真). Ngoài những lúc dùng thay thế nhau, ta dùng chữ thực (thực tại) để nói về những gì quan sát thấy, và chữ chân (chân lý) để nói về sự lý giải cho những gì mình thấy. Ví dụ một người đang bất hạnh là thực tại, còn lý do tại sao người đó bất hạnh là chân lý (hay sự thật). Mọi người có thể đồng ý về thực tế, nhưng bất đồng về chân lý. Nói cách khác, thực tế là các fact và chân lý là opinion lý giải mối quan hệ giữa các fact đó. Trong cuốn Truth and Reality, Otto Rank cũng quan niệm chân lý là ở trong mỗi người, còn thực tại là ở bên ngoài.

Trong một nền văn hóa dân tộc hay văn hóa của một tổ chức, có nhiều cách để xác định chân lý. Ví dụ chân lý được xác định như tín điều truyền đời, do lãnh tụ tuyên bố, do thực tại chứng minh, hay thông qua tranh luận. Ngầm định văn hóa về cách xác định chân lý có ảnh hưởng lớn đến cơ chế ra quyết định của một tổ chức.

Ví dụ, tại một công ty, lãnh đạo quyết định chân lý: “công cụ BSC là công cụ quản lý chiến lược hiệu quả” và yêu cầu các đơn vị sử dụng, bất chấp việc thực tại sử dụng ở các đơn vị không khẳng định chân lý đó. Khi đó, hoặc lãnh đạo kết luận là đơn vị đang không biết cách làm, hoặc sẽ thay đổi sang chân lý khác, không dùng BSC nữa.

Các phân tích trong bài này dùng để hiểu khái niệm Sự thật và Chân lý (reality and truth) được sử dụng trong môn học UFC, từ lý thuyết về Văn hóa của Tổ chức của Edgar Schein.

Bổ sung:

Không có một nửa sự thật, chỉ có một phần thực tại

Thực tại (reality) là các dữ kiện, là fact. Sự thật (truth, chân lý) là phán định của ta về thực tại đó. Phán định này phụ thuộc vào bức tranh thế giới mà ta có trong đầu, cộng với độ rộng của thực tại mà ta chấp nhận.

Ví dụ, có thực tại là Israel bắn phá Gaza. Mở rộng ra, và liên quan đến nó, là thực tại quân Hamas đã tấn công và giết hại dân thường Israel trước đó. Rồi ai đó có thể mở rộng ra đến 10, 100, 500 hay hàng nghìn năm trước đó, để có chân lý của mình.

Do đó, cần thống nhất về 1 điểm khởi đầu và không tính những gì xảy ra trước đó. Nếu không có giới hạn về thời gian, thì mọi thứ liên quan đến con người, thậm chí cả vũ trụ, đều trở nên vô nghĩa.

Và ai cũng có thể bảo là đối phương chỉ có 1 nửa sự thật.

Leave a Reply