Ngày 22/6/2021 là kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức tấn công Liên xô. Radio Svoboda đăng bài phân tích của nhà sử học nổi tiếng Mỹ gốc Nga Yuri Felshtinsky trên cơ sở các tài liệu của Liên xô và Đức những năm 1939-41. Qua đây, ta có bức tranh đầy đủ về ý đồ của Stalin ủng hộ Hitler lên nắm quyền để sử dụng Hitler làm “tàu phá băng của cách mạng”, dọn đường cho Liên xô vào châu Âu. Tại sao hai bên ký Hiệp ước và nghị định thư bí mật chia chác châu Âu, và tại sao rốt cuộc Hitler đã tấn công Liên xô. Ảnh và ghi chú lấy từ bài gốc. Tiêu đề trong bài do người dịch đặt để dễ theo dõi.
Đức sáp nhập vùng đất Sudety (Sudetenland). Stalin đề nghị hợp tác.
Sudetenland (Sudety) được hợp nhất vào Tiệp Khắc năm 1919. Người Đức ở Sudety đã nhiều lần đặt vấn đề về quyền tự trị và thậm chí độc lập. Chính phủ Tiệp Khắc liên tục phải sử dụng quân đội để lập lại trật tự ở Sudety. Ở đó chưa bao giờ yên tĩnh. Bây giờ, người Đức Sudety có một đồng minh quan trọng, khát máu và sẵn sàng hành động: nước Đức của Hitler. Với lý lẽ từng được cộng đồng thế giới chấp nhận trong trường hợp của Áo, Hitler đã lên kế hoạch áp dụng tại Sudety, một phần của Tiệp Khắc đa dân tộc mới xuất hiện trên bản đồ năm 1918, chỉ 20 năm trước.

Cách duy nhất để chống lại sự thống nhất tiếp theo của “thế giới Đức” trong biên giới của một nước Đức thống nhất là bằng vũ lực. Lực lượng để chống lại Hitler có thể là nỗ lực tổng hợp của Pháp, Anh, Tiệp Khắc và Liên Xô. Ngày 20/9/1938, Tổng thống Tiệp Khắc Eduard Benes chính thức yêu cầu Liên Xô xác nhận sẵn sàng thực hiện các điều khoản của hiệp ước 1935 trong trường hợp Đức xâm lược Tiệp Khắc, và nhận được phản hồi tích cực. Mặc dù chỉ đến 23/9, Chủ tịch Dân ủy Ngoại giao Maxim Litvinov đã chỉ ra trong một công văn rằng việc Liên Xô tham gia cuộc chiến châu Âu là “không có lợi cho chúng tôi”, và đề nghị bắt đầu một cuộc tổng động viên từng phần và một chiến dịch báo chí để dọa Hitler “khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lớn với sự tham gia của chúng tôi”, nhưng hoàn toàn không phải để tiến hành cuộc chiến này.
Vào tháng 9/1938, không ai muốn đánh nhau với Đức vì vùng đất Sudety – không phải Pháp, Anh, Liên Xô, thậm chí không phải Tiệp Khắc. Pháp và Anh, đòi tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Versailles trong suốt những năm 1920, và cho đến năm 1930 vẫn cho quân chiếm đóng vùng Rhineland của Đức, vì thế mà làm suy yếu quyền lực vốn đã yếu của chính phủ Cộng hòa Weimar, vào năm 1938, quyết định không làm phức tạp tình hình và không phản đối yêu cầu của Đức Quốc xã đòi trao cho Sudety cho Đức. Dư luận châu Âu, được định hình lại sau Chiến tranh thế giới thứ nhất theo nguyên tắc quốc gia – ngôn ngữ, thấy không có gì sai trái trong mong muốn của “thế giới Đức” thống nhất thành một quốc gia duy nhất. Việc từ bỏ Sudety tỏ ra dễ dàng hơn là chiến đấu vì nó, vì rủi ro xảy ra một “cuộc chiến lớn”.
Vào ngày 30/9/1938, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc tuân theo tối hậu thư của Đức hay tiến hành chiến tranh, Beneš đã gửi một bức điện tuyệt vọng tới Stalin thông qua đặc mệnh toàn quyền của Liên Xô tại Praha, Sergei Alexandrovsky, yêu cầu giúp đỡ:
Benes yêu cầu tôi đặt câu hỏi sau đây cho chính phủ Liên Xô. Các cường quốc, thậm chí không thèm hỏi Tiệp Khắc, đã hy sinh nó cho Hitler theo cách đáng xấu hổ nhất vì lợi ích của chính họ. Quyết định cuối cùng về các thủ tục đã được trao cho Tiệp Khắc. Điều này có nghĩa là nó phải đối mặt với sự lựa chọn, hoặc là bắt đầu một cuộc chiến tranh với Đức, và đối đầu với Anh và Pháp ít nhất là trong quan hệ với các chính phủ của họ, bởi vì họ đang định hướng dư luận rằng Tiệp Khắc là nguyên nhân của chiến tranh, hoặc đầu hàng kẻ xâm lược. Vẫn còn chưa rõ quốc hội và các đảng chính trị sẽ có quan điểm nào. Bỏ ngỏ câu hỏi này, Beneš muốn biết thái độ của Liên Xô đối với hai khả năng này, tiếp tục đấu tranh hay đầu hàng. Ông ta cần biết điều này càng sớm càng tốt và yêu cầu câu trả lời trước 6-7 giờ tối theo giờ Praha, tức là 8-9 giờ Mátxcơva (Tài liệu đối ngoại Liên xô, 1938. M. 1977. Tài liệu số 393).
Benes không nhận được trả lời. Điều dở nhất mà Stalin muốn là ở trong tình trạng chiến tranh với Hitler vì Tiệp Khắc, trong khi Pháp và Anh thì không tham gia. Mà chính lựa chọn này do Benes nói ra.
Tuy nhiên, một số lời giải thích cho sự im lặng “bất lịch sự” của Liên Xô trước yêu cầu khẩn cấp của Benes cần được đưa ra. Các biên tập viên của tuyển tập “Các tài liệu về chính sách đối ngoại của Liên Xô. 1938” đã đưa nó ra năm 1977, gần 40 năm sau đó, như là “một ghi chú biên tập cho tài liệu số 393”:
Bức điện này được gửi đến Dân ủy Đối ngoại Liên Xô (NKID) vào lúc 17:00 ngày 30 tháng 9 năm 1938 theo giờ Moscow. Việc tiếp nhận và giải mã bức điện được hoàn thành chậm hơn 15 phút so với việc tiếp nhận và giải mã bức điện thứ hai từ Đặc phái viên đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Tiệp Khắc vào cùng ngày, đến NKID lúc 17:45 giờ Moscow, trong đó nói rằng Beneš đã rút lại câu hỏi của mình, vì chính phủ Tiệp Khắc quyết định đầu hàng.
Thật vậy, cùng ngày, Aleksandrovsky đã gửi một bức điện thứ hai: “Benes không còn khăng khăng đòi trả lời câu hỏi cuối cùng của mình, bởi vì chính phủ đã đưa ra quyết định chấp nhận tất cả các điều kiện. Việc chiếm đóng Sudety của quân Đức sẽ bắt đầu vào sáng mai” (tài liệu 394).
Cần lưu ý rằng bức điện đầu tiên đến được đánh dấu “Ưu tiên” cho thấy sự khẩn cấp. Bức điện thứ hai không có dấu gì. Khó tin rằng NKID đã phải mất một giờ để giải mã một thông điệp ngắn được đánh dấu “Ưu tiên” vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Sudety, trong khi bức điện thứ hai được giải mã sớm hơn.

Năm 1938, Hitler tin rằng sẽ không có rủi ro bùng phát một cuộc chiến tranh lớn, vì ông ta nhận thấy sự miễn cưỡng của các bên. Nhưng hóa ra thậm chí vào tháng 3 năm 1939, khi Hitler chiếm đóng những vùng đất cuối cùng của Tiệp Khắc, châu Âu cũng chưa sẵn sàng bắt đầu cuộc chiến với kẻ xâm lược, mà tiếp tục theo đuổi một chính sách sau này được gọi là “chính sách xoa dịu”. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Hungary và Ba Lan cũng đưa ra các yêu sách lãnh thổ đối với vùng đất bị xâu xé của Tiệp Khắc, và những yêu sách này cũng được các cường quốc châu Âu thỏa mãn.
Như để hoàn tất quá trình phân chia Tiệp Khắc, vào ngày 14/3/1939, quốc hội Slovakia tuyên bố ly khai và tuyên bố độc lập. Vào ngày 15 tháng 3, Đức chiếm nốt những vùng lãnh thổ của Cộng hòa Séc, và Tiệp Khắc biến mất khỏi bản đồ châu Âu.
Ngày 22/3/1939, chính phủ Đức ra tối hậu thư cho Lithuania yêu cầu chuyển giao vùng Klaipeda cho Đức, nơi có đa số người gốc Đức sinh sống. Khu vực Klaipeda là một phần của Lithuania từ năm 1923. Lithuania nhượng bộ. Ngày hôm sau, Hitler đến thành phố cảng Klaipeda, nay nhận lại tên Đức cũ là Memel, cùng với một nhóm tàu chiến Đức và tuyên bố sáp nhập vùng Memel vào Đức.
Với việc chiếm đóng Cộng hòa Séc và sự trở lại của Memel, Hitler đã giải quyết được các nhiệm vụ đối ngoại chính của Đế chế. Người gốc Đức (ngoại trừ những người sống ở Danzig) đã được thống nhất trong biên giới của đế chế. Nền kinh tế Đức đang bùng nổ. Tất cả các điều khoản hạn chế của Hiệp ước Versailles đã bị hủy bỏ theo thời gian (Hitler chỉ đơn giản là ngừng tuân thủ chúng). Tài sản của những người Do Thái Đức bị tịch thu, và bản thân họ cũng bị tước bỏ mọi quyền lợi, bị trục xuất khỏi Đế chế, hoặc bị bắt và đưa đến các trại tập trung.
Chính vào lúc này, khi chỉ đổ ít máu, không có chiến tranh lớn, Hitler đã đạt được tất cả những gì ông ta muốn cho nước Đức, thì Stalin gửi cho ông ta một tín hiệu mong muốn bắt đầu đàm phán: ngày 3 tháng 5 năm 1939, Stalin loại Litvinov khỏi chức vụ Ủy viên Ngoại giao Nhân dân, vì ông ta là người Do Thái và Hitler sẽ không bao giờ ngồi cùng bàn vì lý do bài Do Thái. Stalin thay ông ta bằng Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Liên Xô Molotov, một người Nga. Với sự ra đi của Litvinov, con đường đã được thông thoáng cho các cuộc đàm phán và thỏa thuận Xô-Đức. Còn lại chỉ là đáp ứng khẩu vị của các bên.

Ký Hiệp ước Xô Đức và nghị định thư mật
Đây là thời điểm thích hợp để trở lại “tàu phá băng cách mạng” Hitler và các kế hoạch đối ngoại của Stalin. Hè năm 1939, Hitler bắt đầu giải quyết “vấn đề Danzig”. Bản chất của “vấn đề Danzig” đối với Hitler là những người gốc Đức sống ở vùng Danzig trong Ba lan. Từ xa xưa, Danzig là một thành phố buôn bán của Đức. Hitler đặt vấn đề về sự thống nhất Danzig vào Đức. Điều này không chỉ đòi hỏi phải nhập Danzig vào Đức giống như Memel trước đó, mà còn mở ra một “hành lang” – gọi là “hành lang Danzig” – để kết nối Danzig với phần kia của Đức. Rõ ràng là việc chuyển giao các lãnh thổ Ba Lan này cho Đức cần phải có sự đồng ý của Ba Lan. Nhưng Hitler đã thành công với “kinh nghiệm Munich”, và với Danzig, ông ta đã lên kế hoạch hành động giống như với Sudety của Tiệp Khắc: đầu tiên, tống tiền Pháp, Anh và Ba Lan bằng cách đe dọa một cuộc chiến lớn, để có được Danzig và một “hành lang”, rồi sau đó cáo buộc Ba Lan không tuân thủ các điều kiện của hiệp định, đem quân vào Ba Lan với lý do bảo vệ lợi ích của người gốc Đức ở Ba Lan và chiếm toàn bộ Ba Lan hoặc một số phần của nó, ít nhất là các vùng lãnh thổ cạnh Danzig. Rốt cuộc, Anh, Pháp và Liên Xô đã cho phép ông ta chiếm Tiệp Khắc. Ba Lan thì khác gì?
Khác ở chỗ, Ba lan giáp với Liên Xô.
Vào ngày 20/8/1939, Hitler, đang nóng lòng giải quyết “vấn đề Ba Lan”, đã viết một bức thư cho Stalin, trong đó công khai thông báo rằng ông ta có kế hoạch xử lý Ba Lan trong tương lai gần, và do đó quan tâm đến ký hiệp ước không xâm lược với Liên Xô sớm nhất. Để ký một hiệp ước như vậy, Hitler đã đề nghị Stalin cho phép khẩn cấp cử Bộ trưởng Ngoại giao Ribbentrop đến Moscow. Ngày 23/8, Stalin trả lời đồng ý tiếp đón Ribbentrop.
Kế hoạch của Hitler, nếu chúng ta lưu ý đến các thỏa thuận với Stalin, rất đơn giản: Quân đội Liên Xô và Đức đồng thời tấn công biên giới Ba Lan và xóa sổ nhà nước Ba Lan, và Đức một lần nữa tránh được một cuộc chiến tranh lớn, bởi vì một khi Liên Xô đồng lõa phân chia Ba Lan, Pháp và Anh sẽ buộc phải trở lại kịch bản Tiệp Khắc. Hitler không thấy bất kỳ sự phức tạp nào với một kế hoạch quỷ quyệt nhưng đơn giản như vậy. Thật vậy, vào ngày 23/8, Molotov và Ribbentrop đã ký kết tại Moscow một hiệp ước không xâm lược Xô-Đức và một nghị định thư bí mật về việc phân chia châu Âu, quy định những quốc gia nào thuộc phạm vi lợi ích của Liên Xô.
Nói một cách đơn giản, theo hiệp ước, Liên Xô nhận được các nước Baltic, Đông Ba Lan, Phần Lan và Bessarabia. Hãy chú ý đến thực tế là Hitler đã không yêu cầu Stalin đồng ý về việc chiếm đóng Pháp, Bỉ, Hà Lan và các quốc gia châu Âu khác, hay việc bắt đầu các hành động chiến tranh với họ. Hitler chỉ cần sự đồng ý của Stalin về cuộc chiến với Ba Lan. Hitler, vào thời điểm này, vẫn hy vọng tránh được một “cuộc chiến tranh lớn”.
Vấn đề “cuộc chiến tranh lớn” đã được Hitler thảo luận trong cuộc gặp với Mussolini vào ngày 15-16 tháng 4 năm 1939, tức là ngay sau khi Tiệp Khắc và Memel bị chiếm đóng. Sau đó, các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đã đồng ý về ngày bắt đầu một cuộc chiến tranh như vậy: không sớm hơn năm 1943. Còn hiện giờ mới là tháng 8 năm 1939.
Vậy tại sao, với diễn biến các sự kiện như vậy, Hitler lại cần một hiệp ước không gây hấn với Stalin? Hitler lo sợ rằng Stalin, mặc dù không có một hiệp định chung mới về tương trợ với Pháp và Anh (các cuộc đàm phán ba bên tiến hành rất lừng khừng), sẽ vin vào việc Ba Lan từ chối để Hồng quân đi qua lãnh thổ của họ, và Liên Xô sẽ tham chiến, vượt qua biên giới Ba Lan mà không có sự đồng ý của chính phủ Ba Lan, chiếm một phần lãnh thổ Ba Lan, và sẽ mở một mặt trận phía đông chống lại quân đội Đức.
Một kịch bản như vậy đối với Hitler là vô cùng bất lợi và nguy hiểm. Hitler không thể chấp nhận rủi ro lớn như vậy vào tháng 8 năm 1939. Nếu không ký hiệp ước với Stalin, Hitler không thể tấn công Ba Lan. Hitler chỉ có thể bắt đầu chiến tranh trong một trường hợp – nếu về phần mình, Stalin cam kết không mở mặt trận thứ hai chống lại Đức, tức là ông ta hứa sẽ không tấn công Đức. Do đó, Đức rất cần ký một hiệp ước không xâm lược với Liên Xô trước khi bắt đầu các chiến dịch tấn công Ba Lan.

Rõ ràng, để ký được hiệp ước mà Hitler cần, Đức sẵn sàng đồng ý cho Liên Xô chiếm đóng một số quốc gia Đông Âu. Hitler biết Stalin chủ yếu quan tâm đến Ba Lan, và ông ta “thành thật” đề nghị chia nó. Đông Ba Lan, theo thỏa thuận, sẽ thuộc về Liên Xô, và Molotov công khai giải thích một cách vô liêm sỉ với Đức rằng Hồng quân sẽ tiến vào Ba Lan dưới khẩu hiệu của vỏ bọc tuyên truyền về việc giúp đỡ người Ukraine và Belarus, để không trông giống như một “kẻ xâm lược “. Vì lợi ích của công việc, Đức đã không phản đối việc đặt vấn đề như vậy. Hitler cũng biết rằng Liên Xô không công nhận Bessarabia là lãnh thổ của Romania, và đồng ý trả Bessarabia cho Liên Xô. Tất nhiên, Hitler cũng nhớ Latvia, Lithuania, Estonia và Phần Lan từng thuộc Đế quốc Nga trước cách mạng, và “vui lòng” đồng ý trả lại những nước này cho Stalin.
Stalin đã có thể ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ hai. Tất cả những gì ông ta phải làm cho là không ký một hiệp ước không xâm lược với Hitler vào ngày 23 tháng 8 năm 1939, vì Hitler không thể mạo hiểm một cuộc chiến tranh lớn. Tất nhiên, trong trường hợp này, về phần mình, Stalin sẽ không có được cuộc chiếm đoạt lãnh thổ năm 1939-1940 và có nguy cơ rằng vào tháng 8 năm 1939, ông ta có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến không mong muốn ít nhất là vào thời điểm đó – cuộc chiến với Đức Quốc xã, nếu chúng ta giả định rằng, sau khi tấn công Ba Lan, Hitler có thể chuyển sang đánh Liên Xô.
Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 1939, một viễn cảnh như vậy có vẻ không thực tế, đặc biệt là vì Stalin đã có thể vào tháng 8 năm 1939 hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó ký kết một hiệp định tương trợ với Anh và Pháp, tương tự như hiệp định năm 1935 với Pháp và Tiệp Khắc. Với một hiệp ước như vậy, Hitler chắc chắn sẽ không dám tấn công ngay cả Ba Lan, vì sẽ bị hở hậu phương phía tây, chứ chưa nói đến việc tiến xa hơn về phía đông.
Nhưng khi đó, như đã chỉ ra, Stalin sẽ không có được Đông Ba Lan và tất cả các quốc gia Đông Âu liệt kê trong nghị định thư bí mật Xô – Đức về việc phân chia châu Âu được ký vào ngày 23/8, bởi vì không giống Đức, Anh và Pháp không có kế hoạch đổi chác các lãnh thổ nước ngoài với Stalin. Cuộc xâm lược Ba Lan của Đức được Hitler lên kế hoạch vào ngày 26/8. Chính vì lý do này mà ông ta đã rất vội vàng cử Ribbentrop đến Moscow để ký kết hiệp ước không xâm lược Xô-Đức. Nhưng, nước Anh đã bất ngờ can thiệp vào kế hoạch đơn giản và rõ ràng này của hai quốc gia tội phạm nhằm chia chác Ba lan. Trong một nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn sự cuộc xâm lược Xô-Đức chống lại Ba Lan, một ngày trước khi bắt đầu các chiến dịch quân sự của Hitler, vào ngày 25/8, Anh đã ký “Liên minh quân sự Anh-Ba Lan” với Ba Lan, theo đó trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công, bên kia có nghĩa vụ tuyên chiến với kẻ xâm lược. Với hiệu lực của hiệp ước tương trợ Anh-Pháp, điều này có nghĩa là Pháp cũng sẽ tuyên chiến với Đức.
(xem tiếp phần 3/3)
Pingback: Thế chiến 2 đã bắt đầu như thế nào? | Phan Phuong Dat