Chuyện một bức vẽ của trẻ con

Đang làm việc, tôi nhận được cuộc gọi từ nhà trẻ đề nghị đến đón con gái Nika sớm hơn bình thường.

– Có chuyện gì thế? – Tôi hỏi. – Nika bị sao à?

– Con gái chị ổn, nhưng chúng tôi cần nói chuyện với chị. – Giọng cô giáo nghe rất lạnh.

Tôi cố gắng tập trung vào công việc, không ăn thua. Tôi bỏ dở và chạy đến nhà trẻ. Ở đó, mọi người liếc tôi và bảo đến gặp bác sĩ tâm lý. Bác sỹ tâm lý thở dài, nhìn tôi như nhìn một học sinh lười, và đưa cho tôi một bức tranh trẻ con:

– Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, mỗi em tự vẽ gia đình của mình. Tất cả vẽ về những người mà các em sống cùng, một số còn vẽ cả họ hàng. Và đây là tranh của con gái chị.

Tôi nhìn bức tranh. Phải nói rằng Nika không thích vẽ, và nó vẽ không đẹp ngay cả so với tuổi. Tóm lại, ba hình người theo phong cách “que tay-que chân-dưa chuột”. Nhưng kèm theo chú thích, vì con gái đã biết chữ và đang tập viết. Nó viết: “Bố”, “Bà Olya”, “Tôi”. Hết.

– Chị hiểu không? – chuyên gia tâm lý hỏi. – Chị không có mặt. Đơn giản là không. Chị không tham gia vào cuộc sống của bé, không có mặt. Cuộc sống của cô bé có bố và bà, nhưng cần cả mẹ nữa! Rất cần! Hơn nữa, chị đâu có sống ở chỗ khác…

Và cứ thế. Trong khoảng mười lăm phút họ phê bình tôi, yêu cầu thay đổi thái độ của tôi với đứa trẻ. Hai mẹ con rời nhà trẻ đi về. Nika ríu rít, tôi thì dở sống dở chết. Tôi cứ nghĩ mãi – sao lại thế? Kể từ khi sinh nó, tôi chưa xa nó một ngày nào. Tôi đã mừng vì có nó. Tôi yêu nó hơn bản thân, đọc sách cho nó, đưa đi khắp nơi, ở nhà cùng nấu ăn và dọn dẹp, cùng đưa chó đi dạo. Con bé dịu dàng, tốt bụng. Sao lại thế được? Cuối cùng, tôi không chịu được nữa.

– Nika yêu, – Tôi cố giữ giọng bình tĩnh. – Hôm nay con cùng cô Oksana vẽ tranh…

– Vâng ạ. – nó xác nhận.

– Vậy tại sao con chỉ vẽ mình với bố và bà, không có mẹ?

– Mẹ ơi, tại mẹ đẹp quá! – Nika nói. – Mà con không thể vẽ đẹp như vậy!

(dịch từ nguồn Facebook tiếng Nga)

Leave a Reply