Tag Archives: snalien house

Nguyễn Thu Hà: OVERTURES FOR INSTALLATION

(Bài viết trên facebook của bạn Nguyễn Thu Hà, 20/11/2015)

Mình còn nhớ khi bằng tuổi lũ trẻ bây giờ, được người lớn cho đến chơi nhà ai đó, cái còn đọng lại trong ký ức, không phải ngôi nhà đó to lớn, sang trọng như thế nào, mà là nó thu hút ra sao với trí tưởng tượng, với óc tò mò phải luôn tìm kiếm, khám phá, không một phút nào ngừng nghỉ, có chăng chỉ trừ lúc ngủ, trong những cái đầu bé nhỏ nhưng nhậy cảm và hiếu động vô chừng mực ấy. Một tủ gỗ hay gác xép đồ sộ với những đầu sách đủ đông tây kim cổ, những ngôn ngữ viết với ký hiệu kỳ lạ; những giá bầy vô số vật lưu niệm hay trang trí phong phú sắc mầu được sưu tầm sau những chuyến đi từ mọi miền thế giới; một bộ sưu tập bướm và côn trùng sống động như chỉ chạm vào, chúng sẽ lại bay vù vù hay bò lổm ngổm, nhiều khi sẽ là buổi trình diễn đầu tiên của Installation Art – nghệ thuật sắp đặt, mà một đứa trẻ sẽ không sao quên được. Chỉ khi lớn lên, nó mới phần nào lý giải được sự hấp dẫn từ trong vô thức đó. Không phải đơn giản là cái gì lần đầu cũng đầy sức hút mới mẻ, mà cái quyền lực tự phong khi mình được sắp đặt một thế giới, dẫu vô cùng bé nhỏ, theo cách của riêng mình, tự mình lựa chọn những gì sẽ là một phần của thế giới đó, tùy hứng đảo lộn nó không theo bất cứ trình tự thời gian và không gian nào, mới là niềm đam mê tối thượng, đáng để một trò sắp đặt trong ký ức tò mò con trẻ trở thành một cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ những overture for installation lớn hơn của người trưởng thành.

12241570_10205164207087901_1319287746885834024_n

Tái sử dụng là đề tài không mới của Installation Art và Overture about re-used objects sẽ là ấn tượng đầu tiên về ngôi-nhà-bên-hồ được dựng lên từ những container chở hàng. Như vừa được bốc dỡ xuống từ con tầu xuyên đại dương, mệt mỏi nhưng đầy mãn nguyện cập cảng trong buổi sớm mai tinh khiết, trong trạng thái gần như không thay đổi, vẫn còn nguyên những dòng chữ sơn tên công ty vận tải, những vết giấy dán, những chốt khóa nặng nề, chúng được khéo léo ghép xếp vào nhau như trò lego, để vươn lên cân đối, chắc chắn, ngỡ bén rễ rất lâu từ đất liền, mà vẫn dấu sau lưng mình hơi thở phập phồng của biển cả. Ngôi nhà từ những mảnh ghép ấy hòa hợp lạ lùng khi nép dưới lưới mái sắt hình bán nguyệt, sơn trắng tinh, đan cài khỏe khoắn, hiện đại, như những nhịp cầu vồng lộng lẫy sau mưa, làm khách bỗng sinh nuối tiếc bởi vẻ duyên dáng tinh khôi ấy sẽ mất đi khi mầu xanh của dây leo trùm kín nó một ngày không xa, dẫu biết rằng sẽ có một vẻ đẹp Vệ nữ mới mẻ bước ra từ trong vỏ sò ý tưởng của người chủ. Vào những ngày đẹp trời, mặt hồ trong vắt, khi ngôi nhà nhìn thấy chị em sinh đôi của nó trong đáy nước, thử nghịch xoay khuôn hình đứng lên, ta sẽ thấy những vòng tròn hoàn hảo tạo thành chiếc giỏ bạc lung linh như một biến thể tốt đẹp của chiếc hộp Pandora mà món quà bí ẩn trong đó còn hơn là một niềm hy vọng, nó là một nơi ấm áp, là chốn đi về của niềm vui và hạnh phúc.

Chàng thủy thủ Popeye chắc cũng chỉ hài hước đến như chủ nhà khi sắp đặt con tầu cho nàng Oliver của mình với tinh thần của lễ hội Haloween, dọa khách từ khi bước chân vào cửa với chiếc ghế là hai ống chân gỗ được giấu dưới chiếc quần bò, còn chêm thêm dưới gấu quần chiếc giầy vải cũ, thiếu mỗi vệt sơn mầu đỏ loang lổ. Cạnh đó là chiếc lưới vàng kỳ cục, chắc chỉ chuyên để bắt những nàng tiên cá. Sách sắp đặt lộn xộn trên kệ, tiếng Anh xếp chồng lên tiếng Nga, người chủ hẳn muốn tranh thủ đọc chút gì trong thời gian nghỉ ngơi trên con tầu của mình nhưng rốt cuộc cái sự đọc ấy chỉ mới được bắt đầu, như mọi thứ nơi đây…

12227579_10205164207287906_3947227152195145340_n.jpg

Chiếm chỗ trong cuộc sắp đặt còn dang dở này là những ký ức về sân chơi tuổi thơ, nơi có cầu trượt, bập bênh, trong một thành phố ngổn ngang sắt thép của cuộc tái thiết sau chiến tranh nhưng vẫn đủ rộng để một chiếc đu văng đủ nửa vòng cung cao ngất, để trí tưởng tượng của một đứa trẻ chạm đến trời sao, lại là một tác phẩm sắp đặt nữa bởi những chao đèn ken sát nhau trên tấm lát trần kim loại. Tiếc không được thấy chúng được thắp sáng đến thế nào khi trời tối, để thấy như mình đứng trong phim trường Titanic, khi Rose chầm chậm bước lên cầu thang, cùng Jack viết tiếp câu chuyện vĩnh cửu bên những lan can tầu trắng muốt.

Những cánh cửa kính chỉ được kéo ra khi gió từ hồ chiều xuống sẽ làm se áo mỏng, còn lại, phần lớn thời gian, khách và chủ như ngồi trên boong tầu đầy khí trời và gió, thấm đẫm trong bản thể những lay động dù nhỏ nhất của một overture về sắp đặt âm thanh, ngẫu hứng nhưng thân thuộc, mà ở đó có tiếng ong khẽ khàng đập cánh mỏng bên tiếng nước rào rào tràn xuống như mưa từ bể lọc bị tắc trên mái nhà, tiếng phong linh lanh canh như vẫn thế từ cửa sổ nhà ai đó trong ký ức, tiếng lép bép trong chiếc bếp than tỏa khói trước thềm dưới bàn tay nghệ sỹ của người điều khiển, tiếng sóng hồ điềm đạm, êm ả, tiếng ngàn lau phơ phất từ con đường lên rặng núi ven hồ, sắc sắc, không không.

12278674_10205164207247905_4935189179124194497_n

Overtures dẫu hoàn chỉnh đến mấy vẫn chỉ là một sự khởi đầu cho những chương tiếp theo với biết bao biến tấu và ngẫu hứng. Đỉnh cao của Installation, phải chăng vẫn là cảnh chàng thủy thủ Popeye với cẳng tay còn nguyên vết bẩn từ lúc khách đến cho tới khách đi bởi sửa máy bơm, ngồi hướng dẫn con gái cắm hướng dương vào bình dưới ánh mắt trìu mến của nàng Oliver; hay là người nghệ sỹ quay lưng vào khán giả, hướng ra mặt hồ khói sương yên ả, điệu nghệ điều khiển những xiên thịt nướng. Họ vẫn đang viết, những overtures for installation rất riêng của mình…