Ai cần nghe lời ai?

Khi có tâm sự, người lớn muốn nói và được ai đó lắng nghe. Họ không muốn bị cắt ngang dù là bằng những lời khuyên thông thái. Cho nên gọi là trút bầu tâm sự. Vậy mà người lớn, nhất là bố mẹ và thầy cô, lại ít khi cho trẻ giãi bày. Họ hầu như ngay lập tức chấm dứt câu chuyện và đưa ra những kết luận, nhận định hay lời khuyên mà theo họ là trẻ cần.

Đó là vì người lớn hiểu rõ vấn đề mà trẻ gặp phải, biết tỏng lời giải, nên đưa ra luôn. Nhiều phần là có ý tốt. Nhưng làm như vậy, họ đã bỏ mất một số điểm quan trọng:

  • Hiểu được cảm xúc của trẻ trong chuyện đó, vì tuy vấn đề là giống nhau, nhưng cảm xúc thì lại rất riêng – đứa trẻ thấy hoang mang, bất công hay tội lỗi?
  • Hiểu được trình tự tư duy của trẻ – tại sao chúng lại nghĩ thế, làm thế. Cũng như cảm xúc, mỗi đứa trẻ có một logic tư duy riêng mà người lớn nên tìm hiểu.
  • Cho trẻ cơ hội rèn luyện trình bày
  • Cho trẻ cơ hội tự tìm ra giải pháp, nhờ những câu hỏi của người lớn.

Người lớn không nên tự cho rằng mình đã biết tất cả và đưa ra ngay một phán quyết đầy thuyết phục. Ngược lại, luôn cần tò mò tìm hiểu cảm xúc và tư duy của đứa trẻ, đặt những câu hỏi mang tính khám phá, để giúp trẻ làm chủ cảm xúc, quan sát, suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Tất nhiên là mất công, nhưng rất đáng để làm, vì những lúc trẻ có tâm sự là lúc chúng học được nhiều. Nếu người lớn không chủ động giúp chúng học, thì chúng cũng sẽ học được gì đó mà có thể không phải là thứ người lớn muốn.

Câu “nghe lời” nên dành cho người lớn hơn là cho trẻ con. Người lớn cần nghe nhiều hơn, nói ít hơn. Hãy để trẻ nói, và hãy hỏi để chúng nói nhiều hơn nữa. Nếu không, sau này đừng kêu tại sao bọn trẻ không chịu chia sẻ.

Bạn có đang nghe lời con cái hay học trò của mình?

Leave a Reply