Uy và quyền của nhà giáo

Chút cảm nghĩ nhân ngày 20/11/2021

Để giáo dục trẻ con, các thầy cô giáo cần uy và quyền. Uy là uy tín, hình ảnh của thầy cô, gồm các phẩm chất và tri thức. Bọn trẻ cảm thấy uy tín của người thầy, tự nhiên kính trọng và nghe lời.

Quyền là quyền lực gây ảnh hưởng lên bọn trẻ. Khi đủ uy, các thầy cô ít khi sử dụng đến thứ này. Bà Thatcher nói: quyền lực cũng như nữ tính, nếu bạn phải nói ra là bạn có nó, thì tức là bạn không có. Khi uy tín không đủ, cảm thấy bọn trẻ không phục, “chống đối”, các thầy cô sẽ dùng đến quyền lực. Lạm dụng quyền lực là biểu hiện của thiếu uy, và của sự bất lực.

Để xây dựng uy tín, các thầy cô sẽ chăm lo cho hình ảnh của bản thân, các phẩm chất và tri thức. Bọn trẻ chỉ thấy thầy cô trong một số bối cảnh nhất định, khi hình ảnh được kiểm soát, và tương thích với những lời dạy. Chính vì thế nên bụt chùa nhà mới không thiêng, bản thân các thầy cô khó dạy con mình, vì tất nhiên chúng biết hết mọi thứ về họ, cả những hạn chế về phẩm chất và tri thức.

Ở thời đại 4.0, bỗng nhiên tụi học trò biết hơn rất nhiều về thầy cô mình. Có hai lý do. Thứ nhất là các thông tin riêng tư bị phơi bày. Nếu trước kia các thầy cô nói chuyện riêng với nhau thoải mái và bọn trẻ không thể biết, cố tìm biết là trọng tội nghe lén, thì ngày nay bọn chúng có thể thấy dễ dàng trên mạng xã hội. Quan sát các thể hiện của thầy cô trên Facebook, chúng sẽ điều chỉnh hình ảnh của họ trong đầu. Thứ hai, kiến thức trở nên lỗi thời. Các thầy cô khó còn có thể biết nhiều hơn học sinh như trước, thậm chí có nhiều thứ tụi trẻ giỏi hơn.

Vì thế, uy tín bị ảnh hưởng nhiều. Trong bối cảnh này, khi cảm thấy sự ngờ vực của trẻ đối với uy danh mình, các thầy cô sẽ có xu hướng sử dụng quyền lực. Khi đó, thay vì sự kính trọng, sẽ chỉ còn sự cam chịu. Không có tin cậy và cởi mở, việc học sẽ không xảy ra.

Như vậy, bản thân nghề nhà giáo đang thay đổi rất nhiều. Xu hướng có lẽ sẽ là, thầy cô coi bọn trẻ như người lớn, biết về họ nhiều hơn họ tưởng, có chủ kiến riêng cần được tôn trọng, có kiến thức ngang mình. Hướng dẫn chúng học và học cùng chúng. Mà học cùng tức là luôn sẵn sàng nhận mình sai. Thầy cô không phải là người chở đò nữa, mà là người đồng hành lớn tuổi kiên nhẫn, luôn tìm cách lui lại một chút về phía sau.

Leave a Reply