(Giới thiệu mô hình EIAG)
Người ta hay nói rằng “học từ kinh nghiệm”. Tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy. Có những người làm một việc đã rất nhiều lần nhưng vẫn lặp lại những sai lầm cũ. Lại có những người chỉ xử lý tốt khi gặp tình huống giống hệt, chứ không tổng quát hóa được bài học cho tình huống mới. Cụm từ “kinh nghiệm chủ nghĩa” ám chỉ những người hành động chỉ dựa trên kinh nghiệm.
Việc đúc kết kinh nghiệm thành nguyên lý để rồi quay lại áp dụng trong công việc là một kỹ năng cần phải học. Cụ Hồ nói “thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”. Không phải vô cớ mà trong lĩnh vực học tập ở nơi làm việc (workplace learning), loại hình “chiết xuất học tập từ công việc” – nghĩa là làm cái gì đó rồi cùng xem lại, rút kinh nghiệm với nhau và với chuyên gia, được coi là hiệu quả hơn so với ngồi học trên lớp (*).
Trong việc giáo dục trẻ em thông qua trải nghiệm, người ta còn cho rằng bản thân trải nghiệm chỉ chiếm 20% giá trị giáo dục, 80% còn lại nằm ở buổi trao đổi rút kinh nghiệm giữa giáo viên và học sinh (**). Toàn bộ quá trình này có tên là EIAG, tức là 4 bước của quá trình học qua trải nghiệm: Experience, Identify, Analyze, Generalize. Khi sử dụng mô hình EIAG, ta sẽ cùng hỏi “cái gì”, “tại sao” và “như thế nào” để nghĩ lại toàn bộ chuyện đã xảy ra, so sánh hình dung của mình với của người khác, hiểu ra điều gì là quan trọng, cái gì là nhân là quả, và có thể rút ra bài học gì cho tương lai.
- Trải nghiệm (experience): bản thân chuyện đã xảy ra, với kết quả tốt hoặc xấu.
- Xác định (identify): xác định xem điều gì đã xảy ra. Các câu hỏi:”Đã xảy ra điều gì?”, “Tôi đã thấy gì?”, “Cái gì quan trọng?”, “Trình tự vụ việc diễn ra thế nào?”. Ở bước này, ta bắt đầu hiểu thứ mình đã trải nghiệm, và điều gì trong đó là quan trọng. Tránh vội đưa ra phán xét chuyện tại sao lại như vậy hay nó có nghĩa lý gì – đây là lỗi rất hay mắc.
- Phân tích (analyze): Ở đây ta mới phân tích nguyên nhân. Nếu trải nghiệm là thất bại, ta muốn biết điều gì là nguyên nhân. Thành công cũng vậy. Trong cả 2 trường hợp ta muốn biết cái gì đã dẫn đến kết quả. Các câu hỏi: “Tại sao cái đó lại quan trọng?”, “Tại sao điều đó xảy ra?”, “Chuyện đó có ý nghĩa gì?”, “Cái gì đã làm ra kết quả như thế?”
- Tổng quát hóa (generalize): bước này tối quan trọng mà hay bị coi nhẹ. Đây chính là “lý luận”. Ta qua một trải nghiệm và học được thứ có thể dùng cho những tình huống tương tự (học 1 hiểu 10). Không có bước này, ta không nâng được khả năng hiểu, kiểm soát và thay đổi tình hình khi chuyện lặp lại. Qua mỗi lần trải nghiệm, “lý luận” mà ta đúc kết ra lại sâu sắc hơn, nhất là khi có chuyên gia hay sách vở giúp đỡ. Câu hỏi: “Tôi có thể sử dụng cái này thế nào?”, “Liệu tôi có thể làm khác đi nếu nó lại xảy ra?”, “Nếu tôi muốn lần sau có kết quả khác (hay kết quả tương tự), tôi cần làm gì?”
Một số người thực hiện 4 bước này một cách vô thức, và học rất nhanh. Số khác cần sự giúp đỡ. Với trẻ em, cần có sự tham gia của giáo viên để tạo cho các em thói quen sử dụng công cụ học tập này. Dạy phương pháp quan trọng hơn dạy kiến thức.
(*) https://www.facebook.com/notes/phan-phuong-dat/ba-lo%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%ADp-%E1%BB%9F-n%C6%A1i-l%C3%A0m-vi%E1%BB%87c/10152106399258092
(**) UNEP DHI Eco Challenge Briefing Notes 2014
Tham khảo: http://sammillermusings.blogspot.com/2009/05/do-you-eiag.html