Sự phát triển của vị thành niên

Vị thành niên (adolescence) là giai đoạn bắt đầu với tuổi dậy thì và kết thúc khi chuyển sang tuổi trưởng thành (khoảng 10–20 tuổi). Những thay đổi về thể chất liên quan đến tuổi dậy thì được kích hoạt bởi các hormone. Những thay đổi về nhận thức bao gồm: cải thiện khả năng tư duy phức tạp và trừu tượng, cũng như tốc độ phát triển khác nhau của các phần khác nhau của não bộ. Điều này làm tăng khả năng vị thành niên có những hành vi mạo hiểm, bởi vì lòng mong muốn tìm kiếm cảm giác mạnh và sự tán thưởng lại phát triển trước khả năng kiểm soát nhận thức.

Trong giai đoạn này, mối quan hệ với cha mẹ được tái xác định, các em trở nên tự chủ hơn. Một số khía cạnh trong việc nuôi dạy con cái, chẳng hạn như giám sát từ xa và kiểm soát tâm lý, cũng trở nên quan trọng hơn. Bạn đồng lứa (peer) đóng vai trò quan trọng trọng việc giúp đỡ và đồng hành với vị thành niên, nhưng đồng thời cũng có thể thúc đẩy những hành vi tiêu cực. Nhóm bạn đồng giới phát triển thành nhóm bạn có cả nam nữ, và quan hệ tình cảm của vị thành niên thường xuất hiện từ các nhóm này. Sự hình thành căn tính (identity) diễn ra khi các em tìm hiểu và lựa chọn các vai trò và hệ tư tưởng khác nhau. Quốc tịch, giới tính, dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội, tôn giáo, khuynh hướng tình dục và các yếu tố di truyền định hình hành vi của vị thành niên, cách người khác đối xử với các em, đồng thời là nguồn gốc cho sự khác biệt ở tuổi vị thành niên.

Mục tiêu học tập

  • Mô tả các đặc điểm chính của sự phát triển về thể chất, nhận thức và xã hội trong thời kỳ vị thành niên.
  • Hiểu được tại sao tuổi vị thành niên có khuynh hướng chấp nhận mạo hiểm hơn.
  • Có thể giải thích nguồn gốc của sự khác biệt trong quá trình phát triển của vị thành niên.

Định nghĩa “vị thành niên”

Vị thành niên (xem thêm) là một giai đoạn phát triển được xác định là bắt đầu từ tuổi dậy thì và kết thúc khi chuyển sang tuổi trưởng thành (khoảng 10–20 tuổi). Giai đoạn này có sự tiến hóa theo lịch sử, với bằng chứng chỉ ra rằng nó đang kéo dài hơn trước đây, do con người bắt đầu dậy thì sớm hơn, và chuyển sang trưởng thành muộn hơn. Ngày nay, tuổi dậy thì bắt đầu trung bình từ 10–11 tuổi đối với bé gái và 11–12 tuổi đối với bé trai. Kể từ thế kỷ 19, độ tuổi này đã giảm dần theo thời gian, khoảng 3–4 tháng mỗi thập kỷ. Điều này được cho là do một loạt các yếu tố bao gồm: dinh dưỡng tốt hơn, béo phì, gia tăng tình trạng thiếu vắng sự hiện diện của cha và các yếu tố môi trường khác (Steinberg, 2013). Hoàn thành chương trình giáo dục chính thức, độc lập về tài chính với cha mẹ, kết hôn và có con đều là những dấu hiệu đánh dấu sự kết thúc của tuổi vị thành niên và bắt đầu tuổi trưởng thành. Tất cả những dấu hiệu này, nếu tính trung bình, đang xảy ra muộn hơn so với quá khứ. Trên thực tế, việc kéo dài tuổi vị thành niên đã thúc đẩy sự ra đời của một giai đoạn phát triển mới được gọi là tuổi tiền trưởng thành (emerging adulthood), bao gồm giai đoạn phát triển bước ra khỏi tuổi vị thành niên và tiến vào tuổi trưởng thành, xảy ra từ khoảng 18 đến 29 tuổi (Arnett, 2000).

Bài này sẽ phác thảo những thay đổi xảy ra trong thời kỳ vị thành niên ở ba lĩnh vực: thể chất, nhận thức và xã hội. Trong lĩnh vực  xã hội, những thay đổi trong mối quan hệ với cha mẹ, đồng nghiệp và người yêu sẽ được xem xét. Tiếp theo, nội dung tập trung vào sự điều chỉnh về tâm lý và hành vi của vị thành niên, bao gồm hình thành căn tính (identity), hành vi xâm kích (aggression) và chống đối xã hội, lo lắng và trầm cảm, cũng như thành tích học tập. Cuối cùng, bài viết tóm tắt những nguồn gốc của sự khác biệt trong sự phát triển và trải nghiệm của vị thành niên.

Thay đổi về thể chất

Thay đổi về thể chất của tuổi dậy thì đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn vị thành niên (Lerner & Steinberg, 2009). Đối với nam và nữ, những thay đổi này bao gồm: sự phát triển vượt bậc về chiều cao, mọc lông mu và lông nách, những thay đổi về da (ví dụ: nổi mụn). Các em trai cũng bắt đầu mọc râu và giọng nói trầm hơn. Các em gái phát triển ngực và bắt đầu có kinh nguyệt. Những thay đổi này được thúc đẩy bởi nội tiết tố, đặc biệt là sự gia tăng testosterone đối với nam và estrogen đối với nữ.

Thay đổi về nhận thức (cognitive)

Những thay đổi lớn trong cấu trúc và chức năng của não bộ trong thời kỳ vị thành niên dẫn đến sự phát triển về nhận thức và hành vi (Steinberg, 2008). Những thay đổi về nhận thức bao gồm sự chuyển đổi từ tư duy cụ thể sang tư duy trừu tượng và phức tạp hơn. Điều này là nhờ những cải thiện diễn ra trong giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên về sự chú ý, trí nhớ, tốc độ xử lý và siêu nhận thức (metacognition – khả năng tư duy về tư duy, do đó có sử dụng hiệu quả hơn các chiến lược có thể cải thiện tư duy, ví dụ như phương pháp mnemonic). Trong giai đoạn đầu của tuổi vị thành niên, những thay đổi trong hệ thống dẫn truyền dopamin của não bộ góp phần thúc đẩy mong muốn tìm kiếm cảm giác mạnh và sự tán thưởng. Ở giai đoạn sau, sự phát triển của các trung tâm kiểm soát nhận thức nằm ở vùng vỏ não trước trán làm tăng khả năng tự điều chỉnh và định hướng tương lai. Sự khác biệt về thời gian phát triển của các vùng não bộ khác nhau là nguyên nhân làm tăng những hành vi mạo hiểm của các em ở khoảng giữa tuổi vị thành niên. Các em mong muốn tìm kiếm cảm giác mạnh từ các hành vi mạo hiểm, ví dụ như lái xe liều lĩnh, hút thuốc hoặc uống rượu. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát nhận thức của các em lại chưa đủ phát triển để chống lại cám dỗ hoặc suy xét một cách thích đáng về những mối nguy tiềm ẩn (Steinberg, 2008). Laurence Steinberg, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về sự phát triển của trẻ vị thành niên, ví việc này như việc khởi động một động cơ mạnh trước khi hệ thống phanh được lắp đặt. Kết quả là vị thành niên có khả năng có hành vi mạo hiểm cao hơn trẻ em hoặc người lớn.

Thay đổi về mặt xã hội

Cha mẹ

Trong giai đoạn này, mặc dù tầm quan trọng của bạn bè đồng lứa tăng cao hơn, nhưng các mối quan hệ trong gia đình cũng vẫn rất quan trọng. Một trong những thay đổi chính trong tuổi vị thành niên liên quan đến việc “thương lượng” lại mối quan hệ với cha mẹ. Do các em muốn có nhiều sự độc lập và tự chủ hơn, một số khía cạnh trong vấn đề nuôi dạy con cái trở nên quan trọng hơn. Ví dụ, sự giám sát và theo dõi từ xa của cha mẹ trở nên quan trọng hơn khi vị thành niên dành nhiều thời gian hơn ở xa cha mẹ và nhiều thời gian hơn cùng bạn bè đồng lứa. Sự giám sát của cha mẹ bao gồm nhiều hành động khác nhau, như cố gắng thiết lập các quy tắc và hiểu biết về bạn bè, hoạt động và vị trí của của con, bên cạnh việc trẻ vị thành niên sẵn sàng tiết lộ thông tin cho cha mẹ mình (Stattin & Kerr, 2000). Sự kiểm soát tâm lý, bao gồm việc thao túng và xâm nhập vào thế giới cảm xúc và nhận thức của trẻ vị thành niên thông qua việc phủ nhận cảm xúc của các em và gây áp lực buộc các em suy nghĩ theo những cách nhất định (Barber, 1996) là một khía cạnh khác của nuôi dạy trẻ trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn vị thành niên và liên quan đến việc điều chỉnh khó khăn hơn ở trẻ vị thành niên.

Bạn đồng lứa

Khi trẻ em trở thành vị thành niên, các em thường bắt đầu dành nhiều thời gian cho bạn bè đồng lứa và ít thời gian hơn cho gia đình, và những tương tác ngang hàng này ngày càng thiếu vắng sự giám sát của người lớn. Quan niệm tình bạn của trẻ em thường tập trung vào các hoạt động làm cùng nhau, trong khi quan niệm về tình bạn của vị thành niên tập trung vào việc trao đổi những suy nghĩ và cảm xúc riêng tư. Trong thời kỳ vị thành niên, các nhóm đồng lứa trải qua sự phát triển từ chủ yếu là nhóm đơn giới sang nhóm có cả nam nữ. Các em trong cùng một nhóm có xu hướng có hành vi và thái độ giống nhau. Điều này được giải thích là do hiện tượng “tính đồng dạng” – homophily (những người giống nhau thường gắn bó với nhau theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”) và ảnh hưởng (những người chơi với nhau có ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của nhau). Một trong những khía cạnh được nghiên cứu rộng rãi nhất về ảnh hưởng của bạn bè cùng lứa trong giai đoạn vị thành niên là lây lan bạn bè lệch lạc (deviant peer contagion) (Dishion & Tipsord, 2011) – quá trình bạn bè củng cố hành vi lệch lạc bằng cách cười hoặc thể hiện các dấu hiệu tán thành khác, làm tăng khả năng hành vi đó tái xuất hiện trong tương lai.

Bạn cùng lứa có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực trong thời kỳ niên thiếu. Áp lực tiêu cực từ bạn bè có thể khiến vị thành niên đưa ra các quyết định mạo hiểm hơn hoặc có nhiều hành vi lệch lạc hơn so với khi các em ở một mình hoặc cùng với gia đình. Ví dụ, khả năng vị thành niên uống rượu, sử dụng ma túy và phạm tội khi ở cùng bạn bè cao hơn là khi ở một mình hoặc với gia đình. Tuy nhiên, bạn bè đồng lứa cũng mang đến sự đồng hành và hỗ trợ về mặt xã hội. Vị thành niên niên có các mối quan hệ bạn bè tích cực thường hạnh phúc hơn và thích nghi tốt hơn những người bị cô lập về mặt xã hội hoặc có xung đột với bạn đồng lứa.

Đám đông (crowd) là một cấp độ mới xuất hiện của các mối quan hệ đồng lứa ở tuổi vị thành niên. Trái ngược với tình bạn (là mối quan hệ có đi có lại giữa hai người) và bè phái (clique) (các nhóm cá nhân tương tác thường xuyên), đặc điểm chính của đám đông là có chung danh tiếng hoặc hình tượng hơn là tương tác thực tế (Brown & Larson, 2009). Những đám đông này phản ánh những định vị căn tính khác nhau (chẳng hạn như hội chơi thể thao – jocks, hay hội mọt sách – brains) và thường có quan hệ với địa vị xã hội của vị thành niên và tri giác (perception) của bạn đồng lứa về giá trị hoặc hành vi của họ.

Quan hệ yêu đương

Vị thành niên là giai đoạn mà các mối quan hệ yêu đương thường xuất hiện lần đầu. Đầu tiên, các nhóm đồng giới phổ biến trong thời thơ ấu mở rộng thành các nhóm bạn cả nam và nữ. Các mối quan hệ yêu đương thường hình thành từ những nhóm này (Connolly, Furman, & Konarski, 2000). Mặc dù chúng thường ngắn ngủi hơn là mối quan hệ cam kết lâu dài, nhưng lại có tầm quan trọng không hề nhỏ. Vị thành niên dành rất nhiều thời gian nghĩ về việc yêu đương, và những cảm xúc tích cực và tiêu cực của các em gắn với sự hiện diện (hoặc vắng bóng) của các mối quan hệ này hơn là tình bạn, gia đình hoặc trường học (Furman & Shaffer, 2003). Các mối quan hệ yêu đương đóng góp vào hình thành căn tính, những thay đổi trong quan hệ gia đình và bạn bè, cũng như sự điều chỉnh hành vi và cảm xúc của vị thành niên.

Bên cạnh đó, các mối quan hệ yêu đương gắn bó chặt chẽ với bản năng giới tính mới xuất hiện của vị thành niên. Các bậc cha mẹ, nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu đã dành rất nhiều sự quan tâm đến vấn đề tình dục của vị thành niên, phần lớn do những lo ngại liên quan đến việc quan hệ tình dục, biện pháp tránh thai và việc ngăn ngừa mang thai ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, tình dục ở tuổi vị thành niên có liên quan rộng hơn hơn là tiêu điểm hạn hẹp này. Ví dụ, tuổi vị thành niên thường là khi những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hoặc chuyển giới bắt đầu cảm tri (perceive) về giới tính và khuynh hướng tình dục của mình (Russell, Clarke, & Clary, 2009). Vì vậy, các mối quan hệ yêu đương là một lĩnh vực trong đó vị thành niên thử nghiệm với những hành vi và căn tính mới.

Sự điều chỉnh về hành vi và tâm lý

Sự hình thành căn tính (identity formation)

Các lý thuyết về sự phát triển của vị thành niên thường tập trung vào việc hình thành căn tính như một vấn đề trọng tâm. Ví dụ, trong lý thuyết kinh điển của Erikson (1968) về các giai đoạn phát triển, sự hình thành căn tính được coi như dấu hiệu chính cho sự phát triển thành công trong thời kỳ vị thành niên (trái ngược với sự nhầm lẫn về vai trò – dấu hiệu của việc phát triển thất bại). Marcia (1966) cho rằng sự hình thành căn tính trong thời vị thành niên bao gồm cả các quyết định và cam kết về hệ tư tưởng (ví dụ: tôn giáo, chính trị) cũng như nghề nghiệp. Ông mô tả bốn trạng thái căn tính: căn tính nhận sẵn (foreclosure), căn tính mờ nhạt (identity diffusion), căn tính đình hoãn (moratorium), và căn tính đạt thành (identity achievement). Căn tính nhận sẵn xảy ra khi một người gắn bó với một căn tính mà không khám phá các lựa chọn khác. Căn tính mờ nhạt xảy ra khi vị thành niên không khám phá cũng như lựa chọn bất kỳ một căn tính nào. Căn tính đình hoãn là trạng thái trong đó vị thành niên tích cực tìm hiểu các lựa chọn khác nhau nhưng chưa cam kết. Căn tính đạt thành xảy ra khi các cá nhân đã khám phá các lựa chọn khác nhau và đưa ra cam kết của mình. Dựa trên công trình này, các nhà nghiên cứu khác đã điều tra các khía cạnh cụ thể hơn của căn tính. Ví dụ, Phinney (1989) đã đề xuất một mô hình phát triển căn tính dân tộc bao gồm các giai đoạn: chưa khám phá danh tính dân tộc, tìm kiếm danh tính dân tộc và đạt được danh tính dân tộc.

Hành vi xâm kích và chống đối xã hội

Một số lý thuyết lớn về sự phát triển của hành vi chống đối xã hội coi tuổi vị thành niên như một giai đoạn quan trọng. Mô hình Khởi đầu sớm và muộn (early vs late starter) của Patterson (1982) về sự phát triển của hành vi gây hấn và chống đối xã hội phân biệt giữa những thanh niên bắt đầu có hành vi chống đối xã hội từ thời thơ ấu (người bắt đầu sớm) và tuổi vị thành niên (người bắt đầu muộn). Theo lý thuyết này, người bắt đầu sớm có khả năng có các hành vi chống đối xã hội kéo dài đến tuổi trưởng thành cao hơn so với người bắt đầu muộn. Các nhà nghiên cứu giả định rằng những người bắt đầu muộn có các hành vi chống đối xã hội ở tuổi vị thành niên do cha mẹ không làm tốt việc giám sát và trông nom con cái – những khía cạnh của việc nuôi dạy con cái trở nên quan trọng hơn ở tuổi vị thành niên. Sự thiếu giám sát của cha mẹ góp phần làm tăng khả năng con chơi với bạn xấu, từ đó thúc đẩy hành vi chống đối xã hội của vị thành niên. Người bắt đầu muộn sẽ chấm dứt những hành vi chống đối xã hội khi thay đổi trong môi trường khiến cho các lựa chọn khác trở nên hấp dẫn hơn. Tương tự, mô hình kéo dài suốt đời vs. chỉ giới hạn ở tuổi vị thành niên (life-course persistent versus adolescent-limited) của Moffitt (1993) phân biệt giữa hành vi chống đối xã hội bắt đầu từ thời thơ ấu và bắt đầu trong tuổi vị thành niên. Moffitt cho rằng hành vi chống đối xã hội của vị thành niên là do có “khoảng cách về sự trưởng thành” giữa (1) sự phụ thuộc của vị thành niên vào người lớn cũng như sự kiểm soát của người lớn với các em, và (2) mong muốn chứng minh sự tự do, thoát khỏi ràng buộc của người lớn. Tuy nhiên, khi các em tiếp tục phát triển và có các đặc quyền và vai trò của người trưởng thành, thì sẽ có ít động lực hơn để tham gia vào các hành vi chống đối xã hội, dẫn đến sự chấm dứt của các hành vi này.

Lo lắng và trầm cảm

Các mô hình phát triển về lo âu và trầm cảm cũng coi tuổi vị thành niên như một giai đoạn quan trọng, đặc biệt là do tình trạng chênh lệch về giới trong tỷ lệ mắc bắt đầu xuất hiện và kéo dài xuyên suốt tuổi trưởng thành (Rudolph, 2009). Bắt đầu từ thời kỳ đầu vị thành niên, so với nam giới, nữ giới có tỷ lệ lo lắng cao gấp đôi và tỷ lệ trầm cảm cao gấp 1,5 đến 3 lần (Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, 2013). Mặc dù có sự khác nhau giữa các chẩn đoán lo âu và trầm cảm cụ thể, tỷ lệ mắc một số rối loạn ở tuổi vị thành niên cao hơn rõ rệt so với trẻ em hoặc người trưởng thành. Ví dụ, tỷ lệ phổ biến đối với chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể là khoảng 5% ở trẻ em và 3% – 5% ở người lớn nhưng lại lên đến 16% ở vị thành niên. Vấn đề lo lắng và trầm cảm đặc biệt được quan tâm vì tự tử là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở tuổi vị thành niên. Các mô hình phát triển tập trung vào bối cảnh tương tác của cả trẻ em và vị thành niên mà dẫn đến tình trạng trầm cảm và lo lắng (ví dụ, Rudolph, 2009). Nghịch cảnh gia đình trong thời thơ ấu, chẳng hạn như tình trạng bị lạm dụng và cha mẹ mắc các bệnh lý tâm thần, tạo tiền đề cho các vấn đề xã hội và hành vi của vị thành niên. Những em có hoàn cảnh này tạo căng thẳng trong các mối quan hệ của mình (ví dụ: bằng cách giải quyết xung đột một cách kém cỏi và tìm kiếm sự trấn an quá mức) và lựa chọn các bối cảnh xã hội tiêu cực hơn (ví dụ: tình huống “ngưu tầm ngưu” trong đó thanh niên bị trầm cảm lựa chọn làm bạn với những thanh niên bị trầm cảm khác và thường xuyên cùng ngẫm nghĩ khi thảo luận về các vấn đề của mình, làm gia tăng stress và những tác động tiêu cực). Các quá trình này diễn ra một cách mạnh mẽ hơn ở các em gái. Nguyên nhân là do so với nam giới, các em quan tâm nhiều hơn đến sự thân mật và chấp thuận của xã hội, nên dễ bị tổn thương hơn bởi những vấn đề xảy ra trong quan hệ cá nhân. Sự lo lắng và trầm cảm làm trầm trọng thêm những vấn đề trong các mối quan hệ này, khiến chứng lo âu và trầm cảm kéo dài theo thời gian.

Thành tích học tập

Trừ lúc ngủ, vị thành niên dành thời gian ở trường nhiều hơn ở bất kỳ nơi nào khác (Eccles & Roeser, 2011). Thành tích học tập ở tuổi vị thành niên được dự đoán bởi quan hệ với người khác (ví dụ: sự tham gia của cha mẹ trong việc giáo dục trẻ vị thành niên), tự thân mỗi cá nhân (ví dụ, động lực nội tại) và các yếu tố về môi trường (ví dụ: chất lượng trường học). Thành tích học tập bản thân nó đóng vai trò quan trọng như một dấu hiệu cho sự thích nghi tích cực trong tuổi vị thành niên. Hơn thế nữa, nó tạo tiền đề cho các cơ hội giáo dục và nghề nghiệp trong tương lai. Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc học kém, đặc biệt là việc bỏ học, là nguy cơ thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm toàn thời gian ở tuổi trưởng thành. Thành tích cao có thể tạo tiền đề cho việc học đại học hoặc học nghề và các cơ hội tương lai.

Sự đa dạng

Sự phát triển của tuổi vị thành niên không nhất thiết phải tuân theo một con đường duy nhất. Một số đặc điểm của tuổi vị thành niên, đặc biệt liên quan đến những thay đổi sinh lý diễn ra vào tuổi dậy thì và những thay đổi về nhận thức do sự phát triển của não bộ, hầu như có ở bất cứ ai. Nhưng những đặc điểm khác lại phụ thuộc rất lớn vào môi trường. Ví dụ: vị thành niên ở đất nước này có thể có cơ hội chấp nhận mạo hiểm khác với ở đất nước kia, và các biện pháp hỗ trợ và trừng phạt đối với các hành vi khác nhau của trẻ vị thành niên cũng phụ thuộc vào luật pháp và giá trị sống ở nơi các em sinh sống. Tương tự như vậy, các chuẩn mực văn hóa khác nhau liên quan đến các mối quan hệ gia đình và bạn bè cùng lứa cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm của vị thành niên trong các lĩnh vực này. Ví dụ: ở một số quốc gia, cha mẹ của trẻ vị thành niên quen với việc nắm quyền kiểm soát với các quyết định lớn, trong khi ở các quốc gia khác, trẻ vị thành niên đã thường bắt đầu chia sẻ hoặc nắm quyền kiểm soát với việc ra quyết định.

Ngay cả trong cùng một quốc gia, thì giới tính, dân tộc, tình trạng nhập cư, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, tình trạng kinh tế xã hội và tính cách của trẻ vị thành niên có thể ảnh hướng đến hành vi của trẻ vị thành niên và cách người khác phản ứng với các em. Điều này khiến các vị thành niên khác nhau có những bối cảnh phát triển khác nhau. Ví dụ: dậy thì sớm (xảy ra trước khi hầu hết các bạn cùng tuổi dậy thì) có vẻ như gây hậu quá xấu cho nữ hơn là cho nam, một phần có thể do các em gái dậy thì sớm có xu hướng làm quen với những em trai lớn tuổi hơn. Điều này lại thường liên quan đến hành vi quan hệ tình dục sớm và sử dụng chất kích thích. Đối với vị thành niên thuộc nhóm thiểu số về mặt dân tộc hay khuynh hướng tình dục, sự phân biệt đối xử đôi khi tạo ra một số thách thức mà các em khác không phải đối mặt.

Cuối cùng, sự khác biệt về mặt di truyền đóng góp vào sự đa dạng ở tuổi vị thành niên. Các cách tiếp cận hiện tại nhấn mạnh vào sự tương tác giữa gen và môi trường. Sự tương tác này thường tuân theo mô hình khác biệt về sự nhạy cảm (differential susceptibility) (Belsky & Pluess, 2009). Có nghĩa là, một số biến thể di truyền được coi là có nguy cơ cao hơn các biến thể khác, nhưng sự khác biệt về mặt di truyền cũng có thể làm tăng hoặc giảm mức ảnh hưởng của môi trường với vị thành niên. Ví dụ, nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa kiểu gen CHRM2 và hành vi hướng ngoại (gây hấn và phạm pháp) của những em thiếu sự giám sát của cha mẹ. (Dick và cộng sự, 2011). Vì vậy, điều quan trọng cần ghi nhớ là sự khác biệt của cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển ở tuổi vị thành niên.

Kết luận

Sự phát triển của vị thành niên bao gồm những thay đổi về sinh học, nhận thức và xã hội. Những thay đổi về mặt xã hội đặc biệt đáng chú ý bởi vị thành niên trở nên độc lập hơn với cha mẹ, dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè cùng lứa và bắt đầu khám phá các mối quan hệ yêu đương và tình dục. Sự điều chỉnh trong thời kỳ vị thành niên được phản ánh trong quá trình hình thành căn tính, thường bao gồm một giai đoạn khám phá rồi gắn bó với những căn tính nhất định. Đặc trưng của tuổi vị thành niên là những hành vi mạo hiểm, nhiều khả năng xảy ra bởi những thay đổi trong não bộ, cụ thể là các trung tâm xử lý sự tán thưởng phát triển nhanh hơn hệ thống kiểm soát nhận thức, khiến vị thành niên nhạy cảm với sự tán thưởng hơn là các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Bất chấp những khái quát này, các yếu tố như quốc gia cư trú, giới tính, dân tộc và khuynh hướng tình dục định hình sự phát triển theo cách dẫn đến sự đa dạng về trải nghiệm ở tuổi vị thành niên.

Nguồn: Adolescent Development/ NOBA Project. Quỳnh Anh dịch, DatPP hiệu đính

2 thoughts on “Sự phát triển của vị thành niên

  1. Pingback: Sự phát triển của vị thành niên – Skillful Parents

Leave a Reply