Tag Archives: đào tạo

Các giả định hữu ích cho người dạy

Bài viết của Seth Godin, ngắn gọn về những điều quan trọng nhất mà một giáo viên (hoặc bất kỳ ai muốn giảng dạy, chia sẻ) cần chú ý và thực hiện luôn luôn. Tôi bổ sung thêm bình luận liên quan đến quá trình học tập ở FCT Club (CLB Tài năng Lập trình FPT Software), vì cám thấy rất gần gũi.

Bài này cũng rất bổ ích với những người làm đào tạo ở các tổ chức, các doanh nghiệp, vì nó giúp xác định đúng vấn đề và nâng cao hiệu quả.

Các giả định hữu ích cho giáo viên (Useful assumptions for teachers)

Không chỉ áp dụng cho lớp học, mà bất cứ nơi nào chúng ta muốn phổ biến gì đó, truyền cảm hứng, hay giáo dục ai đó:

Giả định về sự cam kết (enrolment). Một người hoặc là cam kết cho việc học, hoặc không. Nhiều khi tình huống khiến mọi người phải có mặt, nhưng hầu như không thể dạy tốt nếu người ta không quan tâm học. Nếu mọi người không có sự cam kết, thì công việc đầu tiên là thay đổi điều đó. Nếu bạn đang phải lo lắng rằng họ sẽ lướt phây hay rời đi, thì thật khó để làm tốt công việc.

Bình luận: nếu người học ko có sự cam kết, ko có động lực để học, thì kết quả hầu như không có, đặc biệt là khi khả năng kiểm soát của thầy rất hạn chế như học online. Đôi khi cũng cần một thời gian để thay đổi người học từ chỗ không muốn sang muốn. Nếu thầy có quyền chọn, thì nên loại bỏ những người học không cam kết. Ở FCT Club, đây là tiêu chí đầu tiên để chọn và lọc.

Giả định về ý định tốt (good intent). Đây là người anh em của cam kết. Nếu bạn đang lo lắng rằng ai đó sẽ sử dụng AI để viết luận, thì nhiều khả năng là bạn sẽ dành toàn bộ thời gian để xây tường thay vì bắc những cây cầu.

Bình luận: người học có thể có cam kết nhưng do bị sức ép chứ ko tự nguyện, do đó có thể tìm cách đi tắt, gian lận, v.v. Nếu người thầy và tổ chức phải tìm cách để phát hiện và ngăn chặn các hành vi này, thì sẽ không có đủ nhiều thời gian cho việc dạy. Ở FCT không có điểm số, và không khuyến khích học viên chạy theo thành tích ngắn hạn mà thay vào đó là chủ động “nhận dốt” để học được nhiều.

Giả định về nỗi sợ. Học hỏi tạo ra thay đổi, và thay đổi thì gây sợ hãi. Thêm vào đó, chúng ta đều ngu ngốc ngay trước khi hiểu ra bài học… chúng ta biết rằng có thể làm được gì đó, nhưng chúng ta không (chưa) biết cách làm. Khi thấy nghi ngờ, hãy tìm xem nỗi sợ nằm ở đâu.

Bình luận: nếu tự nguyện, thì học là một quá trình đem lại sự thỏa mãn, đem lại niềm vui vì thấy mình tiến bộ. Tuy nhiên cũng có khi người học tỏ ra khác lạ, né tránh, v.v. thì thầy nên tìm hiểu tại sao, ko nên chỉ trích hoặc nhanh chóng đưa ra những lời khuyên, những yêu cầu chấn chỉnh.

Giả định về việc thiếu ngữ cảnh (lack of context). Lý do bạn ‘biết’ gì đó là vì bạn biết điều đó. Bạn hiểu cái gì có trước, cái gì kế tiếp, nó hoạt động như thế nào, ngôn ngữ trong lĩnh vực của bạn là gì (cả từ ngữ và khái niệm). Nếu bạn đang dạy gì đó mới, thì bạn không thể chắc chắn rằng người nghe cũng biết như thế. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho ngữ cảnh và ít thời gian hơn cho các mẹo và các gạch đầu dòng. Làm vậy sẽ tạo điều kiện để hiểu bài.

Bình luận: theo lẽ tự nhiên, người ta học là vì một bài toán, một hiện tượng gì đó trong cuộc sống mà họ quan tâm. Nhưng nhiều khi bối cảnh này bị lược bỏ mà nhảy ngay vào việc phát biểu một bài toán chung và giải pháp. Giúp người học hiểu được chuỗi giải pháp đi từ bài toán cuộc sống thì hơn là thuộc các công thức hay mẹo mực, vốn chỉ để có được điểm cao.

Giả định về kết nối. Một số người cho rằng việc học có thể được thực hiện một mình, trong tòa tháp, với một cái laptop. Nhưng trên thực tế, cho đến khi ta tương tác với những người khác hoặc hệ thống khác, thì tất cả những gì chúng ta đã làm chỉ là tiếp thu, chúng ta vẫn chưa hiểu.

Bình luận: người học cần áp dụng các tri thức học được, thông qua việc tham gia với những người khác để làm gì đó (nếu là kỹ năng) hoặc tranh luận gì đó (nếu là kiến thức). Như vậy sẽ tránh được kiểu học thuộc lòng, vì bắt buộc phải dùng ngôn từ của riêng mình.

(Seth Godin. Useful assumptions for teachers)

Đào tạo nhân viên để làm gì?

Có vô số phương án trả lời cho câu hỏi này, từ góc độ kinh tế cho đến phạm trù đạo đức. Có những phát biểu đánh vào tâm lý kiểu “bạn sợ đào tạo nhân viên rồi họ đi mất? Hãy nghĩ về việc họ không được đào tạo mà vẫn tiếp tục công việc!”, có ý dọa: nhân viên không được đào tạo đủ có thể gây hại cho tổ chức. Thực tế thì ít khi xảy ra như vậy, tổ chức đủ thông minh để ngăn tai họa ngay cả khi không đào tạo gì cho nhân viên, và nếu có khả năng đó thì nhân viên đã được đào tạo rồi. Có chăng, cái tổ chức mất là giá trị mới mà nhân viên kia có thể tạo ra nếu được đào tạo.

Đã xét từ quan điểm của tổ chức, thì lý do kinh tế chắc quan trọng nhất. Đào tạo nhân viên, hay bất kỳ phúc lợi nào khác, có thể được coi như khoản đầu tư của tổ chức. Đầu tư để có được giá trị mà nhân viên đem lại. Tùy thuộc đặc thù của tổ chức, giá trị mà nhân viên đem lại có thể nhiều hay ít trong kết quả chung. Ví dụ đại lý bán iPhone thì giá trị nhân viên đem lại không nhiều, còn công ty bán bảo hiểm thì ngược lại. Nhưng hai nhân viên như nhau, ở hai tổ chức giống nhau, lại được đào tạo khác nhau vì lý do gì? Câu trả lời có thể là, nhân viên được nhìn như một nguồn lực tạo giá trị ngắn hạn hay dài hạn.

Lấy ví dụ trong bán hàng cho dễ hình dung. Hay phải mua các thứ làm mộc nên tôi ghé qua vài cửa hàng vật tư điện nước gần nhà. Ở một số cửa hàng, người bán hàng tỏ ra thờ ơ với khách, ý bảo “mua gì thì mua không thì đi đi đừng làm phiền, để tôi còn chơi game”. Ở chỗ khác, người bán tỏ ra săn đón, hỏi han, sẵn sàng bỏ công chỉ dẫn. Theo trực giác hoặc có hiểu biết, người thứ nhất coi tôi là giá trị tức thời (one time), còn người kia nhìn tôi với giá trị dài hạn (life time value – LTV). Rốt cuộc tôi chỉ ghé một cửa hàng, chắc khỏi nói cái nào. Mỗi tháng tôi mua của họ 200,000 đồng, thì trong 5 năm sẽ là 12 triệu, đấy là chưa kể họ có thể có hàng mới và xúi tôi mua.

LTV có ích gì? Ích lợi quan trọng nhất của nó là giúp ta quyết định đầu tư bao nhiêu. Nghe nói Amazon đã tính và dựa vào con số này để có chiến lược đầu tư dài hạn. Một quán cà phê được đầu tư chu đáo, có phong cách (thường đi đôi với tốn kém) cũng tính đến LTV của khách hàng.

Quay lại chuyện đào tạo, nếu tổ chức tính được giá trị mà nhân viên đem lại trong dài hạn (ví dụ 3-5 năm) thì có thể tính ra số tiền hợp lý để đầu tư. Tiền này có thể tính đến từng người và điều chỉnh theo giá trị tương lai mà họ đem lại. Một cái hay là con tính này cũng giúp tổ chức tránh việc chi cho đào tạo quá nhiều (vì lý do đạo đức hay tâm lý chẳng hạn). Nếu tổ chức chỉ tập trung khai thác giá trị ngắn hạn, thì đầu tư đào tạo làm gì? Nói thêm về công ty bảo hiểm, hình như họ tính được LTV của nhân viên bán hàng, nên tổ chức đào tạo rất quy mô và dứt khoát. Cần thông tin kiểm chứng.

Nếu đào tạo rồi nhân viên đi mất thì sao? Rủi ro này cũng giống rủi ro khi đầu tư để giữ chân khách hàng thôi, mất bao tiền bạc công sức (cũng là tiền) nhưng khách hàng vẫn có thể đi. Chẳng có cách gì khác ngoài quản lý rủi ro, giữ quan hệ và hy vọng có thể họ (nhân viên và khách hàng) sẽ quay trở lại.

PS. Các công ty phần mềm thì rất nên tính giá trị dài hạn của nhân viên để đầu tư cho đào tạo cũng như các phúc lợi khác, chí ít vì LTV cũng có nghĩa là Lập Trình Viên :).