Lời người dịch. Đây là chương 13 trong sách On Becoming a Person của nhà tâm lý học Carl Rogers (tiêu đề bản dịch tiếng Việt là Tiến Trình Thành Nhân). Ông là cha đẻ của liệu pháp lấy thân chủ làm trung tâm (client-centered therapy), và từ đó phát triển ra phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm (student-centered teaching), và tiếp theo là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong mọi giao tiếp.
Bài nói này từ 1952, và bao gồm các suy ngẫm sâu sắc của tác giả về việc dạy và học. Nó đã gây tranh cãi tại thời điểm đó và có lẽ vẫn khiến người đọc ngày nay phải giật mình suy nghĩ lại về những trải nghiệm và cảm nhận của mình, một cách thẳng thắn, tự tin và cầu thị.
Tôi không ưng bản dịch tiếng Việt có sẵn nên đã dịch lại, nhân dịp Ngày Nhà giáo 20/11. Trong bài, các chữ có ý nhấn mạnh là của nguyên tác.
Personal Thoughts on Teaching and Learning
Đây là chương ngắn nhất trong cuốn sách, nhưng trong kinh nghiệm của tôi thì lại là chương nổ như bom nhất. Nó có một lịch sử thú vị với tôi.
Có lần tôi đã đồng ý, trước nhiều tháng, tham dự một hội nghị do Đại học Harvard tổ chức về “Các phương pháp giảng dạy tác động đến hành vi con người”. Tôi được đề nghị demo phương pháp “giảng dạy lấy người học làm trung tâm” – cách giảng dạy dựa trên các nguyên tắc trị liệu mà tôi đã nỗ lực áp dụng trong giáo dục. Tôi cảm thấy rằng, việc dành hai giờ với một nhóm đa dạng như vậy, cố gắng giúp họ hình thành mục đích riêng và hồi đáp lại cảm xúc của họ trong quá trình đó là rất giả tạo và không thỏa đáng. Tôi không biết mình sẽ làm gì hoặc trình bày gì.
Lúc đó, tôi lên đường tới Mexico trong một trong những chuyến nghỉ đông, vẽ tranh, viết lách và chụp ảnh, đồng thời đắm mình trong các tác phẩm của Soren Kierkegaard. Tôi chắc chắn rằng việc ông ta sẵn sàng thành thật gọi sự vật bằng đúng tên của chúng đã ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn những gì tôi nhận ra.
Khi thời điểm trở về đã đến gần, tôi phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Tôi nhớ lại rằng đôi khi tôi có thể bắt đầu những cuộc thảo luận rất có ý nghĩa trong lớp bằng cách bày tỏ một số ý kiến cá nhân của riêng mình, sau đó cố gắng hiểu và chấp nhận những phản ứng và cảm xúc thường rất khác nhau của người học. Đây dường như là một cách hợp lý để giải quyết bài tập ở Harvard của tôi.
Vì vậy, tôi đã ngồi xuống viết một cách trung thực nhất có thể những kinh nghiệm của tôi với việc dạy, như cách thuật ngữ này được định nghĩa trong từ điển, và cả kinh nghiệm của tôi với việc học. Tôi không định làm giống các nhà tâm lý học, nhà giáo dục hay các đồng nghiệp thận trọng. Tôi chỉ đơn giản ghi lại những gì mình cảm thấy, với niềm tin rằng nếu tôi sai gì đó thì cuộc thảo luận sẽ giúp tôi đi đúng hướng.
Có thể tôi đã ngây thơ, nhưng lúc đó tôi không thấy nội dung mình viết có thể sẽ gây cháy nổ. Suy cho cùng, tất cả các thành viên hội nghị đều là những giáo viên có hiểu biết, có khả năng tự phê bình, và cùng chung một mối quan tâm về phương pháp thảo luận trong lớp học.
Tôi đã đến hội nghị, trình bày quan điểm của mình như được viết dưới đây chỉ trong một chút thời gian, và mở cuộc thảo luận. Tôi đã hy vọng nhận được phản hồi, nhưng tôi không ngờ được sự hỗn loạn xảy ra sau đó. Cảm xúc dâng cao. Có vẻ như tôi đang đe dọa công việc của họ, rõ ràng là tôi đang nói những điều tôi không cố ý, v.v., v.v. Và thỉnh thoảng, một giọng nói cảm kích khe khẽ vang lên từ một giáo viên, người đã cảm nhận được những điều này nhưng chưa bao giờ dám nói ra.
Tôi dám chắc rằng không một thành viên nào trong nhóm nhớ rằng cuộc họp này được coi là minh chứng cho phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Nhưng tôi hy vọng rằng khi nhìn lại, mỗi người sẽ nhận ra rằng đúng là mình đã trải qua trải nghiệm dạy học lấy người học làm trung tâm. Tôi từ chối bào chữa cho mình bằng cách trả lời những câu hỏi và sự công kích đến từ mọi phía. Tôi cố gắng chấp nhận và cảm thông với sự phẫn nộ, thất vọng, những chỉ trích mà họ cảm thấy. Tôi chỉ ra rằng mình chỉ bày tỏ một số quan điểm rất cá nhân. Tôi đã không hỏi và cũng không mong đợi người khác sẽ đồng ý. Sau nhiều sóng gió, các thành viên trong nhóm bắt đầu bày tỏ, ngày càng thẳng thắn hơn, những cảm xúc quan trọng của riêng họ về công việc giảng dạy – thường các cảm xúc khác với tôi, và thường là khác nhau. Đó là một buổi học rất kích thích suy nghĩ. Tôi ngờ rằng không có ai tham gia buổi học đó mà quên được nó.
Lời nhận xét có ý nghĩa nhất đến từ một trong những thành viên hội nghị vào sáng hôm sau khi tôi chuẩn bị rời thành phố. Tất cả những gì anh ta nói là, “Đêm qua anh đã làm nhiều người mất ngủ!”
Tôi không hề có ý định xuất bản bài nói này. Các quan điểm của tôi về liệu pháp tâm lý đã khiến tôi trở thành một “nhân vật gây tranh cãi” trong giới các nhà tâm lý và tâm thần học. Tôi không muốn thêm các nhà giáo dục vào danh sách. Tuy nhiên, bài nói này đã được các thành viên của hội nghị sao chép rộng rãi và vài năm sau, hai tạp chí đã yêu cầu được xuất bản nó.
Sau những mào đầu dài dòng về lịch sử này, bạn có thể sẽ thấy bài nói là một sự thất vọng. Cá nhân tôi chưa bao giờ cảm thấy nó gây cháy nổ. Nó vẫn thể hiện một số quan điểm sâu sắc nhất của tôi trong lĩnh vực giáo dục.
Tôi muốn trình bày một số nhận định rất ngắn gọn, với hy vọng rằng nếu chúng gây ra bất kỳ phản ứng nào từ các bạn, thì tôi sẽ có được một chút ánh sáng mới soi chiếu cho ý tưởng của mình.
Tôi cho rằng suy nghĩ là một thứ rất phiền toái, đặc biệt là khi tôi nghĩ về những trải nghiệm của chính mình và cố gắng rút ra từ những trải nghiệm đó một ý nghĩa nào đó dường như thực sự cố hữu trong chúng. Lúc đầu, lối suy nghĩ như vậy mang lại cảm giác rất thỏa mãn, vì dường như nó phát hiện ra ý nghĩa và khuôn mẫu trong một loạt các sự kiện rời rạc. Nhưng sau đó nó thường trở nên đáng thất vọng, bởi vì tôi nhận ra rằng những suy nghĩ này, vốn có nhiều giá trị đối với tôi, lại có vẻ nực cười đến thế nào đối với hầu hết mọi người. Ấn tượng của tôi là, nếu tôi cố gắng tìm ra ý nghĩa của trải nghiệm của chính mình thì nó gần như luôn dẫn tôi đi theo những hướng mà mọi người coi là phi lý.
Vì vậy, trong vài ba phút tiếp theo, tôi sẽ cố gắng tóm lược một số ý rút ra từ trải nghiệm trong lớp học và trải nghiệm tôi có được trong liệu pháp cá nhân và nhóm. Chúng không hề nhằm mục đích đưa ra kết luận cho người khác hoặc hướng dẫn người khác nên làm gì hoặc trở thành gì. Chúng là những ý tưởng chưa hoàn thiện, của thời điểm tháng 4/1952, mà kinh nghiệm đã mang lại cho tôi, cùng với một số câu hỏi khó chịu mà sự phi lý của chúng đặt ra. Tôi sẽ đặt mỗi ý tưởng trong một đoạn văn riêng có đánh số, không phải vì chúng có một thứ tự logic cụ thể nào, mà vì mỗi ý tưởng đều quan trọng riêng biệt với tôi.
a. Tôi có thể bắt đầu với điều này vì nó liên quan đến mục đích của hội nghị. Kinh nghiệm của tôi là không thể dạy người khác cách dạy. Đối với tôi, về lâu dài, cố gắng làm việc này là vô ích.
b. Đối với tôi, dường như bất cứ điều gì có thể dạy cho người khác đều tương đối không quan trọng, và có ít hoặc không có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi. Điều đó nghe có vẻ kỳ quặc đến nỗi tôi không thể không thắc mắc khi đang trình bày nó.
c. Tôi ngày càng nhận ra rằng tôi chỉ có thể quan tâm đến việc học mà có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi. Rất có thể đây chỉ đơn giản là một phong cách cá nhân.
d. Tôi cảm thấy rằng cách học duy nhất có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi là cách học tự khám phá, tự thấy thích hợp.
e. Việc học tập tự khám phá như vậy, sự thật mà một người thu nhận và đồng hóa qua kinh nghiệm đó, là không thể truyền đạt trực tiếp cho người khác. Ngay khi một người cố gắng truyền đạt kinh nghiệm đó một cách trực tiếp, thường với một sự nhiệt tình hết sức tự nhiên, thì việc đó sẽ trở thành giảng dạy, và kết quả của nó là không đáng kể. Gần đây, tôi thật nhẹ nhõm khi phát hiện ra rằng Soren Kierkegaard, triết gia người Đan Mạch, cũng đã tìm ra điều này bằng kinh nghiệm của chính ông, và đã phát biểu rất rõ ràng cách đây một thế kỷ. Điều này khiến ý kiến của tôi có vẻ ít vô lý hơn.
f. Hậu quả của những điều trên là tôi nhận ra rằng mình đã mất hứng thú làm giáo viên.
g. Khi cố gắng giảng dạy, như đôi khi tôi vẫn làm, tôi kinh hoàng trước kết quả khi chúng có vẻ là đáng kể, bởi vì đôi khi việc giảng dạy tỏ ra thành công. Khi điều này xảy ra, tôi thấy rằng kết quả thật tai hại. Nó dường như khiến người học không tin tưởng vào trải nghiệm của chính mình, và cản trở việc học hỏi quan trọng. Do đó, tôi cảm thấy rằng kết quả của việc giảng dạy hoặc là không quan trọng, hoặc có hại.
h. Khi tôi nhìn lại kết quả giảng dạy trước đây của mình, kết quả thực sự có vẻ giống vậy – hoặc đã có thiệt hại xảy ra, hoặc chẳng xảy ra điều gì đáng kể. Điều này thực sự làm tôi lo lắng.
i. Kết quả là, tôi nhận ra rằng tôi chỉ quan tâm đến việc trở thành một người học, tốt nhất là học những điều quan trọng, có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của chính tôi.
j. Tôi thấy rất bổ ích khi học, trong nhóm, trong mối quan hệ với một người như trong trị liệu, hoặc một mình.
k. Tôi thấy rằng một trong những cách tốt nhất nhưng khó học nhất đối với tôi là gỡ bỏ đi sự phòng thủ của bản thân, ít nhất là tạm thời, và cố gắng hiểu cách thức mà người kia cảm nhận về trải nghiệm của bản thân và giá trị của nó đối với họ.
l. Tôi thấy rằng một cách học khác đối với tôi là nêu ra những điều không chắc chắn của chính mình, cố gắng làm sáng tỏ những thắc mắc của mình và do đó tiến gần hơn đến ý nghĩa thực sự mà trải nghiệm của tôi có vẻ có.
m. Toàn bộ chuỗi trải nghiệm này và những ý nghĩa mà tôi đã khám phá được cho đến nay, dường như đã đưa tôi vào một quá trình vừa hấp dẫn vừa đôi khi hơi đáng sợ. Dường như nó có nghĩa là để cho trải nghiệm của tôi tiếp tục đưa tôi đi, theo hướng có vẻ là về phía trước, hướng tới những mục tiêu mà tôi chỉ có thể xác định một cách mơ hồ, khi tôi cố gắng hiểu ý nghĩa của trải nghiệm đó, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Cảm giác giống như trôi cùng một dòng trải nghiệm phức tạp, với khả năng kỳ thú là cố gắng hiểu được sự phức tạp luôn thay đổi của nó.
Tôi gần như sợ rằng dường như tôi đã rời xa bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc học cũng như việc dạy. Hãy để tôi nói thêm một điểm thực tế rằng, bản thân những suy ngẫm trên về kinh nghiệm của riêng tôi nghe có vẻ kỳ quặc và khác thường, nhưng không khiến tôi sốc. Khi nhận ra những ẩn ý đó, tôi hơi rùng mình vì thấy mình đã đi khá xa khỏi cái thế giới của lẽ thường (commonsense world) mà mọi người đều cho là đúng. Tôi có thể minh họa rõ nhất điều đó bằng cách nói rằng, nếu trải nghiệm của những người khác giống với trải nghiệm của tôi, và nếu họ phát hiện ra những ý nghĩa tương tự trong đó, có thể sẽ có những hậu quả sau:
a. Một kinh nghiệm như vậy sẽ dẫn đến việc chúng ta sẽ loại bỏ việc giảng dạy. Nếu muốn học hỏi, mọi người sẽ hội nhóm với nhau.
b. Chúng ta sẽ loại bỏ các kỳ thi. Các kỳ thi chỉ đo lường được kiểu học tập không quan trọng.
c. Hệ quả là chúng ta sẽ loại bỏ điểm số và tín chỉ, vì lý do tương tự.
d. Chúng ta sẽ loại bỏ bằng cấp như một thước đo năng lực một phần cũng vì lý do trên. Một lý do khác là bằng cấp đánh dấu sự kết thúc hoặc kết luận của một điều gì đó, trong khi người học chỉ quan tâm đến quá trình học tập liên tục.
e. Chúng ta sẽ loại bỏ việc trình bày các kết luận, vì chúng ta sẽ nhận ra rằng không ai học được gì đáng kể từ các kết luận. Tôi nghĩ tốt hơn là tôi nên dừng lại ở đây. Tôi không muốn trở nên quá mộng tưởng. Tôi chủ yếu muốn biết, liệu có điều gì trong suy nghĩ hướng nội của tôi như tôi đã cố gắng mô tả, nói lên điều gì đó trong trải nghiệm của các bạn về lớp học như các bạn đã trải qua hay không, và nếu vậy, những ý nghĩa nào tồn tại với các bạn trong trải nghiệm của các bạn.
Xin cảm ơn anh đã dịch bài này! Em đọc mà thấy thấm thía nhiều điều quá…