Tâm lý học xác định và nghiên cứu ba thành phần của tâm trí (trilogy of mind): nhận thức (cognition), tình cảm (affect) và ý lực (conation – tiếng Trung là 意动 – Ý Động). Nhận thức là quá trình biết và hiểu – mã hóa, lưu trữ, xử lý và truy xuất thông tin. Nó thường được liên kết với câu hỏi “what” (ví dụ: chuyện gì đã xảy ra, chuyện gì đang xảy ra, ý nghĩa của thông tin đó là gì.)
Tình cảm đề cập đến việc lý giải về mặt cảm xúc các tri giác, thông tin hoặc kiến thức. Nó thường liên quan đến sự gắn bó tình cảm (tích cực hoặc tiêu cực) của một người với người khác, đồ vật, tư tưởng, v.v. và đặt câu hỏi “Tôi cảm thấy thế nào về kiến thức hoặc thông tin này?”
Ý lực đề cập đến sự kết nối giữa kiến thức và tình cảm với hành vi, và gắn với câu hỏi “tại sao”. Đó là thành phần cá nhân, có chủ ý, có kế hoạch, định hướng mục tiêu, là khía cạnh chủ động của hành vi (trái ngược với hành vi phản ứng hoặc thói quen). Nó gắn liền với khái niệm ý chí (volition) – được định nghĩa là việc sử dụng ý chí hoặc quyền tự do để đưa ra lựa chọn về những việc cần làm. Việc một cá nhân có thể thành công trong việc tự định hướng và tự điều chỉnh hay không là cực kỳ quan trọng.

Một số vấn đề ý lực mà người ta phải đối mặt hàng ngày là:
Ý đồ và mục tiêu của tôi là gì
Tôi sẽ làm gì đây
Kế hoạch và cam kết của tôi là gì?
Ý lực là yếu tố cần thiết để giải thích việc kiến thức và cảm xúc được chuyển hóa thành hành vi như thế nào ở con người. Có thể một lý do khiến các nhà nghiên cứu về các yếu tố suy nghĩ/ý định và giá trị/thái độ không thể hiện được khả năng dự đoán hành vi là vì khái niệm ý lực đã bị bỏ qua. Vào thời kỳ đầu của tâm lý học hiện đại, cả tình cảm và ý lực đều được coi là trọng tâm của lĩnh vực này, tuy nhiên, sự quan tâm bị giảm sút khi người ta chú ý nhiều hơn đến hành vi biểu hiện và nhận thức. Ngày nay, khi các mục tiêu liên quan đến các mô hình sau đã ăn sâu vào các trường học (ví dụ các khóa học kỹ năng cơ bản, tư duy phê phán), người ta cho rằng việc giúp học sinh phát triển các thái độ và kỹ năng ý lực (gắn liền với khả năng tự định hướng và hiệu quả cá nhân) là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà phụ huynh và các nhà giáo dục đang phải đối mặt.
Ý lực liên quan đến động cơ có chủ ý và mang tính cá nhân của hành vi (ví dụ: chủ động định hướng, tiếp sinh lực, và tính kiên trì của hành vi.) Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng ý chí (volition, will) hoặc quyền tự do lựa chọn là một yếu tố thiết yếu của hành vi tự nguyện của con người, và hành vi của con người không thể được giải thích đầy đủ nếu thiếu nó. Ý lực đặc biệt quan trọng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến học tập.
Nghiên cứu về tính cố ý (intentionality) là chung cho cả hành vi của động vật và con người. Tuy nhiên, chủ ý của con người khác với chủ ý của động vật ở chỗ con người có thể mong muốn trái ngược với điều kiện của mình. Đó là nhờ khả năng đặc biệt của con người – tự đánh giá thông qua phản tư. Các kết quả nghiên cứu gần đây đã tập trung vào khái niệm tự điều chỉnh (self-regulation) như một khía cạnh của ý lực.
Một lý do khiến việc nghiên cứu ý lực tụt hậu so với nghiên cứu về nhận thức, tình cảm và hành vi là vì nó đan xen với việc nghiên cứu các lĩnh vực khác này, và thường khó tách rời. Ví dụ, các thành phần ý lực thường được xem xét khi đo lường nhận thức hoặc cảm xúc. Thang đo trí thông minh của Wechsler bao gồm thành phần ý lực, khái niệm trí tuệ cảm xúc của Goleman bao gồm cả các thành phần tình cảm (ví dụ: sự đồng cảm, lạc quan, quản lý cảm xúc) và ý lực (ví dụ: đặt mục tiêu, tự điều chỉnh). Tương tự, ý lực cũng có các thành phần nhận thức và tình cảm cũng như ý chí.
Kolbe cho rằng con người có một phong cách ý lực hoặc một phương pháp ưa thích để đưa suy nghĩ vào hành động, hay để tương tác với môi trường. Việc phân nhóm này cũng giống với phân loại về tính khí hay nhân cách, để xác định các phương pháp tiếp cận về suy nghĩ, cảm giác và hành vi, hay xác định các phong cách học tập liên quan việc mã hóa và xử lý thông tin. Kolbe xác định bốn chế độ (mode) hành động, hay bốn kiểu ý lực:
- Người tìm dữ liệu (fact finder): có bản năng mạnh về thăm dò, sàng lọc và đơn giản hóa
- Người kiên trì theo đuổi (follow thru): bản năng tổ chức, cải cách và thích ứng
- Người vào việc nhanh (quick start): bản năng ứng biến, sửa đổi và ổn định hóa
- Người thực hiện (implementor): bản năng xây dựng, đổi mới và viễn kiến.
Theo công thức của Kolbe, chính sự kết hợp giữa bản năng phấn đấu, lý trí và các mục tiêu sẽ dẫn đến các mức độ cam kết và hành động khác nhau.
Trong môi trường hỗn loạn và phi cấu trúc ngày nay, trẻ em và thanh thiếu niên cần những kỹ năng ý lực nếu muốn thành công khi trưởng thành. Với thời gian có hạn ở trường, các nhà giáo dục phải sắp xếp các hoạt động để có thể phát triển những thái độ và kỹ năng này trong chương trình giảng dạy vốn đã kín đặc. Mặc dù đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng nếu không cố gắng thực hiện thì giới trẻ sẽ thiếu sự chuẩn bị cho tương lai.

Tham khảo:
Conation As An Important Factor of Mind
Volition (psychology)
Bổ sung:
- Trong Motivation and Personality, A. Maslow lấy ví dụ các kiến thức ở trường giúp phát triển ý lực: khi được học và hiểu bản chất của sấm sét rồi thì ko sợ sấm sét nữa.