Tóm tắt: các nhà báo VN tuân thủ Quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo ban hành. Hội Nhà báo VN từng là thành viên của Tổ chức Quốc tế các Nhà báo (OIJ) từ năm 1950. OIJ thực chất ngừng hoạt động từ năm 1997, và đến 2016 thì tự giải thể và chuyển giao di sản cho Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo (IFJ). Hội Nhà báo VN không phải là thành viên của IFJ. Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN do Hội Nhà báo ban hành có những nội dung trái ngược với Điều lệ Toàn cầu Đạo đức Nhà báo của IFJ.
Nhân ngày 21/6, tìm hiểu về quy tắc đạo đức nghề báo
Gần đây, có hai sự việc khiến xã hội quan tâm: vụ một nữ diễn viên bị lộ clip riêng tư ngày 25/5, và vụ website VOV bị tấn công mạng hôm 13/6. Xét về hoạt động báo chí, nếu so sánh quy mô và tần suất, có thể thấy báo chí chính thống đưa rất ít và dè dặt về vụ đầu, và đưa tin rất nhiều và “đanh thép” về vụ sau.
Dường như, các nhà báo chính thống ít quan tâm đến việc lên tiếng bảo vệ quyền của một công dân cụ thể, mà hay lên tiếng bảo vệ các cơ quan nhà nước, tức là không ưu tiên bảo vệ quyền của một dân thường dễ tổn thương. Điều này khiến tôi tò mò đặt câu hỏi về phương châm của các nhà báo, họ cam kết làm gì, đưa tin thế nào, ưu tiên quyền lợi của ai. Thông thường, những nội dung này được thể hiện trong các loại điều lệ, đạo đức nghề nghiệp của hiệp hội quốc gia và các liên đoàn quốc tế. Và dưới đây là những gì tôi tìm hiểu ra.
Tóm tắt
- Hoạt động của nhà báo VN tuân thủ Luật báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội nhà báo VN ban hành.
- Việt Nam từng là thành viên của Tổ chức quốc tế các nhà báo (hay được gọi tắt ở VN theo kiểu Pháp là OIJ. Tiếng Anh là IOJ – Int’l Organization of Journalists) từ năm 1950 đến năm 2016 khi OIJ tự giải thể và chuyển giao di sản cho IFJ – Liên đoàn báo chí quốc tế (IFJ – Int’l Federation of Journalists)
- Cho đến nay, Việt Nam không tham gia IFJ.
- Lịch sử hình thành và phát triển của OIJ và IFJ rất thú vị.
Lịch sử các tổ chức quốc tế các nhà báo, OIJ và IFJ
Tóm tắt quá trình phát triển từ 1894 đến nay, thông tin lấy từ bài viết của nhà báo Phần Lan Kaarle Nordenstreng, nguyên Chủ tịch OIJ
- International Union of Press Associations (IUPA) thành lập năm 1894 và hoạt động trong 20 năm.
- Fédération Internationale des Journalistes (FIJ) thành lập năm 1926 và chấm dứt hoạt động tháng 6/1940 khi phát xít Đức chiếm và phá hủy trụ sở của tổ chức ở Paris.
- International Federation of Journalists of Allied or Free Countries (IFJAFC) thành lập trong khuôn khổ Đại hội các nhà báo trong chiến tranh (War Congress of Journalists) ở London năm 1941, để tiếp tục công việc của FIJ.
- Sau chiến tranh, vào tháng 6/1946, tại Đại hội Nhà báo Thế giới ở Copenhagen, Đan mạch, Tổ chức Quốc tế các Nhà báo (OIJ) được thành lập. Đại hội có sự tham gia của 165 nhà báo đến từ 21 quốc gia, gồm cả Mỹ và Liên xô.
- Đại hội hai năm 1947 tổ chức tại Praha, Tiệp khắc, chọn đặt trụ sở tại Praha.
- Năm 1948-49, bắt đầu có sự chia tách trong OIJ. Một số nhà báo Anh và Mỹ cáo buộc OIJ chịu ảnh hưởng của Nga, trụ sở chính “bị chiếm bởi cộng sản”, và tổng thư ký bị coi là “bù nhìn của Liên xô”. Một số liên đoàn quốc gia – Anh, Mỹ, các nước Bắc Âu, rời OIJ.
- Cuối thập kỷ 40, OIJ bao gồm các nước khối XHCN Đông Âu, gồm cả CHDC Đức mới thành lập, và một số tổ chức nhà báo nhỏ phương Tây được coi là “tiến bộ và dân chủ”. OIJ cũng bắt đầu kết nạp các nước đang phát triển, kể cả Trung quốc đại lục.
- Năm 1952, IFJ (Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo) được thành lập tại Đại hội ở Brussels, Bỉ. Đại hội có 41 đoàn từ 14 nước.
- Trong nỗ lực cố gắng hợp nhất OIJ và IFJ, cuốc Gặp gỡ Nhà báo Thế giới (World Meeting of Journalists) được tổ chức tại Helsinki, Phần Lan năm 1956, với sự tham gia của 250 nhà báo từ 44 nước. Tại đây, International Committee for the Cooperation of Journalists (ICCJ) được thành lập để hợp nhất hai tổ chức quốc tế, nhưng không thành công. Đến giữa những năm 60, ICCJ giải thể.
- Thập kỷ 60, OIJ tích cực kết nạp các thành viên cấp khu vực như châu Phi, khối Ả rập và Mỹ Latin. OIJ cũng kêu gọi sự đoàn kết quốc tế với Việt Nam, vì Trung quốc đã rời đi sau các mâu thuẫn với Liên xô. IFJ cũng mở rộng ra các nước châu Phi và Mỹ Latin, nhưng chọn cách tiếp cận từng quốc gia thay vì khu vực.
- Những năm 60 và 70, OIJ tăng gấp đôi số thành viên, tổ chức nhiều hoạt động đào tạo và xuất bản. OIJ có nguồn tài chính là một số công ty đặt ở Tiệp và Hung (Videopress, Interpress).
- Giữa thập kỷ 80 là thời hoàng kim của OIJ, với số nhà báo đến năm 1990 là 300K người.
- Năm 1973, lãnh đạo OIJ và IFJ bắt đầu gặp gỡ trở lại. Từ 1976, lãnh đạo hai bên dự đại hội của nhau. UNESCO là tổ chức đứng ra kết nối, và định hợp nhất thành World Council of Journalists. Nhưng đến những năm 90 thì sáng kiến này không còn ý nghĩa vì trật tự thế giới đã thay đổi.
- Sau khi khối XHCN Đông Âu sụp đổ, ở Tiệp Khắc, OIJ bị chính quyền mới cho là đối tác của chế độ đàn áp cũ. Năm 1991, OIJ bị chính quyền mới yêu cầu rời trụ sở khỏi Tiệp khắc. OIJ khởi kiện, và kiện tụng đến 1997 thì chấm dứt. Đại hội cuối cùng của OIJ diễn ra ở Amman, Jordan năm 1995. Hội nghị Ban chấp hành cuối cùng năm 1996 ở Hà nội.
- Năm 1997, sau cái chết của Tổng thư ký Nieva (người Phi-lip-pin), OIJ coi như đã chấm dứt hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên danh nghĩa. Đến 2016, Chủ tịch và Chủ tịch danh dự của OIJ gửi thư đến Đại hội thứ 29 của IFJ tại Pháp, tuyên bố chấm dứt hoạt động và chuyển giao di sản cho IFJ.
- IFJ cho biết, hiện có 600K nhà báo từ 187 tổ chức thuộc 140 quốc gia. Không có Việt Nam.
Tham gia của Việt Nam vào OIJ
Theo nhà báo Phan Quang, Việt Nam tham gia OIJ từ đại hội 3 năm 1950 ở Helsinki. Khi đó, hai nhà báo Trần Lâm và Thép Mới đại diện VN đến dự. Tác giả kể, sau đại hội Amman 1995, OIJ muốn chuyển trọng tâm sang châu Á. Tác giả đã đi cùng đoàn lãnh đạo OIJ sang Trung quốc để thuyết phục TQ tham gia OIJ trở lại, nhưng bất thành.
Sau khi OIJ tự giải thể, Hội nhà báo VN không tham gia IFJ.
Các quy định của VN đối với các nhà báo
Luật Báo chí 2016 (trích)
Điều 25.3.e về nghĩa vụ của nhà báo: Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Điều 8.2.b về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội nhà báo: Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo
10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam của Hội nhà báo VN (2016)
Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật ;Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.
Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.
Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.
Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.
Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.
Điều lệ Toàn cầu Đạo đức các Nhà báo (2019)
(Global Charter of Ethics for Journalists)
Điều lệ Toàn cầu của IFJ về Đạo đức các Nhà báo được thông qua tại Đại hội IFJ Thế giới lần thứ 30 ở Tunis vào ngày 12/6/2019, hoàn thiện Tuyên bố IFJ về Nguyên tắc Ứng xử của các Nhà báo (1954), được gọi là Tuyên bố Bordeaux.
Quyền của tất cả mọi người được tiếp cận thông tin được nhắc đến trong Điều 19 của Tuyên bố chung về Nhân quyền, là nền tảng cho sứ mệnh của nhà báo. Trách nhiệm của nhà báo đối với công chúng phải được đặt lên trên bất kỳ trách nhiệm nào khác, bao gồm trách nhiệm với người sử dụng lao động của họ và các cơ quan công quyền. Báo chí là một nghề đòi hỏi thời gian, nguồn lực và phương tiện để thực hành – tất cả đều cần thiết cho sự độc lập của nó. Tuyên bố quốc tế này quy định các nguyên tắc ứng xử của các nhà báo trong việc tìm hiểu, biên tập, truyền tải, phổ biến và bình luận tin tức và thông tin, và trong mô tả các sự kiện, trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào.
- Tôn trọng sự kiện (fact) và quyền của công chúng đối với sự thật (truth) là nhiệm vụ trên hết của nhà báo.
- Khi thực hiện nhiệm vụ này, nhà báo luôn phải bảo vệ các nguyên tắc tự do trong việc thu thập và công bố tin tức một cách trung thực, và quyền bình luận và chỉ trích công bằng. Anh/chị ta phải đảm bảo sự phân biệt rõ ràng giữa thông tin thực tế (fact) với bình luận và phê bình.
- Nhà báo chỉ được đưa tin phù hợp với sự kiện (fact) của mà anh/chị ta biết nguồn gốc. Nhà báo không được che giấu thông tin cần thiết hoặc làm sai lệch bất kỳ tài liệu nào. Anh/chị ta phải cẩn thận để sao chép trung thực các tuyên bố và các tài liệu khác mà những người không của công chúng (non-public persons) đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội.
- Nhà báo chỉ được sử dụng các phương pháp ngay thẳng (fair) để có được thông tin, hình ảnh, tài liệu và dữ liệu, và anh/chị ta phải luôn thông báo về tư cách nhà báo của mình và kiềm chế việc ghi lén hình ảnh và âm thanh, ngoại trừ trường hợp anh/chị ta không thể thu thập thông tin mà đông đảo công chúng quan tâm bằng cách khác. Anh/chị ta có quyền tiếp cận tự do tới tất cả các nguồn thông tin và quyền tự do điều tra tất cả các sự kiện (fact) mà công chúng quan tâm.
- Khái niệm về sự khẩn cấp hoặc tức thời trong việc phổ biến thông tin không được đặt lên trên việc xác minh dữ kiện, nguồn và / hoặc đề nghị trả lời
- Nhà báo phải cố gắng hết sức để sửa chữa mọi sai sót hoặc thông tin đã đăng được phát hiện là không chính xác một cách kịp thời, rõ ràng, đầy đủ và minh bạch.
- Nhà báo phải giữ bí mật nghề nghiệp liên quan đến nguồn thông tin họ nhận được một cách bí mật.
- Nhà báo phải tôn trọng quyền riêng tư. Anh/chị ta phải tôn trọng phẩm giá của những người được nêu tên và/hoặc được nhắc đến, và thông báo cho người được phỏng vấn rằng cuộc trò chuyện và các tài liệu khác sẽ được công bố hay không. Anh/chị ta phải dành sự quan tâm đặc biệt cho những người trả lời phỏng vấn thiếu kinh nghiệm và dễ bị tổn thương.
- Các nhà báo phải đảm bảo rằng việc phổ biến thông tin hoặc quan điểm không góp phần thúc đẩy sự thù hận hoặc định kiến, và sẽ cố gắng hết sức để tránh tạo điều kiện cho phân biệt đối xử dựa trên các lý do như địa lý, nguồn gốc xã hội hay dân tộc, chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, ngôn ngữ, tôn giáo, khuyết tật, quan điểm chính trị và các loại quan điểm khác.
- Nhà báo phải coi các hành vi sau là sai trái nghề nghiệp nghiêm trọng:
- đạo văn
- bóp méo sự thật
- vu khống, bôi nhọ, phỉ báng, cáo buộc vô căn cứ
- Nhà báo không được làm vai trò phụ trợ của cảnh sát hay các lực lượng an ninh khác. Chỉ có thể yêu cầu anh/chị ta cung cấp thông tin đã được đăng trên phương tiện truyền thông.
- Nhà báo phải thể hiện tình đoàn kết với đồng nghiệp của mình, mà không từ bỏ quyền tự do điều tra của mình, nghĩa vụ thông báo, và quyền tham gia vào phê bình, bình luận, châm biếm và lựa chọn biên tập.
- Nhà báo không được sử dụng quyền tự do báo chí để phục vụ bất kỳ lợi ích nào khác, và sẽ không nhận bất kỳ lợi ích không công bằng hay lợi lộc cá nhân nào vì việc phổ biến hoặc không phổ biến thông tin. Anh/chị ta phải tránh – hoặc chấm dứt – bất kỳ tình huống nào có thể dẫn anh/chị ta đến xung đột lợi ích trong việc thực hiện nghề nghiệp của mình. Anh/chị ta phải tránh bất kỳ sự lẫn lộn nào giữa hoạt động của mình và hoạt động quảng cáo hoặc tuyên truyền. Anh/chị ta phải kiềm chế khỏi bất kỳ hình thức giao dịch nội gián và thao túng thị trường nào.
- Nhà báo sẽ không thực hiện bất kỳ hoạt động hay sự tham gia nào mà có khả năng đe dọa tính độc lập của mình. Tuy nhiên, anh/chị ta phải tôn trọng các phương pháp thu thập / phổ biến thông tin mà mình đã tự nguyện chấp nhận, chẳng hạn như “off the record”, ẩn danh hoặc cấm phổ biến, với điều kiện là những cam kết này là rõ ràng và không thể tranh cãi.
- Các nhà báo xứng đáng với danh hiệu đó sẽ coi việc tuân thủ trung thực các nguyên tắc nêu trên là nghĩa vụ của mình. Họ không bị ép buộc phải thực hiện một hành động nghề nghiệp hay thể hiện một ý kiến mà trái với niềm tin chuyên môn hay lương tâm của mình.
- Trong phạm vi pháp luật của mỗi quốc gia, nhà báo phải công nhận trong các vấn đề danh dự nghề nghiệp, quyền tài phán của các cơ quan tự quản và độc lập, công khai với công chúng, để loại trừ mọi hình thức can thiệp của các chính phủ hoặc những cơ quan quyền lực khác.
(dịch từ nguồn tiếng Anh, đối chiếu bản tiếng Nga)
Pingback: Phân biệt: giá trị, đạo đức và luân lý | Phan Phuong Dat