(Review sách) Nguyên tố – theo đuổi Đam mê sẽ giúp bạn hạnh phúc và thành công

Giới thiệu

Nguyên tố (element) là khái niệm do Ken Robinson, nhà nghiên cứu giáo dục người Anh, đề xuất. Ông đã viết 2 cuốn sách về chủ đề này. Cuốn đầu tiên có tên “The element – how finding your passion changes everything” ra mắt năm 2009, cuốn sau là “Finding your Element – how to discover your talents and passions and transform your life” ra mắt năm 2013. Cuốn đầu giới thiệu về khái niệm, cuốn sau là sách hướng dẫn đi tìm nguyên tố cho bản thân. Cuốn đầu được xuất bản tiếng Việt năm 2017 dưới tiêu đề “Bí quyết khơi dậy đam mê làm thay đổi cuộc sống. Môi trường lý tưởng”. Ngoài ra, hình như còn có một số bản dịch khác được phổ biến trên mạng. Bản dịch có những chỗ dịch sai hoặc chưa truyền đạt hết ý tác giả, nên bạn đọc cần lưu ý khi đọc.

Trong quan niệm phương Tây, Nguyên tố cũng giống như Mệnh hay Hành của phương Đông. Tây có 4 Nguyên tố, Đông có 5 Hành. Một người được xếp vào một Mệnh/Hành/Nguyên tố nào đó, và nếu hành xử tương ứng với Nguyên tố của mình thì sẽ thuận lợi và dễ thành công. Chính thế nên tác giả sử dụng khái niệm Nguyên tố.

Bài viết này có mục đích tóm tắt các ý của cuốn sách đầu tiên. Trong sách có rất nhiều câu chuyện hay và hứng khởi, nhưng bài viết này sẽ chỉ tập trung vào các tư tưởng. Độc giả nào quan tâm có thể tìm đọc đầy đủ.

Chương 1. Nguyên tố là gì (The Element)

Nguyên tố giúp bạn kiếm tiền tốt hơn

Nguyên tố được hiểu là sự gặp gỡ của thứ bạn làm với tình yêu và thứ bạn làm tốt, tức là Đam mê và Năng khiếu. (Đọc đoạn này trong nguyên tác, tôi chợt nhận ra rằng cụm từ “love to do” không có phiên bản phổ thông trong tiếng Việt. Google dịch là “bạn thích làm”, bản dịch thì chọn “bạn muốn làm”, nhưng cả hai đều không phản ánh đủ nội hàm của từ “love”. Do đó tôi dịch thành “làm với tình yêu” để nhấn mạnh. Vì ngôn ngữ phản ánh văn hóa, có lẽ trong văn hóa VN người ta không dùng từ “yêu” để nói về việc. Nếu là làm việc thì cùng lắm là thích hay muốn thôi, yêu là dành cho hưởng thụ?)

Ở VN và cả các nơi khác, người ta hay khuyên các bạn trẻ một lời khuyên nghe rất có lý, rằng cần làm việc gì kiếm được nhiều tiền, còn đam mê để sau, khi đã có tự do tài chính. Nhưng vấn đề ở chỗ, trong thế kỷ 21, con đường học hành truyền thống không còn là sự bảo đảm cho một công việc tốt. Rất nhiều người đi theo con đường đó và thất nghiệp. Ngược lại, chính các phẩm chất mà nhà trường và gia đình coi nhẹ lại quyết định việc bạn có việc ngon hay không. Và Nguyên tố của bạn chính là phẩm chất đó, vì nó đem lại sự khác biệt và tài năng.

Thế giới đang thay đổi ngày một nhanh, việc chọn cho mình một nghề an toàn có thể không còn an toàn nữa, vì việc đó được giao cho robot hoặc outsource. Nhưng nếu bạn phát triển cho mình một tài năng khác biệt, độc đáo, thì chắc chắn sẽ có người trả tiền cho giá trị mà bạn tạo ra, nhất là khi bạn luôn có thể tiếp cận với họ chỉ bằng một cú nhấp chuột.   

Tính chất và điều kiện của Nguyên tố

Nguyên tố bao gồm hai tính chất: Năng khiếu (tôi có nó), Đam mê (tôi yêu nó). Có hai điều kiện để bạn tìm ra Nguyên tố của mình: Thái độ của bạn đối với nó (tôi muốn nó), và Cơ hội để bạn tìm ra nó (nó ở đâu?). Lưu ý sự khác biệt giữa Đam mê và Thái độ: ‘tôi yêu nó’ là nói về cảm xúc, bạn thấy hạnh phúc khi làm việc đó, còn ‘tôi muốn nó’ là nói về ý thức, đi theo nó một cách có chủ ý. Bạn có thể yêu một việc gì đó, nhưng vì sức ép của gia đình mà gạt nó đi, không muốn nó, thì bạn sẽ không tìm được Nguyên tố của mình.

Thoạt nhìn, độc giả có thể nản vì cảm thấy mình không có đủ bốn yếu tố trên, nhất là Năng khiếu. Nhưng, rất có thể quan điểm đó của bạn được hình thành bởi các ngầm định văn hóa, các định kiến xã hội đã lỗi thời và biến thành cản trở, cho bạn và con cái bạn. Trong các chương tiếp theo, tác giả sẽ giải thích chi tiết bốn yếu tố trên, để độc giả thấy mỗi người đều có thể tìm cho mình Nguyên tố, cả khi không còn trẻ.

Chương 2. Khả năng vô tận của con người (Think Differently)

Nếu ta quen nhìn khả năng của mọi người từ góc độ ‘có ích’, ‘ra tiền’ theo truyền thống, thì ta sẽ dễ tin rằng mình không có năng khiếu gì. Nhưng ngày nay, nếu bạn có một tài năng kỳ dị, bạn có thể làm video youtube hay tiktok và kiếm tiền ngon. Những khả năng từng bị cho là vô bổ, chỉ để mua vui trong nhóm nhỏ, thì bây giờ lại có giá trị cao. Vì thế, ta cần thay đổi cách nhìn nhận về tài năng của con người.

Ví dụ, về số lượng các giác quan. Do ảnh hưởng của văn hóa và giáo dục, ta tin tưởng là con người có 5 giác quan, và không bao giờ nghĩ đến việc đặt câu hỏi. Thực tế là con người có nhiều hơn 5 giác quan, và điều này rất quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến khả năng của con người. Những thứ ta cho là chân lý hiển nhiên miễn bàn thường chính là những thứ cản trở ta phát triển.

Tương tự với trí thông minh (intelligence). Ngày nay, người ta hiểu rằng không chỉ có IQ, mà có nhiều loại thông minh khác, và mỗi người có thể có năng khiếu trong một vài trong số đó. Câu hỏi không phải là “bạn thông minh mức nào”, mà là “bạn thông minh kiểu nào”.

Trí tuệ của con người vô cùng hùng mạnh bởi 3 lẽ:

  • Thứ nhất là nó đa dạng, không thể chỉ dùng một vài bài test mà có thể bao trùm được hết các chiều kích của nó.
  • Thứ hai là nó rất linh hoạt, có thể phát triển, tạo ra các kết nối mới, nảy sinh các ý tưởng mới nằm ở biên giới của các lĩnh vực.
  • Cuối cùng, nó là khác biệt ở mỗi người, vì có vô số các tổ hợp khả năng của nó.

Như vậy, trí tuệ không nằm trên một đường thẳng, thậm chí không phải là một radar chart. Mỗi người có thể đi tìm Nguyên tố của mình bằng cách cho phép mình khám phá thế giới bằng tất cả các cách, và tìm thấy sức mạnh của bản thân. Để làm vậy, bạn cần vượt qua các ngầm định.

Chương 3. Óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo (Beyond Imagining)

Nếu ta hỏi một nhóm trẻ về khả năng sáng tạo của chúng, bọn trẻ đều tự tin giơ tay. Nếu ta hỏi một nhóm người lớn, thì rất ít trong số đó nhận là mình sáng tạo. Điều này lại càng vô lý khi đa số họ thừa nhận là mình có năng lực trí tuệ. Tức là thông minh nhưng không sáng tạo!

Điều gì khiến cho mọi người mất tự tin vào khả năng sáng tạo của bản thân khi lớn lên? Đó là vì họ dần dần tin vào 3 điều hoang đường: Thứ nhất, chỉ một số người mới có khả năng sáng tạo. Thứ hai, chỉ một số ngành nghề mới liên quan đến sáng tạo. Thứ ba, mọi người hoặc có khả năng sáng tạo, hoặc không – tức là không thay đổi được. Ba điều này không đúng và cản trở sự sáng tạo của những người tin vào chúng.

Sáng tạo là một khía cạnh quan trọng của Nguyên tố. Nếu ta thấy bản thân có thể sáng tạo được trong một lĩnh vực nào đó, thì ta sẽ đam mê hơn. Sáng tạo bắt nguồn từ óc tưởng tượng (imagination). Đó là một công cụ cực mạnh bởi vì bằng việc tưởng tượng, ta không chỉ tư duy về những gì mình đã trải nghiệm, mà còn có thể tư duy về những thứ chưa hề trải nghiệm qua. Chúng ta có thể sử dụng trí tưởng tượng để tự do chu du trong không gian và thời gian mà không bị bất kỳ cản trở gì.

Nhưng tưởng tượng chưa phải là sáng tạo. Sáng tạo là trí tưởng tượng được ứng dụng trong thực tế, để tạo ra cái gì đó, hay là “quá trình biến những ý tưởng độc đáo thành thứ có giá trị”. Sáng tạo chính là bản chất động của trí tuệ, khi ta vận dụng tất cả các khả năng khác nhau của trí thông minh để tạo ra một cái gì đó mới và hữu ích. Sáng tạo có mấy tính chất sau:

  • Thứ nhất, đó là một quá trình. Nghĩ ra ý tưởng, thử nghiệm nó, làm mịn nó, v.v. nhiều vòng đan xen nhau.
  • Thứ hai, công việc sáng tạo luôn đòi hỏi ta làm việc với một chất liệu (media) nào đó, để hiện thực hóa ý tưởng. Chất liệu có thể là các con số và công thức, nếu ta làm toán. Là các âm thanh, chữ viết, màu vẽ, gỗ, v.v. rất đa dạng.
  • Thứ ba, công việc sáng tạo thường đòi hỏi ta vận dụng khả năng ở các lĩnh vực khác nhau mà ta có.

Những người được coi là sáng tạo thường đều yêu chất liệu mà mình sử dụng để sáng tạo. Các chất liệu khác nhau giúp ta tư duy theo những cách khác nhau.

Sáng tạo đòi hỏi không chỉ kiểu tư duy logic, tuần tự các bước. Thông thường các ý tưởng sáng tạo thường xuất hiện theo cách phi trật tự, bằng cách nhìn thấy các liên kết và tương đồng mà ta chưa thấy trước đó (connect the dots). Đó là kiểu tư duy phân nhánh (divergent – tham khảo thêm bài này), tư duy chéo (lateral), đặc biệt là tư duy bằng các ẩn dụ (metaphor). Sáng tạo cũng sử dụng không chỉ bộ não, mà còn bằng trái tim, cảm giác, chuyển động cơ thể, v.v.  

Như vậy, mỗi người chúng ta có thể duy trì óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo mà ai cũng có từ bé, để tìm cho mình Nguyên tố và phát huy hết khả năng cùng nó.

Chương 4. Khi Năng khiếu gặp Đam mê (In the Zone)

Mỗi người đều có những việc mà mình làm với sự yêu thích. Có những lúc việc không chạy, và bạn cảm thấy chán nản, thất vọng. Ví dụ bạn thích làm toán nhưng lại đang bí trước một bài toán khó. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đã nắm được hướng giải, thì bạn rất hưng phấn. Bạn không cảm thấy thời gian, đắm mình vào việc, sống hết mình với thời điểm hiện tại. Đó là lúc bạn như cá gặp nước, in the Zone, và đó là một biểu hiện của việc tiếp cận Nguyên tố.

Mỗi người có một cách tìm ra Zone của mình khác nhau, nhưng việc mọi người ở trong Zone có một số đặc điểm chung.

  • Thứ nhất là bạn cảm thấy hoàn toàn tự do và chân thật (authenticity), không phải cố gắng học theo ai đó hay gì đó ở ngoài.
  • Thứ hai là bạn thấy thời gian trôi theo cách khác hẳn, không chú ý đến thời gian.
  • Thứ ba là bạn cảm thấy mọi việc rất dễ dàng, tự nhiên, bạn không cảm thấy phải gắng sức để làm. Đây chính là trạng thái phiêu (flow, còn được dịch là ‘dòng chảy’) của nhà tâm lý học Csikzsentmihalyi (có bản dịch tiếng Việt).

Khi bạn ở trong Zone, công việc không lấy mất năng lượng của bạn, mà cho bạn thêm năng lượng. Hoạt động mà chúng ta yêu sẽ bơm cho ta năng lượng kể cả khi ta mệt mỏi về thể lý. Ngược lại, hoạt động mà ta ghét sẽ nhanh chóng làm ta kiệt quệ kể cả khi ta đang rất khỏe mạnh. Đây là một lý do chính về việc tại sao ta cần tìm ra Nguyên tố của mình, vì thay vì bị tiêu hao năng lượng, ta có thêm nó.

Khi ở trong Zone, người ta sẽ đồng bộ một cách tự nhiên với kiểu tư duy hiệu quả nhất của mình. Đó có thể là tư duy bằng công thức, bằng hình ảnh, v.v. Thiên hạ có nhiều nỗ lực để phân loại, thống kê các kiểu tư duy, hay là các kiểu tính cách (personality type), ví dụ như bài test MBTI. Tuy nhiên, các bài test và phân loại này không phải là chân lý, và không nên tin vào nó một cách vô điều kiện.

Như vậy, thay vì đo đạc con mình (hay bản thân mình, hay bất cứ ai khác) bằng một khuôn mẫu nào đó về việc chúng nên là ai, thì ta hãy nhìn vào mắt trẻ và cảm nhận xem chúng thực sự là ai. Chúng thích làm việc gì, điều gì cuốn hút chúng, chúng hay hỏi những câu gì? Chúng ta cần hiểu, cái gì đưa chúng (và ta) vào trong Zone, và điều đó sẽ dẫn đến hệ quả gì cho cuộc sống sau này.

Chương 5. Đi tìm đồng bọn – Cơ hội là ở đây (Finding Your Tribe)

Ở trên, chúng ta đã nói về 2 tính chất của Nguyên tố là Năng khiếu và Đam mê, và chuyện xảy ra khi chúng gặp nhau. Trong phần này chúng ta nói đến một trong hai điều kiện để một người phát hiện ra Nguyên tố của mình, đó là Cơ hội (opportunity). Cơ hội xảy đến khi ta gặp được đồng bọn và bỗng phát hiện ra chính mình. Vì lẽ này, các bố mẹ thường cho con mình đi tham gia các loại lớp học, CLB năng khiếu, v.v. để giúp con tìm được đồng bọn.

Đồng bọn của bạn có thể là cộng sự mà cũng có thể là đối thủ cạnh tranh. Việc tìm ra họ sẽ cực kì quan trọng để bạn phát hiện ra Nguyên tố. Ngược lại, nếu bạn ở trong một tập thể nào đó và thấy sai sai, thì đó có thể là dấu hiệu để đi tìm hội khác.

Khi đi tìm đồng bọn, có 2 khái niệm quan trọng. Một là lĩnh vực (domain), hai là sân chơi (field). Lĩnh vực là loại hoạt động hay công việc mà mọi người làm – ví dụ vẽ, chơi nhạc, lập trình, v.v. Sân chơi là những người mà bạn tương tác cùng, trong lĩnh vực đó. Giả sử bạn thích lập trình, nhưng chui vào một sân chơi không phù hợp, thì bạn nên tìm sân chơi khác. Với sự thay đổi của công nghệ và văn hóa, ngày càng xuất hiện nhiều lĩnh vực mới và sân chơi mới, đồng thời những cái cũ mất đi.

Việc tìm ra đồng bọn có thể biến đổi bạn theo kiểu bước ngoặt, vì bạn cảm nhận được căn tính (identity) và lẽ sống của mình. Đó là vì đồng bọn sẽ cho bạn ba bảo bối: sự khẳng định (validation), cảm hứng (inspiration) và phép màu của hợp trội (alchemy of synergy).

Bạn cảm thấy đam mê của mình được khẳng định vì thấy không lẻ loi. Có cảm hứng và cảm thấy được thách thức là vì được tiếp xúc với cao thủ. Sự ảnh hưởng của đồng bọn có thể xảy ra ở nhiều dạng thức khác nhau, trong một căn phòng hoặc trên mạng.

Phép màu của hợp trội đến khi bạn tham gia một nhóm sáng tạo (creative team), ví dụ một ban nhạc hay một dự án lập trình. Một nhóm như vậy thể hiện rõ 3 tính chất của trí tuệ đã được đề cập ở trên:

  • Nhóm rất đa dạng, với nhiều tài năng khác nhau
  • Nhóm rất động (dynamic), tự điều tiết để các tài năng khác nhau hợp trội với nhau chứ không cản trở nhau
  • Nhóm rất khác biệt (distinct), tụ lại với nhau vì một mục đích rất cụ thể.

Khi đi tìm đồng bọn, cần chú ý không lọt vào đám đông (crowd), ngay cả khi đám đông tụ tập với nhau cũng vì một lý do chung, một đam mê chung, ví dụ đám đông fan bóng đá. Điểm khác biệt cơ bản là, khi ở với đồng bọn, căn tính của bạn nổi lên, còn khi ở trong đám đông, bạn sẽ mất căn tính riêng của mình, bị lôi kéo bởi đám đông.

Chương 6. Những trở ngại (What Will They Think?)

Hai chương tiếp theo sẽ nói đến điều kiện thứ hai của Nguyên tố, là Thái độ của bạn. Trên con đường đi tìm Nguyên tố, bạn sẽ gặp trở ngại và sẽ cần vượt qua. Có 3 loại trở ngại khác nhau:

  • Do chính bạn
  • Do cộng đồng xung quanh
  • Do các ràng buộc của nền văn hóa nơi bạn sống

Trở ngại của chinh bạn có thể là sức khỏe, hay sự nghi ngờ bản thân. Một tai nạn xảy đến và bạn bỏ cuộc.

Trở ngại từ cộng đồng xung quanh có thể đến từ cha mẹ hoặc người thân. Bạn thấy sợ sẽ làm họ mếch lòng, và chấp nhận hành động sao cho vừa ý họ. Trở ngại cũng đến từ nhóm bạn bè, thường nhóm bạn sẽ có cùng quan điểm (groupthink) và có thể chê bai nếu bạn tỏ ra khác biệt. Cuối cùng, trở ngại đến từ trường học, vì ở đó người ta xếp hạng các môn học và khiến bạn tin rằng một thứ gì đó là không quan trọng.

Loại trở ngại cuối cùng là trở ngại từ văn hóa, vì văn hóa ngầm quy định các tiêu chuẩn, những điều được và không được làm, đôi khi cứng nhắc và lỗi thời. Để khắc phục điều này, bạn nên du lịch đến các đất nước và khu vực khác nhau, để có cái nhìn rộng hơn.

Chúng ta không thể chỉ hô khẩu hiệu “không để thứ gì cản bước”, mà phải ý thức rằng, trên con đường đi tìm Nguyên tố, nhiều khả năng là ta sẽ đối mặt với một hay vài trở ngại trong 3 loại trên, và sẽ phải trả giá sao đó để vượt qua chúng.

Chương 7. Bạn có lạc quan? (Do You Feel Lucky?)

Thái độ lạc quan hay bi quan trước các biến cố cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến việc bạn có tiếp tục đi tìm Nguyên tố của mình không, hay là đầu hàng. Những người lạc quan hay cho là mình gặp may trong cuộc sống, ngay cả khi người ngoài cho là đen đủi. Ngược lại, những người bi quan luôn cảm thấy mình không may, hay phàn nàn và suy nghĩ tiêu cực.

Một trong những yếu tố quan trọng thể hiện thái độ tích cực của bạn là đức tính kiên trì (perseverance). Khi gặp trở ngại như đã đề cập ở chương trên, nhiều người đã thể hiện đức tính này và vượt qua.

Những người tìm được Nguyên tố của mình rốt cuộc là những người xác định được tham vọng và con đường để đạt được nó. Họ biết Năng khiếu và Đam mê là quan trọng, đồng thời cũng biết là Thái độ đối với các sự kiện và với bản thân cũng quan trọng không kém, để tìm thấy và sống trong Nguyên tố.

Chương 8. Mentor – người dẫn lối (Somebody Help Me)

Chắc ai cũng đồng ý là, nếu được gặp một mentor phù hợp, thì sẽ dễ tìm thấy Nguyên tố hơn. Đó có thể là sư phụ, một người đi trước, hay ai đó thấu hiểu và khiến mình tin tưởng. Thường mentor ít khi là cha mẹ, vì cha mẹ tuy muốn tốt cho con, nhưng lại muốn điều đó xảy ra theo ý mình, bỏ qua ý kiến con trẻ vì cho là không biết gì. Mentor cũng ít khi là thầy cô giáo ở trường, vì họ chỉ có đủ thời gian để quan tâm đến thành tích của bạn trong môn học mà họ dạy. Thường thì mentor xuất hiện như một may mắn tình cờ, nhưng cũng có khi bạn trẻ hay cha mẹ chủ ý đi tìm.

Mentor có thể kết nối với ta bằng nhiều cách, và đồng hành trong những quãng thời gian dài ngắn khác nhau. Tất cả họ đều có một vài trong 4 vai trò sau.

Thứ nhất là họ nhận ra (recognize) năng khiếu của bạn và làm rõ nó hơn. Ví dụ bạn có khiếu âm nhạc nhưng họ chỉ cho bạn nên thử sức trong thể loại nào. Thứ hai, họ động viên (encourage) bạn, giúp bạn vượt qua trở ngại. Thứ ba, họ tạo điều kiện (facilitate) bằng cách chỉ dẫn, kết nối với mọi người, mở đường. Cuối cùng, họ liên tục đẩy bạn lên, kéo căng bạn ra (stretch), để bạn vượt qua các giới hạn.

Mentor không phải là người hùng. Bạn nhìn và ngưỡng mộ người hùng từ xa, còn mentor là người mở các cánh cửa cho bạn và đi cùng bạn. Họ chỉ cho bạn bước tiếp sau và khuyến khích bạn tiến bước.

Chương 9. Liệu đã quá muộn với tôi? (Is It Too Late?)

Chương này dành cho những người lớn tuổi (như tác giả bài tóm tắt này), sau khi đọc đến đây thì băn khoăn tự hỏi, liệu mọi thứ đã quá muộn với mình?

Có nhiều người thực hiện và khuyên người khác là hãy tạm gác đam mê sang một bên, kiếm tiền đã, khi nào sung túc thì quay lại với đam mê sau. Nhưng rồi nhiều trong số họ cảm thấy như bị mắc kẹt trong lựa chọn đó, cảm thấy thời điểm cho đam mê đã qua…

Có một tin tốt khiến ta không cảm thấy quá muộn, là việc tuổi thọ và sức khỏe của con người ngày càng tăng. Do đó, khác với cha ông, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu gì đó ở tuổi trung niên, và thực tế là có nhiều người làm vậy.

Một nguyên nhân khiến mọi người nghĩ là đã quá muộn để bắt đầu theo đuổi đam mê là quan niệm cho rằng cuộc đời là tuyến tính, các việc được làm tuần tự. Nhưng thật ra bạn hoàn toàn có thể làm nhiều việc song song.

Cuối cùng, nếu trước kia người ta cho rằng ở tuổi già thì không thể học được gì mới, thì nay, với phát hiện về khả biến thần kinh (neuroplasticity), ta biết rằng bộ não rất dẻo và có thể tạo được những kết nối mới, học được thứ mới. Miễn là ta thường xuyên thực hành.

Bạn không thể quay về quá khứ để thay đổi điểm xuất phát, nhưng bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ để thay đổi đích đến của mình.

Chương 10. Vì tiền hay vì yêu? (For Love or Money)

Theo đuổi đam mê không nhất thiết phải kiếm được nhiều tiền từ đó. Sự khác biệt giữa pro và amateur (chuyên nghiệp và nghiệp dư) không phải là về tay nghề và chất lượng. Pro là người làm việc đó vì tiền, còn amateur là làm vì yêu thích, và họ không hề thua kém những tay nhà nghề. Ngắn gọn, amateur chính là người tìm thấy Nguyên tố ở ngoài công việc chính của mình. Con người bạn rất đa dạng, bạn không nhất thiết phải định hình bản thân bằng công việc mà bạn kiếm sống.

Ở đây, chúng ta cần phân biệt giữa leisure và recreation (bản dịch dịch là nhàn rỗi và tiêu khiển, nhưng những từ này có thể gây hiểu nhầm. Có thể dịch là “nghỉ ngơi nhàn hạ” và “tái tạo tích cực”). Leisure là khoảng thời gian bạn không làm gì cả, nằm ườn, để cơ thể tự phục hồi. Recreation thể hiện sự chủ động, bạn tái tạo (re-create) bản thân bằng hoạt động nào đó. Mặc dù bạn phải vận động, nhưng sự vận động đó không làm bạn mệt mỏi, mà cho bạn thêm năng lượng tích cực. Thưởng thức ly cà phê là leisure, còn pha chế cà phê là recreation. Nhà tâm lý học Martin Seligman phân biệt cảm xúc mà chúng mang lại: một là pleasure (lạc thú) và cái kia là gratification (mãn túc).

Như vậy, Nguyên tố gắn với Recreation chứ không phải Leisure, và là hoạt động tạo ra giá trị cho người khác.

Chương 11. Mặt trái của trường học (Making The Grade)

Có rất nhiều ví dụ cho thấy những người tìm được Nguyên tố và hạnh phúc thành công lại không học giỏi ở trường. Thậm chí nhiều người rời khỏi nhà trường để theo đuổi đam mê.

Nhà trường hiện đại được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp. Trước đó, xã hội không cần nhiều những người biết đọc biết viết, biết tuân thủ kỷ luật lao động. Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp đòi hỏi liên tục có số lượng lớn những người như vậy, và trường học được tạo ra. Có hai hệ quả ảnh hưởng và cản trở việc trẻ con tìm ra Nguyên tố. Thứ nhất, các môn học được xếp theo một ưu tiên cứng nhắc, chia thành chính và phụ. Thứ hai, người ta đòi hỏi ở học sinh sự tuân thủ (conformity) hơn là sáng tạo. Sáng tạo tức là phá vỡ quy tắc, là không nghe lời.

Sự tuân thủ tồn tại là có lý do. Việc học ở trường phổ thông, sau đó là đại học, sẽ bảo đảm cho bạn một công việc ổn đến suốt đời. Tuy nhiên, ngày nay tấm bằng đại học hay thậm chí cao hơn không còn là sự bảo đảm như vậy nữa. Nội dung của các công việc thay đổi rất nhanh, việc cũ mất đi, việc mới sinh ra. Số lượng các cử nhân, thạc sỹ cũng tăng lên rất nhiều, khiến cung vượt cầu. Chính vì lẽ đó, trong tình hình mới, việc tìm ra Nguyên tố mới là thứ cho bạn lợi thế cạnh tranh, chứ không phải con đường tuân thủ truyền thống. Các quốc gia cũng đều nhận ra tình trạng này và tìm cách thay đổi hệ thống giáo dục, từ bậc mẫu giáo cho đến đại học. Các nội dung cải tổ bao gồm loại bỏ thứ bậc chính phụ của các môn học, thậm chí xem xét lại khái niệm môn học (ví dụ hình thức phenomenon-based education – xem thêm bài này). Chương trình học cũng được cá thể hóa sớm, cho phù hợp với mỗi đứa trẻ. Quá trình giáo dục không có tính chất công nghiệp (make), dập khuôn nữa, mà đổi sang tính chất nông nghiệp (grow), mỗi cái cây cần được theo dõi và chăm sóc sao cho phù hợp với đặc tính của nó.

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của trường học, mỗi người có thể tham khảo lời khuyên của Grant Allen (hay được gán cho Mark Twain) cho mình và cho con: “tôi cố gắng không để việc đến trường ảnh hưởng đến chuyện học hành của mình”.

Sơ đồ các mối quan hệ giữa 11 Chương trong sách.

(Bài tóm tắt dành để tưởng niệm Sir Ken Robinson, đã mất năm 2020 vì bạo bệnh)

1 thought on “(Review sách) Nguyên tố – theo đuổi Đam mê sẽ giúp bạn hạnh phúc và thành công

Leave a Reply