
Sách của nhà tâm lý học Alice Miller bắt đầu được xuất bản ở Việt Nam, với cuốn đầu tiên là “Bi kịch của đứa trẻ tài năng”. Những ai quan tâm đến việc hiểu chính mình và nuôi dạy con nên tìm đọc, nhưng cần chú ý về một số lỗi dịch và những chỗ cần lưu ý khác, được nhắc trong bài viết này.
Theo tôi, văn của Miller không dễ dịch, cũng như bất kỳ văn bản nào về tâm lý học, không kể sách thuộc thể loại “TLH pop“. Mỗi từ đều có vai trò quan trọng để hiểu đúng ý của câu văn. Chắc chắn dịch giả đã rất cố gắng để chuyển tải trung thành ý của tác giả, tuy nhiên, tôi thấy có một số nội dung cần trao đổi với người đọc hòng giúp họ hiểu đúng nguyên bản hơn, và nếu đến tai dịch giả thì tham khảo thêm.
Về các ý lớn: grandiosity và contempt
- Cuốn sách gồm 3 bài luận, về 3 chủ đề. Chủ đề thứ hai nói về sự liên quan giữa chứng trầm cảm và grandiosity. Dịch giả dịch từ này là “vĩ cuồng”, tôi cho rằng dịch như thế hơi quá. Nên dịch là “theo đuổi sự vĩ đại”. Tại sao? Bởi vì “vĩ cuồng” thường được hiểu như một căn bệnh tâm thần, còn grandiosity ở đây là nói về những người được xung quanh coi là ổn, thậm chí còn ngưỡng mộ. Họ có thực tài, chỉ có điều luôn bị thôi thúc để có thành tựu lớn hơn nữa. Chắc chắn có nhiều độc giả ở vào hoàn cảnh này, và có thể học được gì đó cho mình. Nếu dịch là “vĩ cuồng”, thì độc giả sẽ nghĩ là không liên quan.
- Chủ đề thứ ba nói về sự khinh miệt (contempt) như là vũ khí phòng vệ tâm lý của kẻ yếu. Dịch giả dịch là “thái độ coi thường”. Theo tôi, cách dịch này thì lại làm cho vấn đề nhẹ đi. Nếu soi chiếu và bản thân, tôi thấy tôi có thể coi thường ai đó và cho là bình thường. Nhưng nếu tôi tỏ ra khinh miệt họ, ví dụ qua comment trên mạng xã hội, thì là việc không nên làm. Khi đọc từ “coi thường”, độc giả có thể thấy không cần phải tự vấn.
Về những câu dịch chưa đúng ý
Những câu này, rất tiếc, khá nhiều. Chúng có thể không làm thay đổi ý của đoạn văn, nhưng sẽ khiến độc giả khó hiểu, và từ đó có thể nghi ngờ nội dung sách và tác giả (kiểu, viết gì kỳ cục vậy?). Tôi sẽ liệt kê một số câu làm ví dụ (chưa phải là đầy đủ):
- Trang 33: “Cô luôn coi thường sự hà tiện, nhưng đột nhiên nhận ra bản thân đang cầm chiếc điện thoại đếm từng phút từng giây qua đi trong giờ trị liệu”
Việc cầm điện thoại đếm giây là biểu hiện của sự sốt ruột, không liên quan đến hà tiện. Hơn nữa, câu chuyện xảy ra từ thời chưa có điện thoại di động nên không có cảnh liếc iphone như bây giờ.
Nguyên văn: “Whereas she had always despised miserliness, she suddenly catches herself counting up the two minutes lost to her session through a telephone call”
Ý là: “Vốn luôn coi thường sự keo kiệt, đột nhiên cô nhận thấy mình đang gọi điện đòi cộng thêm hai phút bị thiếu trong phiên trị liệu trước”
- Trang 71: “tôi tham gia vào các buổi họp mặt hàng tuần cho trẻ 11 tuổi”.
Đang nói về Hội cai nghiện rượu (AA) thì không thể có trẻ 11 tuổi họp được. Ý ở đây là “tôi tham gia họp hàng tuần trong 11 năm”
- Trang 119, đoạn về đạo diễn Thụy điển Bergman: “Ông đã quen hít thở bầu không khí tàn nhẫn đấy từ lúc nhỏ, vì thế ông luôn chú ý đến sự tàn nhẫn và thái độ khinh miệt với người khác”.
Đọc câu dịch này thấy ngay gì đó không ổn, vì một khi ta đã quen thứ gì đó như không khí, thì sẽ không để ý đến nó nữa!
Nguyên văn: “Cruelty was the familiar air he had breathed from early on, so why should cruelty and disdain for others have caught his attention?”
Ý là: “Sự độc ác là không khí quen thuộc mà ông đã hít thở từ rất sớm, vậy thì cớ gì mà sự tàn nhẫn và khinh bỉ người khác lại thu hút sự chú ý của ông?”
- Trang 121: “Tuy nhiên, đứa trẻ sẽ ra sao khi cha mẹ có chút rụt rè nhưng vẫn lạm dụng cô ấy?”
Đọc là thấy gì đó gợn.
Nguyên văn: “What does it mean to the child, however, when her inhibited parents exploit her sexually?”
Ý là: “Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là gì với đứa trẻ, khi những cha mẹ bị ức chế của nó bóc lột tình dục nó?”
- Trang 125: “Chẳng hạn, trong số những mong ước, thì mong ước khẩn thiết nhất với một đứa trẻ có thể là có một người mẹ luôn ở bên khi nó cần. Thường thì, trẻ con luôn mong ước về những thứ tượng trưng đại diện cho nhu cầu bị dồn nén của chúng”
Dịch giả không hiểu ý hai câu này.
Nguyên văn: “The urgent wish for a child, for example, may express among other things the wish to have an available mother. Unfortunately, children are too often wished for only as symbols to meet repressed needs.”
Ý là: “Ví dụ, ước muốn khẩn thiết có em bé, ngoài những nhu cầu khác, có thể bao gồm cả ước muốn có một người mẹ luôn ở bên. Thật không may, rất hay xảy ra chuyện người ta muốn có con chẳng qua như một biểu tượng để đáp ứng nhu cầu bị kìm nén.”
- Trang 129: “Một đứa trẻ như vậy phải học được rằng có những thứ về chính mình mà mẹ “không có quyền sử dụng””
Nguyên văn” “Such an infant must learn that there are things about him for which the mother has “no use.””
Ý là: “Một đứa trẻ sơ sinh như vậy sẽ học được rằng, trong nó có những thứ mà đối với mẹ là “vô ích””
- Trang 149: “Những quy tắc này sau đó phải được tháo gỡ vì sự phát triển của đứa trẻ”
Nguyên văn: “These regulations must then be rescued at the cost of the child’s development”.
Ý là: “Khi đó, những luật lệ này phải được cứu vớt, với cái giá phải trả là sự phát triển của trẻ”
- Trang 179: “Trên thực tế, trẻ em thường tự trách bản thân vì sự tàn nhẫn của cha mẹ và tha thứ cho cha mẹ, những người chúng yêu thương vô điều kiện và luôn có trách nhiệm đến cùng”
Nguyên văn: “In reality, children tend to blame themselves for their parents’ cruelty and to absolve the parents, whom they invariably love, of all responsibility.”
Ý là: “Thực tế thì, trẻ em có xu hướng đổ lỗi cho bản thân về sự tàn nhẫn của cha mẹ và muốn tha thứ cho cha mẹ khỏi mọi trách nhiệm, vì chúng luôn yêu thương họ.”
Các câu dịch sai vì không hiểu bối cảnh
- Trang 41, “phòng hơi ngạt” là nói về phát xít Đức, không phải hình thức hành quyết ở Mỹ, vì câu chuyện về “80 đứa trẻ” phải chứng kiến chuyện đó.
- Trang 116: “Ông thành thật trả lời rằng, dù có sự ủng hộ của Mùa xuân Praha hay không, giờ đây ông vẫn được tự do và có thể di chuyển thường xuyên sang phía Tây”.
Câu này tác giả không hiểu ý (và ở câu trước dịch nhầm “Tây Đức” thành “Đông Đức”).
Nguyên văn: “He answered ingenuously, reporting that despite his former support of the Prague Spring he now had plenty of freedom and could travel frequently in the West”.
Ý ở đây là, mặc dù ông nhà văn này từng ủng hộ phong trào dân chủ bị chính quyền coi là phản động ở Praha năm 1968, ông vẫn không bị cấm xuất cảnh, mà vẫn được đi sang các nước tư bản.
Dịch lại: “Ông trả lời một cách khéo léo, rằng bất chấp việc trước đây ông ủng hộ Mùa xuân Praha, giờ ông vẫn có nhiều tự do và có thể sang phương Tây thường xuyên”.
Các vấn đề khác
Ngoài các câu dịch sai ý nêu trên, có một số điểm tôi cho là nên tránh, xếp theo mức độ ảnh hưởng của chúng đến việc nắm được sát nguyên bản nhất có thể:
- Bỏ các cụm từ viết nghiêng của tác giả (mà tác giả có ý nhấn mạnh). Thay vào đó, viết nghiêng các cụm từ khác theo ý của dịch giả (!?)
- Thêm ý của dịch giả vào văn bản (ví dụ tr 37). Nếu thấy cần, nên để cước chú thay vì đưa vào văn bản.
- Bỏ đi một số câu hay thậm chí đoạn văn gốc, ví dụ tr 20, 74, tr 114 mất một đoạn.
- Cần cẩn thận hơn với các thuật ngữ TLH vốn còn chưa được chuẩn hóa trong tiếng Việt. Nên mở ngoặc ghi nguyên văn tiếng Anh để tránh hiểu sai. Ví dụ fixation dịch là “ám ảnh”.
- Tác giả hay viết câu dài, dịch giả có vẻ tìm cách cắt thành nhiều câu, nhưng đôi khi làm lệch hoặc khó hiểu ý tác giả.
Lời cuối
Những cuốn sách thuộc loại kinh điển về TLH nên được dịch cẩn thận hơn, có sự tham gia hiệu đính của người có chuyên môn, vì các câu chỉ cần lệch đi một chút là sai hẳn ý. Cũng như các sách về triết học hay văn hóa học, đều có hiệu đính.
Cảm ơn anh đã nhặt sạn. 🙂 Anh có bản dịch rồi thì hợp tác với NXB được đó anh.