Tag Archives: Trẻ con

Chuyện một bức vẽ của trẻ con

Đang làm việc, tôi nhận được cuộc gọi từ nhà trẻ đề nghị đến đón con gái Nika sớm hơn bình thường.

– Có chuyện gì thế? – Tôi hỏi. – Nika bị sao à?

– Con gái chị ổn, nhưng chúng tôi cần nói chuyện với chị. – Giọng cô giáo nghe rất lạnh.

Tôi cố gắng tập trung vào công việc, không ăn thua. Tôi bỏ dở và chạy đến nhà trẻ. Ở đó, mọi người liếc tôi và bảo đến gặp bác sĩ tâm lý. Bác sỹ tâm lý thở dài, nhìn tôi như nhìn một học sinh lười, và đưa cho tôi một bức tranh trẻ con:

– Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, mỗi em tự vẽ gia đình của mình. Tất cả vẽ về những người mà các em sống cùng, một số còn vẽ cả họ hàng. Và đây là tranh của con gái chị.

Tôi nhìn bức tranh. Phải nói rằng Nika không thích vẽ, và nó vẽ không đẹp ngay cả so với tuổi. Tóm lại, ba hình người theo phong cách “que tay-que chân-dưa chuột”. Nhưng kèm theo chú thích, vì con gái đã biết chữ và đang tập viết. Nó viết: “Bố”, “Bà Olya”, “Tôi”. Hết.

– Chị hiểu không? – chuyên gia tâm lý hỏi. – Chị không có mặt. Đơn giản là không. Chị không tham gia vào cuộc sống của bé, không có mặt. Cuộc sống của cô bé có bố và bà, nhưng cần cả mẹ nữa! Rất cần! Hơn nữa, chị đâu có sống ở chỗ khác…

Và cứ thế. Trong khoảng mười lăm phút họ phê bình tôi, yêu cầu thay đổi thái độ của tôi với đứa trẻ. Hai mẹ con rời nhà trẻ đi về. Nika ríu rít, tôi thì dở sống dở chết. Tôi cứ nghĩ mãi – sao lại thế? Kể từ khi sinh nó, tôi chưa xa nó một ngày nào. Tôi đã mừng vì có nó. Tôi yêu nó hơn bản thân, đọc sách cho nó, đưa đi khắp nơi, ở nhà cùng nấu ăn và dọn dẹp, cùng đưa chó đi dạo. Con bé dịu dàng, tốt bụng. Sao lại thế được? Cuối cùng, tôi không chịu được nữa.

– Nika yêu, – Tôi cố giữ giọng bình tĩnh. – Hôm nay con cùng cô Oksana vẽ tranh…

– Vâng ạ. – nó xác nhận.

– Vậy tại sao con chỉ vẽ mình với bố và bà, không có mẹ?

– Mẹ ơi, tại mẹ đẹp quá! – Nika nói. – Mà con không thể vẽ đẹp như vậy!

(dịch từ nguồn Facebook tiếng Nga)

Ai cần nghe lời ai?

Khi có tâm sự, người lớn muốn nói và được ai đó lắng nghe. Họ không muốn bị cắt ngang dù là bằng những lời khuyên thông thái. Cho nên gọi là trút bầu tâm sự. Vậy mà người lớn, nhất là bố mẹ và thầy cô, lại ít khi cho trẻ giãi bày. Họ hầu như ngay lập tức chấm dứt câu chuyện và đưa ra những kết luận, nhận định hay lời khuyên mà theo họ là trẻ cần.

Đó là vì người lớn hiểu rõ vấn đề mà trẻ gặp phải, biết tỏng lời giải, nên đưa ra luôn. Nhiều phần là có ý tốt. Nhưng làm như vậy, họ đã bỏ mất một số điểm quan trọng:

  • Hiểu được cảm xúc của trẻ trong chuyện đó, vì tuy vấn đề là giống nhau, nhưng cảm xúc thì lại rất riêng – đứa trẻ thấy hoang mang, bất công hay tội lỗi?
  • Hiểu được trình tự tư duy của trẻ – tại sao chúng lại nghĩ thế, làm thế. Cũng như cảm xúc, mỗi đứa trẻ có một logic tư duy riêng mà người lớn nên tìm hiểu.
  • Cho trẻ cơ hội rèn luyện trình bày
  • Cho trẻ cơ hội tự tìm ra giải pháp, nhờ những câu hỏi của người lớn.

Người lớn không nên tự cho rằng mình đã biết tất cả và đưa ra ngay một phán quyết đầy thuyết phục. Ngược lại, luôn cần tò mò tìm hiểu cảm xúc và tư duy của đứa trẻ, đặt những câu hỏi mang tính khám phá, để giúp trẻ làm chủ cảm xúc, quan sát, suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Tất nhiên là mất công, nhưng rất đáng để làm, vì những lúc trẻ có tâm sự là lúc chúng học được nhiều. Nếu người lớn không chủ động giúp chúng học, thì chúng cũng sẽ học được gì đó mà có thể không phải là thứ người lớn muốn.

Câu “nghe lời” nên dành cho người lớn hơn là cho trẻ con. Người lớn cần nghe nhiều hơn, nói ít hơn. Hãy để trẻ nói, và hãy hỏi để chúng nói nhiều hơn nữa. Nếu không, sau này đừng kêu tại sao bọn trẻ không chịu chia sẻ.

Bạn có đang nghe lời con cái hay học trò của mình?