Đừng kéo người khác bằng sức của bạn!

Khi cứu giúp ai đó, đừng kéo họ bằng sức của bạn!

Chăm sóc, hỗ trợ, mong muốn những điều tốt nhất cho một người thân yêu – chả lẽ điều đó lại là dở? Chả lẽ lại là tệ khi yêu thương, ủng hộ, hướng dẫn, quan tâm, lo lắng, suy nghĩ về người đó?

Không tệ, nhưng chỉ khi bạn làm gì đó cho người khác, và mong muốn của Người khác này, năng lượng của anh ta, khát vọng của anh ta lớn hơn của bạn.

Còn nếu ngược lại, nếu năng lượng của bạn trong quá trình này lớn hơn gấp nhiều lần, bạn lôi kéo, nài nỉ, khuyên nhủ, kiểm soát, thuyết phục rằng Người khác đó (có thể là vợ chồng, anh em, cha mẹ, bạn thân, con trai con gái đã trưởng thành) thực sự cần nó, ví dụ là chăm lo sức khỏe bản thân, giảm cân, bỏ người chồng nghiện rượu, lấy bằng đại học, tập thể thao, chuyển chỗ ở, kiếm một công việc khác, ngừng uống rượu, thay đổi cuộc sống của mình, và bạn thì cứ bỏ công sức vào mãi…

Còn người thân yêu kia của bạn thì vì nể bạn mà miễn cưỡng làm điều đó cho mình …

Nếu thế, thì bạn đang kẹt trong bẫy!

Hãy nhớ lại lúc đi học, các thầy cô nói: “Cái này cần cho EM mà! Học đi, cố lên! Cái này cần cho em!” Cần cho ai? Đứa trẻ có cảm thấy rằng mình cần phải học không? Không. Thế thì ai cần? Là giáo viên, là phụ huynh – những người cứu giúp và là những “người đòi hỏi” đủ thể loại. Năng lượng ham muốn của bản thân đứa trẻ không hề có. Nhu cầu của nó hoàn toàn ở chỗ khác, không phải trong việc học tập.

Nếu những gì bạn làm cho một người thân yêu là cần thiết đối với bạn hơn so với họ, thì bạn sẽ không trở thành chỗ dựa mà họ có thể dựa vào, mà trở thành một người-cứu-giúp, một người kéo người khác bằng sức của mình.

Người-cứu-giúp là người lôi kéo người kia bằng năng lượng của mình.

Cứu giúp là cần thiết và quan trọng! Khi nhà cháy, và bạn cần phải cõng ra những người bị ngạt thở. Khi người ta bất lực và không thể tự giúp mình. Khi họ bất động, mất trí, lên cơn hen, say rượu nặng, sốc ma túy, chìm trên sông, gặp tai nạn, bị vùi dưới đống đổ nát. Giúp là cần thiết khi một người thực sự cần sự giúp đỡ và không thể dựa vào chính mình.

Trong tất cả các trường hợp khác, việc cứu họ là trách nhiệm của chính họ. Và anh ta phải tự xây cây cầu đi đến ước mơ của mình bằng chính sức lực của mình.

Giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn – xin mời! Nhưng phải làm sao để sự giúp đỡ và hỗ trợ của bạn chỉ là 20% so với những gì người đó tự làm cho việc này. Nếu anh ta không đủ sức mạnh, nghị lực, khát vọng để đi theo con đường tươi sáng mà bạn nhìn thấy cho anh ta, thì có thể đó không phải là con đường của anh ta. Còn nếu có chút khát khao và năng lượng riêng, hãy để anh ta đầu tư hết sức có thể, từng bước xây dựng cây cầu nối đến tương lai tươi sáng của mình.

Nếu bạn trở thành trụ cột chính của cây cầu này, là người quan tâm nhất đến việc đảm bảo rằng con người tuyệt vời kia sẽ thành công (ví dụ để chồng bỏ rượu, con trai vào đại học, con gái tốt nghiệp đại học, bạn thân tìm được công việc phù hợp, mẹ tự chăm lo sức khỏe, cha nhận được phúc lợi, em trai phát huy tài năng của mình), thì khi đó bạn có nguy cơ kéo về phía mình rất nhiều, có lẽ là hầu hết mọi thứ, và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự thành bại của toàn bộ câu chuyện.

Ngoài ra, có một nguy cơ lớn là một ngày đẹp trời, con người mà bạn đã vô cùng mong muốn đem lại hạnh phúc cho, sẽ nguyền rủa bạn cùng với tất cả sự ủng hộ chân thành của bạn và tầm nhìn sáng rõ về cuộc sống hạnh phúc của anh ta. Và tất cả sức lực, năng lượng và thời gian của bạn sẽ bị vứt sọt rác, bị dẫm đạp và mất giá trị.

Bạn sẽ không nhận được bất kỳ lòng biết ơn nào mà bạn đã hy vọng trong sâu thẳm tâm hồn. Không có tình yêu, không có sự biết ơn. Chỉ có cảm giác giận dỗi sâu thẳm, thất vọng, thấy bản thân ngu ngốc và bị lợi dụng – đó là những gì còn lại trong người anh hùng cứu giúp, người mà, với động cơ tốt đẹp, đã kéo cày cho chính mình và cho cả anh chàng đó, mong muốn những gì tốt nhất cho những người thân yêu của mình.

Hãy xem công thức 20+80 như một định hướng, trong đó 80% là nỗ lực của chính người đó và 20% là sự giúp đỡ và hỗ trợ của bạn.

Khi tôi lãnh đạo một tổ chức xã hội giúp trẻ mồ côi và các gia đình thu nhập thấp, các nhà tài trợ thông thái (chi tiền cho các tổ chức tình nguyện như chúng tôi để thực hiện các dự án xã hội) chỉ phân bổ 20% ngân sách chúng tôi cần cho dự án.

“Bạn thích ý tưởng, muốn thực hiện nó, tin vào nó? Thế thì hãy đầu tư bằng sức lực, tài chính, tìm thêm nguồn tài trợ, hãy hành động, hãy làm việc! Và chúng tôi sẽ hỗ trợ. Tại sao lại không ủng hộ, nếu bản thân một người đã nỗ lực rất nhiều để thực hiện ước mơ của mình?!”

Giữa sự hỗ trợ và sự ràng buộc, áp đặt điều kiện của mình, kiểm soát và gây sức ép chỉ có một ranh giới nhỏ. Những người-cứu-giúp thường trở thành “kẻ độc tài của cuộc sống đúng đắn”, truy đuổi những người tội nghiệp kia, biến họ thành nạn nhân của chính tham vọng của mình.

Trước khi cứu giúp ai đó, hãy tự hỏi bản thân: “Ai cần việc này? Ai là người quan tâm nhất trong việc làm cho tất cả những điều này xảy ra?”

Có phải chồng muốn bỏ rượu, vợ muốn đi làm, mẹ muốn chăm sóc sức khỏe, em gái muốn giảm cân và anh trai muốn thoát khỏi cảnh nợ nần? Con trai bạn có ước mơ vào đại học và con gái muốn học tiếng Anh? Bạn của bạn có cần một công việc mới, hay đang hài lòng với công việc cũ này?

Và dấu hiệu nhận biết quan trọng nhất là: bản thân người đó có đang đầu tư vào tất cả những điều này hay không.

Người-cứu-giúp có thể trở thành “người hỗ trợ”, nếu anh ta như một người lớn đang đưa tay giúp một đứa trẻ đang đi dọc lề đường hẹp: “Cháu có muốn đi thế này không, có thích không? Đây, nắm lấy tay chú! Chú sẽ giữ cho!”

Dịch từ: Обратная сторона спасателя: не тяните другого на своей энергии! (Ирина Дыбова)

2 thoughts on “Đừng kéo người khác bằng sức của bạn!

Leave a Reply