Thung lũng Quái đản (Uncanny Valley) là gì?

Đa số các bài tiếng Việt trên Internet dịch là Thung lũng Kỳ lạ, nhưng theo tôi phải dịch là Quái đản. Bài wikipedia tiếng Trung viết là Khủng Bố Cốc (恐怖谷). Nội dung dưới đây chắc sẽ giải thích được là tại sao.

Khái niệm này lần đầu được Giáo sư robotics Masahiro Mori đề cập bằng tiếng Nhật năm 1970. Trong một cuốn sách tiếng Anh năm 1978, nó được dịch word-to-word thành uncanny valley, và dần dần người ta liên kết nó với khái niệm Uncanny của Ernst Jentsch trong lĩnh vực phân tâm học, được đề cập trong bài viết năm 1906 “On the Psychology of the Uncanny”. Khái niệm trở nên nổi tiếng vì được Freud phân tích trong bài The Uncanny (Những thứ Quái đản) năm 1919.

Trong bài trên, Freud tìm cách định nghĩa khái niệm ‘quái đản’ và giải thích về mặt tâm lý rằng tại sao người ta lại có cảm giác là thứ gì đó quái đản. Quái đản không chỉ là đáng sợ, mà là đáng sợ nhưng phải thêm yếu tố nào đó nữa. Yếu tố đó là sự quen thuộc, không phải là nỗi sợ với những thứ xa lạ. Tức là, có những thứ quen thuộc với ta, nhưng khiến ta thấy sợ, lấy làm quái đản. Nỗi sợ đó là sự ghê rợn. Freud trích lời Jentsch: quái đản là khi chúng ta thấy một sinh vật trông rõ là sống, nhưng lại cảm thấy nghi ngờ rằng hình như chúng không có hồn, và ngược lại, một đồ vật không sống nhưng dường như lại có hồn. Quái đản là khi sự giống nhau giữa một đồ vật và một sinh vật đi quá xa, như đôi khi ta cảm thấy với hình nhân, búp bê, hay robot. Freud giải thích, hiện tượng đó là vì khi đối mặt với các thứ quái đản, có những cảm xúc sợ hãi mà ta đã kìm nén bỗng quay trở lại xâm chiếm ta.

Vì trong cuộc sống không dễ tạo ra cảm giác này để mà phân tích, nên Freud viện đến các câu chuyện kể, như truyện Người Cát của Hoffmann năm 1816 (bản dịch tiếng Việt năm 1974). Nhân vật Olympia trong đó là một người máy giống người – khi đó gọi là automaton chứ chưa gọi là robot, vì chữ robot chỉ xuất hiện năm 1920. Truyện kiếm hiệp “Đoản kiếm thù” cũng có đoạn hai cao thủ của Quỷ Phủ môn vận công phu điều khiển hai xác chết cầm búa đánh nhau, và chương này tên là “Quỷ Phủ môn làm trò quái đản”.

Trong bài cùng tên, Seth Godin cảnh báo các nhà tiếp thị nên chú ý đến vấn đề này khi databases và thuật toán dự báo của họ chạy tít quá. Khách hàng sẽ không thích nếu khách sạn phục vụ họ bữa sáng giống hệt lần lưu trú trước, hay một nhân viên phục vụ làm ra vẻ là bạn của khách hàng chỉ vì đã đọc về khách trong database. Câu chuyện tương tự với các AI như ChatGPT.

Chi tiết hơn có thể xem bài wikipedia tiếng Anh, hoặc các bài tiếng Việt trên Internet.

Leave a Reply