Học tập dựa trên hiện tượng (Phenomenon Based Learning)

Trong phương pháp học và dạy dựa trên hiện tượng (PhenoBL – Phenomenon Based Learning), điểm khởi đầu cho việc học là các hiện tượng thực tế và toàn diện (không bị cắt xén, đơn giản hóa). Các hiện tượng này được tìm hiểu như những thực thể hoàn chỉnh, trong bối cảnh thực của chúng, và những thông tin và kỹ năng liên quan đến chúng sẽ được học bằng cách liên kết nhiều môn học khác nhau. Hiện tượng là các chủ đề tổng thể như con người, Liên minh châu Âu, phương tiện truyền thông và công nghệ, nước hay năng lượng. Cách khởi đầu này khác với cách làm của trường học truyền thống, chia thành các môn học, trong đó những thứ được tìm hiểu thường được chia thành các phần tương đối nhỏ và tách rời (xóa bỏ bối cảnh).

Cấu trúc chương trình giảng dạy theo kiểu dựa trên hiện tượng cũng tạo ra cơ hội tốt hơn để tích hợp các môn học và chuyên đề khác nhau, cũng như sử dụng có hệ thống các phương pháp sư phạm hữu ích, như học bằng hỏi (inquiry-based), học tập dựa trên vấn đề (problem-based), học tập dự án (project) và sổ theo dõi học tập (portfolio). Cách tiếp cận dựa trên hiện tượng cũng là chìa khóa trong việc sử dụng linh hoạt các môi trường học tập khác nhau (ví dụ: trong việc đa dạng hóa và làm phong phú thêm việc học trong khi sử dụng môi trường eLearning).

Học và hiểu sâu (deep learning) là mục tiêu của phương pháp học tập dựa trên hiện tượng

Học tập dựa trên hiện tượng bắt đầu từ việc cùng quan sát các hiện tượng của thế giới thực một cách toàn diện và chân thực trong cộng đồng học tập. Việc quan sát không giới hạn ở một quan điểm duy nhất; thay vào đó, các hiện tượng được nghiên cứu một cách toàn diện từ các quan điểm khác nhau, vượt qua ranh giới giữa các môn học một cách tự nhiên và tích hợp các môn và chuyên đề khác nhau.

Trong giảng dạy dựa trên hiện tượng, việc cùng tìm hiểu hiện tượng bắt đầu từ việc đặt câu hỏi hoặc nêu vấn đề (ví dụ: Tại sao một chiếc máy bay lại bay được và không rơi?). Khi phát huy tốt nhất, học tập dựa trên hiện tượng là học tập dựa trên vấn đề (problem based), khi người học cùng nhau xây dựng câu trả lời cho các câu hỏi hoặc vấn đề đặt ra liên quan đến một hiện tượng mà họ quan tâm. Các vấn đề và câu hỏi được đặt ra cùng nhau bởi chính những người học – là những điều mà họ thực sự quan tâm.

Cách tiếp cận dựa trên hiện tượng là học tập kiểu thả neo (anchored learning), khi các thắc mắc được hỏi và vấn đề cần học được gắn (neo) một cách tự nhiên vào các hiện tượng trong thế giới thực, và thông tin và kỹ năng cần học có thể được áp dụng trực tiếp xuyên ranh giới giữa các môn học và bên ngoài lớp học, trong các tình huống khi thông tin và kỹ năng được sử dụng (chuyển giao tự nhiên).

Trong quá trình học tập, thông tin mới luôn được dùng cho hiện tượng hoặc giải quyết vấn đề, điều đó có nghĩa là các lý thuyết và thông tin có giá trị sử dụng ngay lập tức như một bằng chứng trong tình huống học tập. Để tiếp thu thông tin mới và học sâu, điều rất quan trọng là người học áp dụng thông tin trong tình huống học tập. Thông tin chỉ học được ở cấp độ đọc hoặc lý thuyết (ví dụ ghi nhớ công thức vật lý và quy tắc tính toán mà không có bối cảnh thực tế hoặc các vấn đề liên quan) thường vẫn là hời hợt và rời rạc cho người học, thiếu mất sự hiểu biết toàn diện về thông tin (và hiện tượng thế giới thực đằng sau nó) hoặc nội hóa (internalise) được ý nghĩa của nó.

Cách tiếp cận dựa trên hiện tượng có thể làm tăng đáng kể tính thực chất (authenticity) của việc học. Lúc này, tính thực chất đạt đến đỉnh điểm vì quá trình nhận thức (quá trình suy nghĩ) của người học là thực tế – quá trình nhận thức của người học trong tình huống học tập trùng với quá trình nhận thức cần có trong tình huống thực tế, khi có nhu cầu sử dụng thông tin / kỹ năng. Tính thực chất là một yêu cầu quan trọng cho việc chuyển giao và ứng dụng thông tin vào thực tế. Thông thường, người ta nói rằng “bạn không thể học lái xe chỉ bằng cách sử dụng bút và giấy”, hoặc “các bài kiểm tra điền vào chỗ trống chỉ dạy ta cách trả lời các bài kiểm tra điền vào chỗ trống – không có bài kiểm tra nào trong cuộc sống hay công việc thực, chỉ có những tình huống giao tiếp thực sự mà ta phải áp dụng thông tin và truyền tải thông điệp một cách toàn diện và dễ hiểu cho người khác”. Trong học tập thực chất (authentic learning), mục đích là đem các thực tiễn và quy trình thực tế của cuộc sống làm việc vào các tình huống học tập theo cách có cấu trúc và có tính sư phạm, và khi áp dụng, cho phép người học tham gia vào cách làm việc mang tính chuyên gia thực sự trong lĩnh vực liên quan (so sánh với cộng đồng nghề).

Các lý thuyết học tập và mô hình sư phạm đằng sau phương pháp học tập dựa trên hiện tượng

Điểm khởi đầu của phương pháp dạy học dựa trên hiện tượng là chủ nghĩa kiến ​​tạo (constructivism), trong đó người học được coi là người chủ động xây dựng kiến ​​thức và thông tin được xem là được xây dựng như là kết quả của việc giải quyết vấn đề, được ghép từ “những mảnh nhỏ” thành một tổng thể phù hợp với tình huống tại thời điểm đó. Khi học tập dựa trên hiện tượng xảy ra trong một môi trường hợp tác (ví dụ, người học làm việc theo nhóm), nó hỗ trợ các lý thuyết học tập socio-constructivist và sociocultural, khi thông tin không chỉ được xem như một yếu tố bên trong của một cá nhân mà được hình thành trong bối cảnh xã hội. Vấn đề trung tâm trong các lý thuyết học tập văn hóa xã hội (sociocultural) bao gồm các tạo tác (artifact) văn hóa (ví dụ: hệ thống các biểu tượng như ngôn ngữ, quy tắc tính toán toán học và các loại công cụ tư duy khác nhau) – không phải người học nào cũng cần phát minh lại bánh xe, họ có thể sử dụng thông tin và công cụ được truyền tải bởi các nền văn hóa.

Trong chương trình giảng dạy, cách tiếp cận dựa trên hiện tượng hỗ trợ các phương pháp như học tập dựa trên học hỏi, học tập dựa trên vấn đề hay dự án, và sổ theo dõi học tập (portfolio learning) trong các cơ sở giáo dục cũng như việc thực hiện vào thực tế.

Các ưu điểm (motivational factors)

  • Việc học bắt đầu bằng mục tiêu hiểu các hiện tượng của thế giới thực
  • Người học thấy được giá trị ứng dụng của các lý thuyết và thông tin trong tình huống học tập
  • Tự người học có thể đưa ra mối quan tâm và nêu vấn đề làm điểm bắt đầu của quá trình học tập
  • Giảng dạy dựa trên hiện tượng coi người học là trung tâm, người học chủ động sáng tạo và hành động
  • Những lý thuyết cần học được gắn neo vào các tình huống thực tiễn và hiện tượng
  • Các phương pháp, nguồn và công cụ có tính xác thực (authentic) được sử dụng trong tình huống học tập
  • Học tập là một hoạt động có chủ ý, hướng mục tiêu; các học viên biết các mục tiêu học tập
  • Hoc tập xảy ra trong bối cảnh thực và toàn diện (holistic), (có tính bối cảnh, ngược lại so với các nhiệm vụ học tập đơn lẻ, bị tách khỏi thực tế và mất liên kết)
  • Quá trình học tập là một quá trình hoàn chỉnh và liên tục của việc hướng mục tiêu (complete goal-oriented continuum)

Dịch từ Phenomenal Education, in đậm là do người dịch.

Một bài liên quan trên trang twigeducation, có tóm tắt các thay đổi cần thiết trên lớp, nhất là thay đổi vai trò của chính giáo viên:

Học tập dựa trên hiện tượng là gì?

Gần đây, người ta chú ý đến khái niệm học tập dựa trên hiện tượng (PhenoBL). Lần đầu nó được chú ý là do quyết định cách mạng hóa chương trình giảng dạy của Phần Lan vào năm 2016, và bây giờ nó lại trở lại. Lần này, là do Hiệp hội Tiêu chuẩn Khoa học Thế hệ mới (Next Generation Science Standards). Chúng tôi quyết định làm sáng tỏ “học dựa trên hiện tượng” là gì và tại sao nó lại trở nên ngày càng phổ biến.

Phenomena Institute của Phần Lan nói rằng trong học tập và giảng dạy dựa trên hiện tượng, “điểm khởi đầu cho việc học là các hiện tượng thực tế và toàn diện. Các hiện tượng này được tìm hiểu như những thực thể hoàn chỉnh, trong bối cảnh thực của chúng, và những thông tin và kỹ năng liên quan đến chúng sẽ được học bằng cách liên kết nhiều môn học khác nhau”

Nói đơn giản hơn, PhenoBL là một phương pháp để hiểu một hiện tượng – một sự kiện có thể quan sát được – sử dụng các phương pháp và quan điểm khác nhau, thường có thể giao nhau. PhenoBL có cái nhìn bao quát, đa diện về các sự kiện và sự việc xảy ra trong thế giới thực, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, di cư, hoặc thậm chí là Liên minh châu Âu. Nhìn vào các thực thể này từ các góc độ khác nhau giúp học sinh thực sự hiểu được hoạt động của các sự kiện tự nhiên và xã hội. Chúng tôi đã tạo một danh sách ngắn về tất cả các tính năng của PhenoBL để cung cấp cho bạn tổng quan nhanh nó có nghĩa là gì khi giảng dạy trong lớp học:

Mọi thứ thật hơn: Thế giới thực là nền tảng của PhenoBL – cung cấp một điểm khởi đầu rất cần thiết và được lặp lại ở mọi giai đoạn. Học sinh và giáo viên chọn tập trung vào một hiện tượng trong thế giới thực: mưa, du hành vũ trụ hoặc một vấn đề nổi cộm nào đó, như xói mòn đất. Học sinh nghiên cứu hiện tượng mà họ quan tâm, sử dụng các truy vấn khoa học (scientic enquiry) và kỹ năng giải quyết vấn đề với mục đích hiểu và làm sáng tỏ nó.

Hỏi và hỏi nữa: PhenoBL kích thích mạnh sự tò mò, và vì vậy sinh viên được khuyến khích đặt câu hỏi về những gì xung quanh họ. Đây không phải là điều gì cách mạng. Nhiều thế kỷ trước, Socrates đã sử dụng một phương pháp đặt câu hỏi tương tự để hướng dẫn học trò của mình: để tìm ra câu trả lời đúng, họ phải biết cách đặt câu hỏi đúng. PhenoBL lặp lại cách tiếp cận này, ưu tiên câu hỏi “làm thế nào” hơn là “tại sao” để truyền cảm hứng cho sinh viên thực hiện các quan sát.

Đưa vào bối cảnh: Học tập dựa trên hiện tượng xây dựng mối liên hệ hữu hình giữa chương trình giảng dạy và thế giới thực, nhưng nó cũng giúp để liên kết các môn học riêng biệt khác nhau mà học sinh học ở trường: các kim tự tháp Ai Cập hiển thị tri ​​thức chuẩn xác về kỹ thuật vật lý, cả hai đều đòi hỏi các tính toán phức tạp và chính xác. Và nghiên cứu về hóa thạch và các miệng hố trầm tích – một sự pha trộn hoàn hảo giữa địa lý và khoa học – đã giúp các nhà khoa học tìm hiểu về đa dạng sinh học của Trái đất hàng triệu năm trước.

Thay đổi vai trò của giáo viên: PhenoBL thay đổi vai trò của giáo viên, biến họ từ người cung cấp kiến ​​thức sang hướng dẫn giúp học sinh tự tìm kiến ​​thức. Điều này ban đầu có thể là một đề xuất hơi khó chịu cho cả giáo viên và học sinh – xem học sinh vật vã khiến nhiều giáo viên muốn nhảy vào trả lời. Nhưng, hãy kiên định với cấu trúc bài học đã được đổi mới: tất cả vẫn là để đạt được mục tiêu học tập.

Các kỹ năng khác: Vẻ đẹp của PhenoBL là nó cũng tích hợp việc học các kỹ năng xã hội quan trọng, như giao tiếp rõ ràng và khả năng hoạt động trong một nhóm. PhenoBL cũng khuyến khích sử dụng các mô hình sư phạm khác: học tập dựa trên dự án, học tập tích hợp và học tập dựa trên hỏi, xin dẫn vài ví dụ.

Vậy chúng ta có thực sự cần PhenoBL không? Chắc chắn rồi! Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, PhenoBL đặt nền tảng cho việc thực sự chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo suy nghĩ và hành động như những nhà khoa học trong thế giới thực. PhenoBL cho phép người học sở hữu quá trình học tập, biến họ từ những người tham gia thụ động trong giáo dục thành những người học tích cực. Hơn thế nữa, PhenoBL tiến một bước xa hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng STEM bằng cách kết hợp nó với sự sáng tạo của nghệ thuật, mang đến cho thế hệ tiếp theo một nền giáo dục hoàn chỉnh, toàn diện.


Một nguồn tham khảo nữa, dễ đọc: https://www.onatlas.com/blog/phenomenon-based-learning

1 thought on “Học tập dựa trên hiện tượng (Phenomenon Based Learning)

  1. Pingback: (Review sách) Nguyên tố – theo đuổi Đam mê sẽ giúp bạn hạnh phúc và thành công - Phan Phuong Dat

Leave a Reply