Tag Archives: marshall goldsmith

Bổ, sướng, hay cả hai?

“- Mục đích của cuộc sống là gì hả bố?
– Hmm. Bố đã cống hiến cả đời mình cho các giác quan…”
(Thế giới kỳ diệu của Gumball)

Người ta bảo sống là để hạnh phúc. Vậy làm sao biết một người có cuộc sống hạnh phúc? Một anh nhà giàu suốt ngày đi chơi, sống cuộc đời sung sướng được ghen tỵ nhưng lại cảm thấy vô nghĩa. Một cô giáo tình nguyện lên vùng cao dạy trẻ được cảm phục vì làm việc nghĩa, nhưng cảm thấy đời mình khổ. Hạnh phúc có lẽ là cả hai đồng thời: sung sướng và có ý nghĩa.

Không phải lúc nào ta cũng có thể ngồi ngẫm cuộc đời mình xem có sung sướng và ý nghĩa hay không, để rồi có những điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, vì cuộc sống của ta là chuỗi các hoạt động mỗi ngày, nên ta có thể xem xét hoạt động của mình hàng tuần, thậm chí hàng ngày, để biết những hoạt động nào đang đem lại gì.

Biểu đồ dưới đây của Marshall Goldsmith giúp ta phân nhóm và xác định các hoạt động của mình, bao gồm cả hoạt động cá nhân (personal) và nghề nghiệp (professional), tương ứng với cuộc sống và công việc. Bằng cách phân tích chúng, ta có thể có những điều chỉnh phù hợp và khả thi, để hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Mojo

Sinh tồn (surviving). Các hoạt động thuộc nhóm này vừa không sướng vừa không bổ (có ý nghĩa). Đó là những thứ ta bắt buộc phải làm để sống qua ngày. Ví dụ phải làm thêm giờ liên lục mỗi ngày cho công việc tẻ nhạt và chỉ nhận được tiền công ít ỏi. Nếu hoạt động hàng ngày thuộc nhóm  này nhiều, thì ta có một cuộc sống khổ cực.

Phê (stimulating). Các hoạt động tạo cảm giác sung sướng ngắn hạn nhưng vô bổ về dài hạn. Ví dụ xem TV, lướt phây. Chén một bữa no say khi cần ăn kiêng thuộc nhóm này. Buôn dưa lê với đồng nghiệp có thể vui, nhưng không giúp gì cho sự nghiệp của ta. Cuộc sống có nhiều hoạt động “phê” sẽ rất dễ chịu nhưng không đi đến đâu cả.

Hy sinh (sacrificing). Các hoạt động có ý nghĩa dài hạn nhưng khiến ta khổ sở. Ví dụ bạn phải làm một công việc mà mình k0 thích, để có thu nhập nuôi gia đình. Hoặc bạn làm thêm giờ cho một dự án nào đó để thêm cơ hội thăng tiến (khác với ví dụ ở trên). Hoặc phải ăn theo chế độ rất chán để giữ sức khỏe. Cuộc sống chủ yếu gồm các hoạt động này sẽ giống người tử vì đạo – nhiều thành tựu nhưng ít niềm vui. Người ta cứ hay kêu gọi sự “hy sinh cao cả” ở các thầy cô giáo, cứ như nghề giáo là hẳn nhiên phải thế? Tại sao không phải là cả hai, như thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: happy teachers change the world.

Thành đạt (succeeding). Đây là những hoạt động mà ta thích làm, đồng thời có ý nghĩa đối với ta. Tức là vừa sướng vừa bổ. Ví dụ một ông bố thích thú chơi đùa với con và thấy chúng học được nhiều điều. Hoặc một người được làm công việc yêu thích và kiếm được nhiều tiền. Cuộc sống nhiều hoạt động loại này là một cuộc sống mơ ước.

Những hoạt động không rõ ràng thuộc hẳn vào một trong bốn nhóm trên là những hoạt động “bình bình”, không bổ lắm và cũng chẳng sướng lắm.

Lưu ý rằng, việc đưa một hoạt động của bản thân vào nhóm nào là chủ quan của bạn và chỉ bạn mà thôi. Một công việc ở nhóm Sinh tồn với bạn trẻ có điều kiện ở thành phố có thể lại ở nhóm Thành đạt với một bạn trẻ khó khăn ở quê mới ra.

Bài này nằm trong chuỗi các bài giới thiệu các Biểu đồ góc phần tư (quadrant diagram) – một công cụ đơn giản và hiệu quả để biểu thị mối tương quan giữa hai đại lượng mà ta có thể dùng làm định hướng cho hành động của mình.

Bài liên quan:

David Wong: Có 5 thứ hại đời bạn mà bạn không hay biết

Happy Teachers Will Change The World

Tủ bếp có radio, mỗi khi lọ mọ ở đó là tôi bật lên nghe. Gần 20/11, có nhiều bài hát ca ngợi các thầy cô giáo. Chợt nhận ra, đa số hình ảnh người thầy trong bài hát là hình ảnh của một sự hy sinh, chấp nhận thiệt thòi…

Tôi luôn có cảm giác ái ngại khi thấy những gương hy sinh trên TV, bất kể là bà mẹ anh hùng, chiến sỹ hay nhà giáo. Cho dù là lúc họ được tôn vinh, thì vẫn cảm thấy một nỗi buồn, một sự tiếc nuối ở sâu bên trong. Không hiểu sao, đa phần các tấm gương dạy học đều đi cùng với nghèo khổ, cứ như một cặp tương phản không thể tách rời. Chả lẽ thầy giáo giỏi và giàu có thì không đáng trở thành tấm gương?

Đã có một thời đất nước cần sự hy sinh. Nhưng không có lý gì, khi chiến tranh đã lùi xa, mà xã hội vẫn cứ tiếp tục ca ngợi và kêu gọi nó. Alexievich, nhà văn Bạch Nga đạt giải Nobel 2015 viết: “Chúng ta luôn đang chiến tranh hoặc chuẩn bị cho chiến tranh. Hồi tưởng về chiến tranh. Chưa bao giờ sống khác, và có lẽ cũng chẳng biết cách sống khác… Ở trường, người ta dạy chúng tôi yêu cái chết. Chúng tôi viết luận về việc mong được chết cho điều gì đó. Mơ về nó…” (*). Chả lẽ người ta cứ mãi phải “quên mình” cho lý tưởng? Tại sao cứ đặt chúng mâu thuẫn với nhau? Tại sao không vừa vì lý tưởng, vừa vì chính bản thân mình – cũng là vì những người thân yêu nhất của mình?

Để một người hạnh phúc, theo Goldsmith, họ cần cảm thấy cuộc sống của mình có hai thứ: sự sung sướng ngắn hạn, và ý nghĩa dài hạn. Những người có cuộc sống sung túc, đi chơi suốt ngày và được nhiều người ghen tỵ vẫn không cảm thấy hạnh phúc là vì họ thấy cuộc sống của mình thiếu ý nghĩa. Ngược lại, người hy sinh cho nghĩa lớn mà không có cuộc sống sung túc cho mình và gia đình thì cũng không hề hạnh phúc.

Dịp 20/11 năm nào, Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra khẩu hiệu: “Happy teachers will change the world”. Thực vậy, thế giới có rất nhiều vấn đề, cần được đổi thay, và giáo dục luôn là một lời giải tốt nhất, bất kể vấn đề là gì. Các thầy cô, thông qua thế hệ mới, là những người có cơ hội thay đổi thế giới, làm nó tốt đẹp hơn. Nhưng không phải thầy cô nào cũng làm được điều đó, mà là những “thầy cô hạnh phúc”.

Chúc các thầy cô có được cuộc sống sung túc khi theo đuổi sự nghiệp cao đẹp của mình. Chúc các thầy cô hạnh phúc!

14ce32f74862db0308f2f76ef7abe3c5

Nguồn: quotesgram.com

 

(*) “Мы все время воевали или готовились к войне. Вспоминали о том, как воевали. Никогда не жили иначе, наверное, и не умем.. В школе нас учили любить смерть. Мы писали сочинения о том, как хотели бы умереть во имя… Мечтали…” Светлана Алексиевич. У войны не женское лицо.