Vai trò thiết yếu của Chứng nhân Khai sáng trong xã hội

Giới thiệu của DatPP: bài viết ngắn của A. Miller giải thích về 2 khái niệm quan trọng trong lý thuyết của bà: chứng nhân giúp đỡ (helping witness) và chứng nhân khai sáng / giác ngộ (enlightened witness).

Từ khi còn nhỏ, tôi đã tự hỏi tại sao nhiều người lại lấy làm vui khi hạ nhục người khác. Rõ ràng là có nhiều người nhạy cảm với nỗi đau của người khác, chứng tỏ sự thôi thúc làm tổn thương người khác có tính hủy hoại này không phải là một khía cạnh phổ biến của bản chất con người. Vậy thì, tại sao một số người lại có xu hướng giải quyết vấn đề của mình bằng bạo lực, trong khi những người khác thì không?

Triết học đã không trả lời được câu hỏi của tôi, và cái lý thuyết của Freud về ước muốn được chết chưa bao giờ thuyết phục được tôi. Chỉ đến khi xem xét kỹ lưỡng lịch sử thời thơ ấu của những kẻ giết người, đặc biệt là giết người hàng loạt, thì tôi mới bắt đầu hiểu được gốc rễ của thiện và ác: không phải do gen di truyền như người ta vẫn tin, mà thường là ở những ngày đầu tiên của cuộc đời. Ngày nay, đối với tôi, thật không thể tưởng tượng được rằng một đứa trẻ chào đời trong vòng tay của cha mẹ quan tâm, yêu thương và bảo vệ lại có thể trở thành một con quái vật hại người. Còn trong thời thơ ấu của những kẻ giết người và sau đó trở thành độc tài, thì tôi luôn tìm thấy một cơn ác mộng kinh hoàng, một danh mục những dối trá và hạ nhục liên tục, mà khi trưởng thành, đã thôi thúc họ thực hiện những hành động trả thù xã hội không thương tiếc. Những hành động báo thù này luôn được khoác lên mình những hệ tư tưởng đạo đức giả, rằng mong muốn duy nhất và quan trọng nhất của nhà độc tài là hạnh phúc của người dân của ông ta. Bằng cách này, ông ta đã bắt chước chính cha mẹ mình một cách vô thức, những người trước đó cũng khăng khăng rằng những trận đòn của họ giáng xuống đứa trẻ là vì lợi ích của chính nó. Niềm tin này cực kỳ phổ biến cách đây một thế kỷ, đặc biệt là ở Đức.

Tôi thấy thật có lý khi một đứa trẻ bị đánh đập thường xuyên sẽ nhanh chóng tiếp thu ngôn ngữ bạo lực. Đối với nó, ngôn ngữ này trở thành phương tiện giao tiếp hiệu quả duy nhất mà nó tiếp cận được. Tuy nhiên, dường như với hầu hết mọi người, những gì tôi thấy là có lý lại không thuyết phục được họ.

Khi tôi bắt đầu minh họa luận điểm của mình bằng cách lấy ví dụ về Hitler và Stalin, khi tôi cố gắng vạch trần những hậu quả xã hội của việc lạm dụng trẻ em, tôi đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt. Nhiều lần người ta bảo tôi: “Tôi cũng là một đứa trẻ bị ngược đãi, nhưng điều đó không khiến tôi trở thành tội phạm.” Khi tôi hỏi chi tiết về thời thơ ấu của họ, tôi luôn được kể về một người yêu thương họ nhưng không thể bảo vệ họ. Tuy nhiên, thông qua sự hiện diện của mình, người đó đã cho họ một khái niệm về sự tin tưởng và tình yêu.

Tôi gọi những người này là chứng nhân giúp đỡ (helping witness). Dostoyevsky, chẳng hạn, có một người cha tàn bạo, nhưng có một người mẹ yêu thương. Bà không đủ mạnh mẽ để bảo vệ anh khỏi cha, nhưng đã cho anh một quan niệm mạnh mẽ về tình yêu, mà nếu không có nó thì không thể có các tiểu thuyết của anh. Nhiều người, khi lớn, cũng đã may mắn tìm được những chứng nhân vừa khai sáng (hay giác ngộ, enlightened) vừa dũng cảm. Những người này giúp họ nhận ra những bất công mà họ phải gánh chịu, trút bỏ những cảm xúc phẫn nộ, đau đớn và tức giận với những gì đã xảy ra với họ. Những người tìm được chứng nhân như vậy thì không bao giờ trở thành tội phạm.

Có lẽ bất cứ ai tìm cách giải quyết vấn đề lạm dụng trẻ em đều đối mặt với một phát hiện rất kỳ lạ: người ta thường quan sát thấy rằng các bậc cha mẹ lạm dụng con cái có xu hướng ngược đãi và bỏ mặc chúng theo cách giống như cách chính họ đã bị đối xử khi còn nhỏ, mà không có bất kỳ ký ức có ý thức nào về trải nghiệm đó. Nhiều người biết rằng những người cha bắt nạt con mình thông qua lạm dụng tình dục thường không biết rằng chính họ cũng từng bị lạm dụng như vậy. Hầu hết là chỉ đến khi trị liệu, cả khi theo lệnh tòa án, họ mới phát hiện ra, và sửng sốt với lịch sử của chính mình. Nhờ đó họ mới nhận ra rằng trong nhiều năm đã cố gắng thực hiện lại kịch bản của chính mình, chỉ để cố thoát khỏi nó.

Việc này có thể được giải thích như thế nào? Sau khi nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm, tôi thấy rõ ràng rằng thông tin về việc lạm dụng xảy ra trong thời thơ ấu được ghi lại trong các tế bào cơ thể của chúng ta như một loại ký ức, có liên quan đến sự lo lắng bị kìm nén. Nếu thiếu sự trợ giúp của một chứng nhân được khai sáng (enlightened witness), những ký ức này sẽ không vượt ra được tầng ý thức. Khi đó chúng thường buộc người đó thực hiện các hành vi bạo lực, tái tạo lại những lạm dụng họ đã phải chịu đựng trong thời thơ ấu, vốn đã bị kìm nén để họ sống sót. Mục đích là để trốn tránh khỏi nỗi sợ của sự bất lực trước một người lớn độc ác. Nỗi sợ hãi này có thể được lảng tránh trong chốc lát bằng cách tạo ra những tình huống trong đó người từng bị lạm dụng kia đóng vai trò tích cực, vai trò của người có quyền lực, đối với một người không có quyền lực.

Nhưng đây không phải là một con đường dễ dàng để loại bỏ những nỗi sợ hãi vô thức. Và đó là lý do tại sao hành vi tội lỗi được lặp đi lặp lại không ngừng. Người ta sẽ phải liên tục tìm ra nạn nhân mới, như gần đây đã được chứng minh bằng các vụ bê bối ấu dâm ở Bỉ. Cho đến ngày hấp hối, Hitler vẫn tin chắc rằng chỉ có cái chết của tất cả người Do Thái mới có thể che chở cho ông ta khỏi ký ức đáng sợ hàng ngày về người cha tàn bạo của mình. Vì cha ông ta mang một nửa dòng máu Do Thái nên toàn bộ người Do Thái phải bị tiêu diệt. Tôi biết là rất dễ để loại bỏ cách giải thích này về Holocaust, nhưng thành thật mà nói, tôi vẫn chưa tìm được lời giải thích nào tốt hơn. Bên cạnh đó, trường hợp của Hitler cho thấy hận thù và sợ hãi không thể giải quyết bằng quyền lực, thậm chí là quyền lực tuyệt đối, chừng nào lòng căm thù đó còn được chuyển sang những vật hy sinh chứ không phải sang nguồn gốc gây ra nó. Ngược lại, nếu xác định được nguyên nhân thực sự của sự thù hận, được trải nghiệm cùng với những cảm giác đi kèm khi nhận ra nó, thì lòng căm thù mù quáng đối với những nạn nhân vô tội có thể được xua tan. Tội phạm tình dục sẽ dừng hành vi đồi bại nếu họ vượt qua được chứng mất trí nhớ và khóc thương cho số phận bi thảm của mình, nhờ sự đồng cảm của một chứng nhân khai sáng. Vết thương cũ có thể được chữa lành nếu được phơi ra ánh sáng ban ngày. Nhưng chúng không thể được chối bỏ bằng cách trả thù.

Một đoàn làm phim Nhật đã quay một bộ phim về công việc trị liệu trong một nhà tù ở Arizona, nơi mà phương pháp trị liệu dựa một phần vào các cuốn sách của tôi. Tôi đã được gửi băng video và thấy kết quả rất có tính phát lộ. Các tù nhân làm việc theo nhóm, nói rất nhiều về thời thơ ấu của họ, và một số người trong số họ nói: “Tôi đã đi khắp nơi và giết những người vô tội để tránh những cảm giác mà tôi có ngày hôm nay. Nhưng tôi biết rằng tôi có thể chịu đựng những cảm giác này trong nhóm, nơi tôi cảm thấy an toàn. Tôi không cần phải chạy khắp nơi và giết chóc nữa, tôi đang ở nhà và tôi đã nhận ra điều gì đã xảy ra. Quá khứ lùi xa, và sự tức giận của tôi cũng lùi xa cùng với nó.”

Để quá trình này thành công, một người đã lớn lên mà không có chứng nhân giúp đỡ trong thời thơ ấu của mình sẽ cần sự hỗ trợ của các chứng nhân khai sáng, những người đã hiểu và nhận ra hậu quả của việc lạm dụng trẻ em. Trong một xã hội được thông tin đầy đủ, thanh thiếu niên có thể học cách nói ra sự thật của mình và khám phá bản thân trong câu chuyện của chính mình. Họ sẽ không cần phải trả thù bằng vũ lực cho những vết thương của họ, hoặc đầu độc hệ thống của họ bằng ma túy, nếu họ có may mắn nói chuyện với người khác về những trải nghiệm ban đầu của họ và thành công trong việc nắm bắt được sự thật trần trụi về bi kịch của chính họ. Để làm được điều này, họ cần sự trợ giúp từ những người nhận thức được quá trình động của việc lạm dụng trẻ em, những người có thể giúp họ giải quyết các cảm xúc của mình một cách nghiêm túc, hiểu các cảm xúc đó và hòa nhập chúng, như một phần trong câu chuyện của chính họ, thay vì trả thù cho họ bằng những người vô tội.

Người ta đã gán một cách sai lầm cho tôi luận điểm rằng mọi nạn nhân chắc chắn sẽ trở thành kẻ truy sát, một luận điểm mà tôi thấy sai hoàn toàn, thậm vớ vẩn. Đã có nhiều chứng minh rằng nhiều người trưởng thành đã may mắn thoát khỏi vòng quay của lạm dụng nhờ hiểu biết về quá khứ của họ. Tuy nhiên, tôi chắc chắn có thể khẳng định rằng tôi chưa bao giờ gặp những kẻ truy sát mà không phải là nạn nhân thời thơ ấu của họ, mặc dù hầu hết họ không biết điều đó vì cảm xúc của họ đã bị kìm nén. Những tội phạm này càng ít biết về bản thân thì càng nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là nhà trị liệu phải hiểu được sự khác biệt giữa khẳng định sai rằng “mọi nạn nhân rốt cuộc đều trở thành kẻ truy sát”, và khẳng định mà tôi cho là đúng, rằng “mọi kẻ truy sát đều là nạn nhân của thời thơ ấu của mình”. Vấn đề là, vì không cảm thấy gì, nên hắn ta không nhớ gì, không nhận ra điều gì, và đây là lý do tại sao các cuộc điều tra không phải lúc nào cũng tiết lộ sự thật. Tuy nhiên, sự hiện diện của một chứng nhân khai sáng ấm áp, – có thể là nhà trị liệu, nhân viên trợ giúp xã hội, luật sư, thẩm phán – có thể giúp tên tội phạm mở khóa những cảm xúc bị kìm nén và khôi phục dòng chảy không bị ngăn cản của ý thức. Điều này có thể khởi đầu quá trình thoát khỏi vòng luẩn quẩn của mất trí nhớ và bạo lực.

Alice Miller, 1997

Dịch từ: The Essential Role of an Enlightened Witness in Society

Leave a Reply