Tác giả: Claude Levi-Strauss
Xuất bản lần đầu: Rousseau, pere de l’ethnologie / ‘/ Le Courrier. 1963. Số 3.
Việc một nhà nhân học được mời dự lễ kỷ niệm này mang đến cho ngành khoa học non trẻ của chúng tôi cơ hội để tỏ lòng thành kính với một người nổi tiếng về thiên tài nhiều mặt của mình, bao gồm văn học, thơ ca, triết học, lịch sử, đạo đức học, xã hội học, sư phạm, âm nhạc, thực vật học – và đấy vẫn chưa phải là tất cả các khía cạnh của công việc của ông.
Rousseau không chỉ là một nhà quan sát nhạy bén và tinh tế về cuộc sống nông thôn, một người say mê đọc sách về những chuyến du hành xa xôi, một nhà nghiên cứu tài năng và giàu kinh nghiệm về các phong tục và tín ngưỡng nước ngoài. Có thể khẳng định rằng, nhân học đã được ông tiên đoán và sáng lập cả thế kỷ trước khi nó được công nhận chính thức như một ngành khoa học. Ông đã ngay lập tức cho nó một vị trí cần thiết giữa những ngành khoa học tự nhiên và nhân văn đã có ở thời điểm đó. Ông cũng đã tiên đoán dưới dạng thực tế nào – với sự hỗ trợ của các cá nhân hay các nhóm – nó sẽ đi những bước đầu tiên.
Khái niệm của Rousseau được đưa ra trong một chú thích dài cho “Bài giảng về Bất bình đẳng”. “Tôi cảm thấy khó hiểu,- Rousseau viết, – tại sao trong thời đại ngùn ngụt tự hào về kiến thức của mình, lại không thể tìm ra hai người, một trong số đó muốn tặng hai mươi nghìn ta-le từ gia sản của mình, còn người kia là mười năm cuộc sống của mình cho một cuộc phiêu lưu vinh quang đi khắp thế giới, để học cách nhận biết không chỉ cỏ và đá, mà ít nhất một lần – nhận biết con người và phong tục …” Và rồi ông thốt lên: “… khắp nơi trên thế giới có các dân tộc sinh sống mà chúng ta chỉ biết tên, vậy mà dám nói về nhân loại thay cho tất cả. Chúng ta hãy tưởng tượng Montesquieu, Buffon, Diderot, d’Alembert, Condillac, hoặc những người như họ, đi du lịch để soi sáng cho đồng hương của mình, quan sát và mô tả theo cách của họ, những Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Barbaria, Maroc, Guinea, Kafra, nội địa châu Phi và bờ biển phía đông của nó, bờ biển Malabar, đế chế Mughal, bờ sông Hằng, vương quốc Xiêm, Pegu và Ava, Trung Quốc, Tartary và đặc biệt là Nhật Bản; và ở bán cầu kia – Mexico, Chile, vùng đất của Magellan, không quên Patagonia, Tucuman, Paraguay, và nếu có thể thì cả Brazil, người Caribs, Florida và tất cả các quốc gia hoang dã. Những cuộc hành trình như vậy sẽ là cần thiết nhất, và sẽ cần sự cẩn trọng đặc biệt. Giả sử, những Hercules mới này, khi trở về sau chuyến hành trình đáng nhớ của họ, sẽ mô tả một cách thoải mái bản chất, cách cư xử và lịch sử chính trị của những gì họ đã thấy; và sau đó chúng ta sẽ có thể nhìn thấy ánh sáng mới đang được sinh ra dưới ngòi bút của họ, và bằng cách đó chúng ta sẽ học được cách hiểu biết thế giới của chính mình … “(“Bài giảng về Bất bình đẳng”, Chú thích #10).
Đây chẳng phải là một trình bày về nội dung của nhân học hiện đại và phương pháp của nó hay sao? Và những cái tên mà Rousseau gọi ra, chúng chẳng phải là tên của chính những người mà các nhà nhân học hiện đại vẫn tôn kính và cố gắng bắt chước, tin chắc rằng chỉ khi đi theo những người này, họ mới có thể tìm được cho khoa học của mình một sự tôn trọng đã bị khước từ bấy lâu, hay sao? Rousseau không chỉ là tiền thân của ngành nhân học mà còn là người sáng lập ra nó. Thứ nhất, ông đã tạo cơ sở thực tế cho nó bằng cách viết “Bài giảng về Bất bình đẳng”, trong đó ông đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa tự nhiên và văn minh, và đây có thể được coi là nghiên cứu khoa học đầu tiên về nhân học nói chung. Thứ hai, ông đưa ra một luận chứng lý thuyết, chỉ ra một cách rõ ràng và ngắn gọn những nhiệm vụ độc lập của nhân học, khác với những nhiệm vụ của lịch sử và đạo đức học: “khi bạn muốn nghiên cứu mọi người, bạn cần phải nhìn xung quanh mình, nhưng để nghiên cứu con người, bạn phải học cách nhìn vào thời gian xa. Để phát hiện được các tính chất, trước tiên phải quan sát sự khác biệt “(“Bài luận về nguồn gốc của các ngôn ngữ”, Chương VIII).
Quy luật về phương pháp luận này, được Rousseau thiết lập đầu tiên, đã đánh dấu sự khởi đầu của nhân học, giúp khắc phục điều mà thoạt nhìn có thể coi là một nghịch lý kép: Rousseau, khi đề xuất nghiên cứu những người ở xa nhất, đã chủ yếu nghiên cứu người gần nhất với ông – là chính ông. Thông qua tất cả công việc của mình, ông luôn mong muốn đồng nhất bản thân với người khác trong khi cương quyết từ chối đồng nhất với chính mình.
Hai điều tưởng như đối lập này, về bản chất, là hai mặt của cùng một đồng tiền, và là khó khăn mà mọi nhà nhân học sớm muộn gì cũng phải vượt qua trong công việc của mình.
Tất cả các nhà nhân học đều có món nợ đặc biệt với Rousseau. Trên thực tế, Rousseau không hạn chế mình trong việc xác định vị trí chính xác của khoa học mới trong phức hợp tri thức nhân loại. Bằng các hoạt động, bằng tính cách và tính khí của mình, bằng sức mạnh của cảm xúc, bằng các đặc tính của bản chất và cá tính của mình, ông đã giúp các nhà nhân học theo kiểu huynh đệ: ông đã cho họ một hình ảnh mà trong đó họ nhận ra hình ảnh của chính mình, và bằng cách này đi sâu hơn vào sự hiểu biết về bản thân – không phải theo nghĩa trừu tượng của việc chiêm nghiệm thuần túy về trí tuệ, mà như những người mang theo sự biến đổi sâu sắc không tự nguyện mà Rousseau tạo ra trong họ, sự biến đổi mà tất cả nhân loại nhìn thấy trong nhân cách của Jean-Jacques Rousseau.
Khi một nhà nhân học bắt tay vào nghiên cứu, anh ta luôn thấy mình ở trong một thế giới mà mọi thứ đều xa lạ với anh và thường là thù địch. Anh thấy mình đơn độc, và chỉ có cái “tôi” bên trong của anh mới có thể hỗ trợ và cho anh sức mạnh để chống lại và tiếp tục làm việc. Trong điều kiện kiệt quệ về thể chất và tinh thần do mệt, đói, bất tiện, phá vỡ những thói quen đã có, những thành kiến xuất hiện bất ngờ mà nhà nhân học không thể ngờ tới – trong sự đan xen đầy khó khăn của các hoàn cảnh, cái “tôi” của anh thể hiện đúng như thực tế của nó: mang trên mình dấu vết của những cú đánh và những biến động trong cuộc sống cá nhân của anh, những thứ đã từng không chỉ quyết định sự lựa chọn sự nghiệp của anh, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ chiều dài của nó.
Đây là lý do tại sao, trong công việc của mình, nhà nhân học thường chọn mình làm đối tượng quan sát của mình. Kết quả là, anh phải học được cách tự biết mình, nhìn nhận bản thân một cách khách quan và từ xa, như thể anh là một người ngoài cuộc. Và khi đó nhà nhân học quay sang người không liên quan này, người khác, nằm trong anh và khác với cái “tôi” của anh, và cố gắng đánh giá người đó. Và điều này trở thành một phần không thể thiếu trong tất cả những quan sát mà nhà nhân học thực hiện trên các cá nhân đơn lẻ hoặc nhóm cá nhân, trên cái “tôi” bên trong. Nguyên tắc “tự bạch”, dù được viết ra một cách có ý thức hay được bộc lộ vô thức, đều là nền tảng của tất cả các nghiên cứu nhân học.
Chẳng phải vì kinh nghiệm của Rousseau giúp chúng ta nhìn ra mặt này của nhân học, cho nên tính khí của ông, lịch sử cá nhân đặc biệt của ông và hoàn cảnh sống đã vô tình đặt ông vào vị thế điển hình cho một nhà nhân học? Và Rousseau-nhà nhân học đã ngay lập tức ghi nhận tác động của những hoàn cảnh này đối với cá nhân ông.
“Và họ đây, – ông viết về những người cùng thời với mình, – những người xa lạ với tôi, không quen biết, tóm lại không là ai cả, vì họ muốn điều đó. Còn tôi – bản thân tôi là gì, khi bị tách rời khỏi họ và khỏi mọi thứ? Đó là điều tôi phải quyết định” (The Reveries of the Solitary Walker – Những điều mơ mộng của kẻ lãng du cô đơn, Cuộc đi bộ đầu tiên).
Và một nhà nhân học, lần đầu tiên tìm hiểu những người man dã mà anh chọn làm đối tượng nghiên cứu, có thể thốt lên kiểu Rousseau: “Họ đây, những người xa lạ đối với tôi, không quen thuộc, nói cách khác là không là ai đối với tôi, vì tôi muốn thế! Còn tôi – bản thân tôi là ai, khi bị tách rời khỏi họ và mọi thứ? Đó là điều tôi cần tìm ra trước tiên.”
Để một người có thể lại nhìn thấy hình ảnh của chính mình được phản chiếu trong những người khác – đây chính là nhiệm vụ duy nhất của nhân học trong việc nghiên cứu con người – thì trước tiên anh ta phải từ bỏ cái hình dung của mình về chính mình.
Chúng ta biết ơn Rousseau về việc khám phá ra nguyên tắc cơ bản này, nguyên tắc duy nhất mà khoa học về con người có thể dựa vào. Tuy nhiên, nguyên tắc này vẫn không thể tiếp cận và không thể hiểu được, vì triết học được chấp nhận chung dựa trên học thuyết của Descartes “Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại”, và chỉ giới hạn trong việc chứng minh logic về sự tồn tại của con người có tư duy. Dựa trên cái chứng minh đó, tòa nhà của khoa học vật lý đã được dựng lên, với cái giá là sự phủ nhận đối với xã hội học và thậm chí cả sinh học.
Descartes cho rằng có thể đi thẳng từ thế giới bên trong của một người ra thế giới bên ngoài, bỏ qua một điều rằng, nằm giữa hai thái cực này là các xã hội và các nền văn minh, hay nói cách khác là các thế giới cấu thành bởi con người.
Rousseau nói một cách rõ ràng về bản thân ở ngôi thứ ba – “anh ta” (đôi khi còn chia cả người thứ ba này thành hai phần khác nhau, như trong “Đối thoại”). Chính Rousseau là tác giả của câu nói nổi tiếng “Tôi là người khác” (các nhà nhân học cũng làm như vậy, trước khi chỉ ra rằng những người khác cũng là người giống họ, hay nói cách khác, “người khác” là “tôi”).
Như vậy, Rousseau xuất hiện trước chúng ta như một nhà cách tân vĩ đại, người đưa ra khái niệm về tính khách quan tuyệt đối. Trong “Cuộc đi bộ” đầu tiên, ông nói rằng mục tiêu của ông “là ghi nhận những thay đổi trong tâm hồn và trình tự của những thay đổi đó”, và sau đó nói thêm: “Theo một nghĩa nào đó, tôi sẽ thực hiện trên bản thân những thí nghiệm mà các nhà vật lý thực hiện với không khí, để biết những thay đổi hàng ngày về tình trạng của nó. “
Rousseau đã phát hiện cho chúng ta (một phát hiện thực sự đáng kinh ngạc, bất kể thực tế là nó đã trở nên quen thuộc hơn nhờ tâm lý học và nhân học hiện đại) sự tồn tại của một người khác (“anh ta”), người suy nghĩ bên trong ta và khiến ta lúc đầu nghi ngờ rằng đó chính là “tôi” là người đang suy nghĩ.
Descartes cho rằng, trước câu hỏi của Montaigne: “Tôi biết gì?” (toàn bộ cuộc tranh luận bắt đầu từ câu hỏi này) – ông có thể trả lời: “Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại.” Phản đối một cách dí dỏm với Descartes, đến lượt Rousseau hỏi: “Tôi là gì?”. Câu hỏi này không thể được trả lời cho đến khi một câu hỏi khác, cơ bản hơn được trả lời: “Tôi có có không?” Như vậy, câu trả lời mà có thể nhận được trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân đưa ra khái niệm về “người khác”, được phát hiện bởi Rousseau và ngay lập tức được ông áp dụng trong nghiên cứu một cách rõ ràng nhất…
Nếu cho rằng, với sự ra đời của xã hội, con người trải qua thay đổi bộ ba – từ trạng thái tự nhiên sang nền văn minh, từ cảm giác sang tri thức, và từ trạng thái động vật sang con người (việc chứng minh điều này là chủ đề của “Bài luận về bất bình đẳng”), thì chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng con người, ngay cả trong trạng thái nguyên thủy, có một khả năng quan trọng nào đó hoặc một tính chất đã thúc đẩy anh ta thực hiện biến đổi bộ ba này.
Và do đó chúng ta phải thừa nhận rằng, trong cái khả năng này và ngay từ đầu đã tiềm ẩn cả hai yếu tố mâu thuẫn – nếu không phải phải là bản chất, thì chí ít cũng như những thuộc tính của nó – khiến nó vừa tự nhiên lại vừa mang tính văn hóa, vừa tình cảm vừa lý trí, vừa động vật vừa con người. Chúng ta cũng phải đồng ý rằng, sự biến đổi mà một người trải qua chỉ có thể được thực hiện với sự nhận thức song hành của tâm trí con người về cái tính chất hay khả năng đã được chỉ ra đó.
Khả năng này, như Rousseau đã nhiều lần chỉ ra, là lòng trắc ẩn nảy sinh từ việc đồng nhất bản thân mình với người khác – không phải người nhà, người thân hay đồng hương, mà đơn giản là với bất kỳ người nào, vì anh ta là một con người. Hơn nữa, đồng nhất với bất kỳ sinh vật nào, bởi vì nó sống.
Như vậy, một cách trực giác, con người nguyên thủy cảm thấy mình đồng nhất với tất cả những người khác. Trong tương lai, anh ta không bao giờ quên trải nghiệm ban đầu của mình, ngay cả khi sự gia tăng dân số buộc anh phải đến những nơi mới, thích nghi với một lối sống mới, khi tính cá nhân thức tỉnh trong anh.
Nhưng sự thức tỉnh đó chỉ đến sau khi con người dần dần học cách nhận ra những đặc thù của người khác, phân biệt động vật theo giống loài của chúng, phân biệt trạng thái con người với động vật, cá thể mình với cá thể khác.
Sự thừa nhận rằng con người và động vật là những thực thể có cảm giác (chính là lý do để đồng nhất) có từ lâu trước khi ngườ ta nhận thức về sự khác biệt giữa chúng: đầu tiên là trong tương quan của các đặc điểm chung của tất cả sinh vật, và chỉ sau đó mới liên quan đến các đặc điểm riêng của con người, khi đặt chúng đối nghịch với các đặc điểm của động vật. Với kết luận táo bạo này, Rousseau đã đặt dấu chấm hết cho học thuyết của Descartes.
Nếu cách giải thích này là đúng, nếu Rousseau, với sự trợ giúp của nhân học, đã nhổ bật gốc rễ truyền thống có tính triết học, thì chúng ta sẽ dễ hiểu hơn cái sự thống nhất sâu sắc được thể hiện trong sáng tạo đa dạng của ông. Chúng ta có thể hiểu, tại sao ông lại coi trọng những nhiệm vụ mà nếu thoạt nhìn thì rất xa lạ đối với công việc triết gia và nhà văn của ông, ý tôi là các nghiên cứu về ngôn ngữ học, âm nhạc và thực vật.
Sự phát triển của ngôn ngữ, như được Rousseau mô tả trong “Bài luận về nguồn gốc của ngôn ngữ”, đi theo cùng một con đường, mặc dù ở một bình diện khác với sự phát triển của nhân loại.
Trong thời kỳ đầu của sự phát triển, đây là giai đoạn mà nghĩa trực tiếp và nghĩa bóng của sự vật không khác nhau; và chỉ dần dần ý nghĩa trực tiếp được giải phóng khỏi ẩn dụ ban đầu, trong đó mọi đối tượng được trộn lẫn với những đối tượng khác.
Đối với âm nhạc, thì dường như không có hình thức biểu đạt cảm xúc nào có thể phản bác lại lý thuyết của Descartes một cách tốt hơn, cái lý thuyết đã đặt đối lập vật chất với tinh thần, tâm trí với thể xác. Âm nhạc là một hệ thống trừu tượng vừa đối lập vừa tương đồng; nó có tác dụng kép đối với người nghe; thứ nhất, nó thay đổi tương quan giữa cái “tôi” của tôi và “cái khác” trong tôi, bởi vì khi nghe nhạc, tôi nghe thấy chính mình thông qua nó; thứ hai, nó thay đổi tương quan giữa tâm trí và thể chất – bởi lẽ âm nhạc sống bên trong tôi. “Một chuỗi tương đồng và kết hợp” (“Những lời bộc bạch”, cuốn 12), nhưng là chuỗi mà thiên nhiên ban tặng cho ta và được thể hiện trong “những vật thể làm kinh ngạc các giác quan của ta” (“Cuộc đi bộ” thứ 7).
Tương tự như vậy, Rousseau xác định cách tiếp cận của mình đối với thực vật học, lập luận rằng, đi theo con đường này, ông hy vọng tìm thấy sự thống nhất giữa cảm xúc và lý trí, bởi vì nó là trạng thái tự nhiên của con người, đã từng tồn tại ở thời điểm thức tỉnh ý thức của anh ta, nhưng sau đó không biểu hiện ra ngoài, ngoại trừ những trường hợp cá biệt và hiếm gặp.
Tư tưởng của Rousseau phát triển theo hai nguyên tắc. Thứ nhất là nguyên tắc đồng nhất bản thân với kẻ khác, và thậm chí với “kẻ khác” xa xôi nhất, bao gồm các đại diện của thế giới động vật. Thứ hai là nguyên tắc khước từ đồng nhất với cái “tôi” của mình, tức là khước từ mọi thứ mà cái “tôi” đó có thể làm cho trở thành “xứng đáng”. Hai vị trí này bổ sung cho nhau, và vị trí thứ hai thậm chí là điểm khởi đầu cho vị trí thứ nhất: tôi không phải là “tôi”, mà là người yếu nhất và khiêm tốn nhất trong những “kẻ khác”. Đây chính là tiết lộ thực sự của “Những lời bộc bạch” …
Nói về nhà nhân học, liệu anh ta có viết gì khác ngoài những lời bộc bạch? Thứ nhất là bộc bạch của riêng anh ta, bởi vì, như tôi đã nói, sự “khám phá” bản thân là động lực quyết định thiên chức và mọi công việc sáng tạo của anh. Và sau đó, trong các công trình của mình, anh xây dựng nên sự bộc bạch về xã hội của mình, cái xã hội mà, thông qua sự trung gian của nhà nhân học, đã chọn các xã hội khác và các nền văn minh khác làm đối tượng nghiên cứu. Hơn nữa, đối tượng nghiên cứu chính là trong số những xã hội có vẻ là yếu nhất và nguyên thủy nhất, để xác định rằng bản thân xã hội mình “không xứng đáng” đến mức độ nào. Khi nói “không xứng đáng”, ý tôi là nó không đại diện cho một dạng xã hội có tính đặc quyền nào, mà chỉ là một trong những “xã hội” khác, đã thay đổi trong nhiều thiên niên kỷ, và bằng sự đa dạng và thời gian ngắn ngủi của chúng, đã chứng minh rằng trong sự tồn tại tập thể của mình, con người cũng phải nhận biết mình là một “kẻ khác” trước khi anh ta dám tự xưng là “tôi” của chính mình.
Cuộc cách mạng trong tâm trí mà Rousseau thực hiện đã đi trước và khởi xướng ra cuộc cách mạng nhân học, bao gồm việc bác bỏ sự đồng nhất cưỡng ép bất kỳ nền văn hóa nào với nền văn hóa riêng của mình, hay đồng nhất cưỡng ép một thành viên riêng lẻ của bất kỳ nền văn hóa nào với cái hình ảnh hay vai trò nào đó mà nền văn hóa này muốn áp đặt cho anh ta.
Trong cả hai trường hợp, nền văn hóa hoặc cá nhân đều khẳng định quyền đồng nhất tự do của mình, sự đồng nhất này chỉ có thể được thực hiện bên ngoài con người, nghĩa là, bằng cách so sánh với tất cả những sinh vật đang sống và do đó đang đau khổ; và đồng thời cả trước khi một người trở thành người của công chúng hoặc được gán cho một vai trò lịch sử, nghĩa là, bằng cách so với một sinh vật như bản thân nó, chưa được định hình và chưa phân loại.
Vì vậy, “tôi” và “kẻ khác”, được giải phóng khỏi sự đối kháng mà duy chỉ có triết học là cố gắng cổ vũ, đã lấy lại được sự thống nhất của chúng. Mối liên hệ nguyên thủy rốt cuộc đã được làm mới và giúp họ đoàn kết “chúng ta” chống lại “chúng nó”, tức là chống lại một xã hội đối kháng với con người, xã hội mà con người cảm thấy sẵn sàng khước từ, vì bằng tấm gương của mình, Rousseau đã dạy cách tránh những mâu thuẫn không thể chịu đựng được của đời sống văn minh.
Vì nếu đúng là thiên nhiên đã trục xuất con người và xã hội tiếp tục đàn áp anh ta, thì con người ít nhất có thể đảo ngược các cực của tình thế tiến thoái lưỡng nan, và tìm kiếm sự giao cảm với thiên nhiên, để suy nghĩ về bản chất của xã hội ở đó. Theo tôi, đây là tư tưởng chính của Khế ước xã hội, Các bức thư về Thực vật học, và The Reveries of the Solitary Walker…
Nhưng chính xác là bây giờ, đối với tất cả chúng ta – những người đã trải qua lời cảnh báo mà Rousseau gửi tới độc giả của mình – “nỗi kinh hoàng của những người bất hạnh sẽ sống sau bạn” – tư tưởng của Rousseau đã phát triển cao nhất và đạt đến mức độ viên mãn.
Trong thế giới này, có lẽ tàn nhẫn hơn bao giờ hết với con người, nơi xảy ra những vụ giết người, tra tấn, tàn sát hàng loạt, mà dĩ nhiên, chúng ta không phải lúc nào cũng phủ nhận, nhưng cố gắng không để ý, như là điều gì đó không đáng kể, bởi vì chúng chỉ liên quan đến những dân tộc ở xa chúng ta, những dân tộc được cho là chịu đựng những đau khổ này vì lợi ích của chúng ta, hay chí ít là nhân danh chúng ta; trong một thế giới có biên giới ngày càng thu hẹp khi dân số tăng lên; trong một thế giới mà không một phần nhỏ nào của nhân loại có thể coi mình là hoàn toàn an toàn – trong thế giới này, nỗi sợ hãi về cuộc sống trong xã hội luôn đeo bám mỗi chúng ta.
Tôi nhắc lại, chính xác là bây giờ, tư tưởng của Rousseau, người đã chỉ ra cho chúng ta những tệ nạn của nền văn minh, cái nền văn minh vốn hoàn toàn không có khả năng đặt nền tảng đức hạnh cho con người, sẽ giúp chúng ta loại bỏ những ảo tưởng, mà kết quả tai hại của chúng, than ôi, ta đã có thể nhìn thấy trong chính mình và trên chính mình.
Chúng ta đã bắt đầu bằng cách tách con người ra khỏi thiên nhiên và đặt con người lên trên nó. Bằng cách này, chúng ta đã muốn phá hủy tính chất quan trọng nhất của con người, cụ thể là, con người trước tiên là một sinh vật sống. Với việc chúng ta ngoảnh mặt đi với tính chất chung này, mọi loại lạm dụng đã được tự do lộng hành.
Trong suốt 4 thế kỷ vừa qua, chưa bao giờ con người phương Tây lại có cơ hội tốt hơn bây giờ để hiểu rằng, bằng cách tự cho mình quyền thiết lập rào cản giữa thế giới con người và thế giới động vật, cho cái đầu mọi thứ mà anh ta tước đi của cái sau, anh ta đã chìm vào một vòng địa ngục nào đó. Bởi lẽ cái rào cản này, ngày càng trở nên không thể xuyên thủng, được sử dụng để ngăn cách những người này với người khác, và để biện minh trước con mắt của một thiểu số ngày càng thu hẹp cái yêu sách rằng nó là nền văn minh duy nhất của con người. Một nền văn minh như vậy, dựa trên nguyên tắc và tư tưởng về một hình ảnh tự cao tự đại, là mục ruỗng ngay từ khi mới sinh ra.
Chỉ có Rousseau mới có thể nổi dậy chống lại chủ nghĩa vị kỷ này. Ông viết trong phần chú thích cho Bài giảng về bất bình đẳng được trích dẫn ở trên rằng, với các loài vượn lớn của châu Phi và châu Á, được chúng ta biết đến từ những mô tả vụng về của các nhà thám hiểm, ông muốn xếp chúng vào những người thuộc chủng tộc mà chúng ta chưa biết đến, hơn là mạo hiểm phủ nhận bản chất con người ở những sinh vật mà có lẽ đang sở hữu bản chất đó.
Và sai lầm đầu sẽ ít nghiêm trọng hơn sai lầm sau, bởi vì sự tôn trọng những kẻ khác nảy sinh không ngẫu nhiên trong con người, còn trước cả khi các tính toán và ngụy biện được đưa ra. Rousseau tìm thấy bằng chứng về khả năng hồi đáp vốn có của con người trong “sự chán ghét bẩm sinh đối với cảnh đau khổ của đồng loại.” Và khám phá này buộc ông nhìn thấy trong mỗi sinh thể đau khổ có một sinh thể tương tự như mình và, do đó, được ban cho một quyền bất khả xâm phạm về lòng trắc ẩn.
Bởi vì, điều duy nhất đảm bảo rằng một ngày nào đó người khác sẽ không đối xử với chúng ta như thú vật là: tất cả mọi người, và trên hết là bản thân chúng ta, có thể nhận ra mình là chúng sinh đau khổ, để trau dồi khả năng trắc ẩn, là thứ mà thiên nhiên thay thế cho “luật pháp, đạo đức và phẩm hạnh”và nếu không có nó, thì như chúng ta ngày nay đã hiểu, sẽ không thể có luật pháp, đạo đức, cũng như phẩm hạnh trong xã hội.
Vì vậy, sự đồng nhất được Rousseau tuyên bố với tất cả các dạng thức của sự sống, bắt đầu từ những gì khiêm tốn nhất, có nghĩa đối với con người hiện đại không phải như lời kêu gọi hoài niệm trở về quá khứ, mà là nguyên tắc của trí tuệ tập thể và hành động tập thể. Trong một thế giới mà dân số quá đông khiến cho việc tôn trọng lẫn nhau ngày càng trở nên khó hơn, cũng tức là cần kíp hơn, thì đây là nguyên tắc duy nhất có thể cho phép mọi người sống cùng nhau và xây dựng một tương lai hòa thuận.
Có lẽ nguyên tắc này đã được đặt ra trong các tôn giáo vĩ đại ở Viễn Đông, nhưng ở phương Tây, nơi mà từ thời xa xưa, người ta chấp nhận thói đạo đức giả và coi thường sự thật rằng con người là một sinh vật sống và đau khổ, giống như tất cả các sinh vật khác, trước khi họ tách mình ra khỏi chúng bằng những yếu tố thứ yếu, thì ai khác, nếu không phải Rousseau, đã truyền đạt sự thật này cho chúng ta? Trong lá thư thứ tư gửi cho Malesherbes, Rousseau viết: “Tôi cảm thấy ghê tởm khủng khiếp những nhà nước thống trị người khác. Tôi ghét những người vĩ đại, tôi ghét chính quyền của họ”. Chẳng phải tuyên bố này trước tiên là về con người có ý định thống trị các sinh vật khác và được hưởng các quyền đặc biệt, do đó, cho phép những kẻ kém xứng đáng nhất quyền tự do làm điều tương tự đối với người khác, và hưởng lợi từ cái tư tưởng mà trong trường hợp riêng này cũng đáng ghê tởm như khi ở dạng tổng quát nêu trên? Tưởng tượng bản thân như một sinh vật vĩnh viễn hoặc ít nhất là tạm thời đặt trên những kẻ khác, coi mọi người như đồ vật, hoặc vì sự khác biệt về chủng tộc và nền văn hóa, hoặc do kết quả của cuộc chinh phục, hoặc vì “sứ mệnh cao cả”, hoặc đơn giản chỉ vì lợi ích của hiệu quả, – đó là một tội lỗi không thể cứu rỗi và không thể bào chữa được trong một xã hội văn minh.
Trong cuộc đời Rousseau có một khoảnh khắc vô cùng quan trọng với ông. Ông nhớ về nó trong những năm tháng về già, viết về nó trong bài luận cuối cùng của mình, quay trở về nó trong suy nghĩ của ông trong những lần đi bộ cô đơn. Nó là cái gì vậy? Ông chỉ đơn giản là tỉnh trở lại sau một cú ngã ngất xỉu. Nhưng cảm giác rằng bạn đang sống chắc chắn là “cảm giác quý giá” nhất, bởi vì nó rất hiếm và vô định. “Tôi cảm thấy, dường như tôi lấp đầy tất cả những vật thể mà tôi cảm nhận được, bằng sự tồn tại nhẹ nhàng của mình… Tôi không có một ý thức rõ rệt nào về cái tôi của mình … Tôi cảm thấy một sự bình an tuyệt diệu trong toàn bộ con người mình, và mỗi khi nhớ lại nó, tôi không thể tìm thấy bất kỳ thứ gì sánh bằng nó, trong số tất cả những thú vui mà tôi từng trải qua.” Đoạn văn nổi tiếng này từ “Cuộc đi bộ” thứ hai được vang vọng bởi một đoạn văn từ “Cuộc đi bộ” thứ bảy, giải thích những từ trên: “Tôi trải nghiệm những thú vui không thể giải thích được, những thăng hoa, khi tôi tan biến, có thể nói, vào hệ thống các sinh vật, đồng nhất mình với toàn bộ thiên nhiên.” Sự đồng nhất nguyên thủy này, thứ mà xã hội hiện đại phủ nhận đối với con người, và là cái mà anh ta chỉ đôi lúc mới cảm nhận được vì đã quên mất giá trị cơ bản của nó, một cách tình cờ, đã dẫn chúng ta đến tận cùng chiều sâu của các sáng tác của Rousseau. Và nếu chúng ta cho nó một vị trí đặc biệt trong những sáng tạo vĩ đại của một thiên tài, thì đó là bởi vì, trong sự đồng nhất này, Rousseau không chỉ khám phá ra nguyên lý thực sự của tri thức nhân loại và những nền tảng duy nhất có thể có của đạo đức, mà còn truyền cho chúng ta ngọn lửa đam mê của ông. Trong hai thế kỷ, ngọn lửa này đã cháy và sẽ cháy mãi mãi trong cái lò đó, nơi chúng sinh đã tìm thấy sự thống nhất của mình, bất chấp những nhà xã hội học và triết học, những người mà, trong niềm kiêu ngạo của mình, cố gắng hết sức để chia rẽ “cái tôi” của tôi và “cái khác” của tôi, xã hội của tôi và các xã hội khác, tự nhiên và văn minh, cảm tính và lý trí, nhân loại và cuộc sống.
Dịch từ nguồn tiếng Nga.