Ngày 22/6/2021 là kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức tấn công Liên xô. Radio Svoboda đăng bài phân tích của nhà sử học nổi tiếng Mỹ gốc Nga Yuri Felshtinsky trên cơ sở các tài liệu của Liên xô và Đức những năm 1939-41. Qua đây, ta có bức tranh đầy đủ về ý đồ của Stalin ủng hộ Hitler lên nắm quyền để sử dụng Hitler làm “tàu phá băng của cách mạng”, dọn đường cho Liên xô vào châu Âu. Tại sao hai bên ký Hiệp ước và nghị định thư bí mật chia chác châu Âu, và tại sao rốt cuộc Hitler đã tấn công Liên xô. Ảnh và ghi chú lấy từ bài gốc. Tiêu đề trong bài do người dịch đặt để dễ theo dõi.

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, vài giờ sau khi quân đội Đức bắt đầu tất công Liên Xô, Vyacheslav Molotov đã phát biểu trên radio một câu nổi tiếng: “Vào lúc 4h sáng hôm nay, không cảnh báo, không tuyên chiến, quân đội Đức đã tấn công đất nước chúng ta…” Thực tế là, các cảnh báo đã được đưa ra, và chiến tranh đã được tuyên bố trong một công hàm của Bộ Ngoại giao Đức ngày 21/6/1941. Tôi đã cố gắng kể với độc giả Nga về điều này trong ấn bản mới của tuyển tập tài liệu “Liên Xô – Đức, 1939-1941”, nhưng không thành công. Bây giờ tôi sẽ thử thêm lần nữa.
Trước đây ở Liên Xô và Nga, tuyển tập tài liệu của tôi đã được tái bản nhiều lần. Tôi xuất bản nó lần đầu ở Hoa Kỳ vào năm 1983 trong nhà xuất bản nhỏ Telex. Năm 1989, tại Vilnius thuộc Liên Xô khi đó, nhà xuất bản Mokslas đã in 100.000 bản theo kiểu lách luật. Một số sách đã được đưa đến Moscow và gửi cho tất cả các thành viên của Xô Viết Tối cao Liên Xô. Một thời gian sau, dựa trên chính các tài liệu có trong tuyển tập, Xô viết Tối cao của các nước cộng hòa vùng Baltic đã nêu vấn đề ly khai khỏi Liên bang Xô viết với chính quyền Liên Xô, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô và Xô viết tối cao Liên Xô, với lý do là cả ba quốc gia Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia đã bị Hồng quân chiếm đóng trên cơ sở một thỏa thuận được ký kết vào tháng 8/1939 giữa Liên Xô và Đức. Nói cách khác, việc xuất bản tuyển tập ở Vilnius đã góp phần vào sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.
Sau chính biến tháng 8/1991, nhưng trước khi Liên Xô sụp đổ, tuyển tập đã được xuất bản lần đầu tiên tại Moscow bởi nhà xuất bản Moscow Rabochy. Năm 2004, nó được nhà xuất bản Terra – Book Club tái bản, và vào năm 2011 thì bởi nhà xuất bản Eksmo. Lần tái bản tiếp theo của tuyển tập dự định vào tháng 6 năm nay tại nhà xuất bản “Terra – Book Club”, với lời nói đầu cập nhật của tôi. Cuốn sách đã được sắp chữ và lẽ ra đã được công bố trong danh mục sách mới. Tuy nhiên, vào phút cuối nhà xuất bản đã từ chối xuất bản cuốn sách với lý do: “Chúng tôi sẽ không thể xuất bản cuốn sách với lời tựa như vậy”.
Khi đó, tôi quay sang nhà xuất bản Eksmo. Nhưng các biên tập viên đã xuất bản nó vào năm 2011 giờ đã từ chối. Những gì được cho phép 10 năm trước đây, nay đã bị cấm. Nước Nga rốt cuộc đã dấn thân vào con đường xuyên tạc lịch sử của Liên Xô cũ. Xin giới thiệu với độc giả phiên bản tóm tắt của lời nói đầu, mà vì nó ấn bản mới của tuyển tập đã bị hủy bỏ.
*****
Phương Tây và Liên xô những năm 30
Trước “Hiệp ước Molotov-Ribbentrop” được ký kết ngày 23/8/1939, đặt theo tên các chính khách đã ký nó – Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Dân ủy đối ngoại V.M. Molotov và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Joachim von Ribbentrop, quan hệ Xô – Đức có một lịch sử không đơn giản. Sau thất bại của phe đối lập cánh tả của L.D. Trotsky và việc bản thân Trotsky bị trục xuất khỏi Liên Xô vào đầu năm 1929, những năm 1930 hứa hẹn sẽ diễn ra trong hòa bình. Trotsky và các cộng sự, những người công khai kêu gọi một cuộc cách mạng thế giới, đã bị dẹp bỏ bởi những người ủng hộ lý thuyết “chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia” do Stalin đưa ra. So với Trotsky, Stalin tỏ ra là một chính khách bảo thủ, tập trung vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một quốc gia duy nhất – Liên Xô. Và tất cả các nhà quan sát nước ngoài đều nhìn thấy điều này.
Để tạo ra một nền nông nghiệp ở Liên Xô, Stalin đã cứng rắn thực hiện “tập thể hóa hoàn toàn”, điều này đã phá hủy nền kinh tế nông dân độc lập cùng với màu sắc của dân cư nông thôn của Đế quốc Nga trước đây. Để tạo ra nền công nghiệp trong nước, các thứ như lúa mì, gỗ, lông thú, các kiệt tác hội họa, vàng, kim cương đã được bán ra nước ngoài, và với số tiền này, các công ty nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và Đức, đã xây dựng các nhà máy ở Liên Xô. Thế giới xung quanh Liên Xô cuối cùng cũng có thể thở phào: quyền lực ở nước Nga Xô Viết khó hiểu này nằm trong tay một người chỉ tập trung vào những vấn đề nội bộ không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Đức Quốc xã lên nắm quyền và kế hoạch của Stalin
Tuy nhiên, Liên Xô không phải là vấn đề chính của nền dân chủ châu Âu vào cuối những năm 1920 và những năm 1930. Chủ nghĩa phát xít bắt đầu trỗi dậy ở châu Âu. Ở Ý, Mussolini lên nắm quyền. Ở Đức, ảnh hưởng của Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa (Quốc xã), do Hitler đứng đầu, ngày càng gia tăng. Tại quê hương của Karl Marx và Karl Liebknecht, thay vì “cánh tả”, các lực lượng “cánh hữu” đã đột phá để giành quyền lực.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc vào tháng 11/1918 và các điều khoản của một hiệp ước hòa bình được thảo luận, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã đề nghị cho Đức những điều khoản đầu hàng khá khoan dung. Còn Pháp, và ở mức độ thấp hơn là Anh, đã đòi những điều khoản khác hẳn, nghiêm ngặt hơn, để đảm bảo rằng Đức sẽ không bao giờ có thể vươn lên như một cường quốc và gây ra mối đe dọa quân sự với các nước láng giềng, nhất là Pháp. Đó là cách mà Hiệp ước Hòa bình Versailles ra đời, như chúng ta biết. Đức được tuyên bố là nước khởi xướng chính và là thủ phạm duy nhất của Chiến tranh thế giới thứ nhất, điều mà chính người Đức không đồng ý. Thất vọng trước quan điểm một chiều của phe chiến thắng châu Âu về lý do bùng nổ Đại chiến, Mỹ kệ châu Âu tự giải quyết các vấn đề của mình, và rút đi. Nhưng châu Âu đã không thể tự giải quyết. Sau khi Đại chiến hai kết thúc, các nhà sử học đã viết rất nhiều sách giải thích rằng Đại chiến hai bắt đầu do Hiệp ước Hòa bình Versailles gây sỉ nhục cho Đức, và khẩu vị không kiềm chế của Pháp, vốn tự đặt cho mình nhiệm vụ bằng mọi giá ngăn chặn nước Đức đứng lên.

Vì vậy, điều kiện tiên quyết để Hitler lên nắm quyền ở Đức là Hiệp ước Versailles, quá khắc nghiệt với người Đức, và tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc. Điều kiện thứ hai là sự tin tưởng tuyệt đối của một bộ phận dân chúng và quân đội cực hữu bảo thủ, rằng Đức thua trận vì một “nhát dao sau lưng” (khi đó ở Đức xuất hiện một thuật ngữ như vậy), và kẻ giáng đòn này vào Quân đội Đức là những người cộng sản cách mạng.
Các cuộc nổi dậy của cộng sản ở Đức vào mùa thu năm 1918, dẫn đến “Cách mạng tháng 11” ở Đức, tất nhiên, càng làm suy yếu sức mạnh của quân đội và chính phủ Đức, vốn đã không hùng mạnh gì vào nửa cuối năm 1918 trong bối cảnh đang thua cuộc, và cuối cùng là thất bại trong chiến tranh.
Ở đây cần nói thêm rằng Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã học được một số bài học từ lịch sử Cách mạng Nga năm 1917. Ở Nga, những người Menshevik và những người Cách mạng-Xã hội đã đoàn kết với những người Bolshevik để chống lại mối đe dọa không có thật lắm, thậm chí là bịa đặt ra, của bọn “phản cách mạng”, và kết quả là trao toàn bộ quyền lực cho những người Bolshevik, để rồi họ đã nhanh chóng tiêu diệt cả những người Menshevik, cả Cách mạng-Xã hội lẫn bọn phản cách mạng, có thật và bịa ra. Ở Đức, rút kinh nghiệm của Nga, những người dân chủ – xã hội đã đoàn kết với quân đội, tức là bọn “phản cách mạng”, và đàn áp những người cộng sản. Kết quả là, trên làn sóng của cuộc cách mạng cộng sản bị thất bại năm 1918, SPD đã lên nắm quyền ở Đức, điều mà những người cộng sản Đức tất nhiên không thể tha thứ.
Do thua cuộc chiến tranh và hậu quả của nó, cũng như do các điều khoản kinh tế và tài chính không thể thực hiện được của Hiệp ước Versailles, chính phủ dân chủ xã hội của Cộng hòa Weimar 1919-1932 rơi vào một thời kỳ cực kỳ khó khăn. Kết quả là, với sự hiện diện của quyền tự do báo chí tuyệt đối ở Đức vào những năm 1920, nền dân chủ đã bị tổn hại bởi chính những người Dân chủ Xã hội, những người mà dân chúng tuyên bố phải chịu trách nhiệm về mọi khó khăn kinh tế cũng như vô số các cuộc khủng hoảng và vấn đề chính trị trong nước.
Nhưng điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để Đức Quốc xã lên nắm quyền là vấn đề dân tộc. Đối với Đức, nó có thể được chia thành hai khía cạnh. Thứ nhất: sự hồi sinh của quốc gia Đức và sự thống nhất của tất cả người Đức trong biên giới của một nước. Thứ hai: cuộc chiến chống lại “sự thống trị của người Do Thái”, chủ yếu ở Đức và Áo. Hóa ra, lợi dụng định kiến của dân chúng, có thể dễ dàng đổ tội cho họ về những khó khăn mà người Đức phải chịu.
Cũng có những điều kiện tiên quyết của trật tự thứ hai góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã. Thông qua Quốc tế cộng sản, chính phủ Liên Xô tuyên bố SPD là kẻ thù tư tưởng chính của phong trào cộng sản quốc tế. Các thành viên SPD ở Cộng hòa Weimar, những người gần như không thể đứng vững dưới gánh nặng của các điều khoản kinh tế và tài chính tồi tệ của Hiệp ước Versailles, đối với Stalin chẳng khác gì “những người Đức Menshevik” đã phản bội cuộc cách mạng ở Đức năm 1918 và tiếp tục chống cộng trong suốt những năm 1920. Với mối nguy hiểm mới sắp xảy ra của Chủ nghĩa Quốc xã Đức – một mối nguy thực tế chứ không phải trên lý thuyết, vì phát xít đã nắm quyền ở Ý, có vẻ như Liên Xô sẽ ủng hộ SPD chống lại đảng Quốc xã, theo nguyên tắc “cái nào ít ác hơn”. Nhưng đây không phải là chủ trương được QTCS đưa ra, bởi cả những người cộng sản Đức lẫn những quan chức cộng sản Liên Xô.

Kẻ thù chính của cuộc cách mạng cộng sản sắp tới ở Đức được coi là SPD – những người lên nắm quyền sau thất bại của cuộc cách mạng năm 1918. Để lật đổ họ, QTCS đã sẵn sàng phối hợp cùng với Quốc xã. Bằng không, làm sao có thể giải thích sự kiện “Đảo chính quán bia” của Hitler và cuộc nổi dậy của cộng sản năm 1923 được chỉ định bởi quốc xã và cộng sản trong cùng một ngày: 8 tháng 11 năm 1923.
Hitler không bao giờ có thể lên nắm quyền ở Đức thông qua bầu cử, theo cách hợp pháp, nếu Stalin chỉ thị cho Đảng Cộng sản Đức tham gia một khối với SPD trong cuộc bầu cử Quốc hội định mệnh vào ngày 6/11/1932, hoặc đơn giản là ủng hộ SPD trong cuộc bầu cử đó… NSDAP (Quốc xã) khi đó đã giành được 196 ghế trong quốc hội, SPD – 121, KPD (Cộng sản) – 100.
Kế hoạch của Stalin hoàn toàn khác. Ông ta không sợ Hitler lên nắm quyền. Chiến lược của Stalin đối với cuộc cách mạng ở Đức khác với cách tiếp cận trực diện của Marx và Trotsky. Hai ông này tính đến cuộc nổi dậy của giai cấp công nhân Đức. Stalin thì khác, lên kế hoạch trước tiên tiêu diệt các đảng chính trị trung dung của Đức, chủ yếu là các đảng dân chủ xã hội mà ông ta ghét, và sau đó đẩy Đức quốc xã chống lại những người cộng sản Đức, tin rằng trong cuộc đụng độ này của hai phe cực đoan, với sự vắng mặt của nhóm trung dung, những người cộng sản sẽ chiến thắng.
Stalin không phải không có lý khi cho rằng lực lượng chính của cách mạng châu Âu không phải là các cuộc nổi dậy tự phát của quần chúng, mà là Liên Xô và Hồng quân, trong khi các đảng cộng sản nước ngoài hợp nhất trong QTCS chỉ thực hiện các chức năng phụ trợ, đỡ một tay. Dưới đây là những gì mà sử gia, nhà lưu trữ lưu vong nổi tiếng Boris Nikolaevsky đã viết vào những năm 1960, khi lên kế hoạch cho cuốn sách mới có tên “Số phận của QTCS” mà rốt cuộc không được viết:
Ý tưởng chính trong chiến thuật của Stalin: động lực chính của cuộc cách mạng thế giới là Liên Xô … Tất cả những người còn lại chỉ đóng vai trò phục vụ … 1929-1939 … Tất cả lực lượng để làm nổ tung “Cộng hòa Weimar”. Hỗ trợ trực tiếp các cuộc đình công của Đức Quốc xã và tương tự… Kích động các cuộc đụng độ vũ trang. Lý thuyết chính thức: “Hitler đóng vai trò tàu phá băng của cách mạng, dọn đường cho những người cộng sản.” Thỏa thuận với quân đội Đức về một cuộc chiến thứ hai … [con đường] dẫn đến liên minh trực tiếp với Hitler. Chiến thuật của “mặt trận thống nhất” năm 1934-1939 dành cho Stalin – vỏ bọc cho chính sách chuẩn bị thỏa thuận với Hitler (Lưu trữ của Viện Hoover, Đại học Stanford, Palo Alto. Bộ sưu tập B. Nikolayevsky, hộp 511, thư mục 41).
Theo suy tính của Stalin, Hitler, kẻ thèm khát máu của kẻ thù của mình ở Đức và cuộc chiến ở châu Âu, sẽ trở thành “tàu phá băng của cách mạng”, dọn đường cho Hồng quân. Do đó, bắt đầu từ năm 1933, khi Đức Quốc xã củng cố quyền lực ở Đức, chương trình tối đa của Stalin là liên minh với Hitler nhằm gây bất ổn tình hình chính trị châu Âu, và điều này được coi là sự bảo đảm cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu. Chương trình tối thiểu vẫn là chính sách “mặt trận thống nhất” với các nền dân chủ phương Tây chống lại “kẻ xâm lược”, có nghĩa là Đức vào thời điểm đó, một mặt như một công cụ gây áp lực lên Hitler, và mặt khác ngăn chặn một liên minh Đức-Anh-Pháp có thể xảy ra để chống lại Liên Xô.
Là một phần của chính sách này, hai hiệp định lớn về tương trợ đã được ký kết vào năm 1935: giữa Pháp và Liên Xô, ký ngày 2/5, và Tiệp Khắc và Liên Xô, ký vào ngày 16/5. Theo các hiệp ước này, nếu Tiệp Khắc bị tấn công và Pháp đến trợ giúp cho Tiệp, thì Liên Xô phải trợ giúp cho Pháp và Tiệp Khắc.
Nhưng có một vài điểm tế nhị. Đầu tiên, Tiệp Khắc phải chính thức nhờ Liên Xô giúp đỡ. Thứ hai, Pháp phải đứng về phía Tiệp Khắc. Thứ ba, Liên Xô không có biên giới chung với Tiệp Khắc, do đó lãnh đạo Liên Xô nhất quyết đòi quyền để các sư đoàn Hồng quân đi qua và không quân bay qua lãnh thổ Ba Lan và Romania để đến biên giới Tiệp Khắc, và sau đó là biên giới với Đức để thực hiện các cuộc không kích vào các thành phố Đức.

Sự xảo quyệt quân sự của Stalin (hiển nhiên đối với tất cả các bên tham gia hiệp định) là một khi tiến vào các quốc gia láng giềng của Liên Xô (Ba Lan, Romania và Tiệp Khắc), Hồng quân sẽ ở lại đó mãi mãi. Nhận thức được điều này, người Ba Lan và người Romania đã liên tục và dứt khoát từ chối cho phép Hồng quân Liên Xô đi qua lãnh thổ của họ. Romania, đồng ý cho không quân bay qua trong những điều kiện nhất định, còn Ba Lan tuyên bố sẽ bắn rơi máy bay Liên Xô.
Quan hệ của Liên Xô với Ba Lan và Romania luôn căng thẳng. Trong lịch sử, Ba lan coi Nga, sau đó là Liên Xô, là một mối đe dọa. Romania trên thực tế đã sáp nhập Bessarabia năm 1918, và việc này không được Liên Xô công nhận.
Khả năng có một hiệp định Anh-Pháp-Xô mới về tương trợ là không có, vì Stalin không quan tâm đến hiệp định như vậy. Stalin chỉ quan tâm về quyền đi lại của các binh đoàn Hồng quân. Nếu không được phép đưa quân đội Liên Xô đến biên giới Đức và Tiệp Khắc, thì Stalin không có kế hoạch tham gia vào các cuộc chiến. Nhưng Ba Lan và Romania không đồng ý trao quyền đi lại cho Hồng quân: “Con ngựa thành Troy” của Stalin đe dọa làm mất chủ quyền của Ba lan, và mất Bessarabia đối với Romania.
Trong bối cảnh đó, châu Âu đã bị rúng động bởi một đòn mà các sử gia sau này gọi là sự khởi đầu thực sự của Thế chiến hai, hoặc chí ít là sự kiện trực tiếp kích động chiến tranh. Đó là “Thỏa thuận Munich” diễn ra vào tháng 9 năm 1938.
Thỏa thuận Munich không bất ngờ. Đến năm 1938, tình hình châu Âu rất thê thảm đối với các nền dân chủ phương Tây. Hoa Kỳ đã không tham gia, rút khỏi can dự vào các vấn đề của châu Âu và tuyên bố “chủ nghĩa biệt lập” là chính sách của mình. Ở Ý, Mussolini nắm quyền, ở Đức – Hitler, ở Tây Ban Nha – Franco. Ở Bồ Đào Nha và Hungary, các nhà độc tài cánh hữu đã nắm quyền. Áo không còn tồn tại: ngày 12 – 13 tháng 3 năm 1938, bị Đức đánh chiếm dưới khẩu hiệu đoàn kết hai dân tộc Đức. Không ai ở Áo hay phần còn lại của châu Âu thực sự chống lại liên minh này, được gọi là “Anschluss”. Người ta tin rằng nó đã xảy ra một cách tự nguyện, theo thỏa thuận chung của hai nước. Sau khi chiếm được Áo, Hitler công bố mục tiêu chính sách đối ngoại tiếp theo của mình: vùng đất Sudety của Tiệp Khắc, nơi người gốc Đức sinh sống.
(xem tiếp phần 2/3)