Radio Svoboda: 15 năm thảm kịch Beslan, những gì chính quyền vẫn giấu cho đến hôm nay

Родственники погибших на месте теракта в школе №1, Беслан, 1 сентября 2019 года

Người thân thắp nến cho các con tin bị chết ở trường phố thông Số 1, Beslan, ngày 1/9/2019. Ảnh trong bài gốc

Ngày 3 tháng 9 năm 2004, trong cuộc tấn công vào một trường học ở thành phố Beslan thuộc nước cộng hòa Bắc Ossetia, liên bang Nga, nơi những kẻ khủng bố giam giữ 1.128 con tin, có 333 người đã thiệt mạng, hầu hết là trẻ em. Hơn 800 người bị thương. Vụ tấn công khủng bố này trở thành vụ có số nạn nhân lớn nhất trong lịch sử nước Nga, và vẫn giữ kỷ lục cho đến ngày nay.

Sau 15 năm, thân nhân của các nạn nhân – gần như là toàn bộ dân số của một thành phố nhỏ, chỉ 37 nghìn người – tiếp tục truy từ chính quyền Nga sự thật về vụ tấn công và đòi tiến hành một cuộc điều tra thực sự. Kết luận chính thức không thuyết phục được mọi người, vì nó khác so với nhiều lời chứng thực của những người sống sót và nhân chứng, cũng như kết luận của các chuyên gia và điều tra độc lập. Radio Svoboda xin tóm lược những kết luận chính.

Chính quyền biết trước về việc chuẩn bị khủng bố

Một ngày trước khi ngôi trường bị bắt làm con tin, người đứng đầu Cục kiểm soát tội phạm có tổ chức Bắc Ossetia, Roman Sokhiev, cũng như người đứng đầu Bộ Nội vụ địa phương, đã nhận được báo cáo tình báo rằng có một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Beslan, cụ thể là chiếm một công trình lớn nào đó. Không có biện pháp nào được thực hiện để ngăn chặn cuộc tấn công. Hàng chục tên khủng bố vũ trang đã xâm nhập lãnh thổ Bắc Ossetia từ Ingushetia mà không gặp trở ngại, tiếp cận Beslan và vào trường.

Chính quyền hạ thấp vài lần con số con tin bị giữ

Một ngày sau khi trường bị bắt làm con tin, thư ký báo chí của Tổng thống Bắc Ossetia, Lev Dzugaev, cho các phóng viên biết số con tin do bọn khủng bố bắt giữ: 354. Trong khi đó, danh sách do các thân nhân của con tin lập và được chuyển đến ban chỉ huy chiến dịch giải phóng con tin mà Moscow lập ra đã bao gồm hơn 800 người.

Theo lời khai của chính các con tin, khi nghe con số bị giảm xuống rất thấp qua báo đài, một trong những kẻ khủng bố, Vladimir Khodov, đã chạy vào hội trường nơi hầu hết trẻ em đang bị giam giữ và hét lên: “Nếu họ nghĩ rằng chúng mày chỉ 300, thì bọn tao sẽ làm cho con số trở nên đúng như thế!” Sau đó, tình hình con tin trở nên tồi tệ hơn: những kẻ khủng bố đã ngừng đưa họ vào nhà vệ sinh và cho nước uống. Trẻ em buộc phải uống nước tiểu của chính mình.

Nhà báo Novaya Gazeta Elena Milashina, người đã điều tra thảm kịch Beslan trong 15 năm, cho rằng chính quyền đã cố ý nói dối về số lượng con tin. “Nếu biết rằng có hơn một nghìn người trong trường, hầu hết là trẻ em, xã hội có thể sẽ yêu cầu phải cứu họ bằng mọi giá, kể cả thông qua đàm phán với những kẻ khủng bố” – bà nói.

Một trong những người có trách nhiệm truyền thông về vụ tấn công khủng bố là Dmitry Peskov, khi đó là phó thư ký báo chí thứ nhất của Vladimir Putin, hiện là thư ký báo chí của TT Nga.

Nhà chc trách c tình không đàm phán vi nhng k khng b

Theo kết luận chính thức, từng được chính Tổng thống Vladimir Putin nhắc đến, thì trong cả ba ngày bắt giữ trường học, những kẻ khủng bố đã không muốn đàm phán. Nhưng theo nhiều lời khai của các con tin còn sống sót, những kẻ bắt giữ trường liên tục cố gắng khởi xướng đàm phán, và một trong số chúng, Nurpashi Kulaev, hứa sẽ đổi 150 trẻ em lấy mỗi người mà những kẻ khủng bố yêu cầu đến trường. Cụ thể, các chiến binh nêu tên Tổng thống Cộng hòa Bắc Ossetia Alexander Dzasokhov, Tổng thống Ingushetia Murat Zyazikov, Cố vấn của Tổng thống Nga Aslanbek Aslakhanov và bác sĩ trẻ em Leonid Roshal. Những kẻ khủng bố truyền qua con tin số điện thoại mà những người nêu trên có thể liên lạc với chúng. Ban chỉ huy chiến dịch giải phóng con tin nói rằng điện thoại này không hoạt động, mặc dù sau đó Aslakhanov và Roshal đã dùng nó để liên lạc với các chiến binh trong trường.

Rốt cuộc Kremlin đã không cho phép đàm phán. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nga lúc đó Mikhail Pankov đã cảnh báo Dzasokhov rằng nếu ông ta cố gắng vào trường thì sẽ bị bắt.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Ingushetia, Ruslan Aushev, đã tự mình vào trường và đã thuyết phục những kẻ khủng bố thả các em bé sơ sinh và mẹ của chúng – tất thảy 26 người.

Một trong những thủ lĩnh của phe ly khai Chechnia, Aslan Maskhadov, và thủ tướng của nước cộng hòa tự xưng Ichkeria, Akhmed Zakayev, cũng sẵn sàng đàm phán với những kẻ khủng bố về việc thả con tin. Để đảm bảo an ninh cho mình, họ đặt ra điều kiện: Anna Politkovskaya, phóng viên của Novaya Gazeta, và Andrei Babitsky, phóng viên của Radio Svoboda, sẽ đi cùng họ đến Beslan. Các nhà báo nãy đã đồng ý và chuẩn bị bay tới họp với Maskhadov và Zakayev, nhưng Babitsky đã bị cảnh sát bắt giam tại sân bay Moscow vì những lý do bịa đặt, còn Anna Politkovskaya bị đầu độc bởi một chất không xác định trong máy bay, có lẽ là qua trà hoặc khăn lau ẩm.

Ruslan Aushev cho rằng Kremlin đã từ chối đàm phán vì họ không muốn có Maskhadov là trung gian chính.

Nhà chc trách nói di rng nhng k khng b không có yêu cu gì

Vladimir Putin tại một cuộc họp với người thân của các nạn nhân, diễn ra một năm sau vụ tấn công, tuyên bố rằng những kẻ khủng bố “không đòi hỏi gì cả”. Trong khi đó, những kẻ chiếm trường học đã có những yêu cầu rất cụ thể, mà trọng tâm là rút quân Nga khỏi Chechnya và chấm dứt chiến sự. Thông qua các con tin, những kẻ khủng bố đã truyền một băng video với lời kêu gọi trực tiếp của Shamil Basayev tới Putin. Sau này, các phương tiện truyền thông liên bang tuyên bố rằng băng cassette là băng trắng.

Các chiến binh cũng đã trao một lá thư cho Putin thông qua Ruslan Aushev. Theo cựu tổng thống Ingushetia, trong đó, để đổi lấy việc thực hiện các yêu cầu, họ đã cam kết chấm dứt chiến sự chống lại Nga, vào CIS và ở lại khu vực đồng rúp. Bên cạnh những nội dung khác, những kẻ khủng bố cảnh báo rằng trong trường hợp bị tấn công, 50 con tin sẽ bị bắn cho mỗi chiến binh bị giết.

Cuộc tấn công vào trường bắt đầu sau khi bị bắn từ bên ngoài

Theo kết luận chính thức của cuộc điều tra, lực lượng đặc nhiệm và quân đội đã bắt buộc phải tấn công – sau khi các chiến binh cho nổ hai quả bom tự chế trong phòng tập thể dục, nơi có hầu hết các con tin. Quả bom đầu tiên được cố định trong một cái rổ bóng rổ, cái thứ hai – dưới bệ cửa sổ. Tuy nhiên, theo lời khai của các con tin còn sống sót, vụ nổ đầu tiên xảy ra ở phía đối diện của hội trường, cách xa 18m so với nơi mà kết luận điều tra chỉ ra, và đã có một quả cầu lửa khổng lồ bay ngang hội trường, như thể từ một phát đạn từ súng phun lửa. Như từ lời khai của các nhân chứng, không một thiết bị nổ nào được lắp đặt bởi những kẻ khủng bố đã phát nổ.

Yuri Saveliev, một chuyên gia quân sự, cựu đại biểu Duma Quốc gia và là thành viên của ủy ban quốc hội điều tra vụ tấn công khủng bố, được thành lập năm 2004, tuyên bố rằng vụ nổ xảy ra do bị bắn phá trường học từ mái của hai ngôi nhà liền kề. Ủy ban tìm thấy ống phun lửa trên mái nhà. Sau đó, trong cuộc tấn công – cả theo các nhân chứng và theo Savelyev – trường học đã bị bắn phá từ vũ khí hạng nặng và vũ khí “sát thương bừa bãi”. Đơn cử, người ta đã cho xe tăng bắn vào nhà ăn, mà lúc đó có khoảng 300 con tin.

Hầu hết các con tin đã chết trong vụ tấn công

Cuộc điều tra của chính quyền Nga tuyên bố rằng tất cả 333 con tin đã chết do một quả bom được những kẻ khủng bố cài đặt trong phòng tập thể dục. Theo báo cáo của Yuri Savelyev, hầu hết các con tin đã chết trong vụ tấn công và ở phía hoàn toàn khác của trường, thậm chí còn không bị gài mìn. Phía đó của trường học – phía nam – đã bị phá hủy vào đêm 3 rạng sáng 4 tháng 9, theo người thân của các nạn nhân, để thủ tiêu dấu vết của đạn pháo.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã đồng ý với nhiều kết luận trong báo cáo của Saveliev, buộc chính phủ Nga phải tiến hành một cuộc điều tra mới về các tình huống của vụ tấn công Beslan. Bản thân báo cáo này cũng đã được gửi riêng cho Putin – điều này được thực hiện bởi chính Savelyev, người quen biết với Tổng thống Nga khi còn làm việc tại tòa thị chính của St. Petersburg. Không có phản ứng nào từ Putin hoặc tùy tùng của ông ta. Chính phủ Nga đã không tiếp tục điều tra. Đồng thời, chính quyền đã trả gần như toàn bộ số tiền bồi thường mà Tòa án Nhân quyền châu Âu tuyên đền bù cho người thân của các nạn nhân ở Beslan, khoảng 3 triệu euro.

Dịch từ nguồn (tiếng Nga, Radio Svoboda, 3/9/2019)

Leave a Reply