Lời giới thiệu của người dịch
Những chương đầu tiên của Cựu Ước kể về việc Chúa Trời sáng tạo ra thế giới được viết rất cô đọng, với văn phong đặc biệt. Trong các bản chú giải bằng tiếng Việt, độc giả thường được diễn giải ý chính, mà không đi vào chi tiết văn bản. Các tác giả kêu gọi người đọc đi tìm “nghĩa bóng”, bỏ qua “nghĩa đen”, bỏ qua câu chữ của văn bản. Cuốn sách được dịch và giới thiệu dưới đây là một nỗ lực giải nghĩa các chương đầu tiên của Kinh Thánh theo nghĩa đen, theo câu chữ của văn bản tiếng Do Thái.
Giả thuyết về các nguồn văn trong Kinh Thánh
Giả thuyết tài liệu (Documentary hypothesis) là một mô hình được các học giả nghiên cứu Kinh Thánh sử dụng để giải thích nguồn gốc và cấu trúc của Kinh Thánh. Mô hình này từng được chấp nhận rộng rãi, nhưng, theo Wikipedia tiếng Anh, đến giữa những năm 1970 thì sự đồng thuận này đã sụp đổ bởi một số nghiên cứu mới.
Theo giả thuyết tài liệu, có 4 nguồn văn được sử dụng trong các sách Cựu ước: nguồn văn Giavít (Jahwist – J), Êlôhít (Elohist – E), Đệ Nhị Luật (Deuteronomist – D), và Tư tế (Priestly – P).
Nguồn văn Giavít (J) kể lại từ chuyện khai nguyên vũ trụ cho đến cuộc xuất hành của dân tộc Israel. Tác giả xưng tên Thiên Chúa là Giavê (Yehovah/ Yahweh) nên được gọi là nguồn văn Jahwist. Nguồn văn Êlôhít (E) là các đoạn mà trong đó, tác giả xưng tên Thiên Chúa là Elohim, nên gọi là nguồn văn Elohist.
Sách Kinh thánh 2011 (bản dịch của Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ) và sách Công giáo và Đức Kitô (tác giả Lý Minh Tuấn, tái bản lần 2, NXB Tôn Giáo, 2019) dựa vào giả thuyết tài liệu này để giải thích những chỗ khó hiểu, những chỗ được cho là bị lặp lại trong Torah, ví dụ như giữa chương 1 và 2 của sách Sáng Thế.
Tác giả LMT kêu gọi độc giả “vượt lên nghĩa đen, tìm nghĩa bóng”, “giải thích theo nghĩa đen là sa vào ấu trĩ, phản khoa học”. Tác giả này dựa vào chỗ được cho là mâu thuẫn giữa chương 1 và 2 của sách Sáng Thế (Khởi nguyên) để đi đến kết luận “Điều này chứng tỏ rằng đoạn đầu Khởi Nguyên là kết quả của một sự góp nhặt của hai văn bản khác nhau…”, ý nói là các dòng văn Jahwist và Elohist. Tác giả LMT nhận xét: “ngày nay, hầu như không còn nhà chú giải Kinh Thánh nào coi các văn bản Kinh Thánh là những lời do Chúa Thánh Thần đọc cho ký giả chép từng chữ và phải hiểu theo nghĩa đen.”
Vừa vặn, các bài giảng của Berman được tập hợp trong cuốn Giải nghĩa Kinh Thánh này chính là một nỗ lực giải thích Cựu Ước theo nghĩa đen, theo đúng câu chữ, ít ra là cho những chương đầu của sách Sáng thế. Tất cả những chỗ bị cho là “lặp lại” do “góp nhặt” đều được giải thích theo cách riêng mà người dịch cho là logic và thuyết phục.
Tác giả LMT còn đi xa hơn khi khẳng định “Rõ ràng là Khởi Nguyên không có ý nói đến một sự thật về sáng tạo (sáng tạo từ bao giờ, trong bao lâu và ra sao), mà chỉ có ý nói rằng vũ trụ vạn vật có khởi đầu, chủ thể sáng tạo là Thiên Chúa toàn năng, và vũ trụ vạn vật được tác thành trong một trật tự, một tiến trình…”. Khẳng định như vậy có phần chủ quan, và thế thì hóa ra các mô tả chi tiết trong Khởi Nguyên là giả tưởng ra cho vui?
Về sách Giải nghĩa Kinh thánh
Trong quá trình đi tìm một bản chú giải đầy đủ theo nghĩa đen, tôi tìm thấy tài liệu “Giải nghĩa Kinh Thánh” của tác giả B.I.Berman bằng tiếng Nga trên thư viện lib.ru (Б.И.Берман. Библейские смыслы (Главы 1-3) ). Trong tài liệu này, tác giả phân tích văn bản Cựu Ước bằng tiếng Do Thái cổ (Hebrew) và có những giải thích logic, chi tiết về quá trình Chúa Trời sáng tạo ra thế giới, ra loài người ra sao, và về những “năm tháng” đầu tiên của loài người theo Cựu Ước. Thấy hay, nên mặc dù chưa có nhiều hiểu biết về Kinh Thánh, tôi cũng mạo muội dịch ra tiếng Việt cho những người quan tâm tham khảo. Với những chỗ không thực sự hiểu, người dịch sẽ chú giải và hy vọng có sự góp ý của độc giả để tiếp tục chỉnh sửa cho tốt hơn. Những chỗ do dịch giả chú thích thêm được đóng trong ngoặc kép và kết thúc bằng ghi chú “ND”.
Trong tài liệu, các từ gốc tiếng Hebrew được chuyển tự (transliteration) sang chữ cái Nga, người dịch đã chuyển sang hệ chữ cái Latin bằng cách tham khảo văn bản Kinh Thánh chuyển tự như chú dẫn dưới đây. Có một số từ chưa có điều kiện tra cứu nên có thể được chuyển chưa chính xác, rất mong được góp ý để sửa.
Văn bản Kinh Thánh bằng tiếng Hebrew chuyển tự sang Latin được lấy từ nguồn và nguồn. Bản tiếng Anh dùng để đối chiếu cũng lấy từ nguồn trên. Người dịch cũng sử dụng hai bản dịch tiếng Việt để đối chiếu, bản dịch số 1 là bản dịch của Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ. Bản dịch số 2 là bản được Nhà xuất bản Tôn giáo sử dụng (Vietnamese Old Version1926 ed.).
Lời giới thiệu sách của bản tiếng Nga
Cuốn sách này được thực hiện trên cơ sở băng ghi âm các bài giảng và nói chuyện của B.I.Berman (1957-1992), giảng viên trường Đại học DoThái Bar-Ilan (Israel), giám đốc và chủ nhiệm khoa học “các chương trình Nga” thuộc Trường Sư phạm Yaakov Herzog trong Viện Hartman, Jerusalem. Berman là tác giả các cuốn sách “Shema” (Jerusalem,1990) và “Tolstoy thầm kín” (Moskva, 1992). Trong “Giải nghĩa Kinh Thánh”, ý nghĩa và giá trị của văn bản Kinh Thánh được mở ra rất chi tiết và tuần tự trong ngôn ngữ gốc, mà việc dịch chuẩn xác sang các ngôn ngữ châu Âu không phải lúc nào cũng khả thi. Nhu cầu về những kiến thức này trong văn hóa Nga cho đến nay hầu như vẫn chưa thấy có. Tập đầu tiên của “Giải nghĩa Kinh Thánh” làm rõ quan điểm của Kinh Thánh về nguồn gốc của loài Người trên Trái Đất, các giai đoạn xâm nhập của cái Ác vào cuộc sống con người. Tập này bao gồm 17 chương đầu tiên của Sách Sáng thế (tức là 3 chương đầu theo cách chia theo tuần của Do Thái giáo: Bereshit, Noach và Lech Lecha – ND), kể về Những Ngày Sáng Thế, về sự sa ngã của Adam, về Cain, về sự suy đồi trước Hồng Thủy, về Đại Hồng Thủy, việc xây dựng tháp Babylon, và bắt đầu con đường của Áp-ra-ham.
B.I. Berman
Giải nghĩ Kinh Thánh
Mục lục
Phần 1. Khởi đầu
I. Bóng tối và Ánh sáng
II. Đất
III. Sáng tạo con người (3 post)
IV. Trong vườn của Eden
V. Tội lỗi của Adam
VI. Trục xuất
VII. Các bài học của Cain
VIII. Những thế hệ bị mất
Phần 2. Nô-ê
I. Hồng thủy
II. Hậu Hồng thủy
III. Kham, Ca-na-an và Nim-rốt
Phần 3. Đường về chính mình
I. Ra đi
II. Ở Ai-cập
III. Áp-ra-ham và Lót
IV. Chiến tranh
V. Phía bên kia
VI. Biểu tượng chia ba
VII. Di chúc
VIII. Cắt bao quy đầu
Phần 1. Khởi đầu
I. Bóng tối và Ánh sáng
Torah (Ngũ Thư – Năm cuốn sách đầu của Cựu Ước – ND) được mở đầu bằng tuyên cáo về việc Chúa Trời sáng tạo Trời và Đất. Những từ đầu tiên của Kinh Thánh trong ngôn ngữ gốc là:
St. 1:1
Bereshit bara Elohim et hashamayim ve’et ha’arets.
In the beginning God created heaven and earth.
(Bản dịch tiếng Việt 1) Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.
(Bản dịch tiếng Việt 2) Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.
Câu này vô cùng khó dịch, nên chúng ta tìm hiểu nghĩa của từng từ. Từ Elohim (Chúa Trời) là số nhiều của từ eloah, có gốc từ ele, là đại từ chỉ định “những cái đó”, biểu thị các hiện tượng trong sự liên kết và thống nhất: “tất cả những cái đó”. Eloah là sự xuất hiện của Đấng Tối Cao, thống nhất các hiện tượng của Thế giới. Nếu đối với đa thần giáo, Thế giới được chia ra và mỗi thành phần của nó đều có nguồn gốc, có thần thánh, thì Elohim có nghĩa là tồn tại một Nguồn gốc Thống nhất của tất cả các lực lượng trong Thế giới.
Elohim – Đức Chúa của mọi sáng tạo, là Đấng Sáng tạo, Đấng tạo ra Luật và Quan tòa của Thế giới. Ngài xác lập Luật và trật tự, đưa ra chừng mực (tiếng Nga: мера – ND) cho Thế giới.
Gốc của từ bara (tạo ra) gần với gốc của các từ “chạy mất”, “đi mất”, “thoát ra ngoài”. Thuần túy về ngôn ngữ học, bara có nghĩa là thoát từ trong ra ngoài. bara Elohim là đưa ra Thế giới từ Bản thân mình. Trong cụm từ ấy ẩn chứa một quá trình biến đổi từ trạng thái trước khai thiên lập địa sang một trạng thái hoàn toàn khác – trạng thái sáng thế. Trạng thái đầu tiên, hay là bước đầu tiên của Hành động của Thượng Đế được thể hiện trong khái niệm atselut, nghĩa là “xuất phát ra”, “chảy ra” từ Bản thân. Trạng thái thứ hai hay bước hai được thể hiện trong khái niệm bria – sáng tạo.
Atselut không là gì khác hơn là mong muốn sáng tạo còn mơ hồ của Chúa Trời. Thế giới Bria là thế giới Ý nghĩ về sáng tạo, Ý định tổng quát của Ngài. Ở trạng thái Bria, Thế giới chỉ tồn tại trong Ý nghĩ (khokma) của Elohim. Cụm từ bara Elohim nói lên rằng Chúa Trời sáng tạo, đưa ra từ bản thân, sinh ra Ý định Sáng tạo.
Trong chương đầu của Torah còn có hai khái niệm nữa, xác định các bước tiếp theo của Hành động của Chúa Trời. Đó là nấc Yesyira – giai đoạn hình thành phương án (bản vẽ), mà sẽ được thực hiện, làm ra, xây nên ở nấc Asya.
Từ bara được sử dụng trong chương một của Torah ba lần: khi sáng tạo Trời và Đất, khi sáng tạo sự sống và khi sáng tạo con người (Đó là các đoạn 1, 21 và 27 của Chương 1 Sách Sáng thế. Bản dịch tiếng Việt 1 sử dụng nhất quán từ “sáng tạo”, bản dịch 2 – từ “dựng nên”, bản tiếng Anh dùng từ “created”, bản tiếng Nga – “сотворил” – ND). Bara luôn là sáng tạo từ hư vô, tạo ra cái hiện hữu từ cái không hiện hữu. Các nấc sáng tạo sau đều là sáng tạo từ cái đã hiện hữu. Hành động của Chúa Trời ở nấc yesyira được dịch ra tiếng Việt là “làm ra” (bản dịch 1) hay “làm nên” (bản dịch 2) (Chương 1, đoạn 7 – làm ra “trời”, đoạn 16 – làm ra hai vầng sáng và các ngôi sao, đoạn 25 – làm ra dã thú, gia súc, bò sát – ND), còn hành động mức asya được dịch là “sinh ra”.

Từ Hebrew | Từ tiếng Việt |
bara | sáng tạo / dựng nên |
yesyira | làm ra / làm nên |
asya | sinh ra |
Trong Kinh Thánh, mỗi từ và thứ tự các từ đều tối quan trọng. Torah hướng đến chúng ta, loài người, và Elohim – Đấng Sáng thế, có thể được chúng ta nhìn thấy và hiểu được chỉ khi Ngài hiển hiện trong Thế giới thông qua những gì mà Ngài đã tạo ra. Do đó mà ta có bara Elohim chứ không phải Elohim bara. Nhưng tại sao từ đầu tiên trong Kinh thánh lại là Bereshit?
Giới từ be viết liền với từ mà nó đi cùng. Từ reshit hoàn toàn không có nghĩa là bắt đầu theo thời gian hay điểm xuất phát. Nói chung chúng ta không được nghe về trật tự của Sáng tạo, về điều gì có trước, điều gì có sau. Cũng trong đoạn này, có nhắc đến “nước”, “bóng tối”, “thần khí” và không hề có từ nào nói về việc tạo ra chúng. Từ reshit luôn được sử dụng trong Torah với nghĩa “sự mở đầu”, một con đường mới.
Từ Bereshit được đặt ở đầu Kinh Thánh, ẩn chứa một nguồn cảm hứng trong nó. Người xưa tạo ra khoa học là những người có đức tin, muốn tìm hiểu những quy luật của Chúa Trời trong Thế giới. Về sau, khái niệm “quy luật” được hiểu thành một thứ gì đó tồn tại vĩnh cửu, mà không đề cập đến Nguồn gốc của nó – Đấng tạo luật. Theo quan điểm của những người hiện đại, chúng ta sống trong Thế giới vĩnh cửu, với những quy luật vĩnh cửu và vật chất vĩnh cửu. Mặc dù bất cứ người hiện đại nào có đức tin vào tôn giáo, đều thừa nhận một Lực tốt lành và hùng mạnh trong Thế giới, Lực tạo dựng Thế giới, hoạt động ở trong Thế giới và, theo một nghĩa nào đó, tuân theo Thế giới. Trong cách tiếp cận đó, ta không thể nói về sự tự do tuyệt đối của lực này.
Từ Bereshit chỉ cho chúng ta điểm khởi nguyên tuyệt đối của Thế giới, và rằng Thế giới được bắt đầu, và có Đấng Sáng thế. Thế giới được tạo ra, dựng nên theo Ý chí của Ngài và có Ý chí của Bản thân.
Reshit ở đây là danh từ và có gốc từ rosh – “cái đầu”. Đó là trung tâm quan trọng nhất, nơi hội tụ mọi trung tâm, nơi tiếp nhận mọi hình ảnh và ý nghĩa của Thế giới.
Elohim đưa ra từ Bản thân một trung tâm mới, “cái đầu” của Sáng tạo, ở trong đó là Ý nghĩ của Chúa Trời – nền tảng cho tất cả các dòng chảy Sáng tạo, và xác định Ý định của Thiên Chúa thường trực trong Thế giới. Trời và Đất được sáng tạo ra như khởi đầu của Ý định của Đấng Sáng thế.
Shamayim (trời) là số nhiều của sham, là đại từ chỉ định “ở đó”. Shamayim chỉ tất cả những thứ tồn tại ngoài khả năng với tới của con người, là thứ mà qua đó chúng ta nhận được ánh sáng, là “bên ngoài” và “bên trên”. Ở mức bria, mức Ý định của Thiên Chúa, Trời (những thế giới tối cao) là sự xuất hiện đầu tiên của Chúa Trời trong Sáng tạo .
Những gì Thế giới nói thông qua các hiện tượng không phải là vô nghĩa và vô cảm. Đó là lời thoại. Và Trời vật chất – vũ trụ, đối với chúng ta là biểu hiện của gì đó siêu vật chất, gì đó tâm linh. Chúa Trời, khi đưa ra Sáng tạo từ trong Bản thân, sáng tạo thứ mà Ngài có thể trò chuyện cùng, có thể dùng Lời để hướng tới, là thứ có thể tiếp nhận Lời đó. Điều này rất rõ trong các phần tiếp theo của câu chuyện về Những ngày Sáng thế.
Thế còn arets – Đất – là gì? Gần với nó là từ kharats, nghĩa là “cắt ra”. Arets – đó là “nơi chốn”, là “nơi cư ngụ”, ở đó tất cả mọi thứ được phân chia rất tỉ mỉ, được tách bạch hết sức cẩn thận. Đất là nơi cư ngụ của những gì được phân tách, được ngăn chia, được cá thể hóa. Nhưng arets cũng có gốc từ ruts – nghĩa là “chạy”. Đất là nơi mọi thứ chuyển động. Là nơi của những chuyển động riêng rẽ, môi trường hoạt động của những gì được cá thể hóa.
Nhưng trong đoạn văn không phải là shamayim ve arets (trời và đất) mà là et hashamayim và et ha’arets. Thành phần ha là mạo từ xác định, ám chỉ Trời này và Đất này của chúng ta. Từ et được cấu thành từ 2 chữ cái: chữ đầu tiên (alef) và chữ cuối cùng (tav) của bảng chữ cái Do thái, tức là bao trọn cả bảng chữ cái. Cùng gốc với et là từ ot, ám chỉ toàn bộ hiện tượng nào đó được thể hiện trong một hình ảnh. Việc có từ et nói lên hiện tượng đi cùng với nền tảng, cơ sở của nó. Et cũng có nghĩa là “thêm cái gì đó”, “cùng nhau”. Như vậy, trong khổ văn đầu tiên, Trời và Đất được nhắc đến trong tất cả phạm vi và cùng với tất cả những gì chứa đựng trong chúng. Điểm bắt đầu Ý định của Chúa Trời là bức tranh toàn cảnh Trời và tất cả những gì hùng vĩ, và Đất với tất cả những biểu hiện, tất cả những tiềm năng mà sau này sẽ phát lộ trong Những Ngày Sáng thế.
Nhưng câu chuyện không kể tiếp về Trời và những việc trên Trời. Mọi sự chú ý dành cho Đất, câu chuyện tiếp theo là về Đất. Đất được hình thành và làm nên vào Ngày Thứ Ba: hình thành (ớ mức yesyira) khi nước tụ lại, và được làm nên (ở mức asya) khi thực vật mọc lên. Còn bây giờ, vào Ngày Đầu tiên, Đất được sáng tạo trong Ý định của Chúa Trời, ở mức bria.
Trạng thái của Đất vào thời điểm Ánh sáng hình thành được mô tả trong câu thứ hai, được bắt đầu không phải bằng động từ mà bằng danh từ, ám chỉ: việc đã xảy ra.
St. 1:2
Veha’arets hayetah tohu vavohu vechoshech al-peney tehom veruach Elohim merachefet al-peney hamayim.The earth was without form and empty, with darkness on the face of the depths, but God’s spirit moved on the water’s surface.
Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.
Tiếng Hebrew, từ hayetah không có nghĩa là “là”, mà là “trở thành”, “biểu hiện ra”. Tức là “Đất trở thành” chứ không phải là “Đất đã là” – một năng lượng hoàn toàn khác, một cách tiếp nhận sự việc và trình tự thời gian khác, tức là ý nghĩa khác.
Trạng thái ban đầu của Đất – trạng thái mà nó trở thành ở mức bria – được mô tả ở hai cụm từ nghe rất bí hiểm và không thể dịch được: tohu vavohu và choshech al-peney tehom.
Trong nghĩa tình cảm, tohu là trạng thái hết sức sửng sốt, hoang mang tột độ, gắn với nỗi bi lụy vô bờ. Với nghĩa trừu tượng, tohu là là trạng thái sơ khai nhất, gần với hỗn mang tuyệt đối. Đó chính là chất liệu để xây dựng nên Thế giới. Tohu của Đất chính là tiệm cận gần nhất của “không gì cả” – mà từ đó Chúa Trời đã sáng tạo ra Thế giới.
Những nhà thông thái Do thái dạy rằng, để tạo ra khả năng sáng tạo, Chúa Trời vốn là Đấng Vô tận phải tự cắt ngắn Ý nghĩ của mình – để có được một “chỗ trống” tối tăm cho Ý định về Thế giới. Thế giới, tiếng Do thái là olam, nghĩa là “sự vắng mặt”, “sự ẩn đi” của Ngài. Olam là nơi Ánh sáng biến mất, là nơi có sự chia ra và ngăn ra. Cái “hư vô” được sử dụng như chất liệu Sáng tạo chính là ranh giới của việc ngăn Ánh sáng, tại ra khả năng tồn tại trong Nơi trú ngụ của những gì được phân chia. Việc ngăn Ánh sáng trong ranh giới chính là việc tạo ra Bóng tối.
Tohu, theo giải thích văn hoa của các nhà thông thái, chính là dải màu xanh lục (kaf – כ) ôm quanh Thế giới, ngăn nó khỏi Ánh sáng, nhưng cũng chứa trong nó một khát vọng nội tại nào đó. Tohu là hỗn mang và bóng tối, nhưng cũng là tiềm năng xây dựng Thế giới, hình dáng của nó. Trong Thế giới của chúng ta ngay từ đầu đã có tổn thất, bóng tối và hỗn loạn. Điều này cũng lý giải ý nghĩa của cái tên Elohim – Chúa Trời, Đấng tạo ra Luật và trật tự, Đấng vượt qua, chinh phục hỗn mang, tohu.
Điều thú vị là hình dạng của chữ đầu tiên của Torah – chữ bet thể hiện hình ảnh tohu vavohu. Nét vẽ chữ bet thể hiện không gian bị đóng 3 mặt, ở trong chứa một điểm:

Bohu (khi viết liền với va thì thành vavohu) là một từ đơn giản: “nó ở trong đó”. Trong tohu có bohu – một điểm giống như trong chữ bet. Đó là điểm Ánh sáng sót lại trong bóng tối và hỗn mang, và tạo ra khả năng thực thi Ý định của Chúa Trời. Từ bohu thường được dùng để cảm thán về nỗi buồn, đau thương. Tohu vavohu nghĩa là trạng thái chưa có gì, tất cả còn là tiềm năng, chưa được thực hiện, trong trại thái day dứt chờ đợi sự hình thành.
Từ tehom thường được dịch là vực thẳm, nhưng như thế không hoàn toàn chính xác. Tehom là trạng thái vật chất hóa tohu và khác tohu bằng một chữ mem, ám chỉ mayim – nghĩa là nước. Tehom là một vực thẳm chứa đầy hơi nước lúc khởi đầu, trộn lẫn với không khí và phình ra với tốc độ tối đa.
Các từ al-peney, “theo mặt”, trong Torah thường được dùng với nghĩa “ngược lại”, ở vị trí đối lập, chống lại. Ngược lại với tehom, bùng nổ trong vực thẳm tiền vật chất, đã có choshech, Bóng tối.
Choshech – “sự thiếu vắng”, “khan hiếm” – thiếu vắng Ánh sáng của Ngài, tức là Bóng tối. Trong ý nghĩa tâm linh thông dụng, Bóng tối là cái cản trở sự trưởng thành về tâm linh, cản trở vận động, cái lấy mất Ánh sáng, cầm tù những lực lượng tươi sáng. Trong Bóng tối có sức mạnh. Không phải vô cớ mà choshech gắn với từ chozek – sức mạnh. Sức mạnh của Bóng tối được con người coi là sức mạnh của quỷ dữ. Trong Thế giới lúc sơ khai, ở trạng thái bria, tức là Ý nghĩ của Chúa Trời, điều đó hoàn toàn không đúng.
Trạng thái hỗn mang của Đất, trạng thái tohu, được chuyển thành trạng thái tiền vật chất bùng nổ về mọi hướng – tehom, bị chống đối bởi sức mạnh của Bóng tối – choshech. Ngay lập tức, cũng trong đoạn này, chúng ta thấy kết quả sự đương đầu của chúng: sức mạnh của Bóng tối đã chặn lại tiền vật chất đang bùng nổ, và tehom – vực thẳm – trở thành ha-mayim – nước của Thế giới.
Nước là hình ảnh biến đổi và thất thường, chảy và không ổn định. Nước tượng trưng cho một tính chất đặc biệt quan trọng của Thế giới – sự thay đổi. Tính chất này đã có ngay trong hỗn mang ban đầu tohu, rồi chuyển từ nó sang tehom, rồi, bị chặn bởi sức ép của choshech, nó trở thành ha-mayim – nguyên tố tâm linh của Thế giới sơ khai, đã được đưa vào giới hạn.
Và “thần khí Thiên Chúa” (ruach Elohim) bay lơ lửng (merachefet) trên mặt nước. Từ merachefet có nghĩa là “tồn tại ở đây” hơn là “lơ lửng”. Bohu – chấm sáng ở trong hỗn mang ban đầu, chuyển thành thần khí Chúa Trời, thành thần khí toàn vũ trụ, giương cánh bay lượn trên nguyên tố tiền vật chất nước. Lúc ban đầu, Thế giới được xây dựng chỉ trên cơ sở Luật (biện pháp luật), được thể hiện trong lời Chúa Trời. Nhưng Thế giới không thể đứng vững chỉ như vậy. Và trong nó đã xuất hiện sự Nhân từ (“biện pháp nhân từ”, midatrakhaim). Biểu tượng của nó là thần khí trên mặt nước. Nếu kết hợp hai từ ruach và maim thì được rakhaim – Sự nhân từ của Chúa Trời, hoạt động khắc chế lại lực lượng thiên nhiên tiền vật chất. Tiến trình ẩn chứa trong những câu đầu tiên của Torah hoàn toàn biết mất khi dịch ra bất kỳ ngôn ngữ nào khác.
Tiên tri Isaia nói rằng “Đấng Sáng thế hình thành Ánh sáng và sáng tạo Bóng tối”. Bóng tối và Ánh sáng đều từ một Nguồn tối cao. Nhưng Ánh sáng có trong Chúa Trời từ trước Sáng thế, còn Bóng tối được tạo ra từ ‘hư vô” để làm nên Thế giới. Trong một nghĩa nhất định, Bóng tối – như là sự bắt đầu của chia và ngăn, đã tạo ra Thế giới.
Trong nửa đầu của Ngày Sáng thế Đầu tiên, Bóng tối hoạt động không có Ánh sáng và đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nó chuẩn bị cho sự xuất hiện của Ánh sáng vào Thế giới, nhưng, tuân theo Ý định của Chúa Trời, nó không biến đi mà ở lại Thế giới cùng Ánh sáng.
Ánh sáng và Bóng tối là hai từ trái ngược. Ánh sáng , or, là cái thoát ra ngoài, cái được giải phóng. Các từ gần nghĩa: “tự do” (kherut), “trắng tận cùng” (khiver), “kích thích” sự phát triển, trưởng thành. Bóng tối, ngược lại, là thứ hạn chế, làm tối, giữ lại, cản trở, dừng lại, tắt đi. Bóng tối và Ánh sáng bản chất là hai Khởi đầu, hoạt động ngược hướng nhau.
St. 1:3
Vayomer Elohim yehi-or vayehi-or.
God said, ‘There shall be light,’ and light came into existence.
Thiên Chúa phán :”Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng.
Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng.
Chúa Trời đưa Ánh sáng của mình vào Bóng tối. Ánh sáng khởi thủy ở trong Ngài được Ngài đưa vào Thế giới, trở thành Ánh sáng của Thế giới này, Ánh sáng được tạo ra. Ánh sáng đầu tiên.
St. 1:4
Vayar Elohim et-ha’or ki-tov vayavdel Elohim beyn ha’or uveyn hachoshech.
God saw that the light was good, and God divided between the light and the darkness.
Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối.
Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối.
Có Đấng nhìn thấy, và có cái để Ngài nhìn vào. Chúa Trời nhìn Ánh sáng như một thứ đã tách rời khỏi Ngài. Ánh sáng trong Thế giới là Ánh sáng được tách ra từ Chúa Trời. Ánh sáng đó trở thành “áo choàng” của Ngài, ngăn bản chất không thể nhận biết của Chúa Trời khỏi Thế giới. Chúng ta thậm chí không thể nói về các thuộc tính của Ngài hay khẳng định Chúa Trời là thế này hay thế kia.
Từ tov – tốt, lành – là khái niệm đạo lý. Theo Lời đầu tiên của Chúa Trời, Ánh sáng xuất hiện và Chúa Trời nhìn thấy Ánh sáng được khởi tạo là tốt lành – đúng như nó phải là. Ánh sáng được tạo ra tương ứng với Ý định và Ý chí của Ngài. Được tạo ra để điều Thiện có thể được thực thi trong Thế giới này.
Ở đây tov còn có một ý nghĩa nữa. Cứ sau mỗi Lời được thực hiện, Chúa Trời lại khẳng định “điều đó là tốt lành”. Nhưng, theo một nghĩa nào đó, mỗi bước tiếp theo của Sáng Thế lại thay đổi (phủ quyết) bước trước đó. Và điều đó là tốt lành – Chúa Trời ấn định, là điều cần phải có. Ở đâu có tov, ở đó có Ánh sáng.
Hiện thực hóa và phân chia là là hai giai đoạn của quá trình Sáng thế, và là sơ đồ chung của nó. Chúa Trời thấy rằng Ánh sáng được tạo ra đã thay đổi (phủ quyết) Bóng tối và đó là tốt lành, do đó Ngài đã “phân rẽ (vayavdel) ánh sáng và bóng tối”. Ánh sáng trong thế giới này không tiêu diệt Bóng tối, mà phân rẽ Bóng tối. Vayavdel không phải là chia tách cơ học, và không ám chỉ sự đối đầu giữa hai hiện tượng, mà là sự phân định chức năng cho cái này và cái kia. Ánh sáng có khả năng tăng và giảm: đến và đi, nhường chỗ cho Bóng tối.
Cả Bóng tối và Ánh sáng được đưa vào Thế giới nhưng không phải để tranh đấu với nhau. Mỗi cái đều có lĩnh vực hoạt động của mình. Bóng tối tồn tại trong Thế giới. Và Thế giới được xây dựng tuần tự, bởi Mười Lời, chứ không phải ngay tắp lự. Những gì được sáng tạo (bara) bởi chính Chúa Trời là không thể đảo ngược, nhưng những gì được hình thành (yesyira) và được hoàn tất (asya) có thể được đảo ngược và quay lại trạng thái trước đó. Trạng thái tohu vavohu được sáng tạo ra (bara), còn về sau chỉ là những biến đổi của nó. Về nguyên tắc, Trái đất có thể quay trở lại trạng thái tohu vavohu.
Trong Thế giới, có một Điều thiện nào đó (tov) cần được thực hiện. Nhưng Điều thiện này không được ban từ trên, mà cần được hiện thực hóa, cần được làm ra, từng bước một, thông qua lao động, qua một Con đường. Tất cả mọi thứ trong Thế giới, đặc biệt là con người, là Con đường, trong trạng thái phân chia và cá thể hóa. Chính trạng thái trong phạm vi phân chia là từ Bóng tối, thiếu nó thì cũng không có Con đường. Thế giới được tạo nên không phải để tiêu diệt Bóng tối, mà để Ánh sáng đi xuyên qua Bóng tối. Bóng tối không thể song song tồn tại cùng Ánh sáng Nguồn, vì Ánh sáng Nguồn sẽ tiêu diệt Bóng tối. Trong quá trình mọc – lặn, có thời gian dành cho Ánh sáng và có thời gian cho Bóng tối.
St. 1:5
Vayikra Elohim la-or yom velachoshech kara laylah vayehi-erev vayehi-voker yom echad.
God named the light ‘Day,’ and the darkness He named ‘Night.’ It was evening and it was morning, one day.
Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất.
Có hai cách thể hiện việc “gọi tên”. Vayikra et – cho tên mới, gọi tên lần đầu tiên. Trong chương đầu của Sách Sáng Thế, Elohim gọi tên ngày, trời, đất bằng cách khác: vayikra la, có nghĩa là “thêm chức năng”, hay “sai bảo”. Chúa Trời sai bảo Ánh sáng thực hiện chức năng Ngày, còn Bóng tối – chức năng Đêm”. (Bản thân Chúa Trời chỉ gọi tên 6 lần: Đêm, Ngày, Trời, Đất, Abraham, Israel)
Ngày (yom) và Đêm (laylah) nghĩa là gì? Trong tiếng Hebrew, “ngày” gắn với các từ “dậy”, “ngồi dậy” – đó là thời điểm cuộc sống hoạt động. Đêm, laylah – là lúc tất cả cuộn lại (lul), rút vào bản thân như cái nút. Bản thân độ dài của Ngày và Đêm không quan trọng. “Ngày” và “Đêm” là hai giai đoạn khác nhau, giai đoạn Ánh sáng và giai đoạn Bóng tối, giai đoạn triều lên và triều xuống của Ánh sáng, lên và xuống của cuộc sống, tích cực và thụ động, triển khai và kết thúc công việc của linh hồn. Thay đổi Ngày-Đêm, Đêm-Ngày có luôn luôn và khắp nơi trong quá trình Sáng tạo. Cả Thế giới và từng phần của nó là quá trình lên xuống, thịnh suy. Đồ thị hình sóng đó được tạo ra và hoạt động từ Ngày Sáng thế Đầu tiên. Bóng tối là sự chuẩn bị cho buổi sáng.
vayehi-erev vayehi-voker yom echad
It was evening and it was morning, one day.
Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất
Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất.
erev có gốc từ arav – đó là khi vạn vật lẫn vào nhau, hòa làm một. voker là khi vạn vật lộ ra ánh sáng, hình thành diện mạo của mình. Cái đầu đi trước cái sau. Buổi chiều và ban đêm – thời gian của Bóng tối – là thời khắc trước khi Ánh sáng đến, khắp nơi và hàng ngày. Chuyển động từ chiều đến sáng dẫn đến Ban ngày.
(hết Chương 1.I)
Pingback: Giải nghĩa Kinh Thánh. Chương 1.2 – Đất | Phan Phuong Dat
Tôi rất lấy làm thích thú khi đọc phần giải nghĩa Kinh Thánh, sách Sáng thế mà thầy chịu khó dịch sang Việt Ngữ. Ước gì được đọc tiếp các phần tiếp theo! Cám ơn thầy rất nhiều.