Người Việt tự sướng, hay là câu chuyện một cuốn sách

Có sách “Người Trung quốc xấu xí”. Có sách “Người Nhật bản xấu xí”. Và có sách “Người Việt cao quý”.

Như tựa đề gợi ý, cuốn sách này viết về những phẩm chất tốt đẹp, đến mức “nhất thế giới”, của người Việt. Tuyệt vời hơn nữa, những lời khen ngợi này có thể coi là khách quan, vì tác giả của nó là A. Pazzi, một người Italy đến sinh sống và làm việc ở Việt Nam. NHƯNG…

Nhưng hóa ra, tất cả những lời khen tầm vũ trụ đó là của một người Việt! Chẳng có Pazzi nào hết, mà là nhà văn Vũ Hạnh! Tác giả còn cẩn thận “sáng chế” ra dịch giả Hồng Cúc, và để cho dịch giả fake đó nói ra những lời sau: “Thiết nghĩ được nói về dân tộc mình là một niềm vui, nhưng được nghe người khác nói về dân tộc mình – và nói bằng những cảm tính tốt đẹp là một niềm vui lớn lao.” Liệu việc fake ra một người nước ngoài để khen mình, mà kỳ thực là tự khen, có phải là một hành động “cao quý” hay không, xin mỗi người tự quyết định.

Tôi xin trích một vài đoạn trong sách để người đọc hình dung nội dung của nó:

Có thể nói rằng ý nghĩ đầu tiên đến trong trí óc của tôi “người Việt-Nam thật đẹp”.

Lần đầu tiên thấy cái nhìn của họ, tôi tự nhủ rằng: “Đây không phải là dân tộc tầm thường” và sau tôi phải kết luận: “Người Việt là một dân tộc ưu hạng có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống với bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này”

Nhưng tôi dám chắc là chưa có giống người nào có một nụ cười ý nghĩa như là nụ cười của dân tộc họ.

Ngôn ngữ Việt-Nam, ngoài sự vận chuyển, ý tưởng, còn là tiếng nói rất giàu âm điệu cũng như khả năng tượng thanh tượng hình hơn tiếng nào hết trên thế giới này.

Và chính nền văn minh Việt không có mặt nổi mà có mặt chìm, không có số lượng mà có phẩm chất. Đó là một loại văn minh riêng biệt, không hoàn toàn giống với bất cứ loại văn minh nào trên mặt địa cầu.

Trên phương diện này, dân Việt có lòng tự ái đặc biệt, khác hơn bất cứ là dân tộc nào.

 Nếu người ta đem so sánh trình độ dân quê nước Pháp hay là nước Mỹ với người dân quê Việt-Nam, người ta sẽ thấy rõ rằng trình độ phản ứng luân lý của người Việt-Nam sâu sắc hơn nhiều.

Cả đến những thần thoại của họ cũng có một tinh thần luân lý đặc biệt hướng về những giá trị rất cao đẹp. <…> Thật là khác hẳn với những thần thoại Tây Phương trong đó đa số thánh thần đều sống cuộc đời hỗn loạn, vô luân, nhiều khi phức tạp hơn là cầm thú. 

Có thể nói rằng hầu hết tác phẩm cổ điển Việt Nam đều chan chứa những tinh thần đạo đức, cương thường, và tuy xã hội đổi thay nó không hẳn còn phù hợp, nhưng tinh hoa ấy vẫn là nòng cốt tinh thần dân tộc. <…> Nếu đem so với văn chương Trung-Hoa thời cổ mà người Việt-Nam vốn rất trọng mộ, ta thấy tiểu thuyết Trung-Hoa dưới các triều đại phong kiến có lắm tác phẩm nhảm nhí, đồi trụy, trong khi văn chương Việt-Nam vẫn giữ được vẻ trong sạch, tinh khiết của một nề nếp vững vàng. Tất nhiên, chưa kể đến tiểu thuyết Ý hay Pháp hay Mỹ hay Anh thời xưa, có vô số những tác phẩm sa đọa nhầy nhụa bản năng con người.

Tôi tưởng không nói quá đáng khi nhận định rằng truyện Kiều – mà tôi phải tốn bao nhiêu công phụ tìm hiểu – là một tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt-Nam, có một nội dung cao nhất về mặt đạo đức, vượt xa hơn hẳn bao nhiêu tác phẩm cổ điển của nhiều dân tộc tự xưng có nền văn minh lâu đời trên thế giới này. 

Bà [Đoàn Thị] Điểm <…> đã cho người Việt thấy rằng tiếng nói của họ không thua kém gì ngôn ngữ Trung-Hoa, mà còn muốn nói là nó có thể ngang hàng hay là vượt hẳn ngôn ngữ Trung-Hoa về mặt nghệ thuật.

Tôi thấy có lẽ không dân tộc nào trên địa cầu này có cái tinh thần phân minh mà lại rộng rãi như người Việt-Nam. 

Nhờ sức sống ấy, cộng với tinh thần thông minh đặc biệt của giống nòi họ mà người Việt-Nam có những sáng kiến rất cao về mặt chiến lược, chiến thuật, về sự kiến trúc, về điệu thi ca, về các kỹ thuật canh tác hằng ngày.

Có lẽ một số người Việt khi nhìn thấy Kim-Tự-Tháp, thấy đền Ang-ko, hay là Vạn-Lý Trường-Thành, bỗng sinh tấc lòng phiền muộn hay mối mặc cảm tự ti vì thấy dân tộc của mình thiếu những công trình xây dựng qui mô. Họ quên hẳn rằng dân tộc của họ có thừa nghị lực, thông minh, cũng như tài năng tuyệt xảo để làm những công trình ấy, nhưng phải dồn hết tâm lực vào đầu mũi giáo, lưỡi cày trong cuộc chiến đấu tự tồn quá sức gian nan. 

Có lẽ chúng ta sẽ công bình hơn khi nói rằng trí thức Việt còn có nhiều người thông minh đến độ lỗi lạc tuyệt vời, và nhiều người sống rất đam mê lý tưởng, không ngừng hy sinh cho sự tồn tại, vươn cao của dân tộc họ. Chúng ta, dù ở quốc gia nào khác, cũng nghiêng mình trước họ, vì họ là niềm kiêu hãnh của một giống nòi.

Nói thêm về tác phẩm và tác giả:

Quyển “Người Việt cao quý” được NXB Cảo thơm xuất bản năm 1965 tại Sài gòn.

Theo wikipedia tiếng Việt: “Vũ Hạnh tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An. Vũ Hạnh là cán bộ văn hoá Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn. Trong hoàn cảnh viết trên sách báo công khai dưới chế độ ở miền Nam, ông đã có cách viết khéo léo để vẫn đưa được những thông điệp tiến bộ đến quần chúng mà không bị kẻ thù đàn áp. Sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên ban chấp hành Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng bài trên wikipedia dẫn quan điểm của Vũ Hạnh về tự do: “Bao giờ tôi cũng nghĩ rằng nhà văn phải có quyền được tự do viết nhưng mà tự do như thế nào? Bởi vì xưa nay khái niệm về tự do cần phải coi lại đã. Có nhiều người, như rõ ràng qua phát biểu của Bùi Minh Quốc hay Trần Mạnh Hảo không phải là tự do xây dựng đất nước mà nhằm chủ ý phá hoại chống đối.”

PS. Hồi khoảng những năm 1970, báo chí VN có đăng tin là có một nhà báo phương Tây (Thụy điển?) sang Hà nội để tìm hiểu về cuộc chiến, và tâm sự là “mơ thấy sáng ngủ dậy thành người VN”. Tôi tìm lại chuyện này mà chưa thấy.

Leave a Reply