Anton Tchekhov: 8 phẩm chất của người có văn hóa

Anton Tchekhov: 8 phẩm chất của người có văn hóa

Lược dịch từ http://www.adme.ru/tvorchestvo-pisateli/anton-chehov-8-kachestv-vospitannogo-cheloveka-493305/, http://www.brainpickings.org/2013/01/29/anton-chekhov-8-qualities-of-cultured-people/

Hơn 100 năm trước, nhà văn Nga đã viết một bức thư cho anh trai Nikolai – một họa sỹ tài năng nhưng yếu đuối và nghiện ngập. Tchekhov hiểu và lo lắng vì những nhược điểm của anh, thất vọng vì thái độ bất cần của ông anh đối với tài năng hội họa của bản thân. Nhà văn đã viết một bức thư thẳng thắn, cảm động (khi đó Anton 26 và Nikolai 28 tuổi) mà chúng ta cũng nên đọc. Có thể chúng ta không nghiện rượu, nhưng không ít người cũng suốt ngày than thân trách phận, hạ thấp tài năng và làm ra vẻ “không ai hiểu ta”. Làm thế chỉ tổ thiệt thân và đau lòng những người không vô cảm với mình.

“Moskva 1886.

Anh hay phàn nàn với em là “mọi người không hiểu”. Vĩ đại như Goethe hay Newton cũng không phàn nàn thế. Chúa Giê-su có phàn nàn, nhưng là về những điều Ngài giảng chứ không về bản thân. Mọi người hiểu anh rất rõ. Và nếu anh không hiểu bản thân anh thì đâu phải lỗi người khác.

Anh hãy tin là em, một người thân và gần gũi, rất hiểu và thông cảm với anh. Tất cả những phẩm chất tốt đẹp của anh em đều biết như bàn tay của mình, đánh gia cao và tôn trọng chúng. Nếu anh muốn, em có thể liệt kê chúng ra đây để làm bằng chứng. Theo em, anh tốt bụng đến mức bạc nhược, cao thượng, không ích kỷ, sẵn sàng chia sẻ đến đồng xu cuối cùng, chân thành; anh xa lạ với tính đố kỵ và thù hằn, chất phác, thương người và động vật, không ranh mãnh, không thù dai, cả tin… Anh được ban cho thứ mà người khác không có: tài năng. Tài năng đó đặt anh cao hơn hàng triệu người.

Tài năng cho anh một vị trí đặc biệt: người ta sẽ vẫn kính trọng anh ngay cả khi anh là cóc nhái hay nhện độc, bởi người ta sẵn sàng tha thứ tất cả vì tài năng. Anh chỉ có một nhược điểm: hoàn toàn vô văn hóa (vô giáo dục). Em xin lỗi vì nói thế, nhưng veritas magis amicitiae (sự thật quý hơn tình bạn). Vấn đề là ở chỗ, cuộc sống có những điều kiện của mình. Để sống được trong môi trường trí thức, để không cảm thấy xa lạ và nặng nề, cần phải có văn hóa. Người có văn hóa, theo em, phải đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Họ tôn trọng nhân cách con người, do đó luôn khiêm nhường, mềm mỏng, lịch thiệp, nhường nhịn. Sống cùng ai đó, họ không cho là chiếu cố, và khi đi không bảo “chảng ai sống được với anh!”. Họ tha thứ sự ồn ào, giá lạnh, thịt rán quá lửa, sự châm chọc, sự có mặt của người lạ trong nhà…
  2. Họ cảm thông không chỉ với người nghèo và mèo. Tâm hồn họ thương cảm những thứ mà mắt thường không nhìn thấy.
  3. Họ tôn trọng sở hữu của người khác, do đó không xù nợ.
  4. Họ chân thành và sợ dối trá như sợ lửa. Họ không nói dối cả chuyện vặt vãnh. Sự dối trá xúc phạm người nghe và làm thấp kém người nói. Họ không làm hàng, không ra vẻ với những người kém mình. Họ không luyên thuyên, thường im lặng vì tôn trọng thính giác của mọi người.
  5. Họ không tự hành hạ mình để tìm sự thương cảm của người khác, không ra vẻ thương tâm để những người khác thở dài và an ủi. Họ không nói “chẳng ai hiểu tôi”.
  6. Họ không phù phiếm. Họ không bị ảnh hưởng bởi những trang sức rởm như quen biết người nổi tiếng hay thành khách quen ở các nhà hàng…
  7. Nếu họ có tài thì họ tôn trọng tài năng của mình. Vì nó, họ hy sinh sự yên bình, đàn bà, rượu chè, phù hoa…
  8. Họ tự luyện cho mình gu thẩm mỹ. Họ không thể mặc nguyên quần áo mà đi ngủ, ở trong phòng mà rệp bò đầy tường, hít thở không khí ô nhiễm. Họ tìm cách kiềm chế và nâng phẩm giá cho bản năng tình dục của mình. Với phụ nữ, cái họ cần không phải là giường chiếu. Họ – nhất là các họa sỹ – cần sự tươi mới, sự tao nhã, nhân văn.

Thế đấy. Đó là các phẩm chất của người có văn hóa. Để làm người có văn hóa và không đứng thấp hơn những người xung quanh, đọc Pickwick và học thuộc các độc thoại trong Faust là không đủ…

Cái cần thiết là làm việc liên tục, ngày và đêm, liên tục đọc, nghiên cứu. Cần ý chí. Mỗi giờ đều rất quý. Hãy đập vỡ tan cái chai vodka, nằm xuống và đọc…Turghenev chẳng hạn, mà anh chưa từng đọc.

Anh phải vứt bỏ sự phù phiếm, anh đâu còn bé, sắp ba mươi rồi. Đã đến lúc!

Em chờ ở anh, tất cả đang chờ ở anh”

(Nikolai Tchekhov chết vì bệnh lao năm 31 tuổi)

Leave a Reply