Alice Miller, nhà phân tâm học, qua đời ở tuổi 87. Người quy các vấn đề của con người cho hành vi của cha mẹ

Bài cáo phó trên The New York Times, by William Grimes. April 26, 2010.

Alice Miller, nhà phân tâm học, người đã định vị lại gia đình như là nơi khởi nguồn của rối loạn chức năng, với lý thuyết của bà rằng quyền lực và sự trừng phạt của cha mẹ là căn nguyên của hầu hết các vấn đề của con người, đã qua đời tại nhà riêng ở Provence vào ngày 14 tháng 4. Bà thọ 87 tuổi.

Tin buồn đã được nhà xuất bản Đức của bà, Suhrkamp Verlag, công bố hôm thứ Sáu.

Tiến sĩ Miller đã gây chấn động với ấn phẩm tiếng Anh của cuốn sách đầu tiên của bà, “The Drama of the Gifted Child”. Ban đầu có tựa đề “Những tù nhân của thời thơ ấu”, nó đã đặt ra, trong ba bài luận, một mệnh đề đơn giản nhưng đau đớn. Bà viết, tất cả trẻ em đều bị chấn thương tâm lý và có những vết sẹo tâm thần vĩnh viễn dưới bàn tay của cha mẹ, những người thực thi các quy tắc ứng xử thông qua áp lực tâm lý hoặc trừng phạt thân thể: tát, đánh đòn hoặc, trong trường hợp nghiêm trọng, lạm dụng thể chất liên tục và thậm chí tra tấn.

Tiến sĩ Miller cho rằng, vì không có khả năng thừa nhận cơn thịnh nộ mà họ cảm thấy đối với những kẻ hành hạ mình, những đứa trẻ bị hư tổn này đi khập khiễng trong suốt cuộc đời, bị đè nặng bởi chứng trầm cảm và bất an, và sẽ chuyển hành vi ngược đãi sang thế hệ sau, theo một chu kỳ không hồi kết. Một số, trong nỗ lực thống thiết để làm hài lòng cha mẹ và phục vụ nhu cầu của họ, đã thành danh trong nghệ thuật hoặc nghề nghiệp. Còn những kẻ như Stalin hay Hitler, như tiến sĩ Miller viết sau này, đã chuyển tải những tổn thương thời thơ ấu của mình cho hàng triệu người.

“The Drama of the Gifted Child” đã gây được tiếng vang lớn với các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nhà tâm lý học người Anh Oliver James nói với The Observer of London vào năm 2005: “Về mặt lâm sàng, bà ấy có ảnh hưởng gần như R.D. Laing. Alice Miller đã thay đổi cách nghĩ của mọi người”.

Cuốn sách cũng khuấy động công chúng, bán được hơn một triệu bản. Lập luận trung tâm của nó rất dễ nắm bắt và, đối với nhiều độc giả, đã đưa ra một lời giải thích hấp dẫn cho những nỗi buồn và thất bại của họ.

Tiến sĩ Miller thường được ghi nhận là người đã chuyển sự chú ý của các nhà trị liệu sang vấn đề lạm dụng trẻ em, cả về thể chất và tình dục, nhưng cũng khuyến khích hàng triệu người lớn coi mình là nạn nhân.

Daphne Merkin, khi đánh giá cuốn sách “The Truth Shall Set You Free” của tiến sĩ Miller trong mục điểm sách của The New York Times năm 2002, đã viết rằng tiến sĩ Miller “có thể được coi là mắt xích còn thiếu giữa Freud và Oprah, vì đã mang lại những tin tức về cuộc sống nội tâm, đặc biệt là sự mong manh của việc phát triển cảm xúc, ra khỏi văn phòng kín như tu viện của các nhà trị liệu, và đưa vào một bối cảnh rộng lớn hơn, thân thiện hơn với người đọc”.

Tiến sĩ Miller đã phát triển thêm ý tưởng của mình trong hai cuốn sách được xuất bản ngay sau cuốn “The Drama of the Gifted Child’: “For Your Own Good: Hidden Cruelty in Child-Rearing and the Roots of Violence” (1983) và “Thou Shalt Not Be Aware: Society’s Betrayal of the Child” (1984). Bà đã áp dụng lý thuyết của mình về sự phát triển tuổi thơ để giải thích sự thụ động của người Đức khi đối mặt với chế độ chuyên chế của Quốc xã, và chỉ trích Freud, vì bà tin rằng những lý thuyết của ông ta coi cha mẹ là vô tội và trẻ em là sa đọa.

Ảnh từ nguồn

Bà thường lấy các nghệ sĩ nổi tiếng để làm nghiên cứu điển hình. Trong “The Untouched Key” (1990), bà đã lấy Friedrich Nietzsche, Pablo Picasso, Kathe Kollwitz và Buster Keaton làm minh họa cho các lý thuyết của mình. Trong “The Body Never Lies: The Lingering Effects of Cruel Parenting” (2005), bà đã đặt Dostoyevsky, Proust và Joyce dưới kính hiển vi.

Alice Miller nổi tiếng ẩn dật, và cố tình giữ sơ sài các chi tiết về cuộc sống thời trẻ. Bà sinh ra ở Lwow, Ba Lan (nay là Lviv, Ukraine) vào ngày 12 tháng 1 năm 1923. Bà học triết học và văn học tại Đại học Warsaw, khi trường hoạt động ngầm trong chiến tranh.

Sau chiến tranh, một tổ chức từ thiện Thụy Sĩ đã sắp xếp để bà tiếp tục theo học tại Đại học Basel, nơi bà viết luận án về triết gia tân Kant Heinrich Rickert, và nhận bằng tiến sĩ vào năm 1953.

Sau khi trải qua khóa đào tạo tâm thần học Freud ở Zurich, bà bắt đầu hành nghề như một nhà phân tâm. Vào những năm 1960, một làn sóng xét lại đã quét qua nghề này, khi các nhà phân tâm học thích ứng các ý tưởng của Freud và Jung vào phê bình xã hội.

Bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khái niệm “sư phạm đen” của nhà văn giáo dục Katharina Rutschky, một thuật ngữ chỉ phong cách nuôi dạy độc đoán của người Đức, tiến sĩ Miller đã tiến đến việc coi tất cả các hình thức ép buộc của cha mẹ, thậm chí cả những kỷ luật thân thể vừa phải hay sự lạnh nhạt về tình cảm, đều nguy hiểm chết người cho việc phát triển tâm trí lành mạnh. Trong các cuốn sách tiếng Anh của bà, thuật ngữ này được gọi là “sư phạm độc hại”.

“Hạ nhục, đánh đòn và đánh đập, tát vào mặt, phản bội, bóc lột tình dục, chế nhạo, bỏ mặc, v.v … đều là những hình thức ngược đãi, vì chúng làm tổn hại đến sự chính trực và phẩm giá của trẻ em, ngay cả khi hậu quả của chúng không thể nhìn thấy ngay được”, bà viết trong một bài luận giải thích về việc ngược đãi và lạm dụng thời thơ ấu trên trang web alice-miller.com của mình. “Những đứa trẻ bị đánh đập sẽ rất sớm đồng hóa cái bạo lực mà chúng đã phải chịu đựng, và chúng có thể suy tôn và áp dụng bạo lực đó sau này với tư cách là cha mẹ, với niềm tin rằng chúng đã xứng đáng bị trừng phạt, và bị đánh vì yêu.”

Vào thời điểm viết cuốn sách đầu tiên của mình, xuất bản bằng tiếng Đức vào năm 1979, tiến sĩ Miller đã ngừng hành nghề tâm thần học. Bà cho rằng, mối quan hệ của nhà phân tâm với bệnh nhân đã lặp lại mối quan hệ quyền lực ngấm ngầm của cha mẹ với con cái. Sự chỉ trích ban đầu của bà với Freud đã dẫn đến một sự tuyệt giao toàn diện được mô tả trong “Banished Knowledge: Facing Childhood Injuries” (1990), một tác phẩm bán tự truyện tiết lộ việc bà bị lạm dụng khi còn nhỏ, điều mà bà phát hiện ra thông qua những bức tranh do bà vẽ một cách tự phát.

“Chưa một lần mẹ xin lỗi tôi hay bày tỏ sự hối hận”, sau này bà viết về mẹ mình trong “The Body Never Lies”. “Bà ấy luôn ‘có lý’. Chính thái độ này đã khiến thời thơ ấu của tôi giống như một chế độ toàn trị”.

Sau khi đoạn tuyệt với Freud, tiến sĩ Miller ra khỏi Hiệp hội Phân tâm học Quốc tế vào năm 1988, và áp dụng một số liệu pháp thay thế. Bà trở thành tông đồ của J. Konrad Stettbacher, một người ủng hộ liệu pháp hồi quy, và bày tỏ sự nhiệt tình với phương pháp tiếp cận primal scream của Arthur Janov, nhưng nhanh chóng khước từ cả hai. Càng ngày, bà càng trở nên ẩn dật.

Bà có một con trai và một con gái.

Không khoan nhượng và hay gay gắt, tiến sĩ Miller thường rao giảng thông điệp của mình với nhiệt huyết của đấng truyền giáo và phong cách tranh luận mang tính chiến đấu, khiến bà đánh mất sự ủng hộ của những người ngưỡng mộ ban đầu. Các nguyên tắc cơ bản vẫn không thay đổi trong các tác phẩm sau này như “Breaking Down the Wall of Silence” (1991) và “Free From Lies: Discovering Your True Needs” (2009).

Đính chính: ngày 6 tháng 5 năm 2010

Bản cáo phó ngày 27 tháng 4 về Alice Miller, tác giả của ” The Drama of the Gifted Child” và những cuốn sách khác, đã đăng sai thông tin về chuyên môn của bà. Trước khi viết cuốn sách đầu tiên của mình, bà đã thực hành phân tâm; bà không hành nghề tâm thần học.

Dịch từ nguồn trên nytimes.com.

1 thought on “Alice Miller, nhà phân tâm học, qua đời ở tuổi 87. Người quy các vấn đề của con người cho hành vi của cha mẹ

  1. Pingback: “Bi kịch của đứa trẻ tài năng” – nên đọc, nhưng… - Phan Phuong Dat

Leave a Reply