Tag Archives: ethics

Phân biệt: giá trị, đạo đức và luân lý

Giá trị (values, 价值) là những gì một người cho là quan trọng, là phải hành động vì nó. Giá trị quyết định hành vi của một người. Giá trị luôn gắn với một cá nhân cụ thể.

Ví dụ một người quý trọng tình bạn sẽ hy sinh vì bạn. Một người quý trọng sức khỏe sẽ dành thời gian luyện tập thể dục.

Đạo đức (morals, 道德, còn gọi là giá trị đạo đức hay chuẩn mực đạo đức) là những giá trị chung mà cộng đồng người chia sẻ. Đạo đức luôn gắn với một cộng đồng người. Đạo đức giúp trả lời câu hỏi thế nào là tốt / xấu.

Ví dụ không trộm cắp. Phải giúp đỡ trẻ em, người yếu.

Các giá trị đạo đức có thể tiềm ẩn mâu thuẫn nội tại, dẫn đến hai người của cùng một hệ chuẩn mực đạo đức có thể hành động khác nhau do các giá trị của riêng mình. Ví dụ, cùng là hệ đạo đức trung thực và phấn đấu, nhưng người trân trọng giá trị “chân thành” sẽ không gian lận, người trân trọng giá trị “thành công” sẽ có thể gian lận.

Luân lý (ethics, 伦理) quyết định việc một người làm là đúng / sai. Luân lý quy định về hành vi (đúng/ sai), trong khi đạo đức quy định về ý định (tốt/xấu). Luân lý là nỗ lực thể chế hóa các hành vi dựa trên các giá trị đạo đức. Do đó, vi phạm luân lý là phạm luật và bị trừng phạt theo quy định, còn vi phạm đạo đức thì cảm thấy tội lỗi và xấu hổ, bị chê trách.

Vì lẽ đó mà các ngành nghề có Code of Ethics chứ không phải Code of Morals (business ethics, programming ethics, v.v.) Code of Ethics liệt kê các hành vi vi phạm luân lý liên quan đến ngành nghề đó. Đến mức một doanh nghiệp thì có Code of Conduct (Bộ quy tắc ứng xử), chi tiết hóa cho mức tổ chức.

Đạo đức và luân lý có những mâu thuẫn với nhau. Ví dụ em trai là an ninh đã tiếp tay để anh mình là tội phạm trốn chạy, thì người em đã vi phạm luân lý (cũng là phạm luật) nhưng về mặt đạo đức thì tranh cãi (tình anh em vs trật tự xã hội). Còn về mặt giá trị, thì người em đã đặt giá trị “anh em ruột” lên trên hết.

Trong tiếng Việt, từ “luân lý” ít được dùng và người ta dùng từ “đạo đức” cho cả hai nghĩa, dẫn đến một số bất tiện trong thấu hiểu. Ví dụ chính quyền có khái niệm “đạo đức công vụ”, thật ra nên là “luân lý công vụ” vì là ethics, nhưng nghe không quen tai. Thật ra, nếu nền tảng đạo đức là yếu, thì các luân lý này dễ bị trở thành hình thức, đối phó, và có vẻ đang như vậy thật.

Tham khảo Global Charther of Ethics for Journalists của Int’l Federation of Journalists (tiếng Việt)

Đọc thêm về đạo đức: nhà tâm lý học Lawrence Kolhberg đưa ra lý thuyết về các giai đoạn phát triển Đạo đức ở một người. Bản giới thiệu lý thuyết này bằng tiếng Việt.