Tư vấn khiêm nhường (HC – Humble Consulting) là khái niệm do Edgar Schein đưa ra trên cơ sở kinh nghiệm tư vấn các tổ chức về văn hóa của tổ chức (OC – Organizational Culture). Ông cũng là tác giả của mô hình 3 cấp độ của OC đã trở thành kinh điển. Theo Schein, HC là một năng lực quan trọng cho các lãnh đạo và những người làm công việc trợ giúp (helping) về mặt tâm lý cho mọi người, không chỉ tư vấn mà còn coaching, counseling, v.v. Trong loạt bài này, tôi sẽ tóm tắt các ý của Schein trong sách Humble Consulting, và bổ sung bình luận về việc sử dụng HC để trợ giúp tâm lý khi làm mentor/ coach.
Các vấn đề cần giải quyết ngày càng phức tạp
Trong một thời gian dài, nhà tư vấn được hình dung như một chuyên gia hay bác sỹ giỏi, được client mời đến nghe vấn đề, rồi “rút túi” ra lời giải. Trong quá trình đó, nhà tư vấn giữ khoảng cách trong mối quan hệ với client, chỉ giới hạn ở mức quan hệ nghề nghiệp (giống như quan hệ giữa bác sỹ và người bệnh). Nhà tư vấn là người biết tỏng phải làm gì để giải quyết vấn đề.
Nhưng thực tế ngày càng không phải như vậy, vì vấn đề cần giải quyết ngày càng trở nên phức tạp, phi kỹ thuật, và không có lời giải sẵn. Chính vì thế mà rất nhiều kết quả tư vấn rốt cuộc bị xếp xó, vì không giúp ích được gì cho client.
- Trong một tổ chức, các phòng ban kỹ thuật cần phối hợp với nhau để làm việc. Tuy nhiên các lĩnh vực này ngày càng trở nên phức tạp, dẫn đến những người trong đó ngày càng có văn hóa riêng và tìm cách khẳng định tầm quan trọng của mình.
- Những nhóm người này không chỉ khác biệt về nghề nghiệp, mà còn cả khác biệt về văn hóa dân tộc, bao gồm ngôn ngữ và ngầm định.
- Người ta hay cho rằng, để giải quyết vấn đề thì chỉ cần mời tất cả những ai liên quan vào họp và nói hết bàn hết. Nhưng trên thực tế, phần việc khó nhất chính là làm sao để mọi người cùng đến và nói ra, cho nên rốt cuộc đây chỉ là giải pháp giả (pseudosolution). Các loại sáng kiến cải tiến tổ chức được ca ngợi kiểu như team building, scenario planning, future research, appreciative inquiry, lean production systmes, hay rapid prototyping, đều giả thiết rằng mọi người sẽ thống nhất được gì đó với nhau, mà quên rằng thậm chí họ còn chẳng buồn nói chuyện với nhau.
- Mọi người có cảm giác cần phải vội, nên ko dành đủ thời gian để xây dựng quan hệ, trong khi, để các văn hóa khác nhau nói chuyện được với nhau thì cần thời gian. Đẩy nhanh tiến độ bằng phương pháp kiểu rapid prototyping có thể thành công nếu như ta biết cần thử nghiệm quá trình nào, và với điều kiện rằng những người tham gia quá trình đó làm việc được với nhau. Nhưng thực tế là ta hay chọn sai quá trình để thử.
- Bản thân vấn đề cần giải quyết không ổn định vì môi trường ko ổn định. Triển khai “giải pháp” xong lại xuất hiện vấn đề hoàn toàn mới.
- Bản thân client cũng thay đổi, không chỉ đại diện cho cá nhân mà còn như một phần của hệ thống.
Các thực tại trên đòi hỏi một cách tiếp cận mới trong tư vấn – tư vấn khiêm nhường (HC). Tương tự hiện trạng với các tổ chức, các vấn đề tâm lý của một người cũng ngày càng phức tạp hơn, dẫn đến cần phải thay đổi cách thức trợ giúp cho họ.
Xem tiếp Bài 2.