Digital Transformation từ học truyền thống sang trực tuyến: dịch chuyển từ lớp sang cá nhân

Hôm qua 8/12, FPT Educamp lần thứ 6 đã diễn ra với chủ đề DX in Edu (chuyển đổi số trong giáo dục). Có nhiều tham luận đề cập đến học trực tuyến. Xét thấy có nhiều quan điểm vẫn dừng ở mức sử dụng CNTT để hỗ trợ cho các quá trình hiện tại (giảng dạy, đánh giá, hỗ trợ người học, v.v.), tôi xin chia sẻ quan điểm cá nhân về “chuyển đối số” trong dạy và học.

  1. Không còn khái niệm lớp học. Các học viên bắt đầu cùng lúc và có thời hạn kết thúc, nhưng tốc độ học có thể khác nhau (self pace). Ngay cả việc thi hết môn cũng nên được thực hiện ngay khi học viên sẵn sàng, không phải chờ đến ngày thi định trước.
  2. Thay đổi vai trò người tạo động lực. Ở lớp học truyền thống, thầy giáo vừa truyền đạt kiến thức vừa tạo động lực (điểm danh, nhắc nhở). Khi học online, việc tạo động lực sẽ được làm bởi người khác (ở Funix là Hannah) và mang tính chất 1-1 giữa Hannah và học viên.
  3. Giảng bài không theo lớp mà theo thời điểm phát sinh. Khi học online, mỗi học viên phát sinh nhu cầu hỏi bài ở một thời điểm khác nhau. Nếu giao 1 lớp học (vi dụ 40 học viên) cho 1 giảng viên để hỗ trợ, thì giảng viên sẽ phải quy định 1 số khung giờ nhất định cho hỏi đáp, dẫn đến học viên phải chờ. Do đó, sẽ tốt hơn nếu khi học viên hỏi thì được kết nối với giảng viên có thể giải đáp ở đúng thời điểm đó.
  4. Bãi bỏ việc kiểm soát xem học viên có “đi học” hay không. Việc theo dõi xem học viên có xem video bài giảng hay không là không cần thiết, vì nếu thực sự không muốn thì họ có thể đối phó dễ dàng. Xét cho cùng, ngay cả khi học viên ngồi trong lớp thì cũng có thể chẳng học gì. Do đó, học liệu cần phải chất nhưng không bắt buộc. Việc học viên có thực sự học hay không sẽ được đánh giá bằng các tương tác giữa giảng viên (mentor) và học viên, ví dụ khi làm và trả bài.
  5. Đánh giá trong quá trình thay vì dựa vào kỳ thi, nhất là thi trắc nghiệm. Việc dồn toàn bộ đánh giá cho một kỳ thi dẫn đến học viên chỉ học để đáp ứng được kỳ thi đó và bỏ qua việc lĩnh hội đầy đủ nội dung môn học. Nếu gắn trách nhiệm qua môn cho giảng viên, thì họ bắt buộc phải tìm cách hỗ trợ học viên thi đỗ, có thể ảnh hưởng chất lượng học tập. Nếu đối chiếu vào môi trường làm việc, có thể thấy đánh giá toàn diện và chính xác nhất là đánh giá trong quá trình, qua các dự án, các kỳ performance appraisal. Học viên được đánh giá trong quá trình sẽ luôn nhận được các phản hồi kịp thời và hữu ích để học tiếp. Hình thức đánh giá này có tên là learning portfolio, giống với CV của một người đi làm.

Tóm lại, việc học sẽ mang tính cá nhân (không chỉ là student centric mà là student driven), phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu, động lực và học lực của người học. Nhà trường thay đổi tận gốc các quá trình giảng dạy, đánh giá và hỗ trợ, để tạo môi trường phù hợp cho paradigma mới (phương pháp luận này ở Funix được gọi là FUNiX Way). Khi đó, việc chuyển đổi số (digital transformation) mới thực sự xảy ra, không chỉ dừng ở việc ứng dụng CNTT để cải tiến các quá trình truyền thống.

Leave a Reply