Tâm lý học thường thức và Tâm lý học ‘vỉa hè’

Bạn có thể từng nghe đến hai khái niệm: Popular Psychology (TLH thường thức, bình dân hoặc đại chúng) và Pop Psychology (TLH pop, TLH ‘vỉa hè’). Thường thì hai khái niệm này tương đương nhau, nhưng trong một số trường hợp, có sự phân biệt TLH thường thức và TLH pop như sau:

  • Tâm lý học thường thức là diễn dịch các kết quả của khoa học tâm lý, vốn chỉ dành cho thiểu số chuyên nghiệp, sang ngôn ngữ bình dân của đa số không chuyên. Một dạng khoa học thường thức.
  • Tâm lý học pop thì có tính chất thương mại, và góp phần tạo nên thái độ tiêu cực từ phía nhiều nhà TLH chuyên nghiệp đối với Tâm lý học thường thức.

Có thể hiểu, TLH pop là các hệ thống và phương pháp thực hành được tuyên bố là có liên quan với Khoa học Tâm lý (Psychology), và đã đạt được mức độ phổ biến cao trong xã hội.

Các dấu hiệu chính của Tâm lý học pop:

  • Ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu đối với công chúng.
  • Thiếu xác minh và thiếu sự phản biện từ các lý thuyết.
  • Hầu như không giới hạn phạm vi áp dụng
  • Tâm lý học pop chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống của tác giả, và đôi khi dựa trên cách giải thích bị đơn giản hóa quá mức các dữ liệu khoa học.
  • Cung cấp các câu trả lời dứt khoát cho các vấn đề tâm lý, dưới dạng các công thức cứ theo đó mà làm.
  • Trộn lẫn kiến thức khoa học và phi khoa học. Ví dụ, trộn các khái niệm của khoa học tâm lý với các khái niệm nghiệp (karma), hào quang (aura), v.v.

Việc TLH pop đơn giản hóa quá mức các kết quả khoa học thường dẫn đến sự bóp méo thông tin ban đầu, trong khi Tâm lý học thường thức (hiểu theo nghĩa nêu trên) thì góp phần vào sự phát triển của Khoa học Tâm lý.

Thuật ngữ “nhà tâm lý học vỉa hè” (pop psychologist) được sử dụng để mô tả các tác giả viết sách, nhà tư vấn, giảng viên và nghệ sỹ giải trí được mọi người coi là nhà tâm lý học, không phải vì bằng cấp học vấn của họ, mà bởi vì họ đã thể hiện hình ảnh đó, hoặc được nhìn nhận như vậy bởi việc họ làm.

Các loại Tâm lý học pop đặc trưng:

  • sách self-help
  • lời khuyên được phổ biến qua radio, TV, báo in, v.v
  • các loại huyền thoại kiểu như khẳng định “con người chỉ sử dụng khoảng 10% công suất bộ não”
  • thuật ngữ có thể có cơ sở trong tâm lý học, nhưng xuất hiện thường xuyên trong ngôn ngữ lóng hơn là trao đổi chuyên môn — ví dụ, đứa trẻ bên trong (inner child), não trái / não phải, trí tuệ cảm xúc, enneagram
  • nhận thức của công chúng về các phương pháp tâm lý chưa được chứng thực khoa học, chẳng hạn như NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy).

Self-help

Tâm lý học pop là một thành phần thiết yếu của ngành công nghiệp kinh doanh self-help.

Theo Fried và Schultis, tiêu chí cho một cuốn sách self-help tốt bao gồm “tuyên bố của tác giả về hiệu quả của cuốn sách, việc trình bày các chiến lược giải quyết vấn đề dựa trên bằng chứng khoa học và kinh nghiệm chuyên môn, bằng chứng và kinh nghiệm chuyên môn của tác giả, và bao gồm một thư mục. “

Ba mối nguy hiểm tiềm tàng của sách self-help là:

  • mọi người có thể tự gán cho mình một cách sai lầm là bị rối loạn tâm lý
  • mọi người có thể tự chẩn đoán sai và sử dụng tài liệu để giải quyết vấn đề sai
  • mọi người có thể không đánh giá được chương trình, và có thể chọn một chương trình không hiệu quả

Psychobabble (lạm dụng thuật ngữ tâm lý học)

Việc dùng sai và dùng quá các thuật ngữ tâm lý học được gọi là Psychobabble (tạm dịch là Bi bô tâm lý).
Đôi khi thuật ngữ tâm lý học được sử dụng để trang điểm cho các chiêu trò bán hàng, các chương trình self-help, nhằm tỏ ra có tính khoa học cao. Một kiểu khác, mọi người sử dụng thuật ngữ tâm lý học để mô tả những trải nghiệm bình thường hàng ngày bằng cách y học hóa một hành vi bình thường, chẳng hạn cảm thấy buồn sau khi mất mát, bằng cách cho rằng cảm xúc khó chịu là một loại bệnh lý tâm thần, giống như rối loạn trầm cảm nặng.

Mọi người sử dụng psychobabble vì họ tin rằng các thuật ngữ bí hiểm phức tạp giúp họ truyền đạt đầy đủ hơn hoặc sâu sắc hơn các trải nghiệm của mình, hoặc vì họ tin rằng điều đó khiến mọi người nghĩ là họ hiểu biết.

Một số thuật ngữ có nguồn gốc từ tâm lý học và thường bị sử dụng sai bao gồm: đồng phụ thuộc, rối loạn chức năng, ái kỷ, chống đối xã hội.

TLH thường thức

Vài năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều nguồn online về TLH thường thức (theo nghĩa tích cực), dịch và viết các bài giới thiệu các khái niệm và vấn đề TLH cả cổ điển lẫn hiện đại. Blog này cũng nằm trong số đó. Việc phổ biến các tri thức này giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và khoa học hơn về TLH, không bị ảnh hưởng nhiều bởi TLH pop.

Lược dịch từ bài Popular Psychology trên wikipedia tiếng Anh, có bổ sung một số thông tin từ nguồn khác.

1 thought on “Tâm lý học thường thức và Tâm lý học ‘vỉa hè’

  1. Pingback: “Bi kịch của đứa trẻ tài năng” – nên đọc, nhưng… - Phan Phuong Dat

Leave a Reply